Quy hoạch bảo tồn, phát triển Mỹ Sơn: Cần giải pháp căn cơ và lâu dài

Ngày 30/12/2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1915/QĐ-TTg phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn, giai đoạn 2008 – 2020. Đến nay, dù sắp hết hạn quy hoạch nhưng một số nội dung quan trọng vẫn chưa thể thực hiện do vướng các thủ tục về văn bản, pháp lý, đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng quy hoạch cho giai đoạn tiếp theo nhằm đảm bảo việc bảo tồn và phát huy được giá trị di sản này…

Quy hoạch Mỹ Sơn cần được điều chỉnh cho phù hợp với quá trình phát triển.
Quy hoạch Mỹ Sơn cần được điều chỉnh cho phù hợp với quá trình phát triển.

Hành trình 10 năm

Sau hơn 10 năm triển khai dự án quy hoạch Mỹ Sơn, các phần việc đã hoàn thành như rà phá bom mìn, xây dựng hạ tầng, bảo vệ cảnh quan… Tuy vậy vẫn còn những phần việc chưa thể hoàn thành như phục hồi giá trị văn hóa phi vật thể, bảo tồn di tích. Thậm chí, một vài kiến trúc đền tháp Chămpa đang đối diện với nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Một quy hoạch đầy tham vọng

Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn bao gồm toàn bộ thung lũng Mỹ Sơn, giới hạn bằng các đỉnh núi bao quanh thung lũng như Văn Chỉ, Hòn Ngang, Đá Bèo, Kỳ Vĩ, Mật Mã. Trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch là toàn bộ khu di tích, các cánh rừng trên sườn núi phía trong thung lũng Mỹ Sơn, khu vực xây dựng các công trình quản lý và dịch vụ thuộc khu Mỹ Sơn – Thạch Bàn, tổng diện tích phạm vi đề xuất nghiên cứu quy hoạch là 1.158ha, tổng nguồn vốn 282 tỷ đồng.

Dù đạt nhiều kết quả, tuy nhiên dự án vẫn có những tồn tại trong công tác bảo tồn. Nhóm tháp F vẫn chưa được trùng tu, cụ thể tháp F1. Hơn 20 năm qua kể từ khi được khai quật khảo cổ, hiện trạng tháp F1 không khác gì đống gạch hỗn độn được chèn chống, níu kéo bởi những trụ sắt kiên cố. Càng lo ngại hơn khi hầu hết gạch của tháp đã bạc màu và đứt mạch liên kết. Một số công trình kiến trúc khác như tháp B3, B5, E4, F2… chưa có giải pháp bảo tồn, chống đỡ hiệu quả. Với các nhóm tháp B, C, D, việc lập dự án phát lộ, thám sát, thăm dò, khảo cổ, triển khai bảo tồn, tu bổ vẫn chưa thực hiện. “Một hạn chế của dự án chính là phạm vi quản lý hẹp trong khi diện tích lớn, khiến việc đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ bị vướng. Điển hình như xây dựng nhà biểu diễn văn nghệ và vườn tượng danh nhân vinh danh những người có công bảo tồn Mỹ Sơn chưa thể thực hiện do không có trong dự án quy hoạch 2008 – 2020” – ông Phan Hộ nói.

Ngoài quy hoạch sử dụng đất, nội dung dự án chủ yếu tập trung vào công tác bảo tồn, trùng tu di tích như rà phá bom mìn, vật liệu nổ, xử lý chất độc hóa học; nghiên cứu điều kiện tự nhiên, vật liệu xây dựng, công nghệ và kỹ thuật xây dựng, lịch sử, mỹ thuật cổ; xây dựng hồ sơ khoa học cho toàn khu di tích… Dự án xác định tiến hành phát quang giải tỏa, thu gom các thành phần chi tiết các di tích bị đổ; khảo cổ học, gia cố cấp thiết các di tích; khử diệt cây cỏ dại mọc trên tháp, tiến hành bảo quản cấp thiết; gia cố lâu dài các phế tích, tái định vị các chi tiết và thành phần bị rơi vãi; phục hồi từng phần các bộ phận đã mất; tôn tạo, tổ chức không gian các nhóm đền tháp; cải tạo kỹ thuật hạ tầng khu vực di tích…

