Sài Gòn có Lăng Ông nằm trên đường Lê Văn Duyệt

Năm nay, vào kỳ giỗ thứ 188 của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, Lăng Ông có hai tin khiến người ta phải bận tâm. Một tin vui là đoạn đường Đinh Tiên Hoàng từ cầu Bông đến ngã ba Phan Đăng Lưu chính thức mang tên Lê Văn Duyệt. Hai là suýt mất vui khi quả châu trên nóc nhà bia trước mộ ông bị trộm, may là đã lấy lại được.

sai-gon-co-lang-ong
Bảng tên mới ghi rõ đường Lê Văn Duyệt được gắn lên ở vị trí ngã ba đường gần cổng phụ của lăng. Ảnh chụp tối 14/9/2020. Tấm bảng này sau đó được che lại để chờ lễ chính thức đặt tên đường Lê Văn Duyệt vào ngày 16/9/2020.

Ba ngày giỗ Đức Tả quân năm nay (29/7, mồng 1 và 2/8 Âm lịch, nhằm ngày 16,17,18/9/2020) nhiều ý nghĩa hơn, khi sau 45 năm, tên vị công thần to lớn của dân tộc, mới chính thức được “trả lại tên” trên đường phố Sài Gòn.

Những cây cổ thụ ở Lăng Ông

Tới kỳ giỗ Ông năm nay, đang tháng 9, mà mấy cây mai vàng nở rực một góc lăng. Những cây mai ngay góc ngã ba có bảng tên đường Phan Đăng Lưu – Lê Văn Duyệt vừa được gắn lên. Có vẻ như cây cỏ cũng hòa niềm vui khi được thấy tên Ông đã tái ngộ trở lại trên con đường xưa của Sài Gòn, sau gần nửa thế kỷ.

sai-gon-co-lang-ong
Ngã ba Vũ Tùng – Đinh Tiên Hoàng nay đã là ngã ba Vũ Tùng – Lê Văn Duyệt. Lăng Ông có cổng chính, cũng là địa chỉ chính thức ở số 1 Vũ Tùng, P.1, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Lăng Ông trồng rất nhiều loại cây. Me tây, thốt nốt, dầu, đa, ngọc lan, đầu lân… chưa kể hàng chục loại cây hoa kiểng khác. Có một dạo, khi cây hoa đầu lân (hay còn được gọi là hoa sala) chưa được trồng thành phong trào ở các chùa, thì để ngắm được cây này ở Sài Gòn chỉ có 3 nơi: Sở thú, Tao Đàn và Lăng Ông. Những cây hoa đầu lân ở Lăng Ông cao lớn và gây ấn tượng mạnh với trái và hoa quanh gốc, luôn là “đề tài chụp hình” ưa chuộng của khách đến đây. Một hàng hiếm khác, từng được săn đón đưa lên trên các tờ lịch, bưu ảnh, sách báo, là những cây thốt nốt ở Lăng Ông. Đây là lăng tẩm duy nhất ở Sài Gòn có trồng loại cây này. Hơn chục cây thốt nốt như thế mọc quanh khu vực phía trước lăng. Lâu nay người ta đã quá quen với hình ảnh cổng tam quan lăng gắn liền với cây thốt nốt. Đặc biệt nổi tiếng là cây thốt nốt thân đôi mọc ngay lối đi, chỉ sau cổng tam quan một đoạn ngắn.

sai-gon-co-lang-ong
Biểu tượng một thời quen thuộc của Sài Gòn – Gia Định xưa: Cổng tam quan của Lăng Ông và cây thốt nốt. Khu vực này bây giờ bị chiếm dụng thành bãi gửi xe khá lộn xộn, nhưng may là khung cảnh cũ vẫn còn.

Người ta biết đến cụ cây này nhiều mà ít biết một đồng loại khác của cụ, đứng khiêm tốn tới mức rất ít ai để ý, ẩn chứa một câu chuyện thú vị ý nghĩa khác. Cụ thốt nốt này còi cọc hơn bạn bè mình rất nhiều, thân thẳng nhưng chỗ to chỗ nhỏ, tán lá ít, ngắn và hầu như bị che khuất trong những cành lá của cây đa cổ thụ kề bên. Hay nói đúng hơn, cụ bị rễ đa quấn chặt lấy, từ cổ tới chân, đến mức nếu không để ý, sẽ nghĩ rằng đó là một thân của cây đa có tán lá rất rộng này. Nhưng cụ là cây thốt nốt duy nhất được đứng gần khu mộ Đức Tả quân và phu nhân nhất.

sai-gon-co-lang-ong
Cây thốt nốt đôi nổi tiếng của Lăng Ông.
sai-gon-co-lang-ong
Ảnh chụp toàn cảnh cây đa cổ thụ ba thân độc đáo bên hông khu mộ Đức Tả quân. Trong phần rễ bên phải hình của cây đa có cây thốt nốt.
sai-gon-co-lang-ong
Cận cảnh phần thân cây thốt nốt bị cây đa ôm chặt suốt chiều dài của thân hai thế kỷ qua.
sai-gon-co-lang-ong
Và phần ngọn của cây thốt nốt chen giữa những cành lá của cây đa.

