Người Đà Nẵng với Nguyễn Hoàng

Lần đầu tiên Đoan Quận công Nguyễn Hoàng – với tư cách Trấn thủ Thuận Quảng – đặt chân lên đất Đà Nẵng là vào mùa thu năm Nhâm Dần 1602. Sự kiện lịch sử này được ghi nhận sớm nhất trong cuốn tiểu thuyết chương hồi của Nguyễn Khoa Chiêm có nhan đề Nam triều công nghiệp diễn chí viết khoảng năm Kỷ Hợi 1719.

nguoi-da-nang-voi-nguyen-hoang
Tượng chúa Tiên Nguyễn Hoàng đặt phía trước đền thờ và Nhà truyền thống dòng họ Nguyễn ở thôn Uất Lũy, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T.L

1. Đến thế kỷ XIX, khi biên soạn sách Đại Nam thực lục, Quốc sử quán triều Nguyễn cũng đã đưa sự kiện Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đặt chân lên đất Đà Nẵng vào Đại Nam thực lục tiền biên, rằng vào thời điểm ấy Đoan Quận công Nguyễn Hoàng “đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao giăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển, Chúa khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”, liền vượt qua núi xem xét hình thể…”[1].

Hai năm sau cuộc kiểm tra thực địa này – năm Giáp Thìn 1604, nhằm thể hiện tư duy chiến lược của mình về vùng đất phía nam Hải Vân, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đã quyết định sáp nhập huyện Điện Bàn đang thuộc phủ Triệu Phong trấn Thuận Hóa vào trấn Quảng Nam và nâng cấp thành phủ Điện Bàn, cũng là cách để nâng cấp ý tưởng quảng-nam-mở-cõi với sự hình thành Quảng Nam thừa tuyên đạo của Lê Thánh Tông hồi đầu thập niên 70 thế kỷ XV, mở ra cho phủ Điện Bàn bao gồm Đà Nẵng ngày nay nói riêng và trấn Quảng Nam nói chung cơ hội phát triển vượt bậc. Nếu Nguyễn Bỉnh Khiêm từng gợi ý cho Nguyễn Hoàng về Hoành Sơn nhất đới… thì chính Nguyễn Hoàng đã tiếp tục khẳng định Hải Vân nhất đới… Nhờ tư duy chiến lược ấy của Nguyễn Hoàng mà Cửa Hàn của Đà Nẵng cùng với Cửa Đại của Hội An trở thành cảng giao thương quốc tế suốt mấy trăm năm.

Nếu trong Bạch Vân Am thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm từng nghĩ đến chủ quyền Biển Đông qua hai câu thơ Vạn lý Đông minh quy bả ác/ Ức niên Nam cực điện long bình – Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững thanh bình (bài Cự ngao đới sơn – Con rùa lớn đội núi) thì lúc đăng cao vọng viễn, đứng trên đỉnh Hải Vân ngàn năm mây trắng, Nguyễn Hoàng cũng không chỉ thể hiện tầm nhìn hướng nam mà còn bộc lộ tầm nhìn hướng đông/ hướng biển. Nhờ “được Vũ Thì An và Vũ Thì Trung và con cháu gốc người Champa giúp chiếm lĩnh Hoàng Sa”[2] hồi đầu thế kỷ XVII, Nguyễn Hoàng đã vạn dặm dang tay giữ trong thực tế mở cõi trên Biển Đông. Với tư cách là địa phương được Tổ quốc giao trọng trách quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa từ năm 1961 đến nay, Đà Nẵng trân trọng ghi nhận Nguyễn Hoàng là người có công mở đầu quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ khi quần đảo này đương còn vô chủ.