Dấu ấn bảo tồn

Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (BQL Mỹ Sơn) cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, dự án đã hoàn thành nhiều công việc như cải tạo xây dựng kỹ thuật hạ tầng, xây dựng các công trình quản lý, dịch vụ, nhóm dự án trồng rừng, tái tạo rừng… “Mặc dù chưa thực hiện xong các kế hoạch được phê duyệt nhưng dự án cũng đã hoàn thành phần lớn việc trùng tu các kiến trúc Mỹ Sơn, giữ cho tháp không ngã đổ hư hại thêm; một số di tích như nhóm tháp G, E7 kể cả K, H đã và đang được phục hồi tốt. Từ kết quả bảo tồn không chỉ giúp phục hồi gần như dáng vẻ ban đầu của kiến trúc, nhất là tháp G1, còn góp phần xác lập những cơ sở kỹ thuật để triển khai các dự án bảo tồn sau này như E7, kể cả K và H” – ông Phan Hộ – Giám đốc BQL Mỹ Sơn khẳng định.

Thành công của công tác bảo tồn không chỉ góp phần phục hồi một số công trình đền tháp nơi đây, mà các giá trị di sản cũng được phát huy mạnh mẽ, lượng khách đến Mỹ Sơn tăng trưởng mỗi năm trên 20%, giúp đơn vị này có nguồn kinh phí bố trí lại cho công việc bảo tồn. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, mỗi năm hàng tỷ đồng được trích lại từ nguồn thu du lịch đã được dành cho công tác bảo tồn di sản Mỹ Sơn. Hiện tại, số dư dành cho quỹ phát triển sự nghiệp bảo tồn di tích Mỹ Sơn đạt khoảng 30 tỷ đồng (đây là số tiền trích lại 25% từ nguồn thu du lịch của Mỹ Sơn sau khi làm các nghĩa vụ của Nhà nước). Dự kiến, số tiền này sẽ được dùng triển khai trùng tu tháp F2, D1, D2 và di dời nhà biểu diễn ra khỏi vùng lõi trong năm nay.

Quản lý rừng … trên giấy

Quy hoạch cũ vướng, trong khi quy hoạch mới chưa được xây dựng phê duyệt, khiến công tác bảo tồn Mỹ Sơn loay hoay, thể hiện rõ nhất trong việc quản lý diện tích rừng xung quanh di sản.

Người dân khu vực di sản được hưởng lợi thông qua việc tham gia các dự án trùng tu
Người dân khu vực di sản được hưởng lợi thông qua việc tham gia các dự án trùng tu

Không có thực quyền

Theo dự án quy hoạch, Mỹ Sơn được giao quản lý 1.158ha rừng giáp ranh với 5 xã gồm Duy Sơn, Duy Hòa, Duy Phú (Duy Xuyên) và Sơn Viên, Quế Trung (Nông Sơn). Tuy vậy, đến nay việc cắm mốc, phân định vẫn chưa rõ ràng khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Công Khiết – Phó Giám đốc BQL Mỹ Sơn cho rằng, lẽ ra bên cạnh Quyết định quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, phải có thêm quyết định về giao đất giao rừng cho BQL Mỹ Sơn quản lý diện tích này, bởi nếu căn cứ theo quyết định quy hoạch sẽ rất chung chung, đơn vị không có giấy tờ nào nhằm xác định tính hợp pháp việc quản lý rừng (bìa đỏ). “Trước đây, trong Quyết định của Thủ tướng cũng đã giao cho Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư việc cắm mốc vị trí rừng, nhưng sở không làm được việc này vì sở nói không có nguồn kinh phí, nên sau khi bàn bạc giữa UBND huyện Duy Xuyên và Sở VH-TT&DL đã đi đến thống nhất giao việc này cho UBND huyện Duy Xuyên và BQL Mỹ Sơn” – ông Khiết nói.

Hỗ trợ, chia sẻ lợi ích cộng đồng

“Định hướng bảo tồn khu di tích gắn với việc nâng cao vai trò của cộng đồng, nâng cao điều kiện hưởng thụ văn hóa, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân địa phương” là một trong những mục tiêu của dự án mà BQL Mỹ Sơn đã nỗ lực thực hiện.

