Những thói quen bình dị của ‘ông già đi bộ’ Sơn Nam

Nhà văn Sơn Nam còn được gọi là “ông già đi bộ” với thói quen rong ruổi khắp nơi. Nhiều nét bình dị, thân thương trong sinh hoạt, viết văn, du khảo của ông, độc giả còn ít biết.

“Tôi sống đơn giản, hút thuốc đen, đi bộ, ngồi xe lam, quần áo nhăn nhíu… sao sao cũng được. Tiền bạc tới cỡ nào thì tìm thú vui tới cỡ đó. Ban ngày, viết bài cho nhựt báo, ban đêm đọc sách cho vui, hễ thấy quá mệt thì ngủ, ngày mai hãy tính, đọc những sách về dân tộc học, xã hội học, về đồ sứ Trung Hoa, về đời sống thảo mộc, chim chóc và chuyện khôi hài”.

Ấy là lời tự sự của “ông già đi bộ” Sơn Nam trong bài “Nhà văn ở phút-nói-thật: Sơn Nam”, phỏng vấn của Nguyễn Trần Huy, đăng trên tạp chí Văn năm 1968.

Sự ăn tự nhiên tâm

Sống với chúng tôi, hàng tháng nhà văn Sơn Nam có tới hai mươi ngày được các quan chức, đại gia, người đẹp ái mộ… đến nhà mời đi chiêu đãi ăn uống trọng thể, thịnh soạn. Ông chỉ nhận lời tham dự khi họ tổ chức có đông đủ các nhà nghiên cứu văn hóa, sinh viên các trường đại học, khách nước ngoài.

nha-van-son-nam
Nhà văn Sơn Nam thích “cơm bụi” vỉa hè hơn sơn hào hải vị nơi nhà hàng sang trọng. Ảnh: Đức Huy

Họ cần ông đến để thuyết minh, tham luận… về các đề tài văn hóa, cụ thể như: Văn hóa ẩm thực cung đình và dân gian, các món ăn đặc sản Nam Bộ; các món ăn ngày Tết, ăn chay… Còn chuyện ăn uống hưởng thụ vui chơi cho sang trọng thể diện, ông từ chối một cách dứt khoát.

Khi vào các nhà hàng đều được họ kính trọng trình xem bảng thực đơn đa dạng các món ngon để chào mời. Nhưng tất cả những nơi đó không bao giờ có món “cơm bụi” chính là món ruột của nhà văn Sơn Nam. Tệ hơn, lúc làm xong cùng các VIP, sắp đến giờ yến tiệc, rượu tây dọn ra để đãi khách quý, xoay qua, xoay lại thì thôi rồi, ông Sơn Nam biến đâu mất tiêu.

Thì ra nhà văn của chúng ta lặng lẽ, đã lẻn ra cửa sau, đi xe ôm quay về chốn cũ, ấy là góc chợ. Xóm đường hẻm sâu hun hút… có dân lao động nghèo ở Gò Vấp, từng sống bên nhau, quen hơi quen mặt, đầy ắp câu nói tiếng cười…

nha-van-son-nam
Tác phẩm 10 năm vắng bóng liêu xiêu “Ông già đi bộ”.

Cùng họ ngồi bệt dưới đất, chỉ mặc cái quần đùi ở trần cho mát ăn cơm bụi, ngồi quán vỉa hè uống bia bình dân hợp túi tiền, hàn huyên tâm sự vạn vốn sống trên cõi đời. Ông nói, việc ăn uống còn cốt ở cái tâm và không khí bữa ăn, phải gặp đủ mặt bạn bè, bao kẻ thân thương.

Theo ông, gia vị nêm nếm cho bữa ăn uống được thật ngon nào cho bằng “ba nhiên”: hồn nhiên – tự nhiên – thiên nhiên.

Ăn cơm ông thèm món khô cá sặc nướng xé nhỏ, ăn với xoài xanh bằm chấm nước mắm me. Món cơm nguội, món bún ăn với mắm sống cá linh. Mắm tép Gò Công trộn đu đủ y như sở thích cụ Vương Hồng Sển lúc sanh thời.

Ông chỉ cầm bút bằng tay phải còn cầm đũa và mọi sinh hoạt khác đều thuận tay trái, không ghiền rượu, chỉ thích uống “bia bè bạn, bia ngắm” lai rai và ngưng hút thuốc lá khi ngủ.

Khi ăn uống nhà ai xong, ông đặt chén xuống cạnh mâm cẩn thận. Hai tay nâng đôi đũa ngay ngắn, khẽ xá đôi lần và cẩn trọng đặt lên miệng chén rồi mới đứng lên.

