Nhịp Sài Gòn xưa thấp thoáng về trong hai cuộc triển lãm

Đó là cuộc triển lãm ảnh panorama về Sài Gòn thế kỷ trước  nhân kỷ niệm 320 năm Sài Gòn ở đường sách TPHCM  và Sài Gòn xưa trong khuôn khổ festival Việt-Pháp – Chung một bầu trời đang diễn ra ở Viện trao đổi văn hóa với Pháp – Idecaf.

19 bức ảnh panorama hiếm có của Sài Gòn xưa lần đầu tiên được công bố, trưng bày rộng rãi cho công chúng thưởng lãm đã đủ sức níu chân không chỉ người thành phố mà cả du khách gần xa, trong và ngoài nước đến xem. Và hàng chục tấm ảnh nhỏ quý, hàng chục poster, tờ rơi, tờ quảng cáo chương trình phim ảnh ở các rạp chiếu phim mang đậm phong cách, lối nói, cách dùng từ của người Sài Gòn xưa.

Xin được trích giới thiệu cùng bạn đọc một vài trong hàng chục kỷ niệm của Sài Gòn bằng ảnh và poster ấy.

1/ Có những bức ảnh không chỉ giá trị về mặt xưa cũ mà còn đang là điểm nóng của dư luận về bảo tồn các di tích cổ ở Thành Phố Hồ Chí Minh, thí dụ như Dinh thượng thơ 130 năm tuổi này chẳng hạn. (Hiện là trụ sở Sở văn hóa thông tin truyền thông TPHCM).

2/Có ai nghĩ được rằng bệnh viện Nguyễn Trãi, Q.5 có “tiền thân” trong kiến trúc rất đẹp như thế này không, với tên gọi đầu tiên là Bệnh viện của bang Phúc Kiến tại Chợ Lớn?

3/ Nếu quen nhìn “giao diện” Dinh Thống Nhất hiện tại, hẳn bạn sẽ ngạc nhiên thú vị khi ngắm lại Dinh Toàn quyền Đông Dương trong hình dáng xưa này.

4/ Bưu điện trung tâm Sài Gòn năm 1895, nghĩa là những năm đầu tiên tòa nhà này hiện diện ở Sài Gòn sau một thời gian dài thi công  (khoảng từ 1886 đến 1891).

 

5/ Cột cờ Thủ Ngữ bên sông Sài Gòn, nhìn về tòa nhà Wang-tai (hiện là trụ sở Hải quan) đang xây dựng.

6/ Với các poster phim ảnh xưa, đây là bằng chứng cụ thể nhất để minh họa cho cách dùng từ của Sài Gòn 60,70 năm trước với một phong cách được xem là quen thuộc với đời sống Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.

7/ Độc giả trẻ bây giờ hẳn không hiểu và ngạc nhiên khi đọc dòng chữ  phim thần thoại hoạt động, nói tiếng Việt Nam”, “có những đoạn tô màu technicolor đẹp lộng lẫy” trên poster phim Ấn Độ này. Nhưng đây là cách gọi quen thuộc về thể loại phim lúc bấy giờ và “những đoạn tô màu technicolor đẹp lộng lẫy” là một sự hiếm của thời điện ảnh đen trắng.

8/ Người ta có thể thấy, một thời các rạp chiếu phim ở Sài Gòn kiêm luôn công năng phục vụ ca nhạc trước mỗi suất chiếu. Và làm phong phú thêm chương trình bằng cách tổ chức các chương trình Đại hội ca vũ nhạc kịch, thí dụ như ở rạp Việt Long, luôn có 3 phần. Phần đầu là ca nhạc, phần thứ 2 là diễn nhạc kịch và phần 3 là xem phim.

9/Con ma nhà họ Hứa, tác phẩm của đạo diễn nổi tiếng Lê Hoàng Hoa với các nghệ sĩ tiếng tăm lúc bấy giờ Bạch Tuyết, Ba Vân, Năm Châu, Bà Năm Sa đéc, Dũng Thanh Lâm được quảng cáo như thế này, chắc hẳn bạn sẽ thấy ngồ ngộ: “  Phim truyện quái đản đầu tiên của điện ảnh Việt Nam”.

10/ Tuổi thơ của nhiều thế hệ hẳn gắn liền với loạt sê ri phim hoạt hình quen thuộc Tom and Jerry của hãng Wall Disney. Vậy có mấy ai đã làm như thế này để tới rạp Nam Quang hồi đó chưa: tô màu tranh xong “biên tên họ địa chỉ, đem nguyên tờ nầy tại guichet Nam Quang đổi vé rẻ tiền xem phim”.

Lê Minh Hạ

Cùng chuyên mục