Phát triển rừng bền vững

Rừng có tầm quan trọng trong việc giữ gìn môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, bảo vệ nguồn gen sinh vật và là kế sinh nhai của rất nhiều hộ dân. Phát triển rừng bền vững có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, cũng như việc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các thực thi cam kết đối với chính sách tài nguyên. Để bảo vệ rừng, từ năm 2016 đến nay, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt 12 dự án trồng rừng thay thế với tổng diện tích 446ha, thực hiện chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân hoặc cộng đồng dân cư. Đây được xem là cú hích quan trọng trong công tác quản lý và phát triển rừng bền vững, đồng thời huy động nguồn nhân lực chăm sóc, bảo vệ rừng thường xuyên hơn.

Bài 1: Tựa vào rừng để phát triển

Trồng rừng lấy nguyên liệu là nguồn sống của người dân các xã miền núi và trung du như: Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên (huyện Hòa Vang) hàng chục năm nay. Ngoài trồng cây dược liệu, trồng rừng gỗ lớn, trong định hướng thời gian đến, các địa phương đang gắn khai thác tiềm năng nông – lâm nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm đặc trưng. Với hướng đi này, kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán về lao động tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư.

phat-trien-rung-ben-vung
Rừng là mái nhà thứ hai của người Cơ tu. Ảnh: Q.T

Giấc mơ kinh tế rừng

Men theo con đường bê-tông từ trung tâm xã Hòa Bắc lên hai thôn Tà Lang, Giàn Bí, trước mắt chúng tôi, từng vạt rừng xanh thẫm dần hiện ra. Đi cùng, anh Nguyễn Văn Lân, Phó thôn Tà Lang chép miệng tiếc rẻ: “Nếu không có cơn bão số 9 vừa qua thì bà con “trúng” biết mấy. Cây gần tới độ thu hoạch thì bị bão đánh tới tấp, cây gãy, người cũng muốn gãy theo. Những rừng keo mới ngày nào còn xanh tươi, giờ bị gió vặn gãy ngang lưng, la liệt ôm chồng lên nhau gục xuống. Rừng trồng là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương nên thiệt hại của bão gây ra rất lớn”.

Hàng chục năm nay, trồng rừng lấy nguyên liệu gỗ là nguồn sống của người dân các xã miền núi như: Hòa Phú, Hòa Bắc, chủ yếu là rừng trồng thuần loại cây keo, bạch đàn làm nguyên liệu giấy của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình và một số ít rừng trồng hỗn giao keo – sao đen, rừng trồng cây bản địa như chò… nhằm mục đích phòng hộ.

Đối với xã Hòa Phú, trồng rừng là một ngành kinh tế quan trọng với trữ lượng gỗ khai thác khoảng 240.000 tấn/năm, chủ yếu là cây keo lá tràm, góp phần giảm nghèo cho người dân. Hằng năm, bên cạnh bảo vệ tốt 3.266ha rừng hiện có và chăm sóc 2.200ha rừng trồng, người dân địa phương cùng tiến hành thu hoạch và trồng mới hơn 500ha rừng, trong đó chú trọng trồng rừng thâm canh, nâng cao năng suất và hiệu quả.

Hiện xã Hòa Phú có hàng chục hộ dân tập trung chủ yếu ở hai thôn An Châu, Hòa Hải, ươm tạo cây keo lá tràm, cung cấp cây giống chất lượng cao để vừa trồng trên diện tích rừng của xã, vừa bán cây con giống cho nhiều địa phương khác. Cây keo lá tràm trồng ở đây khoảng từ 4 – 4,5 năm là thu hoạch cho năng suất rất cao, thu nhập 70-80 triệu đồng/ha. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Tỉnh (SN 1981, trú thôn Hòa Hải) làm nghề ươm giống keo nhiều năm nay. Cứ 4 tháng/lần, chị ươm 120.000 cây keo, thu nhập từ 40-50 triệu đồng. “Hiện cả thôn có gần hai chục hộ làm nghề ươm tạo keo. So với làm nông trước đây, trồng cây lâm nghiệp cho thu nhập cao và ổn định hơn. Nhờ đó, đời sống người dân khấm khá hơn trước”, chị Tỉnh nói.

