Đô thị Quảng Nam đứng ở đâu?

Quảng Nam khát khao phát triển đô thị hiện đại, có bản sắc nên từ 5 năm trước, Tỉnh ủy đã đề ra chương trình phát triển đô thị cho giai đoạn 2016  – 2020. Bức tranh đô thị hôm nay với nhiều gam màu sáng, lượng và chất đô thị được cải thiện đáng kể, song nhiều nơi chưa khai thác hết nguồn lực nội sinh vốn có. Xây dựng thương hiệu, định vị giá trị và vị thế của đô thị Quảng Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ đô thị Việt Nam, cũng là cách tháo gỡ rào cản, vạch ra hướng đi đúng nâng tầm vóc cho đô thị tương lai.

do-thi-quang-nam-dung-o-dau
Xây dựng thương hiệu, đẳng cấp đô thị luôn là mục tiêu đeo đuổi của Quảng Nam. Trong ảnh: Đô thị Tam Kỳ.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

THIẾU ĐỘNG LỰC VÀ BẢN SẮC

Hạn chế trong nguồn lực đầu tư lẫn tầm nhìn quy hoạch đã chia cắt không gian phát triển, dẫn đến sự chắp vá thiếu đồng bộ trong xây dựng kết cấu hạ tầng khung. Minh chứng là nhiều đô thị nhạt nhòa bản sắc, thiếu năng lực cạnh tranh và động lực phấn đấu để lên hạng như mục tiêu đề ra.

Lẹt đẹt với thứ hạng

Ngày 19.7.2016, Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 38 để đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 03, ngày 15.7.2011 của Tỉnh ủy (khóa XX) về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 (gọi tắt Kết luận số 38); đề ra định hướng, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm về phát triển đô thị giai đoạn 2016 – 2020. Thời điểm 2016, quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh. Quảng Nam có 15 đô thị: 1 đô thị loại II – Tam Kỳ, 1 loại III – Hội An và 1 loại IV – Điện Bàn, còn lại 12 thị trấn huyện lỵ cấp đô thị loại V. Cả tỉnh chưa có một đô thị nào “đẳng cấp số 1” theo phân chia thứ hạng của Bộ Xây dựng.

Kết luận số 38 của Tỉnh ủy đã đưa ra nhiệm vụ cụ thể là sau 2020, Tam Kỳ phải đạt đô thị loại I, Hội An đạt đô thị loại II, Núi Thành đạt đô thị loại III, 5 đô thị đạt loại IV (Nam Phước, Ái Nghĩa, Hà Lam, Thạnh Mỹ, Khâm Đức), các đô thị Tơ Viêng, Tăk Pỏ, Trung Phước, Bình Minh, Duy Hải – Duy Nghĩa đạt đô thị loại V. Cùng với mục tiêu đó, điểm đáng chú ý là các địa phương đảm bảo không gian phát triển đô thị gắn với không gian kinh tế và có hiệu quả trong sử dụng đất; nâng cao chất lượng đô thị và đời sống thị dân.

Sau 5 năm kết quả thực hiện như thế nào? Theo dự thảo báo cáo của UBND tỉnh, thì đến nay không có địa phương nào đáp ứng được mục tiêu đặt ra. Thậm chí như Tam Kỳ, theo Kết luận số 38, hướng đến đô thị loại I sau năm 2020 nhưng hiện nay chưa đáp ứng đủ tiêu chí đô thị loại II. Nhóm tiêu chí mà thành phố này chưa đạt chủ yếu nằm ở thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ tăng dân số hàng năm, quy mô dân số toàn đô thị, số nhà tang lễ.

Tương tự, Hội An đang điều chỉnh quy hoạch chung thành phố theo nhiệm vụ được UBND tỉnh duyệt, chật vật với các tiêu chí của đô thị loại III, huống hồ gì nói đô thị loại II. Như vậy, một số chỉ tiêu về nâng loại đô thị không đạt được theo Kết luận số 38 như xây dựng Hội An đạt tiêu chí đô thị loại II; Núi Thành thành đô thị loại III; Nam Phước, Hà Lam, Khâm Đức, Đông Phú, Ái Nghĩa và Thạnh Mỹ thành đô thị loại IV.

do-thi-quang-nam-dung-o-dau
Xây dựng thương hiệu, đẳng cấp đô thị luôn là mục tiêu đeo đuổi của Quảng Nam. Trong ảnh: Đô thị Tam Kỳ.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Chưa tạo dấu ấn khác biệt

Một khu vực định hướng phát triển sớm từ 20 năm về trước là Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, nhưng do trước đây đồ án quy hoạch xây dựng đô thị chạy dọc ven biển, ven sông Cổ Cò chưa được chú trọng; mặt khác vướng mắc giải phóng mặt bằng nên đã hình thành kiểu đô thị… da beo. Tại các khu làng chài Điện Dương (Điện Bàn) hay vùng ven biển của Hội An, các resort đã lấn biển, đô thị ven biển nhưng lại thiếu vắng các bãi tắm công cộng.

Theo các quy hoạch, không gian đô thị không bao giờ tách rời không gian kinh tế. Đô thị vùng đông, ở đây là Khu kinh tế mở Chu Lai, mới manh nha xây dựng, phát triển các khu kinh tế, công nghiệp, cảng biển, du lịch, dịch vụ nên chưa thấy rõ dấu ấn của không gian đô thị – kinh tế trong bức tranh tổng thể phát triển kinh tế – xã hội. Với khu vực miền núi thì các cơ sở kinh tế chưa hình thành, động lực phát triển đô thị chủ yếu là… trung tâm hành chính.

Giám đốc Sở Xây dựng – ông Nguyễn Phú cho rằng, đến nay hệ thống đô thị của tỉnh cơ bản phát triển nhanh theo hướng hiện đại, quy mô được mở rộng, chất lượng đô thị được cải thiện. Một số đô thị bắt đầu xây dựng được thương hiệu như Hội An, Tam Kỳ, Khu kinh tế mở Chu Lai. Kinh tế khu vực đô thị là nguồn đóng góp chính cho phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, định hướng phát triển giữa các đô thị trong vùng khá tương đồng, phần lớn chưa khẳng định sự khác biệt trong cạnh tranh phát triển và tạo lập bản sắc riêng.

Sự liên kết đô thị rời rạc, dễ nhận thấy nhất ở hành lang đô thị hóa theo trục phát triển đông – tây. Chất lượng, hạ tầng dịch vụ, tiện ích đô thị… là những yếu tố làm nên “giá trị sống” của một đô thị thông minh. Tuy nhiên, Sở Xây dựng thừa nhận, chất lượng đô thị chưa cao, lúng túng triển khai một số tiêu chí. Nhiều đô thị chỉ mới đầu tư hạ tầng cơ bản theo thiết kế thị chính mà quên xây dựng các công trình đầu mối xử lý rác thải, nước thải. Chưa kể mạng lưới hạ tầng xã hội chưa được đầu tư đồng bộ.

Theo ngành xây dựng, cái khó cho phát triển đô thị là chưa có cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng để mở rộng không gian đô thị và chỉnh trang, tái thiết khu vực đô thị hiện hữu. Hầu hết đô thị của tỉnh đều bị “liệt” tiêu chí về quy mô dân số tối thiểu nên chưa đáp ứng theo quy định để nâng cấp thứ hạng đô thị.

