Nguyên Hào và những ‘Giấc mơ bay’

Giấc mơ bay là tập thơ mới nhất của Nguyên Hào. Tập thơ gồm 45 bài. Từng ấy bài trong tập sách là biết bao tâm trạng, xúc cảm, bao suy tư, trăn trở của anh về đời, về người.

Hết thảy 45 bài trong Giấc mơ bay, chưa hẳn bài nào cũng hay nhưng không khó để người đọc tìm ra bài thơ hay, câu thơ hay, tứ thơ độc đáo trong tập sách.

Đọc, đọc, có lúc tôi dừng lại hồi lâu để suy nghĩ về những điều mà Nguyên Hào gửi gắm vào thơ. Thơ anh với nhiều suy tư, cách nhìn đời, nhìn người, phản ánh cuộc sống rất tinh tế và giàu chất trí tuệ. Nếu chỉ đọc lướt qua, có thể người đọc chưa hiểu được hết những gì mà nhà thơ gửi gắm. Thơ Nguyên Hào tạo được nhiều sắc thái biểu cảm nhờ đưa vào thơ các hình ảnh, biểu tượng gợi mở những điều sâu kín của tâm hồn. Bài Giấc mơ bay với hình ảnh chú chim non, chiếc tổ ấm, miệng vực, những cú nhảy bất thành, lằn ranh giữa mơ và thực… tạo nên sự hấp dẫn, ám ảnh khải lộ một tư duy nghệ thuật mới. Chú chim non/ bay bay/ sau nhiều ngày vỗ cánh// Dưới kia/ Chiếc tổ ấm êm/ bao lần từng là miệng vực/ trước những cú tập nhảy bất thành// Ôi lằn ranh/ giữa thực và mơ…// Trên kia/ trước tầm nhìn tôi hạn định/ chú chim non như một chấm nhỏ/ vút cao/ thỏa chí/ giấc mơ chạm chân trời/ không lưới giăng.

nguyen-hao-va-giac-mo-bay
Tập thơ ‘Giấc mơ bay’ của Nguyên Hào (NXB Hội Nhà văn, 2020). Ảnh: P.V

Cuộc sống thời mở cửa với bao giá trị bị đảo lộn, những thước đo đạo đức, chuẩn mực, niềm tin cũng có chiều hướng “thiếu hụt” dần. Vì thế, tận trong sâu thẳm lòng mình, anh có một ước muốn:

Tôi muốn mua niềm tin/ bằng đồng tiền lương thiện/ nếu là tỷ phú/ dù 1 tỷ, 10 tỷ hay 100 tỷ/ tôi sẽ không ngã giá

Niềm tin tôi sẽ mua/ chẳng thể sẻ chia/ khi bao người ngại nhận/ chẳng thể bán/ khi nó chưa được kiểm định/ tôi niêm phong niềm tin trong góc sáng tim mình

Thương vụ giữa đời/ tôi lãi sự anh minh…

Dù viết về đề tài gì lời thơ Nguyên Hào cũng nghe da diết và gợi nên bao câu hỏi cho chính người đọc. Phải chăng, những gì anh đang nói, đang đề cập có sức lay động, lan tỏa và ít nhất là cũng có bạn đọc đồng cảm với anh. Người cầm bút nói chung và làm thơ nói riêng chỉ cần điều như thế là cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Bằng cảm quan của một người nhiều suy tư, giàu lòng trắc ẩn, người thơ Nguyên Hào đã nhận thấu và đi vào ngõ ngách tâm hồn bằng những vần thơ đượm buồn, da diết. Hình ảnh của mẹ, của cha, hình ảnh người thầy và cả những người bạn đi vào thơ Nguyên Hào như một sự trải lòng. Đọc lên nghe nhói buốt tâm can:

Mẹ trở dạ lúc chiều trở gió/ Tôi quẫy vào cơn đau mẹ nén từng hồi

Sinh ra trên chiếc thuyền nan/ Cuốn rốn tôi được sát trùng bằng nước biển/ Tấm lưới cha đan hứng tiếng khóc/ sự giao hòa đầu tiên của sinh linh/ với biển mặn mòi.

Trong ký ức tôi/ Cha còng lưng kéo lưới/ Mẹ oằn vai gánh cá tươi cho kịp chợ chiều./ Trong ký ức tôi/ Từng mảnh lưới còn vương vảy cá/ Mùi tanh tao lẫn trong tấm bánh, gói quà./ Đôi khi/ cơn thủy triều chụp lấy tôi/ Trong giấc ngủ chập chờn tấm màn như tấm lưới/ chiếc giường như chiếc thuyền/ Ký ức thiền định, thiên di…

(Ký ức biển)

Thơ Nguyên Hào thường kiệm lời, anh không diễn đạt dài dòng mà tìm cách mã hóa một cách tối giản nhất có thể. Vì thế lời thơ hàm súc, giàu sức ám gợi, tạo nên những ấn tượng và để lại dư ba. Bài Đồng vọng, Gửi mặt trời, Tự sự biển, Lập ngôn, Hoa hướng dương ngày tịch, Đồng hồ sóng, Bản lưu đời… là những bài thơ kiểu như vậy. Bài thơ chỉ vỏn vẹn 2, 3 hoặc 4 dòng thơ ngắn nhưng đã đặt ra nhiều vấn đề, buộc tất cả chúng ta phải suy ngẫm.