Thời gian qua BQL Mỹ Sơn không chỉ hỗ trợ, tư vấn làng phát triển sản phẩm du lịch mà còn hỗ trợ người dân nguồn vốn sản xuất. Riêng năm 2018, gần 30 triệu đồng đã được hỗ trợ người dân như hỗ trợ xây dựng cổng ngõ; mời người về dạy nấu dầu chổi, khoanh vùng khai thác cây dầu chổi để có nguồn nguyên liệu… Sắp tới, BQL Mỹ Sơn cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ làng xây dựng Nhà đón tiếp, kính phí hơn 200 triệu đồng; củng cố lại các homestay… BQL Mỹ Sơn cũng đã cố gắng triển khai nhiều công việc hỗ trợ cho cộng đồng. Rõ nhất chính là việc tiếp nhận con em địa phương vào làm việc trong khu di tích. Đến nay trong tổng số 131 lao động đang làm việc tại BQL Mỹ Sơn, hơn 80% là con em địa phương. Ngoài ra, công nhân tham gia các dự án trùng tu di tích Mỹ Sơn cũng hầu hết là người địa phương.

Dù chưa có nghiên cứu, thống kê về số lượng chủng loài động thực vật rừng Mỹ Sơn nhưng quá trình khảo sát của BQL Mỹ Sơn đã phát hiện nhiều loại động thực vật như heo rừng, mang, hươu, chồn, rắn… Bên cạnh đó, rừng Mỹ Sơn cũng có nhiều cây bản địa như lim xanh, tràm thị, dẽ đỏ, chua… Cá biệt, khu vực rừng già Hòn Đền, khu vực Bếp Dẽ còn tồn tại nhiều loại cây thân gỗ to lớn, nhất là các loại lan quý. Theo ông Nguyễn Duy – Trưởng phòng An ninh bảo vệ Mỹ Sơn, do không được giao đất giao rừng nên những nơi giáp ranh với huyện Nông Sơn công tác quản lý, kể cả phòng chống cháy rừng rất khó khăn, nhất là những hộ dân đang sử dụng đất rừng sản xuất hoặc săn bắn động vật trái phép… nhưng BQL Mỹ Sơn vẫn không thể xử lý. “Quá trình tuần tra chúng tôi phát hiện một số trường hợp vào rừng săn bắt, chặt phá rừng trái phép nhưng việc xử lý rất lúng túng, cùng lắm là dẫn giải về giao công an xã ghi tên tuổi, quê quán, CMND, răn đe rồi thả về. Nếu gặp ai “hầm hồ” cũng đành cho đi vì mình đâu có quyền hạn pháp lý hay địa điểm sơ đồ, tọa độ gì để quản lý mà nói họ” – ông Duy kể..

Cấp sổ đỏ cho rừng Mỹ Sơn

Theo ông Nguyễn Công Khiết, để giao đất giao rừng cho Mỹ Sơn trước hết cần thực hiện việc xác lập rừng cảnh quan cho di sản theo quy định. Hiện tại, BQL Mỹ Sơn đã hợp đồng với Phân Viện điều tra quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ (Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ NN-PTNT) xây dựng Đề án Xác lập rừng bảo vệ cảnh quan tại Khu di tích Mỹ Sơn, sau khi đề án được phê duyệt, sẽ tiến hành giao đất giao rừng (bìa đỏ) cho Mỹ Sơn. “Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, khu vực Mỹ Sơn được quy hoạch 1.081ha là rừng cảnh quan cần bảo vệ. Do vậy, sau khi đề án được phê duyệt sẽ tiến hành cắm mốc, giao cho BQL Mỹ Sơn quản lý, lúc đó đơn vị mới có cơ sở quy hoạch lại khu nào phát triển du lịch, khu nào rừng phòng hộ, khu rừng sinh thái… ” – ông Khiết phân tích.

