Nông nghiệp sạch ở Hội An

Canh tác, sản xuất sạch là hướng đi chính trong định hướng nông nghiệp sạch của TP.Hội An. Các mô hình thử nghiệm đã cho kết quả bước đầu, tạo đòn bẩy triển khai trong thời gian đến.

Rau hữu cơ ở gia đình bà Nguyễn Thị Đông. Ảnh: QUANG VIỆT
Rau hữu cơ ở gia đình bà Nguyễn Thị Đông. Ảnh: QUANG VIỆT

Sản phẩm sạch

Trong khu vườn có diện tích 2.000m2, bà Nguyễn Thị Đông (khối phố An Mỹ, phường Cẩm Châu) đầu tư trồng rau hữu cơ từ năm 2017 đến nay. Qua hơn 1 năm triển khai, các loại rau dền, húng, tía tô, cải bẹ, cải ngọt, rau dền xanh, dền đỏ, rau muống, rau sam, rau hẹ, ớt, é trắng, mồng tơi đều phát triển tốt. Bà Đông cho biết, từ nguồn rau sạch, thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng. Bà Đông đã được Phòng Kinh tế TP.Hội An hỗ trợ 100% giống rau, 50% phân bón, 100% chi phí kiểm định mẫu đất, nước, 50% thiết bị sử dụng cho trồng trọt hữu cơ, 100% chi phí thanh tra, chứng nhận thương hiệu rau hữu cơ PGS.

“Tôi ngâm 1kg gừng, 1kg tỏi, 1kg ớt trong 6 lít rượu rồi sau đó pha nước, phả lên các khu vực trồng rau để xua đuổi côn trùng, động vật gây hại. Chế phẩm sinh học rất hiệu quả trong phòng trừ sâu bệnh gây hại đồng thời lại hài hòa với môi trường sinh thái. Không việc gì phải dùng phân vô cơ, các loại hóa chất để phục vụ trồng trọt” – bà Đông nói.

Theo ông Nguyễn Quang Tiến – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cẩm Châu, trồng rau hữu cơ rất được địa phương khuyến khích dù không dễ thực hiện. Từ năm 2017, trên địa bàn đã có 16 hộ tham gia nhưng đến nay chỉ có gia đình bà Nguyễn Thị Đông triển khai thành công. “Rau hữu cơ khác biệt với trồng rau bấy lâu nay là nói không với các loại hóa chất, đảm bảo rau sạch. Cái khó là không đem lại sản lượng, năng suất cao như phương thức canh tác cũ nhưng cái được là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được hầu hết các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn đặt mua với giá cao” – ông Tiến nói.

Gừng, tỏi, ớt ngâm rượu để phòng tránh động vật gây hại đến rau. Ảnh: QUANG VIỆT
Gừng, tỏi, ớt ngâm rượu để phòng tránh động vật gây hại đến rau. Ảnh: QUANG VIỆT

Bà Trần Huỳnh Hải Yến – cán bộ Phòng Kinh tế TP.Hội An kiêm Trưởng ban Điều phối chương trình rau hữu cơ PGS TP.Hội An cho biết, từ thành công bước đầu trong trồng rau hữu cơ ở hộ gia đình bà Nguyễn Thị Đông, mô hình đã được nhân rộng ở xã Cẩm Kim với diện tích 7.000m2 thuộc thôn Trung Hà. Trồng dâu hữu cơ để nuôi tằm và chuối hữu cơ cũng đang được xúc tiến, tập huấn để triển khai trên diện tích 10.000m2 cũng tại thôn Trung Hà. “Người nông dân mặc dù chưa quen canh tác trồng trọt hữu cơ nhưng rất hưởng ứng vì biết giá trị thiết thực đem lại. Kinh tế – xã hội càng phát triển thì đòi hỏi nông nghiệp sạch phải biết khẳng định mình” – bà Yến nói.

Hướng phát triển

Rau hữu cơ cần phục vụ du lịch

Hiện tại, cánh đồng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà) đã được đưa vào các tour tham quan phục vụ du khách đem lại lợi nhuận khá cho nông hộ. Bà Trần Huỳnh Hải Yến nêu ý kiến: “Rất mong các đơn vị du lịch kết nối điểm tham quan là các cánh đồng rau hữu cơ trên địa bàn thành phố để du khách đến chiêm ngưỡng cách sản xuất và thành quả của người nông dân. Lợi đôi đường, thành phố có thêm sản phẩm du lịch, người nông dân có thêm thu nhập từ trải nghiệm thú vị của du khách”.

Do nhu cầu của người dân trên địa bàn cũng như du khách trong và ngoài nước muốn được sử dụng rau sạch, không có hóa chất độc hại để bảo vệ sức khỏe đã thôi thúc TP.Hội An khảo sát, thử nghiệm trồng rau hữu cơ. Mô hình đầu tiên đã được triển khai ở các cánh đồng rau thuộc thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh đã cho thấy hiệu quả cao với rau dền, khổ qua, tía tô, cải xanh, mồng tơi, rau húng…

Theo Phòng Kinh tế TP.Hội An, để sản xuất rau hữu cơ được tốt, khâu xử lý đất là rất quan trọng. Đất phải được làm kỹ, xử lý vôi. Phân bón là các loại phân bò, phân gà đã được ủ hoai mục kết hợp với xử lý nấm vi sinh, tưới thúc bổ sung dinh dưỡng cho rau. Trong quá trình trồng, nếu xuất hiện sâu bệnh, phải vệ sinh sạch sẽ vườn rau, thu gom những cây, lá hư vào một nơi để tiêu hủy.

“Áp dụng trồng rau hữu cơ, đất trồng nhanh chóng được khôi phục, vụ sau màu mỡ hơn vụ trước. Đến nay, hầu hết các diện tích thử nghiệm rau hữu cơ đều sinh trưởng rất tốt, năng suất đảm bảo, chi phí cho vụ rau cũng giảm nhiều. Giá bán các loại rau luôn ở mức cao và ổn định, thị trường tiêu thụ đón nhận, cung không đủ cầu nên cần được mở rộng thêm” – ông Lê Đình Tường – Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An nói.

Nông dân chăm sóc rau hữu cơ. Ảnh: QUANG VIỆT
Nông dân chăm sóc rau hữu cơ. Ảnh: QUANG VIỆT

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, địa phương chọn canh tác rau hữu cơ nói riêng, nông nghiệp sạch nói chung là hướng đi phù hợp với quy luật phát triển. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nhân rộng cách sản xuất này. Để tạo cú hích, Hội An sẽ hỗ trợ nông hộ đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới nước hiện đại để đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho cây. Việc cải tạo đất kỹ lưỡng, luân canh trồng các loại cây được khuyến khích để giúp nông hộ phòng tránh sâu bệnh tấn công.

“Trồng rau hữu cơ không phải là quá khó. Quan trọng là người trồng cần có cái tâm kiên định, kiên trì, nghiêm túc thực hiện thì sẽ đem lại hiệu quả cao. TP.Hội An đã ban hành quy trình sản xuất rau hữu cơ và cấp chứng nhận rau hữu cơ PGS cho nông hộ với mong muốn nhiều hộ nông dân tham gia hơn nữa nhằm đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng, du khách trong nước và quốc tế” – ông Hùng nói.

Việt Nguyễn

Theo Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục