“Nhà nước phải miễn hẳn thuế 20% mới có thể giúp doanh nghiệp”

Nhiều doanh nghiệp đang rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc bởi khủng hoảng do dịch Covid-19.

 

Chia sẻ về lĩnh vực kinh doanh khách sạn, ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch HUBA, CEO Công ty TNHH thương mại xây dựng Lê Thành cho biết, công ty ông đang điêu đứng khi 95% khách sạn bị huỷ phòng trong thời gian cực ngắn.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát, nhiều chuyên gia kinh tế khuyên nên mở rộng thị trường khách, mở rộng đường bay, nhưng quan điểm tôi ngược lại, vì dù cho không người ta cũng không ở. Thị trường khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 80% đường bay của chúng ta hiện nay. Đến dự cuộc gặp gỡ đầu năm của HUBA còn sợ lây nhiễm, quan điểm của tôi là không nên mở tour mới, miễn visa… vì khách du lịch sẽ chờ hết dịch mới đi“, ông Thành nói.

Ông Lê Hữu Nghĩa, CEO Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành.

Theo Phó chủ tịch HUBA, nhà nước đang chủ trương miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, nhưng cần nói rõ miễn giảm thuế của năm nào? Phải ghi rõ miễn giảm thuế 2019, vì dù 2019 làm ăn có tiền nhưng đã bị Covid-19 “ăn” hết. Về phía ngân hàng, cần nói rõ miễn giảm những khoản đang vay, vì chắc không ai còn dại gì đi vay mới nữa.

Ông Thành kiến nghị: “Nhà nước phải miễn hẳn thuế 20% mới có thể giúp doanh nghiệp giữ được người lao động, nếu không doanh nghiệp phải thải người lao động ra xã hội, gây hệ luỵ rất lớn. Đừng nói chung chung khi ra văn bản”.

Ông Trần Tấn Thiện, Chủ tịch HĐQT Công ty Hello 5 Coffee vừa từ Nhật Bản về cho biết: “Biến khó khăn thành cơ hội – về ngôn từ THÌ rất hay nhưng thực tế rất khó. Trước Tết công ty tôi đã nhận đơn hàng từ Hongkong để sau Tết chuyển đi, nhưng sau Tết họ huỷ đơn hàng và yêu cầu xuất khẩu trang. Đất nước mình còn đang thiếu lấy đâu ra khẩu trang xuất khẩu? Khó khăn ập đến trước mắt rồi“.

Ông Thiện cho biết vừa tham gia một hội chợ lớn tại Nhật Bản ngày 14/2, hội chợ kỳ này vắng tanh. Khi trở về lên máy bay muốn ngủ chỗ nào cũng được vì không có khách, sân bay cũng vắng tanh. Sau 14 ngày tự cách ly, ông đã tổ chức họp công ty, bắt đầu cắt giảm giờ làm. Hàng hoá giữ trước Tết để sau Tết siêu thị đặt hàng, nhưng gần như không có đơn hàng, doanh thu sụt giảm 70%, hệ thống quán cũng không có khách, doanh thu giảm thê thảm.

Nếu tình hình này kéo dài vài tháng nữa thì 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phá sản. Tôi kiến nghị hiệp hội tăng cường ủng hộ lẫn nhau. Nếu 500 doanh nghiệp trong HUBA ủng hộ mỗi doanh nghiệp 1 thùng hàng cũng giúp cho doanh nghiệp vượt khó. Thứ hai trong thuê mặt bằng, các doanh nghiệp cùng ngành cũng có thể hỗ trợ. Hiệp hội phải xúc tiến ngay những việc này, chứ 3 tháng sau doanh nghiệp có thể chết rồi”, ông Thiện nhấn mạnh.

Ông Lâm Bình Bảo, CEO B Coaching.

Cùng quan điểm, ông Lâm Bình Bảo – CEO B Coaching cho rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Hơn lúc nào hết, Chính phủ cần phải có các biện pháp mạnh mẽ để giảm bớt suy thoái thông qua các biện pháp hỗ trợ, kích cầu trong thời gian này.

Ông Bảo đề xuất 5 nội dung với Chính phủ. Thứ nhất, cần có chính sách hỗ trợ người lao động. Người lao động là thành phần dễ bị tổn thương nhất khi kinh tế suy thoái. Một số người lao động bị mất việc, một số bị giảm thu nhập. Lúc này vai trò của bảo hiểm xã hội và các chính sách xã hội cần phải được phát huy mạnh mẽ nhằm ổn định cuộc sống người lao động, trợ giúp khi gặp khó khăn như là sứ mệnh của nó.

Đối với người mất việc, khẩn cấp ban hành chính sách đặc biệt chi trả trợ cấp thất nghiệp, giảm tối đa các thủ tục hành chính nhằm có thể hỗ trợ ngay cho người mất việc. Đối với người bị giảm thu nhập, có thu nhập dưới 2 lần so với mức lương tối thiểu vùng, kiến nghị dùng quỹ bảo hiểm xã hội trợ cấp để đạt được mức 2 lần mức lương tối thiểu vùng.

