Việc Đen Vâu và Jack (trong bộ đôi Jack và K-ICM) không có tên trong danh sách đề cử giải thưởng Cống hiến 2020 đã vấp phải luồng phản ứng dữ dội của dư luận. Phản ứng này hoàn toàn dễ hiểu khi thời gian qua, cả hai đều là những cái tên phủ sóng showbiz Việt với các sản phẩm âm nhạc luôn đứng đầu top 1 trending (xu hướng tìm kiếm hàng đầu) trên YouTube Việt Nam.

Nghệ thuật thì phải sáng tạo và nổi bật

Lý giải thắc mắc của dư luận, ban tổ chức giải thưởng Cống hiến 2020 khẳng định những bài hát cực hot của Jack như Hồng nhan, Bạc phận hay Sóng gió đều có giá trị nghệ thuật thấp; trong khi đó, Đen Vâu dù thành công với hàng loạt bài hát cùng một live show thu hút hơn 5.000 khán giả nhưng anh vẫn chưa đủ nổi bật so với nhiều trường hợp khác.

Tiêu chí của giải Cống hiến năm nay là có những khám phá mới mẻ để đóng góp vào sự phát triển của âm nhạc nói chung. Mỗi hạng mục đề cử đều có những điều kiện riêng và chỉ chọn lọc ra 5 hoặc 6 đề cử. Với trường hợp của Đen Vâu, dù bạn ấy có sản phẩm âm nhạc, live show trong năm qua nhưng nếu so với các đề cử khác thì chưa đủ nổi bật” – ban tổ chức giải Cống hiến 2020 lý giải.

Trong khi đó, với trường hợp của ca sĩ Jack, theo ban tổ chức, khoảng 5 – 6 năm trước, ca khúc Vợ người ta của ca nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh cũng nổi bật như những bài hát hot của Jack bây giờ. Tuy nhiên, giải Cống hiến không đưa vào đề cử. “Dù tác phẩm này lúc đó rất nổi trội trong đời sống âm nhạc nhưng lại không phù hợp với tiêu chí cống hiến vì không có gì mới mẻ và rất bình thường. Những bài hát như Hồng nhan, Bạc phận, Sóng gió cũng vậy” – ban tổ chức giải Cống hiến 2020 nói thêm.

Bên cạnh đó, ca khúc Để Mị nói cho mà nghe (sáng tác: nhóm DTAP, ca sĩ Hoàng Thùy Linh thể hiện) là cái tên khuấy đảo thị trường nhạc Việt thời gian qua cũng như các giải thưởng âm nhạc. Tác phẩm đã tạo ra một xu hướng MV cực thịnh ở thị trường nhạc Việt. Quá khứ và hiện tại đan xen vào nhau trong thông điệp đầy ẩn dụ văn học khiến Để Mị nói cho mà nghe thực sự đáng xem. Dù thời lượng MV không dài nhưng rất nhiều nhân vật trong các tác phẩm văn học hiện thực phê phán nổi tiếng đã được nhắc đến như Mị, lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở, Xuân Tóc Đỏ, chị Dậu… Tất cả đều được tái hiện một cách sống động bằng hình ảnh, âm nhạc và vũ đạo.

“Để Mị nói cho mà nghe”, một sản phẩm được đón nhận bởi sự sáng tạo và mới mẻ của người trẻ. Ảnh: LEON

Nếu sự xuất hiện của Để Mị nói cho mà nghe ở nhiều giải thưởng là sự hiển nhiên thì nhiều gương mặt khi được đề cử cũng gây tranh cãi. Trong đó, 2 cái tên Kata Trần hay Thịnh Kainz ở hạng mục Nghệ sĩ mới của năm tại giải Cống hiến 2020 là một ví dụ.

Thực tế, 2 nghệ sĩ này đều nằm trong nhóm tác giả DTAP, ê-kíp thực hiện Để Mị nói cho mà nghe hay album Hoàng gồm các ca khúc đạt hiệu ứng tốt thời gian qua là Tứ Phủ, Duyên âm, Em không phải Thúy Kiều,…