Và sự cộng sinh độc đáo của hai lão cổ thụ đa – thốt nốt ấy lại là đặc điểm nhận dạng cần thiết trong thời binh biến. Bà Lê Huỳnh Hoa, năm nay 82 tuổi, cháu họ đời thứ 6 của Tả quân Lê Văn Duyệt kể rằng, hồi năm 1954, trước khi bà lên đường tập kết ra Bắc, mẹ bà có dẫn bà đến lăng, chỉ vào cụ đa có rễ ôm thốt nốt này mà dặn dò rằng: Nếu chiến tranh có tàn phá mọi thứ, thì sau này khi tìm về, nhớ tìm dấu tích này để tìm ra khu mộ của tổ tiên.

Cũng may, mọi thứ ở đây vẫn còn y nguyên khi kết thúc chiến tranh.

Thân phận một khu lăng mộ

sai-gon-co-lang-ong
Mộ Đức Tả quân (bên phải hình) và chánh thất Tả quân phu nhân Đỗ Thị Phẫn.

Cùng với việc “trả lại tên cho đường”, phục dựng lại cổng và tu bổ hàng rào, khung cảnh Lăng Ông đã gần như xưa hơn dù thời gian làm thay đổi nhiều thứ chung quanh lăng. Khung cảnh một thời là biểu tượng của Sài Gòn – Gia Định, cùng với lăng mộ Đức Tả quân được xem là nơi có kiến trúc cổ nhất được tồn tại ổn định từ năm 1848.

sai-gon-co-lang-ong
Nét chạm khắc trên bức tường bao quanh bảo vệ khu mộ vợ chồng Đức Tả quân.

Nhắc đến chi tiết này để thấy, việc giữ yên định Lăng Ông thật ý nghĩa khi chốn an nghỉ ngàn thu của người hai lần làm Tổng trấn Gia Định thành này khá lận đận. Một đại thần, phục vụ hai triều vua Gia Long và Minh Mạng, sau khi mất đi, được lập mộ ghi công đàng hoàng. Rồi vì bị buộc tội đã gián tiếp gây nên biến loạn khi còn sống, mộ ông bị vua Minh Mạng cho san bằng, dựng bia đá có khắc tám chữ đầy miệt thị “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử” (chỗ tên hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội). Đến năm Tân Sửu (1841), vua Thiệu Trị lên ngôi cho dẹp bỏ trụ đá hài tội và đắp lại mộ, sửa sang lại miếu thờ.

Theo lời ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM thì năm 1977 người ta từng có ý định phá bỏ lăng vì cho rằng Tả quân Lê Văn Duyệt là quan của triều Nguyễn phong kiến, và cho đập bỏ toàn bộ hàng rào xung quanh lăng để xây lại hàng rào cao. Nơi đây được sử dụng làm Nhà thiếu nhi Q.Bình Thạnh. (Vì vậy mà trên tường rào cũ ở nhiều đoạn có hình… búp măng non!)

sai-gon-co-lang-ong
Mộ của một trong hai cô hầu. Phần mộ này tách biệt nằm bên kia đường Trịnh Hoài Đức, bên hông Lăng Ông. Phần mộ cô hầu còn lại nằm lọt thỏm trong khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng (nay Lê Văn Duyệt) của một dự án bất động sản đang triển khai. Xưa kia, hai ngôi mộ này đều nằm trong quần thể Lăng Ông cho đến thời Pháp thuộc, khu vực này mở đường cắt hai bên hông Lăng Ông như hiện nay.

Theo tài liệu lưu giữ của Lăng Ông, trong bài viết Việc bảo tồn di tích lịch sử Lê Văn Duyệt của ông Nguyễn Chơn Trung, nguyên Bí thư Quận ủy Q.Bình Thạnh, Phó thường trực Ban Dân vận TP còn cho biết một thông tin đáng chú ý khác: “Cuối năm 1982, tôi được Thành ủy bổ nhiệm làm Bí thư Quận ủy Q.Bình Thạnh. Lúc ấy, tôi phải đứng trước nhiều công việc rất bề bộn nhưng có một việc tôi phải suy nghĩ và giải quyết ngay đó là việc phải di dời lăng Lê Văn Duyệt hay bảo tồn một di tích lịch sử văn hóa. Nếu di dời đi thì trước mắt tôi sẽ “an thân” nhưng nếu bảo tồn thì chiếc ghế “bí thư quận ủy” có thể sẽ bị lung lay. Sau nhiều đêm, tôi quyết định giữ lại lăng Lê Văn Duyệt bởi ba lý do: Thứ nhất, Lê Văn Duyệt là người có công khai phá bờ cõi phương Nam, có công giữ gìn bờ cõi với tư tưởng chiến lược quân sự lớn. Thứ hai, nhân dân nhất là nhân dân phía Nam rất tôn sùng, coi ông là bậc thần thánh và thờ cúng rất trang trọng, linh thiêng, nếu di dời lăng là thất nhân tâm. Thứ ba, Tả quân Lê Văn Duyệt là người cương trực, công minh và quyết liệt chống tham nhũng.”

