Phát triển mô hình kinh tế sinh thái nông thôn

Những năm qua TP.Hội An tập trung xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế nông thôn, chủ yếu tập trung dựa trên các tiềm năng đặc thù của địa phương, gắn với xây dựng thành phố sinh thái. Nhờ vậy đã góp phần mở rộng không gian du lịch, đa dạng sản phẩm phục vụ nhu cầu trải nghiệm, khám phá của du khách…

Du khách trải nghiệm nghề trồng rau ở Trà Quế, xã Cẩm Hà. Ảnh: Đ.H

Hiệu quả từ mô hình điểm

Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Cẩm Thanh” được UBND thành phố phê duyệt năm 2014, đến nay mô hình thu hút 10 hộ nông dân tham gia sản xuất, diện tích trồng rau tăng gấp đôi so với năm 2014 (hơn 12.000m2), sản lượng rau đạt hơn 48 tấn mỗi năm, cung ứng cho các cơ sở kinh doanh, người dân thành phố và địa phương lân cận, doanh thu đạt gần 1,2 tỷ đồng.

Tổ hợp tác rau hữu cơ Thanh Đông (Cẩm Thanh) cũng gắn kết sản xuất với phát triển du lịch, dịch vụ, thu hút gần 17 nghìn lượt nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh đến tìm hiểu học tập, tham quan trải nghiệm. Năm 2018, vườn rau hữu cơ Thanh Đông được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là điểm du lịch sinh thái tiêu biểu.

Cùng với mô hình làng rau hữu cơ Thanh Đông, xã Cẩm Thanh còn phát triển nhanh ngành dịch vụ du lịch – thương mại nhờ gắn kết với tiềm năng sinh thái vùng sông nước và nghề tranh – tre dừa nước truyền thống. Du lịch cộng đồng, nhất là ở rừng dừa Bảy Mẫu phát triển đã mang lại lợi ích đáng kể cho cộng đồng cư dân địa phương. Năm 2019, tổng doanh thu từ cho thuê phòng lưu trú đạt khoảng 220 tỷ đồng, doanh thu từ bán vé tham quan rừng dừa đạt 24 tỷ đồng. Người dân được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động dịch vụ vận chuyển thuyền thúng khoảng 22 tỷ đồng. Tất cả đều tăng cao so với các năm trước.

Từ một vùng quê nghèo khó, hoang vu, trước đây thường xuyên nhận cứu trợ của chính quyền các cấp, hiện tại Cẩm Thanh có đến 75 cơ sở lưu trú và 149 nhà cho thuê với 888 phòng, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 39 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Vân – Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh nói: “Cẩm Thanh đã đi đúng định hướng phát triển du lịch trong điều kiện tài nguyên thiên nhiên của địa phương. Nổi trội là trong 3 năm trở lại đây, hiệu quả mang lại rất lớn nhờ hoạt động du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái”.

Ở xã Cẩm Hà, từ nguồn vốn phát triển sản xuất, chính quyền đã đầu tư gần 555 triệu đồng để thực hiện dự án áp dụng giống lúa mới trung và ngắn ngày, hỗ trợ quật giống cho hộ nông dân có thu nhập thấp, hỗ trợ giống rau cho nông dân Trà Quế. Cùng với việc hỗ trợ các giống lúa, nông sản chất lượng cao, cho năng suất và hiệu quả trong sản xuất, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng đến các hoạt động khuyến nông cho nghề trồng hoa cây cảnh và làng rau truyền thống Trà Quế kết hợp với phát triển du lịch thương mại. “Đối với địa phương, cây quật hiện nay là ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại thu nhập chính nên bà con rất quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng. Số lượng ít hơn nhưng chất lượng cây quật, đặc biệt là kỹ thuật, mỹ thuật nên giá trị cây quật mỗi ngày mỗi cao hơn” – ông Mai Kim Phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà chia sẻ.

Tạo động lực cho nông dân

Không chỉ riêng ở 2 xã Cẩm Thanh và Cẩm Hà, mà trong chương trình phát triển kinh tế nông thôn, hằng năm Phòng Kinh tế TP.Hội An cũng đầu tư từ 3 đến 5 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân, ngư dân ở các xã thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Và từ những mô hình sản xuất mới, chính quyền thành phố đã khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp tham gia khai thác các tour – tuyến phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm sản xuất, làm nghề, khám phá cảnh quan sinh thái, đời sống văn hóa làng quê, tổ chức chợ quê, ẩm thực làng nghề…

Hoa, cây cảnh Hội An không chỉ là sản phẩm phục vụ trang trí, thú chơi mỗi khi tết đến xuân về mà còn được người trồng cung cấp quanh năm để phục vụ trưng bày, sắp đặt trong các không gian sân vườn, nhà thờ, nội thất gia đình, cơ quan, công sở… Lúa ở Hội An còn mang lại giá trị tạo cảnh quan, làm “xanh hóa”, “đồng ruộng hóa” cho du khách trải nghiệm đời sống người nông dân. Rau Trà Quế, rau hữu cơ Cẩm Thanh, khoai lang, đậu phụng ở các vườn nhà; tôm, cá, các loài thủy sản nước lợ nuôi trong các hồ, ao… dần trở thành những món ẩm thực được nhiều du khách ưa chuộng.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng: “Những mô hình đó, bên cạnh mục đích lớn nhất là làm cho bộ mặt nông thôn đổi thay, trong đó về mặt đời sống, về cơ sở vật chất, về điều kiện sinh hoạt của bà con nông dân ở các xã ngày càng tốt hơn thì còn những ý nghĩa tích cực khác. Đó là nếu đi theo con đường phát triển đô thị sinh thái, làm du lịch sinh thái thì những ngành nghề, những lĩnh vực mà chúng ta chọn đã đi theo con đường bảo vệ bền vững môi trường và ứng xử một cách có văn hóa đối với tự nhiên, đối với con người”.

Trong những năm tới, Hội An tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế nông thôn nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tập trung phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái có hiệu quả, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, làng nghề; hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở vùng nông thôn.

Đỗ Huấn

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/nong-nghiep-nong-thon/phat-trien-mo-hinh-kinh-te-sinh-thai-nong-thon-85706.html

Cùng chuyên mục