Nhớ nhạc sĩ Trần Quang Lộc qua một cuốn cassette xưa

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc vừa rời xa cõi tạm, ở tuổi 75. Ông được xem là một trong những nhạc sĩ có ca khúc nổi tiếng nhất về Hà Nội.

Tác phẩm của nhạc sĩ Trần Quang Lộc khá nhiều, hơn 500 ca khúc, trong đó nhiều bài đã quen thuộc với công chúng như Về đây nghe em (phổ thơ A Khuê), Trong dáng em ngồi, Cho tôi lại từ đầu, Tình cờ gặp nhau… nhưng có lẽ ca khúc phổ thơ Tô Như Châu Có phải em mùa thu Hà Nội là bài hát có số phận đáng nhớ nhất.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc.

Tái sinh sau 24 năm lận đận

Có phải em mùa thu Hà Nội được ra đời từ một cuộc gặp gỡ. Trong một lần giao lưu với nhóm thơ “Hàn Giang” tại Đà Nẵng, nhà thơ Tô Như Châu đã khoe với nhạc sĩ Trần Quang Lộc bài thơ viết về Hà Nội. Chàng nhạc sĩ sinh viên chưa một lần đến Hà Nội ấy cảm ngay và đề nghị được phổ nhạc, hoàn thành ca khúc chỉ trong một đêm. Đó là năm 1971. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc gửi gắm đứa con tinh thần tâm đắc của mình cho Thái Thanh. Nữ danh ca từng trình diễn trên đài phát thanh Pháp-Á, từng hát bài này ở một số nơi một thời gian, nhưng sau đó bà không hát nữa, mà theo nhạc sĩ tìm hiểu, thì bài hát “bỗng dưng bị cấm”. Không dễ gì để một danh ca thượng thặng chọn hát, bài tình ca chưa kịp lan tỏa đã bị ép đặt một số phận không mong muốn. Tuổi trẻ với những biến động của thời cuộc, ông cũng quên lãng dần bài hát này luôn, những tưởng ca khúc sẽ xếp xó vĩnh viễn…

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc trong những ngày chữa bệnh nan y.

Cho đến một ngày, nhạc sĩ Lã Văn Cường gọi cho ông rủ làm một album nhạc chung của hai người. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc chọn đưa khoảng 60 bài hát cho nhạc sĩ Đức Trí, người phụ trách hòa âm phối khí cho album. Hẳn nhiên là có bài hát này.

Nhưng số phận lại như muốn trêu Có phải em mùa thu Hà Nội một lần nữa. Bài này suýt tí là bị rơi khỏi album – Trong dòng cảm xúc về sự ra đi của một người nhạc sĩ tiền bối, nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ một bí mật trong quá trình anh thực hiện album – Lý do của việc này là do tôi sót. Và tôi đã phải làm bài phối nhanh ngay trước khi vào thu cho kịp. Có khi nhờ thế mà nó nhẹ nhàng hơn mấy bài còn lại và có vẻ như hot nhất album.

Bài hát không được chọn làm chủ đề album ấy, nằm khiêm nhường ở vị trí thứ 2 mặt B cuốn băng cassette lại tái xuất với sự rạng rỡ hơn bao giờ hết. Mà chính nhạc sĩ Trần Quang Lộc cũng không ngờ sự tái ngộ công chúng sau gần ¼ thế kỷ lại thành công đến vậy. Bụi thời gian chỉ làm nhấn thêm vẻ lấp lánh của bài hát, như một bình rượu ngon cũ lâu ngày được mở nắp khơi lại. Đó là thời điểm của năm 1995.

Nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ hình ảnh để minh họa cho tiết lộ của anh, những dự định ban đầu của album này, không hề là một mình Hồng Nhung hát với cả một allbum.

Cuốn băng Chợt nghe em hát trở thành cuốn băng được giới yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt trong thời điểm nhạc hải ngoại tràn ngập và công chúng ít chịu tìm nghe những sản phẩm âm nhạc trong nước. Cuốn băng trở thành hiện tượng của phát hành băng nhạc lúc ấy khi số lượng phát hành lên đến 30.000 cuốn. Ba năm sau, album được phát hành dưới định dạng CD, trở thành một trong những CD tác giả tác phẩm bán chạy nhất một thời gian dài. Chưa kể thành công của album CD, Video Hà Nội mùa vắng những cơn mưa trong đó có bài hát này càng chắp thêm cánh cho ca khúc lan tỏa với biên độ rộng nhất, là bài hát không thể thiếu trong trào lưu ca khúc Hà Nội thịnh hành một thuở trong nhu cầu nghe nhạc của công chúng và bình chọn của Làn sóng xanh. Có phải em mùa thu Hà Nội củng cố thêm vị trí cho giọng hát Hồng Nhung, góp thêm tên tuổi cho Thu Phương tỏa sáng…

Về cuốn băng cách đây ¼ thế kỷ

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc là một trong những nhạc sĩ không có nhiều album riêng. Trên thị trường, hầu như chỉ có một album Phiêu bồng ca và Chợt nghe em hát, cả hai đều đã phát được phát hành từ rất lâu. Những ngày này, được người yêu nhạc đem ra chia sẻ để tưởng nhớ nhạc sĩ Trần Quang Lộc, lại vẫn là album Chợt nghe em hát.

Bìa cuốn băng cassette Chợt nghe em hát từng gây xôn xao công chúng và giới chuyên môn 25 năm trước.