Điều chỉnh và thực hiện ngay mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân lên 15 triệu/tháng và người phụ thuộc là 5 triệu/tháng. Những biện pháp này nhắm vào tầng lớp có thu nhập thấp và trung bình, giúp họ có tiền để chi trả cho cuộc sống, giảm phát sinh các ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội, phát huy vai trò của bảo hiểm xã hội.

Thứ hai, đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hoãn đóng thuế VAT và các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tư nhân trong 1 năm, cho phân bổ đóng góp trong 2 năm các khoản này. Biện pháp này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm lượng tiền mặt để vận hành trong thời gian khó khăn do dịch. Tiền mặt là yếu tố quan trọng bật nhất cho doanh nghiệp lúc này.

Thứ ba, bỏ thuế môi trường đánh vào xăng dầu trong 1-2 năm giúp giảm giá xăng dầu. Hiện nay giá xăng dầu cao do thuế môi trường quá cao (4.000 đồng/xăng, 1.000 đồng/dầu). Giá xăng dầu giảm ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế. Ngoài ra hiện nay việc sử dụng thuế môi trường chưa được hiệu quả, chứ thấy tác động tích cực lên xã hội nên phải cân nhắc các biện pháp trước mắt.

Thứ tư, dùng các chính sách và quỹ dự trữ quốc gia để kéo lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại còn 3 – 4%/năm trong vòng ít nhất 2 năm cho doanh nghiệp vay vốn lưu động để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ năm, hỗ trợ xuất khẩu bằng cách bỏ thuế xuất khẩu trong 1 – 2 năm. Điều này giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tăng thêm lượng ngoại tệ cho đất nước.

Tôi tin rằng việc áp dụng 1 hoặc vài đề xuất này sẽ có ảnh hưởng tích cực ngay lập tức đến kinh tế và xã hội“, ông Bảo nhấn mạnh.

Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng.

Với vai trò người đứng đầu HUBA, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA cho biết: “Mấy ngày qua chúng tôi đi đến từng doanh nghiệp để lắng nghe, thực ra mỗi ngành nghề, mỗi doanh nghiệp đều có giải pháp khác nhau. Chỉ chính mình mới biết phải làm gì trong thời điểm này.

Theo ông Dũng, có mấy từ khoá quan trọng gồm: “Chuyển đổi”, bao gồm chuyển đổi những nguyên liệu đầu vào, hay chuyển đổi đầu ra thị trường, chuyển đổi sản xuất. Từ khoá thứ hai là “Hợp tác liên kết” như mô hình bánh mì thanh long, giải cứu cho nông sản, đây là sáng tạo mới thể hiện sự hợp tác, cơ hội để nối dài chuỗi giá trị. HUBA đang tìm những mô hình tiêu biểu như thế để quảng bá, cổ suý cho phát triển.

Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP. HCM cho biết, từ cuối 2019 đến đầu năm 2020, thành phố rất quan tâm đến hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, như cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản đầu năm mới để tập hợp ý kiến đưa lên Chính phủ.

Liên quan đến dịch Covid-19, thành phố đã có chỉ đạo xuyên suốt, chỉ đạo Sở Du lịch, Sở Công thương báo cáo lên UBND thành phố những diễn biến mới nhất của doanh nghiệp.

Đánh giá cao vai trò tiên phong, đột phá của TP. HCM, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên- thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp kịp thời có kiến nghị để thúc đẩy Chính phủ vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Ông Thiên cho biết, hiện cơ cấu sản phẩm của TP. HCM đang bị lệch, dịch vụ chiếm tỷ trọng quá lớn, nông nghiệp chỉ chiếm 2% GDP, vì nhỏ nên càng phải làm công nghệ cao. Đa số doanh nghiệp khách sạn bị huỷ phòng, có kích cũng không được. Phải thay đổi cấu trúc của ngành du lịch như chính sách mở visa, đề xuất hướng tới tầm nhìn lâu dài. TP. HCM phải coi đây là trách nhiệm của thành phố đi đầu.

Muốn nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp giữa khó khăn này thì chính doanh nghiệp phải có ý kiến. Phải nhìn đại cục ngay cả trong lúc khó khăn nhất, nhà nước phải bỏ tiền ra thật nhiều cho đầu tư công để nền kinh tế giải quyết tắc nghẽn, có động lực phát triển.

HCM đề xuất ngân sách nới lên từ 18% đến 22%, 25%… Muốn thêm mỗi % thì thành phố phải chứng minh được lợi ích mang lại cho nền kinh tế Việt Nam thế nào mới thuyết phục được Chính phủ. Tiên phong, đột phá là cơ hội của TP. HCM. Niềm tin, quyết tâm, phải bắt đầu từ TP. HCM.

Năm 2020, HUBA đang triển khai nhiều đổi mới để hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn, nhất là giúp doanh nghiệp kịp thời đối phó đại dịch. Đi đến từng doanh nghiệp, lắng nghe và tiếp cận nhiều kiến nghị mới kịp thời, có báo cáo hàng tuần gửi đến UBND TP. HCM, đến chính phủ, để có chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Kim Yến

Theo theleader.vn

 

Link nguồn: https://theleader.vn/nha-nuoc-phai-mien-han-thue-20-moi-co-the-giup-doanh-nghiep-1583380934681.htm

Cùng chuyên mục