Ông Lê Trung Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, đề án bảo vệ rừng cảnh quan sẽ là căn cứ trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng gắn với bảo tồn các giá trị di sản. Đây là việc đang được ưu tiên thực hiện, dự kiến hoàn thành ngay trong năm 2019, để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở đó mới tiến hành điều chỉnh quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn. Ông Cường cho biết thêm, trong tổng diện tích 1.158ha dự án quy hoạch trước đây đã bao hàm một số diện tích rừng sản xuất của người dân, nên bây giờ dù đề án xác lập rừng cảnh quan được thông qua cũng phải thực hiện thêm bước nữa là tiến hành thu hồi, đền bù cây trồng để dân giao lại diện tích cho BQL Mỹ Sơn. Tuy nhiên, đền bù thế nào, kinh phí từ đâu là thuộc về chủ trương của tỉnh, huyện không có thẩm quyền.

Quy hoạch cho giai đoạn tiếp theo

Một trong những mục tiêu chính của dự án Quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn là cứu vãn, ngăn chặn quá trình hủy hoại toàn bộ di tích hiện còn ở Mỹ Sơn cũng như bảo tồn cảnh quan thiên nhiên toàn khu vực… vẫn chưa thể hoàn thành trọn vẹn. Việc điều chỉnh, xây dựng dự án quy hoạch mới cho Khu di tích Mỹ Sơn được xem là cấp thiết.

Ông Phan Hộ – Giám đốc BQL Mỹ Sơn cho biết, quá trình điều chỉnh dự án quy hoạch chắc chắn lâu dài. Theo đó, lộ trình sẽ bao gồm các bước như lập báo cáo quá trình thực hiện dự án thời gian qua; xin chủ trương về việc cho thực hiện điều chỉnh quy hoạch; tiếp đến mời đơn vị tư vấn lập quy hoạch bổ sung, cuối cùng UBND tỉnh trình Bộ VH-TT&DL thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt. Quy hoạch mới sẽ bổ sung một số hạng mục mà trước đây trong quy hoạch cũ không có, đồng thời có thể mở rộng diện tích nhằm phát triển hệ thống dịch vụ sau này. “Hiện tại, chúng tôi đã hợp đồng với Viện Bảo tồn di tích xây dựng điều chỉnh Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn giai đoạn 2021 – 2035, định hướng đến 2040, dự kiến hoàn thành trước năm 2020 để kịp trình các cấp phê duyệt, triển khai” – ông Hộ cho biết.

Việc triển khai Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2021 – 2035 được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục thực hiện các mục tiêu mà Quyết định 1915 đã đề ra; bảo đảm việc đầu tư, xây dựng theo đúng quy hoạch; đào tạo nguồn nhân lực bảo tồn, phát huy giá trị di tích… Đặc biệt, sẽ giúp xây dựng kế hoạch cũng như phân bổ kinh phí nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn các dự án bảo tồn, trùng tu di tíchMỹ Sơn.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL, dù quá trình thực hiện quy hoạch vẫn còn một số tồn tại, nhưng có thể khẳng định công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản 10 năm qua khá thành công. Trong đó, việc thu hút nhiều nguồn lực phục vụ công tác trùng tu đã giúp khôi phục một số công trình kiến trúc, cảnh quan môi trường, tạo điều kiện cho du lịch phát triển… “Tất nhiên, vẫn còn vài hạn chế do những đặc thù của Mỹ Sơn như nhiều di tích xuống cấp, thời tiết khắc nghiệt… Do vậy, câu chuyện bảo tồn phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn chỉ mới bắt đầu và còn phải tiếp tục lâu dài. Thời gian tới, sở sẽ cùng với huyện Duy Xuyên đánh giá lại công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản, đề xuất quy hoạch giai đoạn mới, đồng thời có những kế hoạch cụ thể chi tiết đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản không chỉ ở vùng lõi mà cả vùng đệm, kể cả kêu gọi xúc tiến đầu tư du lịch vào khu vực bên ngoài di tích” – ông Hồng nói.

Trong buổi làm việc với BQL Mỹ Sơn và các sở, ngành liên quan mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân khẳng định việc lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn giai đoạn 2021 – 2035, định hướng đến 2040 là cần thiết. Cần phải làm rõ việc lập quy hoạch mới mang tính cấp thiết, mới có thể thuyết phục các cấp bộ ngành liên quan đồng ý. Ngoài ra, trước khi lập quy hoạch mới, BQL Mỹ Sơn và UBND huyện Duy Xuyên có báo cáo đánh giá những gì đã làm được cũng vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch trước đây để tỉnh có cơ sở trình Bộ VH-TT-DL xem xét rồi trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch mới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân phân tích: “Việc điều chỉnh dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn giai đoạn tới sẽ giúp tiếp tục định hướng tổ chức quản lý, nhằm phát huy các giá trị của khu di tích, nhất là khai thác tiềm năng về dịch vụ du lịch, văn hóa với tư cách một nhân tố tác động tích cực trở lại phục vụ mục đích bảo tồn có hiệu quả Mỹ Sơn, qua đó góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương hiệu quả hơn”.

TS. Patrizia Zolese (Ý) – Chuyên gia trùng tu di tích: Mỹ Sơn đã thay đổi rất nhiều

Câu chuyện của Mỹ Sơn không chỉ gói gọn trong hơn 10 năm qua khi Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn được triển khai, mà đó là một quá trình dài của lịch sử và sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai.

Sự kết hợp giữa Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh, UBND huyện Duy Xuyên đã cho chúng tôi sự hợp tác rất tốt trong việc bảo tồn di tích Mỹ Sơn. Trong đó, bao gồm cả những người dân địa phương, BQL Mỹ Sơn; những cộng đồng sống xung quanh di tích và những người công nhân. Từ những điều kiện rất khó khăn đến bây giờ Mỹ Sơn đã thay đổi rất nhiều, kết quả này không thể phủ nhận sự đóng góp của những bên liên quan, nhất là từ phía Việt Nam đã có sự hợp tác rất tốt trong việc bảo tồn di tích Mỹ Sơn, đặc biệt nhóm tháp G.

Sau khi kết thúc dự án nhóm tháp G (2013) công việc của chúng tôi vẫn tiếp tục. Năm 2018 tôi trở lại đây và thực hiện dự án đào tạo. Chúng tôi đã mở một trường đào tạo liên quan các vấn đề khảo cổ học, bảo tồn di tích Chăm, phục chế hiện vật và vấn đề quản lý di tích Mỹ Sơn. Chúng tôi đào tạo 35 học viên, họ là những cán bộ kỹ thuật đến từ nhiều cơ quan các tỉnh khác nhau của Việt Nam, đồng thời rất nhiều công nhân cũng đã được đào tạo thông qua các dự án đã và đang triển khai tại đây. Có thể thấy, sự thành công của công tác bảo tồn không nằm ở những quy định hoặc những quy hoạch mà còn đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ BQL Mỹ Sơn và các cơ quan liên quan trong việc gìn giữ di tích này, bởi Mỹ Sơn gặp thách thức rất lớn trong việc bảo tồn, vì đây là một di tích, phế tích khảo cổ học bị tác động rất nhiều yếu tố khác nhau.

So với hơn 10 năm trước, khi dự án quy hoạch chưa triển khai Mỹ Sơn đã thay đổi rất nhiều. Đặc biệt, năng lực của BQL Mỹ Sơn đã được cải thiện rất tốt trong công tác chuyên môn để giữ gìn và bảo vệ khu di sản. Trong đó, có thể kể đến việc cải thiện về cơ sở hạ tầng như đường sá, xe cộ… Điều đó cho thấy rằng, sự nỗ lực của tất cả mọi người trong công tác bảo tồn Mỹ Sơn rất đáng ghi nhận, bởi làm việc tại Mỹ Sơn trong điều kiện rất khó khăn, nhất là công việc bảo tồn. Sự thành công của công tác bảo tồn hơn 10 năm qua, rộng hơn là từ khi di sản này được thế giới biết đến là vô cùng to lớn. Điều đó cũng thể hiện qua con số du khách đến tham quan Mỹ Sơn ngày càng tăng, tôi thật sự thấy hạnh phúc trong việc đồng hành với di sản Mỹ Sơn hiện nay và kể cả thời gian tới.

Thực hiện chuyên đề: Vĩnh Lộc
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục