Phim Việt rục rịch ra rạp

Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, các hãng phát hành bắt đầu công bố lịch chiếu phim từ tháng 5 đến cuối năm, dù rạp phim chưa được mở cửa trở lại.

Bằng chứng vô hình. Ảnh: CJ

Nói với Tuổi Trẻ, đại diện các hãng phát hành, nhà sản xuất và đạo diễn mong đợi sẽ có một “cơn khát ra rạp” từ khán giả đề hồi sinh ngành công nghiệp điện ảnh sau dịch.

Lịch chiếu khá dày

Anh Nguyễn Quốc Khánh – đại diện CGV Việt Nam – cho biết trong tháng 3, doanh thu phòng vé toàn quốc giảm 500 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến doanh thu phòng vé tháng 4 là 0 do rạp đóng cửa trên toàn quốc.

Còn thiệt hại của toàn ngành điện ảnh do Covid-19 thì chưa đo đếm được, bởi còn phải tính đến chi phí cho 10.000 nhân sự trong ngành và vật lực.

Trước tình hình này, giữa tháng 4, Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam (tập hợp của các hãng phát hành như CGV, Galaxy, BHD…) gửi công văn “cầu cứu” Thủ tướng hỗ trợ. Đến hôm 23/4, ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, ngành phim cũng có những động thái tự cứu mình.

Ngay ngày 23/4, Galaxy là đơn vị đầu tiên tung lịch chiếu mới vào tháng 5 và 6 của các phim phải hoãn trước đây. Các phim Việt là Truyền thuyết về Quán Tiên dự kiến chiếu ngày 22/5 (lịch cũ 30/4), Tôi là não cá vàng dự kiến chiếu ngày 5/6.

Bên cạnh đó là các phim nước ngoài như Phi vụ đào tẩu (8/5), Dreamkatcher (15/5), Kẻ tẩu thoát giấc mơ (29/5), Nhím sóc và viên đá thần kỳ (29/5), You Die và Better Start Running (12/6), Đầu gấu Bắc Cực (26/6)… Lịch chiếu khá dày để sớm kéo khán giả trở lại rạp.

Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử. Ảnh: GALAXY

Chờ đợi và nôn nao

Trong tháng 3 và 4, một số phim tung hình ảnh, poster, thông tin quảng bá để chuẩn bị ra rạp. Đó là Bằng chứng vô hình (ra rạp ngày 10/7) của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, Tà Năng Phan Dũng (16/10) của đạo diễn Trần Hữu Tấn, Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử (18/12) của đạo diễn Võ Thanh Hòa.

Bằng chứng vô hình (CJ-HK sản xuất) là phim quảng bá rầm rộ nhất trong dịp này với những bộ ảnh trong phim, ảnh hậu trường, thông tin chi tiết về dàn diễn viên gồm Phương Anh Đào, Quang Tuấn, Ái Phương và kịch bản hình sự, giật gân. Phim làm lại từ phim gốc nổi tiếng Nhân chứng mù của Hàn Quốc.

Tà Năng Phan Dũng (Production Q sản xuất) được quảng bá là “phim sinh tồn đầu tiên của Việt Nam”, mang màu sắc kinh dị, lấy cảm hứng từ những vụ tai nạn có thật trên cung đường hiểm trở Tà Năng – Phan Dũng.

Chủ đề sinh tồn là chủ đề mới trong điện ảnh Việt, đòi hỏi làm việc ở ngoại cảnh nguy hiểm và phức tạp để có những thước phim đủ chân thực. Kinh phí khá cao nên nhà sản xuất cũng không đặt kỳ vọng lãi lớn.

Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử (Thu Trang Entertainment, Galaxy M&E) tung teaser từ cuối tháng 3 với dàn diễn viên quen thuộc như Thu Trang, Tiến Luật, Kiều Minh Tuấn, Châu Bùi…

 Chia sẻ lịch chiếu mới của Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử, nhà sản xuất – diễn viên Thu Trang bày tỏ cô “chờ đợi mà nôn nao”.

Năm nay, Thu Trang góp mặt trong 2 dự án phim lớn: Chị Mười Ba và Tiệc trăng máu. Bên cạnh đó, cô còn có phim Tôi là não cá vàng đóng cùng Khánh Hiền, La Thành, Kiều Minh Tuấn.

Trước đó, Truyền thuyết về Quán Tiên của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ được quảng bá từ cuối tháng 2. Phim chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Xuân Thiều, kể chuyện cô gái “bị khỉ bắt làm vợ” thời chiến tranh. Chủ đề lạ và tác phẩm gốc gây tranh cãi khiến Truyền thuyết về Quán Tiên được chú ý.

Tà Năng Phan Dũng. Ảnh: Production Q

Mong khán giả khát khao trở lại rạp

Trả lời Tuổi Trẻ, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh của Bằng chứng vô hình nhận định: “Những con át chủ bài của điện ảnh Việt hầu hết đã dời sang tết năm sau.

Nếu dịch kết thúc vào tháng 5, tháng 6, những phim được dự báo là bom tấn có thể kịp phát hành vào cuối năm, Giáng sinh và Tết dương lịch. Vì vậy, năm nay chỉ còn hi vọng vào các phim đã sản xuất, đang làm hậu kỳ và vẫn giữ lịch ra rạp trong năm. Tôi mong sau dịch, khán giả sẽ rục rịch quay lại rạp”.

Theo đạo diễn Lê Minh, vẫn còn khả năng thị trường điện ảnh nửa sau 2020 sẽ có nhiều bất ngờ thú vị. Đối với anh, xem phim tại nhà cũng tốt nhưng xem phim rạp là “trải nghiệm độc nhất, không gì thay thế được”.

Anh lường trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa rạp chiếu và các ứng dụng xem phim trực tuyến trong thời gian tới.

Dù lạc quan đến đâu, điện ảnh Việt xác định thất thu trong hai quý đầu năm 2020. Thị trường buộc phải bỏ qua những “thời điểm vàng” như dịp 14/2, 8/3, 30/4 và 1/5. Lật mặt: 48h (Lật mặt 5), phần mới của loạt phim chiếu dịp 3/04 hằng năm, phải đổi lịch sang Tết Nguyên đán 2021.

Bên cạnh đó, nhiều phim không kịp sản xuất, nhiều phim bị dời lịch chiếu, thời gian công chiếu chỉ còn lại từ tháng 6 đến tháng 12 năm nay và vắt qua mùa phim Tết 2021. Do đó, sẽ có cuộc cạnh tranh gay gắt giữa nội bộ các phim Việt bị lùi lịch chiếu, khi phải chia nhau thời điểm tốt để ra mắt trong năm 2020 và 2021.

Tại Trung Quốc, để tạo “cơn khát ra rạp hậu Covid-19”, các rạp đã chiếu lại những phim ăn khách bậc nhất trong lịch sử điện ảnh như loạt Avengers, Avatar, Titanic… Mặc dù vậy, tâm lý lo ngại đám đông hậu Covid-19 cũng là điều các rạp và hãng phim cần lưu tâm.

Truyền thuyết về Quán Tiên. Ảnh: Production Q

Một số lịch chiếu mới của phim Việt 2020:

* 22/5: Truyền thuyết về Quán Tiên.

* 5/6: Tôi là não cá vàng.

* 10/7: Bằng chứng vô hình.

* 28/8: Tiệc trăng máu.

* 16/10: Tà Năng Phan Dũng.

* 31/10: Thiên thần hộ mệnh.

* 18/12: Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử.

Chưa có lịch mới: Bí mật thiên đường, Vô diện sát nhân, Bí mật của gió.

Sắp sản xuất: 578 – Phát đạn của kẻ điên, Chiến dịch chống ế.

Mi Ly

Theo Tuổi Trẻ Online

 

Link nguồn: https://tuoitre.vn/phim-viet-ruc-rich-ra-rap-20200428095012442.htm

Cùng chuyên mục