Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương trở lại sau 44 năm

Một tập bút ký văn chương kỳ thú vừa trở lại văn đàn Việt Nam sau 44 năm kể từ ngày ra mắt bản in lần đầu: Ta đã làm chi đời ta của thi sĩ Vũ Hoàng Chương.

Ảnh: LAM ĐIỀN
Ảnh: LAM ĐIỀN

Vào tháng 3-1974 ấy, nhan đề sách của nhà thơ “chiếu đầu” miền Nam bấy giờ tung ra làng văn nghệ như một câu hỏi không dành cho riêng ai.

Và lập tức, Ta đã làm chi đời ta được không những độc giả mà đồng nghiệp văn chương, bằng hữu các giới đón nhận nhiệt thành. Ta đã làm chi đời ta, chẳng phải là vấn đề xuyên suốt từng ám ảnh biết bao thế hệ văn nghệ sĩ đã đem cả “đời ta” dấn thân vào nghệ thuật bằng tất cả trách nhiệm hay sao?

Nhưng ngoài cái nhan đề mang đầy hơi hướng “nghiêm trọng” ấy, đây hoàn toàn không phải là một tập triết luận về cách thế ứng xử của nhà văn hay quan niệm “sống và viết”.

Điều lý thú ở tập sách này là tác giả Vũ Hoàng Chương kể lại những giao tình của ông với bạn bè văn nghệ khởi đi từ trước 1945 tại miền Bắc.

Một tập bút ký của người trong cuộc, lại viết ra vào lúc đang xa cảnh xa người, niềm cảm xúc nỗi nhớ nhung cộng với kỷ niệm dồn nén gần 20 năm khiến cho mỗi câu chuyện, mỗi tình tiết đều như được tác giả diễn thuật bằng câu chữ run rẩy trong cơn xúc động.

Tìm trong hơi thở câu chữ văn xuôi mà như thơ ấy, người ta thấy lại cả một thời văn nghệ thanh bình. Mặc dù đất nước đang hồi chuyển động trước trận cuồng phong long Âu lở Á, những người văn nghệ xứ Bắc Việt Nam vẫn dành cho nhau những ngọt ngào đằm thắm dễ thương.

Đọc, để rồi giật mình nhận ra có một thời những bạn văn đã dốc cả tài hoa ra đối đãi với nhau trong giao tiếp hằng ngày. Cái tự nhiên của người tài hoa vì thế mà trường tồn qua biến động, thời gian; nó khác với những lên gân làm dáng của giới cân phân tính toán khi làm văn nghệ.

Rồi người đọc như quên mất cái nhan đề nghe chừng rất gay gắt kia, để lạc vào những cuộc đi chơi, chơi thực sự, chơi đúng chất văn nghệ, hào tình sảng khoái, có tao nhân mặc khách, có kỳ nữ danh tài.

Và trong những chuyến ngao du tề tựu ấy, những ý tưởng về sáng tác, những thao thức về trách nhiệm văn nghệ, những quyết liệt trước dự tính đường dài… tự nhiên bộc lộ ra qua những tâm hồn đồng điệu.

À, thì ra người văn nghệ nào có phải chơi suông. Nhưng cái không khí văn nghệ như vậy có lẽ cũng chỉ còn trong những trang sách này thôi…

Lam Điền

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục