Sức sống mới trên vùng Tây Đại Lộc

Đại Hưng – xã miền núi vùng tây Đại Lộc được định hướng về đích nông thôn mới trong năm 2020 và phấn đấu đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào cuối nhiệm kỳ 2020 – 2025. Từ bao khó khăn, thiếu và yếu về hạ tầng, lại bị tàn phá bởi thiên tai, bão lũ…, Đại Hưng đã vực dậy với ý chí, quyết tâm mãnh liệt. Trên vùng tây Đại Lộc, một nguồn sinh lực mới khởi đầu…

Kinh tế nông nghiệp đi đúng hướng

Đại Hưng vốn giàu tiềm năng du lịch sinh thái khi được tạo hóa ban cho một số cảnh đẹp với suối nước nóng Thái Sơn, giếng Tiên ở làng Chấn Sơn với những câu chuyện, huyền thoại đẹp (nay đã sáp nhập với Thái Sơn, thôn mới là Thái Chấn Sơn). Nơi đây có làng quê thơ mộng, trữ tình nằm ven sông Côn, có làng trồng cây ăn quả đặc hữu Thái Sơn với chất lượng không thua kém các vùng. Từ sự dám nghĩ dám làm, phong trào cải tạo vườn tạp đã lan tỏa sâu rộng tại Thái Sơn.

Vườn cây ăn quả của hộ ông Nguyễn Hạt, xã Đại Hưng rộng hơn héc ta với mít Thái Lan, bưởi da xanh, cam Vinh, vú sữa. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Thôn Thái Chấn Sơn nay có mấy chục hộ trồng trong vườn nhà các loại cây ăn quả bưởi da xanh, mít Thái Lan, cam sành, còn có thêm bưởi trụ lông, vú sữa, cam Vinh, ổi không hạt… Việc nhân rộng vùng trồng, đa dạng hóa chủng loại cây trồng, tạo các điểm đến phát triển du lịch, vừa giúp người dân tăng hiệu quả kinh tế từ vườn nhà là nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ mới.

Nhiều người dân ở Thái Sơn cho biết, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả đã giúp họ nhanh chóng đổi đời, có thu nhập cao với bình quân mỗi héc ta cho lãi ròng 150 – 200 triệu đồng/năm, đặc biệt với cây mít Thái Lan cho tới 300 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Hạt, một trong những hộ tiên phong trồng cây ăn quả chia sẻ, gia đình ông hiện trồng cả trăm gốc mít Thái Lan, hơn 50 gốc sa-pu-chê và cả chục cây vú sữa Lò Rèn, cam Vinh… cho lãi ròng vài trăm triệu đồng mỗi năm. Hay như ông Nguyễn Trung Thành chuyên về trồng cây bưởi da xanh, sa-pu-chê với tổng diện tích khoảng 3 sào, cho lãi ròng cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Người dân Thái Chấn Sơn có sự nỗ lực đầu tư thâm canh rất lớn, luôn học hỏi tiếp thu kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất cây trồng cũng như đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt, đầu tư giếng tưới bài bản. Song, việc xây dựng thương hiệu cho vùng cây ăn quả, tạo sản phẩm OCOP chưa được chú trọng.

Kỳ vọng sinh lực mới

Ông Hà Xuân Minh – Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho biết, nhiệm kỳ tới, xã Đại Hưng tiếp tục xác định kinh tế nông lâm tổng hợp là thế mạnh. Trong đó, chú trọng phát triển vùng cây ăn quả an toàn gắn với điểm du lịch suối nước nóng Thái Sơn, chỉnh trang làng quê, vườn nhà, kiện toàn các vườn mẫu, tạo đà phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, đưa diện mạo nông thôn mới Đại Hưng khởi sắc.

Để đạt mục tiêu đó, địa phương đã và đang tích cực vận động người dân nỗ lực cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, tiếp tục nhân rộng diện tích, xây dựng chuỗi giá trị, tạo sản phẩm OCOP của địa phương phục vụ du khách xa gần. Dù có tiềm năng rất lớn, nhưng do địa bàn xa xôi, các thủ tục pháp lý còn rườm rà, nên việc thu hút đầu tư vào khu du lịch suối nước nóng Thái Sơn vẫn chưa hiệu quả như mong đợi. Hy vọng, tương lai gần, khi khu du lịch Cổng Trời Đông Giang hình thành, tuyến ĐT609 nối Đại Hưng với Đông Giang sẽ mở ra những cơ hội lớn cho địa phương phát triển” – ông Minh chia sẻ.

Theo ông Phạm Thế Chất – Bí thư Đảng ủy xã, điểm mạnh của xã là tập trung phát triển kinh tế trang trại, vườn rừng, cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái cộng đồng. Thời gian qua và định hướng giai đoạn tới, Đảng bộ tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo tập trung phát triển kinh tế trang trại, khuyến khích tạo điều kiện cho các gia trại, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế. Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Hưng duy trì liên kết đầu tư sản xuất lúa giống với diện tích 60 – 70ha, góp phần tăng giá trị kinh tế trên diện tích sản xuất.