LONG ĐONG VỚI ĐÔ THỊ NÚI THÀNH

Núi Thành hội đủ điều kiện để “lên hạng” đô thị nhưng vẫn còn loay hoay trong thực hiện vài tiêu chí và hạn chế nguồn lực đầu tư.

do-thi-quang-nam-dung-o-dau
Cầu Tam Giang, nối bán đảo Tam Giang với đô thị Núi Thành nhiều năm thi công dở dang do vướng mặt bằng. Ảnh: H.P

Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Lê Văn Sinh cho biết, địa phương đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại IV, nhưng hồ sơ vẫn chưa được Bộ Xây dựng thẩm định và công nhận. Đối chiếu Nghị quyết số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25.5.2016, đề án đô thị Núi Thành tại thời điểm này đạt hơn 94,6/100 điểm. Trong đó, các tiêu chí “cứng” như vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội; quy mô dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng… đều đạt chuẩn. Trong khi các địa phương khác rất khó khăn trong thực hiện liên kết không gian đô thị với không gian kinh tế, thì Núi Thành có điều kiện rất thuận lợi. Các khu công nghiệp trên địa bàn hoạt động mạnh, đóng góp lớn nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Theo đồ án quy hoạch chung đô thị Núi Thành, đây là trung tâm tổng hợp cấp vùng, một địa bàn quan trọng trong Khu kinh tế mở Chu Lai; xây dựng Núi Thành thành đô thị loại III trực thuộc tỉnh, gắn kết với đô thị Tam Kỳ. Địa phương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 lên đơn vị hành chính cấp thị xã. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu trên, Núi Thành phải “trả nợ” dứt điểm 3 tiêu chí không đạt của đô thị loại IV gồm mật độ dân số toàn đô thị; mật độ đường chính và tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng.

“Chỉ đầu tư các công trình đang dở dang thì địa phương đã hết nguồn lực rồi, biết lấy vốn ở đâu để đầu tư công trình mới hay chỉnh trang đô thị. Cho nên, huyện đề xuất tỉnh có cơ chế hỗ trợ, hoặc để lại một phần nguồn thu từ tiền sử dụng đất cho địa phương đầu tư phát triển đô thị” – ông Sinh nói.

Tại buổi làm việc với Núi Thành về chương trình đô thị mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Sở Xây dựng cùng địa phương, đơn vị tư vấn rà soát thủ tục hồ sơ, kỹ thuật, các tiêu chí, tiêu chuẩn để Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại IV. Về khắc phục tiêu chuẩn mật độ đường chính lớn hơn 7,5m, địa phương cần bổ sung thêm các tuyến đường nằm trong trục khu công nghiệp; khảo sát đầu tư một số tuyến đường mới. Phấn đấu trong năm nay Núi Thành sẽ được công nhận đô thị loại IV; ngay từ bây giờ phải có lộ trình chuẩn bị nâng hạng lên thị xã.

Núi Thành đang lấy ý kiến của các ngành, chuyên gia và đơn vị tư vấn để hoàn thiện quy hoạch 1/2000 khu đô thị tây bắc sân bay Chu Lai. Đây là khu đô thị phục vụ cho việc tái định cư, sắp xếp dân cư, phát triển đô thị hiện đại.

MƠ VỀ “THÀNH PHỐ BÌNH YÊN”

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu xây dựng tỉnh lỵ Tam Kỳ cơ bản đạt tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2025, từng bước xây dựng đô thị sinh thái, thông minh và đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030, hình thành vùng động lực góp phần đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. 

do-thi-quang-nam-dung-o-dau
Vùng phía đông sông Bàn Thạch sẽ được dành cho đô thị, dịch vụ, du lịch và bảo tồn cảnh quan.Ảnh: T.THƯ

Xây dựng đô thị tỉnh lỵ xứng tầm

Hiện nay, so với quy định của đô thị loại I, TP.Tam Kỳ mới đạt 47/59 tiêu chí, còn 12 tiêu chí chưa đạt. Các tiêu chí chưa đạt gồm 3 nhóm chính, là nhóm tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người; dân số; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Các tiêu chí này có mối tương quan, hỗ trợ nhau phản ánh mức độ phát triển của đô thị. Trong đó, thực hiện 2 tiêu chí còn thấp xa so với yêu cầu tối thiểu và khó đạt là dân số đô thị (hơn 169.000 người so với yêu cầu tối thiểu là 500.000 người) và thu nhập bình quân đầu người (thu nhập bình quân đầu người/năm của Tam Kỳ vào khoảng 55,6 triệu đồng, gấp 1,46 lần so với bình quân cả nước, chưa đạt so với quy định là gấp 1,75 lần).