Theo ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, bảo vệ rừng và trồng rừng là cách để phát triển kinh tế địa phương cũng như kinh tế gia đình – nhận thức ấy đã trở thành việc làm thường xuyên của địa phương, từ đó giúp không ít hộ nông dân vươn lên thoát nghèo. Trong định hướng phát triển của địa phương, chỉ tiêu khai thác tiềm năng kinh tế từ rừng tiếp tục được chú trọng, xem đây là vốn sẵn có để tận dụng và phát triển. Ngoài trồng cây dược liệu, trồng rừng gỗ lớn, Hòa Bắc gắn khai thác tiềm năng nông – lâm nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm đặc trưng. Với hướng đi này, địa phương kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán về lao động tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư.

Vừa bảo tồn, vừa phát triển

Thông tin từ UBND xã Hòa Bắc cho biết, hiện các cánh rừng nguyên sinh ở xã này có nhiều loài gỗ quý như kiền kiền, trường, chò, xoan đào, bời lời, dẻ, trâm, mý, bã đậu, kháo, xoan, sồi, bứa, lòng mang, chân chim, vạng trứng, cà lồ, ngát… Tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là hơn 31.300ha, được phân thành 31 tiểu khu, trong đó rừng tự nhiên 28.016ha và rừng trồng 1.742ha. Năm 2019, UBND xã Hòa Bắc đẩy mạnh việc triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của thành phố Đà Nẵng, hỗ trợ trồng rừng các hộ dân thuộc diện huyện cấp đất cho 116 hộ dân tộc Cơ tu. Theo đó, tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, có 60 hộ đăng ký trồng rừng với diện tích đăng ký huyện hỗ trợ 60ha. Cùng năm, xã cũng triển khai trồng rừng cây gỗ lớn theo Nghị quyết số 105/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố  về quy định một số cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang, giai đoạn 2017-2020, trồng 26ha cây lát hoa tại hai thôn Tà Lang và Lộc Mỹ.

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho hay, thực hiện Nghị quyết số 254/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 của HĐND thành phố quy định chính sách phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2019-2030, xã đã triển khai, phổ biến cho người dân biết chuyển đổi dần cơ cấu cây rừng từ cây keo sang cây gỗ lớn có giá trị, dần hình thành các vùng nguyên liệu gỗ lớn, làm cơ sở để khuyến khích các tập thể, cá nhân thành lập cơ sở tiểu thủ công nghiệp khai thác, chế biến gỗ.

Nhiều năm qua, bài toán sinh kế dựa vào rừng tiếp tục được các xã miền núi triển khai mở rộng, trở thành một trong những chiến lược kinh tế hiệu quả mà chính quyền và người dân địa phương tập trung hướng đến. Trong đó, lợi ích kinh tế dễ nhận thấy nhất những năm qua là ngoài các mô hình du lịch cộng đồng, còn có hoạt động canh tác, sản xuất nông nghiệp dưới tán rừng. Lợi thế từ “vốn quý” trong văn hóa làng Cơ tu giúp địa phương giữ được cánh rừng già tự nhiên, mở ra cơ hội phát triển kinh tế mới, hình thành các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Anh Đinh Văn Như, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Giàn Bí nói rằng, nếu có đất rừng, đời sống của người dân địa phương chắc chắn sẽ ổn định. Dân cư địa phương sống gần rừng, ven rừng, không có việc làm nên phải sống dựa vào rừng. Mặt khác, lợi thế về diện tích rừng tự nhiên và khí hậu mát mẻ là cơ sở để địa phương tiếp tục mở rộng quy mô trồng cây dược liệu dưới tán rừng; đồng thời hướng đến phát triển du lịch sinh thái – cộng đồng, du lịch khoa học và nghỉ dưỡng, phục vụ nhu cầu của du khách. Khi giá trị sinh kế từ rừng được phát huy hiệu quả, người dân sẽ là chủ nhân đích thực để khai thác nguồn lợi bền vững, vừa hạn chế tác động vào rừng tự nhiên, vừa giúp làm tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái.

Xã hội hóa nghề rừng đã được chú trọng triển khai thực hiện từ nhiều năm trước. Ông Phan Văn Tôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có các doanh nghiệp được thuê đất, giao đất tham gia việc trồng rừng, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng như Công ty Vinafor, Công ty Lâm đặc sản Quảng Nam… Thời gian đến, huyện tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện các mô hình trồng rừng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao và hỗ trợ cây giống cho đồng bào Cơ tu ở xã Hòa Bắc đã được giao đất rừng sản xuất, đồng thời triển khai thí điểm trồng cây gỗ lớn, cây dược liệu dưới tán rừng ở một số xã có thế mạnh về rừng”.

Quỳnh Trang – Tiểu Yến

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://www.baodanang.vn/channel/5404/202101/phat-trien-rung-ben-vung-3875582/

Cùng chuyên mục