Giá trị của lăng và chuyện mất cắp

sai-gon-co-lang-ong
Mặt tiền bên hông tiền điện của Thượng Công miếu (tên chữ của Lăng Ông) với bức tranh nổi khảm sành sứ rất ấn tượng.

Khu lăng Đức Tả quân được xây dựng trên một trục đường chính. Từ cổng tam quan ở phía Nam vào, lần lượt là nhà bia nơi đặt bia đá ghi công Đức Tả quân, mộ Tả quân và vợ, có bình phong và tường bao quanh, tiếp sau là miếu thờ. Bao quanh là vườn cây xanh tốt.

sai-gon-co-lang-ong
Chim công tuyệt đẹp, hoa và họa tiết trang trí bằng gốm sứ tạo hình trên mái Lăng Ông.

Năm 1989, Lăng Ông được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đã khẳng định giá trị vốn có của lăng. Đặc biệt là kiến trúc của Thượng Công miếu, với  tiền điện, trung điện và hậu điện thờ Đức Tả quân, Thiếu phó Lê Chất (phải), Kinh lược Phan Thanh Giản (trái), gây ấn tượng mạnh với kỹ thuật chạm khắc gỗ, đá, đặc biệt là khảm sành sứ. Góp phần tăng thêm giá trị mỹ thuật cho lăng còn là sự góp sức của các tác phẩm gốm nổi tiếng thuở xưa như các pho tượng, phù điêu rất đẹp của dòng gốm Cây Mai – một dòng gốm nức tiếng của Sài Gòn – Chợ Lớn đầu thế kỷ 19. Vì giá trị như thế nên Lăng Ông luôn là nơi được đạo chích… dòm ngó.

sai-gon-co-lang-ong
Trái châu bị mất cắp đã kịp tái ngộ với đôi rồng tri kỷ gắn bó suốt 98 năm kể từ khi chúng ngự trên nóc nhà bia từ năm 1922.

Sau nhiều lần trùng tu, ngoại trừ hàng rào và cổng từng gây tranh cãi, Lăng Ông vẫn giữ được vẻ đẹp như thuở nào. Nhưng không may, là cứ sau mỗi lần trùng tu, Lăng Ông lại mất đi một số thứ quý giá.

sai-gon-co-lang-ong
Đôi phụng hoàng ngậm thư đứng hai bên trên mái nay chỉ còn một con bên góc trái hình, ngay sau đuôi rồng.
sai-gon-co-lang-ong
Bà Nguyệt trong bộ Ông Nhật Bà Nguyệt còn may mắn chưa bị đạo chích, trên mái tiền điện.

Khi công trình phục dựng cổng, tu bổ hàng rào vòng quanh lăng sắp xong thì trái châu gần trăm năm tuổi trên nóc nhà bia bị mất. Gần nhất, đợt trùng tu hệ thống chiếu sáng sân vườn năm 2018, Lăng Ông bị mất 7 vị tiên trong bộ bát tiên trên đỉnh tiền điện. Bộ bát tiên bây giờ trống hơ trống hoác, để lộ vết mới của tường phía sau và những khối đế còn dính lại sau khi bị gỡ, cùng một vị tiên đứng lẻ loi nhớ bạn trăm năm. Tượng phượng hoàng ngậm thư đứng gần các vị này cũng bị gỡ mất một con, hiện chỉ còn một con đứng lẻ loi bên trái nóc tiền điện. Đợt trùng tu năm 2012, hai con nghê ở cổng mặt đường Phan Đăng Lưu bị gỡ trộm. Đợt trùng tu năm 2010, một dĩa kiểu cổ trang trí ở song nhà hương bị mất. Trước nữa, tầm năm 1995 – 1996, bộ Ông Nhật Bà Nguyệt ở nhà hương cũng không cánh mà bay.

sai-gon-co-lang-ong
Bát tiên xưa, nay chỉ còn nhất tiên, thất vị còn lại không biết lưu lạc nơi nào!