Sự ngủ tự nhiên thành

Lúc đi ngoài đường, khi vào tiệm, đến nhà bạn bè, đôi lúc bất chợt ông có những giấc ngủ trĩu nặng trên khuôn mặt già nua khắc khoải. Hai mí mắt ông khép lại. Ông đang ngủ hay đang mộng du vào thế giới nội tâm tư hữu của đời ta, chỉ có ông mới hiểu ông.

Ông rất dễ bị quần chúng lôi kéo. Bấy giờ tuổi đã lên chức “cố” mà gót chân lãng tử vẫn náo nức như thuở nào. Đêm đêm cặm cụi chắt chiu từng chữ, ban ngày ai mến mộ rủ rê du sơn ngoạn thủy cùng khắp đó đây, còn gì thích cho bằng, lại gặt hái được nhiều chi tiết đa dạng đặc thù trong thiên hạ khắp nẻo đường văn.

Tâm tư gò bó, cảnh sống nhà trọ chật hẹp, chen chúc huyên náo ở hẻm cùng, phố tận. Con chim được sổ lồng bay ra ngoại thành nhân hòa địa lợi khoáng đạt. Chao ôi! Một giấc ngủ chẳng là nệm gấm, giường sang… thân già trên ghế xích đu cứng như đá ngoài sân vườn.

Chữ nghĩa nằm trong trang sách có khuôn khổ, còn văn nhân nằm ngoài đời tạm thu hình đôi ba bước dài hơn trên trang sách khôn cùng.

Quanh năm, chúng tôi thường có đi nhiều lễ hội ở ngoại thành bằng xe gắn máy. Sáng khởi hành từ Gò Vấp, đến nơi lúc 10h. Đình miếu bắt đầu khai hội. Thường là các đình thần ở Lái Thiêu, Thủ Đức… Chúng tôi lễ bái cúng thần, ăn uống hưởng lộc xong về giữa trưa.

nha-van-son-nam
“Ông già đi bộ” Sơn Nam có thói quen hút thuốc lá. Ảnh: Đức Huy.

Rành lãng tử, tôi dặn Sơn Nam ngồi đằng sau sát vô lưng tôi thật nghiêm túc. Hai đầu gối tỳ chặt vào hai bên yên xe, hai bàn chân gác đúng vị trí. Bốn ngón hai bàn tay thọc sâu, bấu vào giữa lưng quần, còn hai ngón cái kẹp thật chặt bên ngoài dây nịt. Ráng nhịn, không hút thuốc lá.

Thế nhưng, xe chạy êm ả vừa được nửa đoạn đường dài, cớ sao bỗng dưng chao đảo, tay lái tôi rung mạnh. Phần thì có dấu hiệu “cái đài” phía sau đã tắt. Nghi ngờ, giảm tốc độ tôi chạy chậm lại nép vào vườn cây lề đường, quay ra sau.

Thôi rồi! Đầu ông Sơn Nam gục gục lên xuống, ông đang lạc vào giấc ngủ mây bay, gió lướt như tiên trong tư thế ngồi còn biết sợ chết. Hai bàn tay vẫn ghì chặt vào lưng xe. Xe dừng hẳn, ông dụi mắt tỉnh ngủ hỏi: “Về tới nhà rồi hả?”. “Cha ơi! Nhà đâu mà tới. Tới nghĩa địa thì có”. Tôi trả lời.

Cười huề! Ông liền sờ tay lên túi áo trên xem cái bao thơ tiền bồi dưỡng còn hay đã bay mất. Bước ra khỏi xe thư giãn giây lát liền đốt thuốc rít một hơi dài, đang thèm nặng.

Nhà văn Sơn Nam (1926-2008) để lại cho đời một văn nghiệp đồ sộ với những tác phẩm văn học Hương rừng Cà Mau, Bà chúa Hòn, Vọc nước giỡn trăng… cùng nhiều cuốn sách biên khảo có giá trị như Nói về miền Nam, Văn minh miệt vườn, Lịch sử khẩn hoang miền Nam… Được sự đồng ý của NXB Tổng hợp TP.HCM, Zing trích đăng một số bài viết trong tác phẩm 10 năm vắng bóng liêu xiêu “Ông già đi bộ” của tác giả Đào Tăng, một người bạn của nhà văn viết để tưởng nhớ ông, giúp chúng ta biết thêm về những nét bình dị trong đời sống của “ông già đi bộ” Sơn Nam.

Đào Tăng

Theo Zing.vn

 

Link nguồn: https://zingnews.vn/nhung-thoi-quen-binh-di-cua-ong-gia-di-bo-son-nam-post1119573.html

Cùng chuyên mục