Những trang sử đá Quế Sơn

Sử đá, cách gọi hình tượng của một loại hình văn bản cổ xưa có tính bền vững, là văn bia. Văn bia Quế Sơn tuy không nhiều như một số địa phương khác ở Quảng Nam, nhưng nó cũng phản ánh được một chặng đường của vùng đất và con người Quế Sơn trong lịch sử.

Đình thờ Tam vị Tiền hiền làng Hương Quế. Ảnh: L.H.Q

Khai làng lập ấp

Phần lớn nội dung trong các trang sử đá Quế Sơn đề cập quá trình khai làng lập ấp, như các văn bia “Hương Quế xã Phạm từ phả ký”, “Quế Trạch xã bi”. Văn bia “Quế Trạch xã bi” khắc: “Tổ tiên vốn đất Bắc, theo nhà vua vào Nam mở mang đất đai từ thời Lê Thánh Tổ Hồng Đức. Xây dựng dòng tộc ở sông núi Phú Trạch. Lập được dân đinh 3 ấp với 500 mẫu ruộng, công tích được ghi chép vào hương phả”.

Văn bia “Hương Quế xã Phạm từ phả ký” cũng chép việc tiền hiền của tộc có công khai khẩn làng xã “vào Nam đến làng ta (nơi đây) bắt đầu tạo nơi ở”. Văn bia “Bi hậu chúc từ” cho biết một dòng tộc đã “vâng mệnh đi vào Nam” “cùng với các tộc họ khác” đến vùng đất “Trường Giang hạ du” và “Tả ngạn Mông giang” với “điền địa phì nhiêu” mà “mạo hiểm khai khẩn”. Hoặc “thủy tổ của tộc ta, vốn từ phía Bắc di cư vào đất Nam, cùng với các tộc họ Ngô và Phan, khai khẩn đất đai lập ra xã hiệu, có được xã rồi có được dân trong xã”.

Văn hóa dòng tộc

Các trang sử đá cho biết các tộc họ ở Quế Sơn chủ yếu là từ phía Bắc di cư vào. Các văn bia thuật lại di tích dòng họ để con cháu lưu truyền mãi về sau. Văn bia “Hương Quế xã Phạm từ phả ký” kể lại gia phả họ Phạm ở xã Hương Huế tổng Xuân Phú Trung huyện Quế Sơn phủ Thăng Bình. Họ này có ông thủy tổ là Tôn Phước Hầu vốn từ xã Lỗ Hiền huyện Lôi Dương phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa, là con của ngài Phạm Quý công ở Thừa tuyên Nghệ An di cư vào đây. Tộc họ Phạm này là một vọng tộc trong vùng, có nhiều người làm quan hiển đạt. Ví dụ ông thủy tổ được ban tặng Đặc tiến Phụ quốc Cai phủ Tham tướng Quảng Dương hầu; cháu ngoại được tuyển vào cung phi, sắc tứ dòng tộc là Gia Miêu ngoại trang; lệnh quý nữ là nhũ mẫu của quốc vương, sắc tứ Quốc thích thân di thục phi… Văn bia “Bi hậu chúc từ” ghi rõ thủy tổ của họ Lê (làng Mông Lãnh) sinh được ba chi: “Thủy tổ sinh hạ 3 người con trai. Người thứ nhất tại bổn xã lập thành tộc Lê Văn và xây dựng mới xã hiệu Phương Trì. Người thứ hai lập thành tộc Lê Nho. Người thứ ba lập thành tộc Lê Bá ở xã Mông Nghệ”.

Văn bia đình làng Dưỡng Mông dựng năm 1826. (Thác bản hiện đang lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).

Văn bia “Mông Nghệ xã Phạm tộc bi” còn bổ sung thông tin về con cái của ngài Phạm Hữu Kính so với Đại Nam liệt truyện, bởi sử tịch này chỉ chép rằng Phạm Hữu Kính có “một con gái là Lam Anh”, nhưng trên bia mộ của ngài có ghi thêm tên của một người con gái nữa là “Thị Nhân”.

Các tộc họ lưu khắc đạo lý “Ẩm thủy tư nguyên, thực quả luyến thụ” (Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây – Quế Trạch xã bi). Văn bia “Mông Nghệ xã Trần Viết tộc bi” cho biết tộc Trần Việt ở xã Mông Nghệ vào ngày tốt mùa xuân năm Giáp Dần niên hiệu Duy Tân (1914) đã tổ chức tu bổ từ đường và ghi lại họ tên những người đóng góp ngân tiền hoặc vật liệu xây dựng.