Từ Mỹ, ca sĩ Hồng Nhung không giấu được sự xúc động về sự ra đi của nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Bồi hồi nhớ lại quãng thời gian thu âm album Chợt nghe em hát từ những ngày đầu mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn lập nghiệp, Hồng Nhung bảo đây là album 4 không của mình. Lúc ấy chị ở nhà bố của mình ở khu tập thể của nhân viên dầu khí ở khu du lịch Văn Thánh, Sài Gòn, mỗi lần đi thực hiện thu âm album, chị phải đợi nhạc sĩ Lã Văn Cường phi xe máy đến chở đi thu và chở về. Lý do là Hồng Nhung không thể nhớ đường Sài Gòn, không biết được phòng thu Viết Tân ở đâu, không biết nhạc sĩ Trần Quang Lộc là ai và là kẻ điếc không… sợ súng vì hát cho một album toàn “những ca khúc khó – xương xẩu, chưa nghe qua bao giờ, phối cũng xương xẩu”. Hồng Nhung bảo, cô ca sĩ mới ngoài 20 tuổi ấy nhận lời làm album theo tinh thần cứ đưa bài là hát thôi. Chính nữ ca sĩ về sau nghe lại cũng ngạc nhiên tại sao vào thời điểm ấy mình lại có thể hát được như thế, khi chưa có nhiều trải nghiệm đời sống. Chị nhớ như in lời ông Viết Tân, chủ phòng thu Viết Tân, đơn vị sản xuất và phát hành cuốn băng này, kể lại với mình: “Khoan nói đến chuyện hay dở, nhạc sĩ không ngờ cô bé này còn trẻ mà hát được tinh thần bài hát như thế.”

Năm 1998, Viết Tân studio đã phát hành Chợt nghe em hát dưới định dạng CD và nó liên tục bán chạy trong 5 năm liền.

Cho đến tận bây giờ, Hồng Nhung vẫn chưa có dịp diện kiến nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Chị nói cảm ơn duyên kỳ ngộ này đã cho mình gặp duyên với tác phẩm của nhạc sĩ. Quả thật, đây là cái duyên nếu nghe nhạc sĩ Đức Trí kể lại: “Lúc biên tập, những người dự định mời hát không hề là “Hồng Nhung”. Còn bài định là “Hồng Nhung” hát định sẽ là tên album, lại bị ai đó (chắc người phối) bỏ ra. Cả album này lúc đầu chị Hồng Nhung lẽ ra chỉ hát một bài. Mà cuối cùng bài đó bỏ ra, thay vào, chị hát cả album. Chắc chị ấy cũng chưa bao giờ biết điều này.”

Với nhạc sĩ Đức Trí, thời điểm ấy đang là một nhạc sĩ trẻ theo nghề hòa âm phối khí chưa bao lâu, Chợt nghe em hát là album đầu tiên anh thực hiện, cũng là album “chính thống” đầu tiên của Hồng Nhung, nếu không tính album nhạc Trịnh Bống Bồng ơi trước đó. Với nền hòa âm của Đức Trí, album vượt ra các khuôn sáo trước giờ. Nhạc sĩ Quốc Bảo cũng sửng sốt vì sự tươi mới, anh từng nhận định rằng, sự kiện đánh dấu bước ngoặt của Hồng Nhung là album Chợt nghe em hát (10 tình khúc Lã Văn Cường – Trần Quang Lộc). Quốc Bảo còn hào hứng bày tỏ: “Nếu có giải thưởng nào về album tình khúc hay nhất trong năm 1995, có lẽ Chợt nghe em hát là ứng cử viên sáng giá của Sài Gòn. Ăn ý một cách kỳ lạ, đôi nhạc sĩ Lã Văn Cường và Trần Quang Lộc đã cùng đem vào trong album 10 tình khúc. Những niệm tưởng ngan ngát buồn của ngày tháng không hề được ghi trong quá khứ, hiện tại, cũng như tương lai. Mở đầu cả hai mặt băng đều là hymne không nhạc đệm theo lối ngẫu hứng của nhạc gospel, để rồi trôi vào những ca khúc chính.”

Đây là cuốn băng kén chọn và tìm đến những thính giả không chỉ biết thưởng thức đơn thuần mà còn phải biết suy tư, chiêm nghiệm nữa”. Nhạc sĩ Tuấn Khanh từng khen như vậy khi lần đầu anh nghe album này.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc và nữ ca sĩ Thu Phương, người từng trình bày rất nhiều lần và thành công với Có phải em mùa thu Hà Nội, Cho tôi lại từ đầu…

Dự tính làm một cuốn allum riêng, một đêm nhạc riêng của nhạc sĩ vẫn là một dự tính dở dang nhiều năm qua, khi ông mệt nhoài điều trị căn bệnh ung thư. Nhưng có lẽ ông cũng thấy mình được an ủi phần nào khi 25 năm sau ngày phát hành, cuốn băng Chợt nghe em hát vẫn được giới sưu tầm băng nhạc cũ lùng mua với giá cao. Nay khi tin nhạc sĩ đi xa, album nhạc này lại càng được nhắc nhớ nhiều hơn với những yêu thương cảm mến về một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, góp phần định danh, tỏa sáng cho những người tham gia thực hiện, từ nhạc sĩ sáng tác, người trình bày, nhạc sĩ hòa âm phối khí, nhà sản xuất…

L.M.Hạ

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/nho-nhac-si-tran-quang-loc-qua-mot-cuon-cassette-xua/

Cùng chuyên mục