Cũng may là trái châu tìm lại được khá nhanh và cũng là món đồ cổ quý giá hiếm hoi ở Lăng Ông tìm lại được. Có người giải thích một cách tâm linh rằng là do ngài Tổng trấn kém vui, quở vì đã quá sức chịu đựng của ông, nhất là khi chuyện này diễn ra không bao lâu trước ngày giỗ Đức Tả quân. Chưa kể, dân tình còn lan truyền những chuyện kỳ bí khác, như mỗi lần mất một cái gì quý ở Lăng Ông, là điềm báo có người trần thế bị “ảnh hưởng”.

Gần gũi như Lăng Ông Bà Chiểu

sai-gon-co-lang-ong
Cây đầu lân (hay còn gọi là sala) giữa rất nhiều cây xanh mát của Lăng Ông, mà nếu không nói, dễ nhầm tưởng là công viên nào đó.

Lăng Ông nằm trên gò đất cao hình lưng rùa thoai thoải về phía cầu Bông. Theo phong thủy, đây là vị thế nằm ngay long mạch hợp với địa linh nhân kiệt. Lăng Ông không chỉ để viếng, để lễ vào những ngày giỗ, lễ lớn, để xin xăm mà còn là nơi người ta có thể lui tới bất cứ lúc nào, với ngàn lẻ một lý do. Chị vé số người hàng rong hay tiểu thương bán ế, cùng vào thưa với ông, xin với ông qua lời nguyện cầu theo hương khói hay một quẻ xin xăm. Khách trẻ thì tìm đến Lăng Ông để học bài, có những bộ hình đẹp. Các cụ lớn tuổi ở khu này còn kể, quan tướng vùng nào không biết, chứ của vùng này, xưa nay, lễ cầu an hàng năm nhất định phải đến viếng cúng, lễ Ông, thì đường công danh hoạn lộ dễ bình an hơn.

sai-gon-co-lang-ong
Người lao động thường hay ghé khuôn viên Lăng Ông để nghỉ ngơi.
sai-gon-co-lang-ong
Trung điện luôn có sẵn các ống xăm. Đi xin xăm ở Lăng Ông là một thói quen lâu năm của người Sài Gòn.

Bốn mặt tiền của Lăng Ông đều là những con đường đông đúc, cạnh chợ Bà Chiểu sầm uất nhộn nhịp nhất vùng, Lăng Ông lọt ở giữa như một ốc đảo bình yên. Bức tường rào thưa và thấp (vừa mới được trùng tu xây mới) nhưng đủ ngăn cách phố xá nhộn nhịp bên ngoài và không gian yên tĩnh bên trong, vừa  biệt lập vừa song song cùng đời sống. Những bóng mát cổ thụ trở thành mái che thiên nhiên quý giá cho người lao động. Lăng Ông còn là công viên, là mảng xanh hiếm hoi của khu vực nhà cửa san sát này. Khuôn viên khá rộng với rất nhiều mảng xanh trong đó nhiều cây cổ thụ là nơi lý tưởng để người ta đến tập thể dục mỗi sáng, chiều. Ghế đá trong lăng luôn có người ngồi nghỉ, chuyện vãn, là tiểu thương hay bà nội trợ đi chợ, người bán dạo, bán vé số mỏi chân. Từ lâu, người dân quanh đây vốn đã quen nhìn Lăng Ông gần gũi thân thương như thế.

sai-gon-co-lang-ong
Khu mộ Đức Tả quân nhìn từ phía cây me tây cổ thụ, phía sau nhà bia nơi có trái châu bằng gốm cổ bị mất đã tìm lại được.

Cho nên, viếng Lăng Ông, người ta không cảm giác tịch mịch lạnh lẽo như không gian cố hữu của các lăng mộ khác, mà cảm giác như Ông vẫn đâu đó đồng hành cùng cuộc sống hậu thế.

sai-gon-co-lang-ong
Có thể nhìn thấy khá nhiều sóc ở đây. Khu vực Lăng Ông cũng là nơi tụ tập sinh sống của nhiều loại chim.

Theo sách sử kể lại, Lê Văn Duyệt là người tài giỏi, có tư tưởng cải cách phóng khoáng, hiện đại đã khiến Sài Gòn và vùng đất phía Nam trở thành vùng đất hứa cho lưu dân, người xứ khác đến làm ăn buôn bán, người có niềm tin tín ngưỡng khác… tới sinh sống, lập nghiệp. Mà cũng thú vị là, Sài Gòn tới nay vẫn mang tính cách của tiền bối: vẫn phóng khoáng, cởi mở, nghĩa tình đón nhận người đến từ muôn nơi.

Bài & ảnh: Lê Minh Hạ

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/sai-gon-co-lang-ong-nam-tren-duong-le-van-duyet/

Cùng chuyên mục