Tắm rừng

Có một câu tiếng Anh tôi từng được nghe rằng “Alishan is the perfect place for forest bathing”, hiểu nôm na là núi Alishan là một nơi tuyệt vời nhất để “tắm rừng”. Tôi không hiểu lắm cho đến khi đọc được cuốn sách Shinrin Yoku – Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật.

Tác giả của cuốn sách là bác sĩ Qing Li – một chuyên gia hàng đầu thế giới về liệu pháp tắm rừng. Tôi vỡ lẽ, hành trình đi Alishan của mình cũng là một cách tắm rừng. Và thú vị nhận ra trong rất nhiều hành trình xa gần của mình, tôi cũng đã vô tình trải nghiệm phương pháp tắm rừng này. Cảm giác dễ chịu khi thong dong đi bộ, hít thở và ngắm rừng thì ra có thể được thực hành như một liệu pháp.

Alishan

Tắm rừng ở Alishan

Hành trình leo núi Alishan của tôi bắt đầu trong tiết trời lạnh có mưa. Đây đó trên đường đi là những cành đào mỏng manh đung đưa theo gió như đánh dấu giúp tôi từng chặng đã đi trong rừng. Những con đường gỗ là nét đặc trưng ở Alishan, nó dễ dàng kích thích thêm sự đi bộ và xóa cảm giác đang leo núi khi sự phân bố của các bậc tam cấp theo từng khu vực rất hợp lý. Alishan rất phù hợp cho những kẻ lữ hành lãng đãng, ưa thả mình vào thiên nhiên trong lành và trầm trồ nhìn ngắm những vẻ đẹp trữ tình đậm màu xanh núi rừng. Cảnh rừng Alishan yên bình với những cây cổ thụ đẹp như tranh. Cái mùi gỗ âm ẩm thoảng ra dễ chịu như một thứ hương liệu rất riêng của rừng, khiến lồng ngực luôn muốn hít vào thật sâu và thở ra thật chậm theo từng bước chân.

 Tôi cứ nghĩ mình không may khi gặp mưa nhưng hóa ra đi bộ xuyên rừng Alishan trong làn mưa và mờ sương thật thú vị. Những cây thông, cây bách cao hun hút và thẳng đứng như thế đã hàng trăm, thậm chí ngàn năm. Trên thân đã tróc nhiều lớp vỏ sần sùi, có rất nhiều mảng địa y mọc tạo thành những mảng xanh đậm dấu thời gian. Thi thoảng có những đoạn suối nhỏ róc rách dưới mấy chân cầu gỗ bắc ngang rừng, quyện giữa chúng là những màn sương mờ ảo. Lối dành riêng cho người đi bộ xuyên rừng khá thoáng đãng và không quá nhiều dốc cao. Con đường rợp bóng thông đưa tôi đến hồ Tỷ Muội, gồm hai hồ to nhỏ nằm cạnh nhau. Nước mặt hồ chị xanh ngắt, hai mái tranh như hai chị em gái nép vào nhau, bao quanh là những hàng cây rũ bóng xuống mặt nước tĩnh lặng trông thật êm đềm như cảnh một bộ phim kiếm hiệp nào đó. Kẻ bộ hành như thấy mình đôi lúc lạc vào cảnh tiên, nhất là khi ngang qua dưới những cây đào mọc rải rác ven lối đi, bên cây cầu gỗ, nhà mát dọc theo các triền núi thấp cao, bất ngờ nhô ra từ một khúc quanh nào đó hoặc thành từng cụm ở khắp nơi.

nghe-thuat-tam-rung
Alishan

Nhiều tiếng đồng hồ bách bộ trong rừng đem đến một luồng năng lượng tích cực tự nhiên nhất, mà tôi chỉ cảm nhận chứ chưa biết rằng mình đã và đang bắt đầu đi theo một liệu pháp tự nhiên đang được nhiều người tìm đến…

Nghệ thuật tắm rừng

Nhật Bản, nơi xuất phát nghệ thuật tắm rừng cũng là xứ sở có nền văn minh gắn với rừng. Rừng bao phủ 2/3 diện tích Nhật Bản và đây là một trong những quốc gia xanh nhất thế giới. Có rất nhiều ngôi đền, chùa nằm trong những cánh rừng giữa phố. Không khó để có thể tìm đến những ngôi đền ở Tokyo, Kyoto, Kurashiki, Nara… có cây cổ thụ mọc dày đặc và tỏa bóng mát, đem lại một không gian khác biệt hẳn phố thị bên ngoài, mà khi bước vào, người ta dễ quên ngay rằng mới đây thôi, mình vẫn còn đang hít thở bụi đường gió phố.

