Phim Việt kể nhiều hơn câu chuyện xã hội

Nhiều người trong giới nhận định đây là sự thay đổi tích cực, góp phần đa dạng hóa thị trường vốn loanh quanh đề tài tình cảm hài, ngôn tình

Khán giả Việt sẽ được thưởng thức một loạt phim khai thác đề tài mang tính xã hội như: Tìm chồng cho mẹ (đạo diễn: Thủy Trần), Thưa mẹ con đi (đạo diễn: Trịnh Đình Lê Minh), Ngôi nhà bươm bướm (đạo diễn: Huỳnh Tuấn Anh), Anh thầy ngôi sao (đạo diễn: Đức Thịnh)… Dự án khai thác đề tài về hậu trường các cuộc thi hoa hậu có tên Hoa hậu giang hồ (đạo diễn: Lương Mạnh Hải) cũng được công bố thực hiện, ra rạp vào dịp cuối năm 2019.

Rời “vùng an toàn”

Phim Tìm chồng cho mẹ khai thác câu chuyện về cô bé Thụy Miên tìm chồng cho mẹ. Nhà sản xuất cho biết phim mạnh dạn chạm đến những mảng màu đa sắc trong cuộc sống của những bà mẹ đơn thân ở nhiều tầng lớp, hoàn cảnh, tính cách thông qua các nhân vật. Phim Thưa mẹ con điNgôi nhà bươm bướm cùng khai thác đề tài đồng tính nhưng ở góc độ khác nhau. Thưa mẹ con đi là hành trình công khai tình yêu của hai chàng trai trẻ với gia đình mà đặc biệt là mẹ. “Tôi từng tự đặt câu hỏi tại sao khán giả vẫn thường gắn LGBT (cộng đồng đồng tính, song tính, chuyển giới) với những chuyện đời gai góc, khốn khổ, ngang trái. Nhân vật trong phim của tôi không phải kiểu người “một mình chống lại thế giới”, điều làm nên giá trị cho nhân vật chính là anh vẫn được gia đình yêu thương, chấp nhận. Một gia đình hạnh phúc không cần phải có các đứa con hoàn hảo mà đơn giản chỉ là ở đó mỗi người cảm thấy yên bình, yêu thương và thấu hiểu nhau” – đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ.

Cảnh trong phim “Thưa mẹ con đi”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Cảnh trong phim “Thưa mẹ con đi”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Với Ngôi nhà bươm bướm, tác phẩm lấy cảm hứng và chuyển thể từ vở hài kịch La Cage aux Folles năm 1973, khai thác câu chuyện liệu gia đình đàng gái có chấp nhận một người con rể có đến hai người cha. Phim đặt ra một góc nhìn về phản ứng xã hội, thái độ ứng xử của người đời với một gia đình đặc biệt nhưng dần không quá xa lạ trong cuộc sống hiện tại.

Cảnh trong phim “Anh thầy ngôi sao” (Nhà phát hành cung cấp)
Cảnh trong phim “Anh thầy ngôi sao” (Nhà phát hành cung cấp)

Phim Anh thầy ngôi sao kể về chàng trai trẻ luôn mơ ước nổi tiếng, bất đắc dĩ thành thầy giáo và phải đến đảo xa để dạy cho những đứa trẻ ở đảo. “Gần đây, tôi luôn muốn làm những bộ phim thương mại mang tính xã hội nhiều hơn, hướng đến những điều tốt đẹp và mang lại suy nghĩ lạc quan. Dự án này còn khiến tôi tâm đắc vì đã đi xa hơn “vùng an toàn” của mình là phim hài” – đạo diễn Đức Thịnh tâm sự.

Cần được ủng hộ

Những phim được kể trên dù chọn đề tài xã hội muôn thuở hay đang là vấn đề thời sự thì nhà làm phim đều nỗ lực cân bằng với tính giải trí. Nghĩa là các câu chuyện không được kể theo lối nặng nề, bi thương thường thấy mà cân bằng với yếu tố lãng mạn, hài hước, lồng ghép các thông điệp nhân văn. Nhà làm phim kỳ vọng điều này sẽ cuốn hút khán giả trẻ, tiếp cận đến những vấn đề xã hội với tâm thế thoải mái. Một góc độ không làm cho họ ngại ngần khi gặp phải những đề tài tương tự ở các phim sau.

Nhiều người trong giới cho rằng đây là điều đáng khuyến khích, ủng hộ bởi đã đến lúc khán giả cần được thưởng thức phim đề tài đa dạng. Việc đưa hơi thở cuộc sống vào điện ảnh theo cách giải trí chứ không nặng nề, áp đặt là cơ hội để điện ảnh Việt nâng chất hơn.

Trước khi có sự bùng nổ của phim đề tài xã hội trên màn ảnh rộng, những chủ đề đồng tính, thời sự cũng đã từng được thể hiện qua vài phim: Kẻ trộm chó, Tao không xa mày... Tuy nhiên, các phim này không thành công doanh thu bởi kịch bản và cách kể chuyện chưa thuyết phục. Phim chỉ mới đề cập yếu tố bên ngoài mà chưa khai thác tận cùng vấn đề muốn nói, lộ rõ sự vụng về, lúng túng. “Đề tài xã hội rất khó viết, không đặc sắc thì không thu hút khán giả. Một câu chuyện có đủ bi hài mà không điểm nhấn, phá cách cũng không ổn. Như phim Ký sinh trùng, đề tài có thể quen thuộc nhưng cách tiếp cận và kể chuyện thì độc đáo, riêng biệt và được đón nhận. Tôi tin nếu một phim chạm đến cảm xúc khán giả thì dù đề tài gai góc vẫn được ủng hộ” – biên kịch Thanh Hương nhận định.

Phải tự nỗ lực tìm hướng ra

Một số người trong giới cho rằng chính yếu tố kiểm duyệt cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà làm phim ngại ngần khi đi tận cùng các đề tài xã hội. Điều này được xác nhận là rất khó bởi nếu không khai thác sâu, khán giả sẽ chỉ trích phim hời hợt, còn khai thác quá sâu thường khó qua được khâu kiểm duyệt. Tuy nhiên, bà Trịnh Lê Minh Hằng, Giám đốc Skyline Media, nhận định: “Nếu chúng ta cứ lo ngại, sợ đổi mới, sợ kiểm duyệt thì chẳng bao giờ làm được phim tốt hơn. Hiện nay, nhà làm phim luôn bị kẹt giữa các yếu tố như khán giả trẻ, ngân sách, phát hành, kiểm duyệt. Chúng ta phải tự nỗ lực tìm hướng ra. Ở góc độ người làm nghề, tôi ủng hộ tìm đến những đề tài xã hội như thế nhằm làm phong phú “món ăn tinh thần” cho khán giả”.

Minh Khuê
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Cùng chuyên mục