– Lắng thêm tiếng chuông chùa/ Tâm đổ bao hồi chuông (Đồng vọng)

– Muốn rực rỡ/ hay anh tự đốt mình? (Gửi mặt trời)

– Tôi là giọt lớn/ vơi cô đơn cùng ai? (Tự sự biển)

– Tích – trải lòng vỗ về cát/ Tắc – cuộn về cả hư hao/ Thời gian – những tấc xa bờ... (Đồng hồ sóng)

– ta để lại nhiều phiên bản/ trong bao người từng gặp/ vẫn tìm/ âm bản chính ta (Bản lưu đời)

Cuộc sống hiện đại tất bật, chóng vánh, gấp gáp hơn nhiều so với trước đây, vì thế con người dễ cuốn vào vòng xoáy của thời cuộc. Sống gấp, sống vội và phải đối diện với nhiều thử thách để tồn tại vì cuộc sống áo cơm. Do đó, con người dễ đánh mất đi những thứ thiêng liêng, thậm chí có người không còn giữ được chính mình. Với Nguyên Hào, anh ý thức sâu sắc được điều đó nên anh càng cố giữ, để không bị những thứ ma lực kia làm thay đổi chính mình.

giữa kiếp mưu sinh/ bao mặt người/ lướt như những màn hình cảm ứng/ khuôn mặt tôi ơi/ dẫu không biến dạng/ bao lần hỉ nộ ái ố theo nút bấm đồng phục/ con tim tôi ơi/ dẫu bao lần đã run/ trên môi vẫn vô ngôn/ và dưới tay tôi/ màn hình trống hoác/ vật vờ bóng đen của những nút phím lặng chiếu/

tôi ơi/ đừng chờ niềm tin linh nghiệm kiếp nao…

Tự thức được như anh là điều đáng quý, bởi giữa cõi người này nếu không có ý chí, không có niềm tin, con người ta chỉ sống vì tiền, vì danh lợi… thì khó giữ được thiên lương.

Khi mọi thứ vượt quá ngưỡng chịu đựng, khi cảm xúc trào dâng, khi đời thực có quá nhiều bất trắc, Nguyên Hào đành phải ký thác vào thơ:

khi chẳng thế giấu mình/ ta gửi vào thơ/ ngại vỡ thêm vài con chữ (Đối diện thơ).

Khảo sát ngôn ngữ trong thơ Nguyên Hào, ta có cảm nhận riêng về thơ anh trong sự khám phá. Muốn hiểu được ngọn ngành phải xâu chuỗi, liên tưởng. Đó cũng là thế mạnh nhưng cũng lại là hạn chế trong thơ Nguyên Hào. Bởi để hiểu, để cảm, để nhận thấy cái hay, cái đẹp trong thơ anh không phải là điều đơn giản.

Những bài Hồi âm biển, Ảo ảnh, Trước em, Linh nghiệm, Sau những tấm hình nghệ thuật, Nhận diện, Những cơn mê là những bài thuộc phong cách “lập thể” (như trong hội họa) của anh với dụng ý để có người đọc có cách tiếp cận khác nhau, với góc nhìn riêng sẽ có cách hiểu riêng của mình về những vấn đề thế sự.

Bên cạnh đó trong thi tập cũng có vài bài thơ tình viết theo thể lục bát cách điệu như: Khắc khoải tháng ba, Lục bát tình, Tình lắng là những bài thơ hay. Lời thơ da diết, câu thơ biến đổi linh hoạt về cách xuống dòng, ngắt câu đem lại một hình thức thơ năng động, có khả năng biểu đạt tâm thức sâu thẳm của con người thời hiện đại.

Thơ Nguyên Hào với nhiều ẩn dụ, tượng trưng và ẩn đằng sau những con chữ ấy là thông điệp, là triết lý về con người và cuộc đời. Lướt nhanh hơn tốc độ ánh sáng/ Xuyên ngày vào đêm/ Lớp trẻ tự biệt giam/ Rừng – ngón – mũi – kim/ chích trên mặt phím// Những Facebook, Google, Zalo…/ Ứa máu (Tương tác 4.0).

Với Giấc mơ bay, đã cho thấy một Nguyên Hào là cây bút trẻ có dấu ấn, giàu nội lực với một nguồn thơ mới đang dạt dào tuôn chảy.

Nguyễn Văn Hòa

Theo thanhnien.vn

 

Link nguồn: https://thanhnien.vn/van-hoa/nguyen-hao-va-nhung-giac-mo-bay-1319148.html

Cùng chuyên mục