Theo dự thảo đề án phát triển TP.Tam Kỳ trở thành đô thị loại I, sắp đến phải thực thi các giải pháp đột phá nhằm phát triển kinh tế – xã hội, từ đó sẽ tác động lan tỏa, nâng cao vai trò của đô thị, thu hút dân cư, phát triển hạ tầng và kinh tế đô thị.

Thực hiện chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, căn cứ vào điều kiện đặc thù hiện nay của đô thị là có điều kiện tự nhiên phong phú (biển, sông, hồ, núi, đồi…) và cộng đồng dân cư sinh sống lâu đời. Các khu vực này sớm được xác định và bảo tồn theo quy hoạch và sẽ tiếp thu, ứng dụng công nghệ để phát triển đô thị tuần hoàn thông minh, văn hóa, hiện đại và tăng trưởng xanh. Đô thị tỉnh lỵ phải được xây dựng xứng tầm, có bản sắc riêng, được kỳ vọng là “thành phố bình yên”.

Thủ phủ xanh bình yên

Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Trần Nam Hưng cho biết, Tam Kỳ đặt vấn đề xây dựng thành phố tỉnh lỵ Quảng Nam trở thành đô thị loại I trong 10 năm đến. Định hướng là mở rộng không gian đô thị về hướng nam và tây để đảm bảo các tiêu chí loại I. Điều này đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương, sắp đến sẽ trình Tỉnh ủy.

Việc mở rộng địa giới hành chính là tất yếu. Điều cần xem xét là mở rộng ngay bây giờ hay thời điểm nào thích hợp. “Việc mở rộng thành phố là tất yếu, không chỉ để đảm bảo tiêu chí mà còn là vấn đề về tổng hợp nguồn lực nữa. Tuy nhiên điều chúng tôi băn khoăn là nên thể chế hóa việc điều chỉnh mở rộng địa giới Tam Kỳ vào thời điểm nào là thích hợp nhất. Điều này chúng tôi rất cần sự tham vấn của các nhà chuyên môn để có cơ sở vững chắc trước khi đề xuất tỉnh quyết định” – ông Hưng nói.

Về tính chất đô thị sắp đến, ông Hưng khẳng định phải xây dựng đô thị có tính đặc thù, bản sắc riêng. TP.Tam Kỳ lựa chọn định hướng xây dựng thủ phủ xanh, đô thị sinh thái, thông minh. Cảnh quan thiên nhiên sẽ được bảo tồn tối đa. Thiên nhiên ưu đãi cho thành phố có cả sông, núi, hồ, đầm, các ưu thế này phải được bảo tồn và phát triển.

“Chúng tôi muốn một thủ phủ của tỉnh trở nên xanh thực sự, vì vậy sẽ ưu tiên trồng rừng đô thị. 5 ngọn đồi phía đông sẽ giữ để trồng rừng. Cánh đồng Nhong phải giữ nguyên không đầu tư, bảo tồn cảnh quan và trồng rừng. Kỳ vọng vài chục năm sau Tam Kỳ sẽ có vài cánh rừng trong phố. Rừng gỗ quý, có màu sắc hẳn hoi. Riêng đồi An Hà chúng tôi có ý tưởng và được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ủng hộ.

Ông Thanh còn đặt luôn tên là Rừng Hạnh phúc, với mong muốn hình thành nếp văn hóa là mỗi cặp vợ chồng ở Tam Kỳ khi cưới nhau thì đến đây trồng 1 cái cây. Người dân thành phố khi có điều vui cần đánh dấu thì sẽ đến trồng cây. Một ý tưởng thật lãng mạn. Nhưng xây dựng thành phố bình yên thì cũng cần sự lãng mạn lắm chứ” – ông Hưng chia sẻ.

Mở về phía biển

Chính quyền TP.Tam Kỳ cho biết sẽ tiếp tục phát triển không gian về phía đông, cả về hạ tầng, đô thị, kinh tế. Ở đó là dịch vụ, du lịch gắn với biển, sinh thái, cộng đồng, làng quê. Tam Kỳ có 12 quy hoạch phân khu, thì các phân khu vùng đông đều đã được phê duyệt, đủ cơ sở quản lý phát triển, thu hút đầu tư. Ưu tiên phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch. Ở vùng phía đông sông Bàn Thạch, công nghiệp chỉ dừng ở KCN Tam Thăng, mở rộng về phía Thăng Bình.

Về hạ tầng đô thị khu vực này rất được các nhà đầu tư quan tâm. Nhiều doanh nghiệp có tầm cỡ đã đến nghiên cứu đầu tư, có thể kể đến Sun group, FPT và vài doanh nghiệp lớn khác. Riêng Sun group xin chủ trương nghiên cứu đầu tư trên diện tích 750ha. Chắc chắn phía đông sẽ là vùng trọng điểm phát triển của Tam Kỳ trong thời gian đến.

THIẾT KẾ CẢNH QUAN ĐÔ THỊ

Dọc tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò, chính quyền đề xuất quy hoạch xây dựng thêm các công trình sinh thái công cộng phục vụ đời sống thị dân.

Tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò từ Điện Bàn đến Hội An với tốc độ phát triển đô thị vào loại nhanh nhất tỉnh, song vùng này gần như không thể kiểm soát được kiến trúc cảnh quan, xây dựng nhà ở, quy hoạch vệt cây xanh… Vì vậy, Quảng Nam toan tính thiết kế đô thị ở khu vực này.

Theo Trung tâm chuyển giao công nghệ quy hoạch xây dựng thuộc Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đơn vị tư vấn thiết kế), khu vực đô thị dọc ven biển, ven sông Cổ Cò từ Điện Bàn – Hội An có diện tích 2.768ha. Tuyến ven biển phát triển các khu du lịch biển cao cấp, các làng chài, bãi tắm, quảng trường, công viên; tuyến ven sông Cổ Cò thì phát triển các khu phức hợp, sân golf, khu du lịch sinh thái ven sông đan xen các khu ở mới, các khu tái định cư, đô thị.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Ngô Ngọc Hùng cho biết, muốn kiểm soát được kiến trúc cảnh quan ở tuyến ven biển, ven sông này thì phải bố trí phân khu hợp lý, tối ưu hóa các chức năng của đô thị hiện đại, khống chế mật độ xây dựng, xây dựng vành đai cảnh quan… Trong đó, phân khu ven biển 530ha là phần phía đông tuyến ĐT603B sẽ hình thành các công viên ven biển, trong đó Điện Bàn sẽ có 5 khu công viên, bãi tắm, quảng trường, TP.Hội An có 11 khu. Phân khu ven sông Cổ Cò 802,6ha nằm phía tây đường 603B thiết kế cảnh quan – sinh thái – lịch sử và văn hóa xứ Quảng, xây dựng 5 công viên và các khu cây xanh sinh thái, mục đích khai thác tối đa cảnh quan mặt nước tự nhiên sông và không gian đô thị.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, hàng chục năm nay tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò chưa có thiết kế đô thị bài bản nên việc quy hoạch, kêu gọi đầu tư để hình thành chuỗi công viên văn hóa – lịch sử – sinh thái lúc này là rất cần thiết. Trên cơ sở rà soát phần diện tích đất, không gian do Nhà nước quản lý, cần đưa vào quản lý, quy hoạch; đồng thời tạo ra các không gian cảnh quan công cộng, khớp nối hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng dọc sông Cổ Cò đã được quy hoạch.

Hữu Phúc – Tâm Thư – Hương Giang

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/giao-thong-xay-dung/do-thi-quang-nam-dung-o-dau-110096.html

Cùng chuyên mục