Đừng nghĩ chuyện tắm rừng đòi hỏi cầu kỳ. Điều kiện để thực hành shinrin-yoku chỉ đơn giản là nơi đó có cây. Trước tiên, chỉ cần tìm cho mình một địa điểm. Không mang điện thoại, máy ảnh theo, nếu có thì hãy để nó nằm yên trong ba lô. Hãy để cơ thể dẫn đường, đi theo khứu giác của bạn một cách thư thả. Việc tìm một nơi phù hợp với bản thân rất quan trọng. Hãy tìm một nơi khiến bạn thấy dễ chịu và tràn ngập niềm vui.

nghe-thuat-tam-rung
Cửu Trại Câu

Thiên nhiên cuốn đi hơi thở cũ kỹ và thổi vào chúng ta một sức sống mới. Khi bạn kết nối với rừng qua toàn bộ 5 giác quan, đó là lúc bạn cảm thấy được chữa lành và tiếp thêm sinh lực. Dễ hiểu là sau mỗi chuyến đi như thế, năng lượng tích cực được tích tụ để bạn có thể tiếp tục những hành trình làm việc, cống hiến khác trong cuộc sống.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy nhiều tour du lịch hay những hành trình tự đi của mình, ít nhiều gì rồi cũng có dính dáng đến những địa điểm có nhiều cây xanh, là đền, chùa, rừng, núi, vườn quốc gia… Chẳng hạn như các tuyến tour phổ thông rất ăn khách với người Việt như Trương Gia Giới, hay Thành Đô, Cửu Trại Câu (Trung Quốc)… Dù những nơi thiên nhiên tươi đẹp như thế này vẫn được quảng bá, giới thiệu cho du khách tìm đến không phải để tắm rừng, mà chủ yếu vì cảnh đẹp.

nghe-thuat-tam-rung
Bhutan

Ở xứ ta có thể tắm rừng không?

Câu trả lời là có, rất nhiều nữa là khác. Hễ có rừng và nơi ấy được phép tham quan, du lịch, là đạt yêu cầu. Địa điểm tuyệt vời nhất là các vườn quốc gia trải dài từ Bắc chí Nam. Nước ta có 35 vườn quốc gia, trong đó những cái tên top đầu chọn lựa: vườn quốc gia Hoàng Liên, Cúc Phương, Ba Bể, Cát Bà, Ba Vì, Tam Đảo… ở phía Bắc; Bạch Mã, Phong Nha – Kẻ Bàng, Phước Bình, Núi Chúa… ở miền Trung; Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ có Yok Đôn, Bidoup, Bù Gia Mập, Nam Cát Tiên, Cần Giờ…; miền Tây có U Minh Hạ, U Minh Thượng, Mũi Cà Mau… Ra các đảo cũng có như vườn quốc gia Phú Quốc, Côn Đảo ở các hòn đảo cùng tên…

Không chỉ vườn quốc gia, những khu du lịch sinh thái cũng là lựa chọn tiếp theo. Quan trọng là phong cách ưa thích thiên nhiên của bạn như thế nào để chọn phù hợp thôi.

nghe-thuat-tam-rung
Vườn quốc gia Nam Cát Tiên

Hơi tiếc là các khu du lịch sinh thái ở ta không chú trọng lắm vào việc khiến cho du khách đi bộ một cách thoải mái nhất trong rừng, mà thường mải lo sắm sửa những trò chơi, tiểu cảnh, những hoạt động hướng ngoại nhất thời nào đó mà họ nghĩ rằng sẽ tăng thêm sự hấp dẫn cho du khách. Nếu không, thì các khu du lịch thác Dray Nur, Dray Sáp (Ban Mê Thuột), Lang Biang, Làng Cù Lần (Đà Lạt), Hồ Thang Hen (Cao Bằng)… hay những vùng mà cây xanh hãy còn nhiều, là những điểm tắm rừng khá lý tưởng.

Tắm rừng cũng góp phần nuôi dưỡng tình yêu với rừng, mới mong sẽ đi kèm những hành động trực tiếp hay gián tiếp góp phần giữ lấy rừng, khi thực tế xứ ta đã có khá nhiều nỗ lực trồng rừng nhưng xem ra không thể kịp tốc độ… trọc của rừng của núi!

nghe-thuat-tam-rung
Vườn quốc gia Nam Cát Tiên.

Thậm chí, nếu không sống gần rừng thì sao? Giải pháp có ngay là cây xanh trong thành phố. Hãy siêng năng đến các công viên để không chỉ tập luyện thể dục mà còn là cơ hội tắm rừng. Nếu được, bạn hãy ở công viên khoảng hai tiếng đồng hồ. Các công viên lớn, nhiều cây xanh ở Hà Nội, Sài Gòn như vườn Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất, Thảo Cầm Viên, công viên Gia Định… là những gợi ý hợp lý.

Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050, 75% dân số thế giới (ước tính khoảng 9 tỷ người) sẽ sống ở các thành phố. Nghĩa là ở trong những khối bê tông nhiều  hơn. Tin tốt là chỉ cần đắm mình vào thiên nhiên trong khoảng thời gian ngắn, chúng ta có thể cải thiện được sức khỏe, nhất là khi liệu pháp tắm rừng có thể thúc đẩy hệ miễn dịch, đẩy lùi bệnh tật…

Bài & ảnh: Sơn Trà

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục