Thái Mặc Niên Hoa: Triển lãm tranh của 5 họa sĩ thủy mặc hàng đầu Sài Gòn

Một triển lãm chung của 5 họa sĩ tranh thủy mặc với 56 tác phẩm quy tụ nhiều đề tài từ truyền thống đến hiện đại, cách tân vừa khai mạc sáng 1/3 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur – Q3).

5 họa sĩ lão thành nhân hoa chúc mừng triển lãm từ Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM. Ảnh: L.ĐIỀN

Được gọi tên là Thái Mặc Niên Hoa (năm tháng mực màu), đây là hoạt động có ý nghĩa mừng xuân của Câu lạc bộ Mỹ thuật người Hoa TP.HCM, cũng là đợt triển lãm chung hiếm hoi của 5 thư họa gia lão thành được người trong giới xếp vào “chiếu đầu” của Sài Gòn: Lý Tùng Niên, Trương Hán Minh, Lý Khắc Nhu, Trương Lộ và Huỳnh Tuần Bá.

Mỗi người một phong cách, cuộc triển lãm chung lần này đem đến cho công chúng nhiều cảm xúc thẩm mỹ.

Bởi không chỉ đây là những tác phẩm xuất sắc chọn lọc từ hành trình sáng tác nhiều năm qua của các thư họa gia, mà qua từng đề tài tranh, công chúng còn có thể vừa thấy được quá trình đi thực tế sáng tác của các họa sĩ, vừa có dịp nhìn lại những đổi thay của quê hương, đất nước qua những ghi nhận bằng ngôn ngữ thủy mặc.

Họa sĩ Lý Tùng Niên năm nay bước vào tuổi 90, vẫn rắn rỏi trong bút pháp của họa phái Lĩnh Nam, với cách pha màu truyền thống và đề tài gợi nhớ đến không gian thoát tục: Thanh nhàn bên sông, Đò neo bến vắng, Thu giang khúc

Bức Dã độ (đò neo bến vắng) của họa sĩ Lý Tùng Niên tại triển lãm.

Với họa sĩ Huỳnh Tuần Bá, thủy mặc gắn bó với ông theo từng bước chân điền dã sáng tác. Công chúng có thể tìm thấy ở đây các tác phẩm của Huỳnh họa sĩ từ cảnh sắc vùng cao Tây Bắc đến hải đảo Lý Sơn xa xôi.

Trong số này có bức thủy mặc vẽ các cô gái người Dao đứng trò chuyện với màu áo nổi bật trên nền nhà thờ đá Sa Pa mù sương mang lại ấn tượng thú vị.

Đặc biệt là bức tranh Gió biển đảo Lý Sơn được Huỳnh Tuần Bá dùng kỹ thuật độc sắc mực xạ phối hợp với độ loang của giấy xuyến mang lại hiệu ứng lạ lẫm trong mắt người thưởng lãm.

Bức tranh Gió biển đảo Lý Sơn của họa sĩ Huỳnh Tuần Bá tại triển lãm.

Họa sĩ Trương Hán Minh vẫn thể hiện các đề tài thủy mặc quen thuộc như hoa điểu, lại cũng có bức phong cảnh ruộng bậc thang vùng Tây Bắc, đặc biệt có bức tranh “Sánh đôi bên ao sen” với kỹ thuật vẽ lá sen cách tân và đôi vịt đầy biểu cảm.

Bức thủy mặc Sánh đôi bên ao sen của họa sĩ Trương Hán Minh.

Họa sĩ Trương Lộ tỏ ra xuất thần trong việc dùng ngôn ngữ thủy mặc bắt giữ những thay đổi của cảnh vật và đời sống sinh hoạt người dân.

Ngoài những đề tài sở trường như hai người phụ nữ bán bông ở phố cổ Hà Nội, nhà sàn cao chân ở vùng lũ miền Tây, triển lãm đợt này còn có hai bức thủy mặc do họa sĩ Trương Lộ vẽ cảnh Bến Bình Đông của Chợ Lớn lúc trước giải tỏa và sau khi giải tỏa để xây dựng đại lộ Võ Văn Kiệt.

Điểm độc đáo là cả trước và sau khi thay đổi, những dãy nhà ven kênh của Bến Bình Đông hiện ra trong tranh thủy mặc của Trương Lộ đều có nét đẹp chân thực và sinh động.

Mặc dù hai bức tranh thể hiện sự đổi thay, nhưng chính nghệ thuật thủy mặc đã lưu giữ trong lòng người những hình ảnh của Sài Gòn một thời đáng nhớ…

Bức tranh vẽ Bến Bình Đông (Sài Gòn) trước khi giải tỏa làm đại lộ.
Bến Bình Đông sau khi giải tỏa – tranh thủy mặc của họa sĩ Trương Lộ tại triển lãm.

Họa sĩ Lý Khắc Nhu trong một lần đến đất cô đô Hoa Lư đã vẽ bức thủy mặc Du thuyền Ninh Bình với chiều sâu của không gian bao gồm cả các rặng núi cao và dòng sông uống khúc. Ngoài ra, ông còn các tác phẩm: Elora du tích, Sóng tùng mùa thu, Vô ngôn…

Dịp này còn có bức trang đề tài sơn thủy Hùng vĩ bao la do nhóm 5 họa sĩ lão thành này hợp tác sáng tác để kỷ niệm chương trình Thái Mặc Niên Hoa.

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 7/3/2020.

Bức tranh Du thuyền Ninh Bình của họa sĩ Lý Khắc Nhu.
Một góc triển lãm Thái Mặc Niên Hoa tại buổi khai mạc. Ảnh: L.ĐIỀN
Bức tranh Chợ bông Hà Nội của họa sĩ Trương Lộ.
Bức tranh Hùng vĩ bao la do 5 họa sĩ cùng hợp tác sáng tác: Lý Tùng Niên, Trương Hán Minh, Lý Khắc Nhu, Trương Lộ, Huỳnh Tuần Bá
Rừng cây đa – bức tranh thủy mặc của họa sĩ Huỳnh Tuần Bá.
Tâm tình trong sương mù – Huỳnh Tuần Bá.
Bức thủy mặc họa sĩ Trương Lộ vẽ theo nội dung bài thơ Tầm ẩn gia bất ngộ của Giả Đảo đời Đường.

Lam Điền

Theo Tuổi Trẻ Online

 

Link nguồn: https://tuoitre.vn/thai-mac-nien-hoa-trien-lam-tranh-cua-5-hoa-si-thuy-mac-hang-dau-sai-gon-20200301133036313.htm

Cùng chuyên mục