Ông bố người Nhật và ngôi trường ở Quảng Nam

Sau 10 năm, một người đàn ông Nhật Bản đã ngoài 70 tuổi lặn lội từ Nhật tới xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) thăm lại ngôi trường mang tên con gái mình.

Ông Hirotaro cùng các em học sinh ở trường tiểu học mang tên con gái mình 
Ông Hirotaro cùng các em học sinh ở trường tiểu học mang tên con gái mình

Đó là ông Hirotaro Takahashi – bố của Junko, cùng đi với ông là GS Trần Văn Nam – nguyên giám đốc ĐH Đà Nẵng. Chuyến xe chở 2 người bạn già từ Đà Nẵng vào đến Điện Phước dừng trước Trường tiểu học Junko. Cùng GS Nam bước xuống, ông Hirotaro khựng người lại đôi phút khi nhìn thấy con gái của mình trên bảng tên trường.

“Lâu lắm rồi ông mới quay lại đây” – thầy Lê Quốc Hà, hiệu trưởng Trường tiểu học Junko, phân trần rồi đưa ông bố người Nhật lên phòng truyền thống. Nơi ấy có bức di ảnh thật đẹp của cô gái Nhật tên là Junko. Ông Hirotaro chậm rãi thắp nén nhang lên bàn thờ con gái rồi nói: “Mỗi lần trở về đây, tôi luôn tìm được sự bình yên trong lòng mà không ở đâu có được”.

Rồi ông đi thăm thư viện, phòng học ngoại ngữ, nhạc… Ở sân trường, 3 cây sưa nở rộ hoa. Đó là 3 cây sưa được Hiệp hội Junko trồng cách đây gần 20 năm. Những đứa trẻ đang chạy nhảy ngoài sân vây quanh ông xin chữ. Giữa chang chang nắng, ông già người Nhật cặm cụi viết tên của mình bằng tiếng Nhật tặng các em.

Trong không gian của ngôi trường, ông Hirotaro luôn cảm thấy hình ảnh của Junko, đứa con vắn số của ông. Ông nói Junko là con gái út mà ông thương nhất. Khi du học tại Mỹ, Junko đã đi rất nhiều nước trên thế giới, nhưng không biết sao khi tới Việt Nam cô gái như đã “phải lòng” đất nước này. “Con bé đã dành ra một tháng khám phá Việt Nam và luôn nói là nó yêu Việt Nam” – ông Hirotaro kể.

Trong chuyến xuyên Việt hè năm 1993, Junko đã khám phá nhiều nơi mới ở Việt Nam. Cô yêu đất nước, con người nơi đây. Và cô cũng nhận thấy nơi này hãy còn quá nghèo, nhiều trẻ em chưa được đến trường học.

Bài thu hoạch sau chuyến đi đó, Junko đã viết rằng: “Hiện tại tôi không thể giúp đỡ được gì cho các bạn Việt Nam về mặt kinh tế, nhưng tôi nghĩ cần phải tạo điều kiện thuận lợi để các bạn Việt Nam phát triển, được hưởng một nền giáo dục toàn diện”.

Những hăm hở của cô gái tròn 20 tuổi đã đột ngột dừng lại khi một vụ tai nạn giao thông ập tới và cướp đi mạng sống của cô. Và chính cha mẹ của Junko đã viết tiếp ước mơ còn dang dở của cô, bằng việc tới Quảng Nam xây dựng một ngôi trường cho trẻ em người Việt theo di nguyện của con gái.

Giờ đây, Trường tiểu học Junko đã khá nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Nó là món quà kỳ diệu mà gia đình Junko đã dành cho xã Điện Phước, một vùng đất nghèo của tỉnh Quảng Nam. “Tới nay tôi rất hạnh phúc và xin cảm ơn mọi người đã giúp tôi xây dựng một ngôi trường thật tuyệt vời” – ông Hirotaro nói.

Ông Hirotaro thắp nhang cho con gái tại Trường tiểu học Junko
Ông Hirotaro thắp nhang cho con gái tại Trường tiểu học Junko
Trường tiểu học Junko được khởi công xây dựng vào tháng 12/1994 và khai giảng tháng 9/1995. Trường được xây dựng với giá trị khoảng 1 tỉ đồng từ tiền bảo hiểm tai nạn và tiền gửi ngân hàng của Junko…

Đoàn Cường
Theo Tuổi Trẻ Online

Cùng chuyên mục