Xác định lợi thế của địa phương là nông nghiệp nên Đại Hưng chú trọng tập trung mở rộng kết cấu hạ tầng, hình thành cánh đồng mẫu lớn, giao thông nội đồng, phục vụ vận chuyển, giao thương. Trong lâm nghiệp, vận động nhân dân trồng rừng gỗ lớn cho năng suất cao hơn, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế so với mọi năm. Tiếp tục nâng cao diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Mở rộng phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, tích cực nâng tỷ lệ tiêm phòng trên đàn vật nuôi… giúp người dân nâng cao thu nhập” – ông Chất thông tin thêm.

Nhiệm kỳ 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của xã Đại Hưng đạt 13,4%. Giá trị sản xuất ngành nông – lâm nghiệp – thủy sản tăng 6,14%/năm, ngành thương mại – du lịch – dịch vụ tăng 15,61%/năm. Tỷ trọng ngành nông – lâm nghiệp chiếm 44,99%, thương mại – du lịch – dịch vụ chiếm 26,75%. Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất – kinh doanh theo hướng gia trại; liên kết sản xuất theo nhóm, theo tổ được hình thành. Diện tích trồng rừng sau khai thác toàn xã đạt gần 400ha rừng nguyên liệu, 133ha rừng trồng kết hợp giữa rừng nguyên liệu với rừng phòng hộ; thực hiện khoanh nuôi gần 65ha rừng phòng hộ; nhận thực hiện bảo vệ 3.760ha rừng đầu nguồn.

 

Đại Hưng cần sự hỗ trợ để tạo đột phá

Để đạt mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020 và định hướng trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào cuối nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngoài sự đồng lòng, quyết tâm của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Hưng, cần có thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp. PV Báo Quảng Nam đã ghi lại một số ý kiến của lãnh đạo xã Đại Hưng và huyện Đại Lộc:

* Ông Hà Xuân Minh – Chủ tịch UBND xã Đại Hưng: “Bên cạnh nỗ lực, cần có cơ chế hỗ trợ tạo bước đột phá”

Với làng quê sinh thái Thái Chấn Sơn, chỉ trong vòng 2 – 3 năm nữa thôi, cơ bản diện mạo vùng trồng cây ăn quả đặc hữu của vùng sẽ “thay da đổi thịt” khi nhà nước tiếp tục hỗ trợ giống cây ăn quả, có cơ chế hỗ trợ phân bón, giếng tưới, chính sách hỗ trợ cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, quy hoạch, mở rộng diện tích vùng trồng… Xã cũng khuyến khích, vận động người dân hình thành những mô hình trồng rau quả an toàn, phân bố ven sông Côn, tạo sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch, bên cạnh sản phẩm trái cây an toàn. Đặc biệt, thôn Yều có tới 29/55 hộ nghèo, chiếm hơn 50% dân số trong thôn. Để đưa Đại Hưng trở thành xã không có hộ nghèo, đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào cuối nhiệm kỳ, đề nghị cấp trên có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù, tạo động lực xóa nghèo bền vững.

* Ông Phạm Thế Chất – Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng: “Xây dựng làng quê du lịch sinh thái là nhiệm vụ chiến lược, dài hơi”

Nhiệm kỳ đến, cùng với các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đã đề ra, Đảng bộ xã xác định, việc xây dựng làng quê Thái Chấn Sơn trở thành vùng cây ăn quả đặc hữu, kết hợp với điểm du lịch suối nước nóng Thái Sơn, tạo làng quê du lịch sinh thái lý tưởng, kết nối với Khu du lịch Cổng Trời (Đông Giang) là mục tiêu, nhiệm vụ mang tính chiến lược, dài hơi. Việc kết nối vùng, kết nối du lịch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy vùng tây Đại Lộc phát triển… Song, bên cạnh nỗ lực tự thân, Đảng ủy, UBND xã đề xuất cấp trên có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư, tạo đà phát triển du lịch, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển du lịch.

* Ông Trần Văn Mai – Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc: “Đại Hưng phát huy thế mạnh để phát triển”

Nhiệm kỳ đến, Đại Hưng cần tiếp tục phát huy thế mạnh của vùng, tiếp tục nhân rộng các mô hình, phát triển kinh tế vườn, trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái làng quê, kết nối với điểm du lịch suối nước nóng Thái Sơn. Địa phương cần đẩy mạnh công tác giảm nghèo để đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đưa Đại Hưng đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2020 và trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào cuối nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tất nhiên, để đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhất là chỉ tiêu xóa sạch hộ nghèo (trừ đối tượng bảo trợ xã hội, chính sách), với Đại Hưng nói riêng, huyện Đại Lộc nói chung, khó khăn, áp lực rất lớn. Huyện cũng sẽ có những chương trình, chính sách hỗ trợ, đồng hành với địa phương. Trước hết, về nhà ở, phải xóa xong nhà tạm từ nhiều nguồn lực: nguồn hỗ trợ vay vốn, từ nguồn lực hỗ trợ xã hội, có chính sách hỗ trợ ưu đãi đối với những hộ nghèo đăng ký thoát nghèo (vốn vay, nguồn hỗ trợ xã hội, trao sinh kế…) nhằm giảm nhanh hộ nghèo. Cần xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại, tìm cách giúp người dân giảm nghèo thực chất, bền vững. TRIÊU NHAN (thực hiện)

Hoàng Liên

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/xay-dung-dang/suc-song-moi-tren-vung-tay-dai-loc-88364.html

Cùng chuyên mục