Thách thức trong bảo tồn lưu trữ phim

Di sản điện ảnh là câu chuyện lớn mà các quốc gia trên toàn cầu đang nỗ lực bảo tồn và phát huy. Đó là đặt điện ảnh vào vị trí xứng đáng trong dòng chảy lịch sử và coi điện ảnh là di sản văn hóa. Việt Nam cũng đang sở hữu kho di sản phim khổng lồ. Song việc lưu trữ, bảo quản số hóa, phục chế phim… lại đang đối mặt với nhiều thách thức.

thach-thuc-trong-bao-ton-luu-tru-phim
Bộ phim Cây bạch đàn vô danh – có tuổi đời mấy chục năm, hiện đang nằm trong diện cần được bảo tồn

Hàng ngàn thước phim đang “lão hóa”

Trong thời kỳ công nghệ thay đổi nhanh như hiện nay, công tác lưu trữ, bảo quản phim phức tạp và khó khăn hơn trước rất nhiều; vì vừa phải tiếp thu công nghệ mới phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, vừa phải tiếp tục duy trì việc bảo quản phim nhựa truyền thống. Đến nay, hầu hết các cường quốc về điện ảnh trên thế giới đã hoàn thành công đoạn số hóa kho phim của mình. Có nước đã đi khá xa trên con đường tu sửa, phục hồi các bản phim được số hóa.

Theo bà Đinh Thị Thúy Chinh, Phòng Bảo quản, Viện Phim Việt Nam, hiện tại, kho phim của viện ở 2 địa điểm Hà Nội và TPHCM lưu trữ gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại và một số lượng lớn băng, đĩa ở nhiều định dạng khác nhau. Đó là những tác phẩm điện ảnh như phim truyện, phim tài liệu khoa học, thời sự, hoạt hình, tư liệu các nguyên thủ, các sự kiện nổi bật của đất nước… “Song, đây vốn là một loại vật liệu mỏng mảnh, dễ bị ảnh hưởng của môi trường bên ngoài, nhất là môi trường nóng và ẩm, bởi vậy những tư liệu này luôn phải đối diện với nguy cơ bị hủy hoại”, bà Thúy Chinh chia sẻ. Cùng lo lắng này, chị Nguyễn Hương Giang, Phó trưởng Phòng Kiểm kê, bảo quản Bảo tàng Hồ Chí Minh, cũng cho rằng, điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam sẽ khiến phim dễ bị mốc, vàng, chuyển màu xanh đỏ, hoặc dính, vón cục, phát mùi chua và cuối cùng là có thể tan ra như bụi.

Không chỉ là lo ngại, năm 2013, chuyên gia người Bỉ sang Việt Nam để khảo sát thực tế tình hình lưu trữ, bảo quản và phục chế kho phim nhựa, kho băng đĩa của Hãng Phim Tài liệu và khoa học Trung ương đã cảnh báo, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, nếu không cải thiện điều kiện bảo quản thì các cuốn phim lưu trữ có tuổi thọ hơn 60 năm, trong tương lai sẽ hỏng hoàn toàn. “Phần lớn các cuốn phim nhựa được sản xuất trước năm 1980 ở trong tình trạng đáng quan ngại, gần như đều bị chua, mốc, biến dạng, đã co ngót trên dưới 2% và tất cả đều bị nhiễm khuẩn. Các thước phim nhựa mốc, nhiễm khuẩn là không tránh khỏi, các vết xước nặng trên bản phim đó rất khó xử lý, thậm chí không thể loại bỏ các vết mốc xước, kể cả bằng cách xử lý số…”, chuyên gia này lo lắng nhận định.

Cấp thiết bảo tồn

Thực trạng di sản phim đang phải đối mặt, nhu cầu chuyển đối số được đặt ra cấp thiết, song từ mong muốn tới triển khai thực tế là việc không đơn giản. Ông Phạm Ngọc Quang, Giám đốc công nghệ, Công ty cổ phần Nghe nhìn Việt Nam, cho biết, hàng trăm ngàn cuốn phim nhựa trong các kho phim lưu trữ đã và đang xuống cấp, hư hại theo thời gian. Trong khi đó, khối lượng công việc chuyển đổi phim nhựa truyền thống sang định dạng kỹ thuật số và sau đó là tu sửa, phục hồi theo yêu cầu thực tế, rồi cuối cùng là lưu trữ trên các hệ thống kỹ thuật số phù hợp, quả thực là khổng lồ và vô cùng tốn kém. Nhưng đây là lựa chọn duy nhất tới thời điểm này, hầu hết các cường quốc về điện ảnh trên thế giới cũng đã hoàn thành.

Theo chuyên gia kỹ thuật của Viện Phim Việt Nam, nơi đang lưu giữ lượng phim “khủng” nhất, thì với nhân lực và trang thiết bị hiện nay của viện, hàng năm chỉ số hóa được khoảng 700 cuốn phim nhựa và phục chế được khoảng 100 phút phim. Trong khi kho phim của viện rất đồ sộ với gần 80.000 cuốn phim nhựa, và để số hóa hết số phim trên cần vài chục năm. Tương tự, các kho lưu trữ phim khác trên cả nước của Điện ảnh Quân đội, Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh, Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương… cũng gặp khó khăn khi kinh phí có hạn, thiếu nhân lực và trang thiết bị.

Đau đáu với những di sản quý đang dần bị hủy hoại theo thời gian, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng cần nhìn nhận tác phẩm điện ảnh như một di sản quý giá của quốc gia để có cách bảo tồn, gìn giữ cấp thiết, nghiêm cẩn và bài bản hơn… Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, công việc bảo tồn di sản điện ảnh là hành trình của những người chạy bền đáng ngưỡng mộ trong một hành trình không giới hạn và luôn luôn cần sự tiếp sức từ xung quanh. Đã đến lúc cần nghĩ đến thử nghiệm các mô hình xã hội hóa, phi lợi nhuận để đồng hành với họ trên chặng đường chạy tiếp sức lâu dài này.

Mai An

Theo sggp.org.vn

 

Link nguồn: https://www.sggp.org.vn/thach-thuc-trong-bao-ton-luu-tru-phim-743062.html

Cùng chuyên mục