Xây dựng đình làng

Văn bia “Dưỡng Mông xã đình bi” do người dân trong xã Dưỡng Mông mà đại diện là Chánh bái kiêm Tri đình, Cai đình xã Dưỡng Mông; Bồi bái Xã trưởng Ty thư lại cùng Trưởng đẳng đồng lập vào ngày tốt tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) đã ghi lại việc tu sửa đình làng Dưỡng Mông. Theo nội dung văn bia, việc tu sửa đình của xã bắt đầu khởi công từ tháng 5, đến tháng 9 năm Bính Tuất (1826) thì hoàn thành. Văn bia cũng ghi lại một danh sách những người công đức xây dựng đình làng.

Nhân vật quan trọng

Ngoài những văn bia “nhiều chữ” ở nhà thờ tộc hay đình làng thì còn một số văn bia mộ. Mặc dù văn bia mộ chỉ có ít chữ nhưng những thông tin đó cũng rất quan trọng cho vùng đất. Niên đại tạo lập bia mộ cho chúng ta biết về mốc lịch sử “tương đối ổn định” của quá trình hình thành, phát triển của làng xã. Những văn bia có niên đại sớm từ thời chúa Nguyễn như “Mông Nghệ xã Lê tộc mộ bi” (năm 1705 hoặc năm 1765?) và “Mông Nghệ xã Phạm tộc bi” (năm 1758). Thông tin nhân danh, chức hàm trên bia mộ phản ánh những nhân vật quan trọng của Quế Sơn trong các triều đại trước.

“Mông Nghệ xã Trần Hữu tộc bi” nhắc nhớ vị Anh dũng tướng quân, nguyên Thống chế doanh Thần cơ, kiêm Binh bộ Thượng thư Đô sát viện, Hữu đô Ngự sử, Thự Thanh tỉnh Tổng đốc, tặng Phụ xa Đô úy Tán trị công thần, thụy là Anh Túc.

“Mông Nghệ xã Phạm tộc bi” là tấm bia mộ của Phạm Hữu Kính, một nhân vật rất nổi tiếng dưới thời chúa Nguyễn, được ghi chép trong Đại Nam liệt truyện. Thông tin trên bia mộ ghi lại chức hàm của Phạm tướng công là Khâm sai Quảng Nam Cai bạ tặng Tán trị công thần Đặc tiến Trụ quốc Kim tử Vinh lộc Đại phu, Chính trị thượng khanh, Tham nghị, thụy Thanh Hiến (từ thông tin văn bia này, mục từ Phạm Hữu Kính trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế cần phải được kiểm tra lại). Trong số những người con trai gái Quả Nghị, Tồn Thành, Lạc Thiện, Lam Anh, Thị Nhân của chủ nhân ngôi mộ đứng ra lập bia mộ thì Phạm Lam Anh đã nói ở trên là một người rất nổi tiếng, được xếp là nữ tác giả đầu tiên của vùng đất xứ Quảng, “có tập Chiến cổ Đường thi lưu hành ở đời” (Đại Nam liệt truyện, tập 1, mục Phạm Hữu Kính).

Giá trị sử liệu

Những trang sử đá kể trên đã chứng minh được Quế Sơn cũng là một trong những vùng đất từ sớm đã được các cư dân Việt phía Bắc di cư vào, tổ chức khai làng lập ấp, xây dựng các thiết chế xã hội, tín ngưỡng hoàn thiện ở vùng đất mới. Đồng thời những trang sử đá này cũng cung cấp cho chúng ta biết Quế Sơn trước đây có những dòng họ nổi tiếng như họ Phạm ở Hương Quế cùng những nhân vật rất nổi tiếng như Phạm Hữu Kính, Phạm Lan Anh…

Ngoài ra, những trang sử đá này còn có giá trị về mặt văn học. Đó là những tác phẩm văn học thể hiện tài năng của người sáng tác, nhất là 2 bài minh của văn bia “Minh viết” và “Bi hậu chúc từ”. Những trang sử đá cũng sử dụng một số điển cố hay trích dẫn cổ văn tạo nên giá trị đặc sắc. Ví dụ câu thơ “miên miên qua điệt” hay “qua điệt miên miên” trong bài minh vốn được trích từ Kinh Thi, mang ý nghĩa “con cháu nối đời dài dằng dặc” để nói đến sự trường tồn. Câu thơ “cao sơn cảnh hành” gợi cho chúng ta nhớ đến 4 chữ ở cổng Đền Hùng Phú Thọ.

Quế Sơn cần có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của những văn bia – những trang sử đá, để phục vụ cho việc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Nguyễn Dị Cổ

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/nhung-trang-su-da-que-son-85227.html

Cùng chuyên mục