2. Nguyễn Hoàng từng trở thành nhân vật chính trong tiểu thuyết Minh sư – chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi (NXB Hội Nhà văn, 2013) của nhà văn Thái Bá Lợi – tác phẩm được Hoàng gia Thái Lan trao Giải thưởng Văn học Đông Nam Á 2013 và được UBND thành phố Đà Nẵng trao giải Nhất Văn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III năm 2016. Dưới ngòi bút Thái Bá Lợi, nhân vật Nguyễn Hoàng hiện lên trong từng trang tiểu thuyết như “một con người mà lịch sử không thể một sớm một chiều, một thập kỷ đến hàng nhiều thế kỷ đánh giá hết được những điều đúng sai của ông; phe phái này kính trọng và cảm phục đức độ, tài năng của ông, phe phái khác lại ganh tị và muốn trừ khử ông, nhưng chắc rằng ngay cả kẻ thù cũng phải nể trọng ông” (tiểu thuyết Minh sư). Không nể trọng sao được khi Nguyễn Hoàng luôn “tạo cho những người quanh ông, những người nối nghiệp sau ông có được trí sáng suốt trong xử thế, lòng hòa hợp khi đối xử với nhau và bớt đi càng nhiều càng tốt khả năng làm điều ác; ông vẫn thường dạy quan dân của mình rằng nếu như sau khi có một công tích lớn mà điều ác tăng lên thì công tích đó chẳng có ý nghĩa gì, chỉ làm nối dài thêm đau khổ cho chính mình và cho người khác…” (tiểu thuyết Minh sư).

Cuối năm 1950, để tỏ lòng tri ân người có công đầu mở cõi phương nam, người Đà Nẵng đã đặt tên Nguyễn Hoàng cho con đường trước đó mang tên Lagrée – một viên Trung tá Hải quân Pháp. Từ năm 1975 đến nay, đường Nguyễn Hoàng được đổi tên thành đường Hải Phòng. Mãi tới năm 2002, người Đà Nẵng đặt lại tên đường Nguyễn Hoàng cho một con đường mới nối đường Ông Ích Khiêm với đường Lê Đình Lý. Cầu Nguyễn Văn Trỗi hiện nay – cây cầu dã chiến có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni của quân viễn chinh Mỹ được bắc qua sông Hàn sau khi lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng những năm 60 của thế kỷ trước và đang được giữ lại bên cạnh cầu Trần Thị Lý để trở thành một bảo tàng chiến tranh sống động lưu giữ ký ức của người Đà Nẵng về một thời quê hương bị ngoại bang chiếm đóng – từng được đặt tên là cầu Nguyễn Hoàng.

Trước năm 1975, ở Đà Nẵng không chỉ có một con đường và một cây cầu mà còn có một trường trung học công lập mang tên Nguyễn Hoàng. Thực ra, Trung học Nguyễn Hoàng là ngôi trường nổi tiếng ở Quảng Trị có tuổi đời ngang với Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, đến năm 1972 do chiến sự bùng nổ ác liệt, người Quảng Trị phải sơ tán vào Đà Nẵng và thời gian ấy Trung học Nguyễn Hoàng phải tạm thời đặt cơ sở dạy – học ở Hòa Khánh và Hòa Hải cho tới năm học 1973-1974 mới về lại Quảng Trị…

Nhằm tôn vinh công đức của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, ngày 27-12-2019, Hội đồng Dòng họ Nguyễn Quảng Nam – Đà Nẵng đã long trọng khánh thành Tượng đài Nguyễn Hoàng tại Đền thờ và Nhà truyền thống của dòng họ ở thôn Uất Lũy, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là việc tri ân tổ tiên và giáo dục truyền thống riêng của một dòng tộc, trong khi công lao mở cõi của Nguyễn Hoàng là chung cho cả Đàng Trong và rộng hơn là cho toàn dân tộc. Vì thế, trong quá trình trùng tu tôn tạo Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Hải Vân quan, nên chăng hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế cùng nhau dựng tượng Nguyễn Hoàng đang tuần du năm nào trên đỉnh Hải Vân?

Bùi Văn Tiếng

Theo Đà Nẵng Online

 

[1] Quốc sử quán triều NguyễnĐại Nam thực lục tiền biên, bản dịch, tập I, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1962, trang 42.

[2] Thệ Thủy, Quần đảo Hoàng Sa và đội ghe của các chúa Nguyễn, Tạp chí Huế Xưa & Nay, số 29, 1998, trang 19.

Link nguồn: https://www.baodanang.vn/channel/5433/202101/nguoi-da-nang-voi-nguyen-hoang-3875550/

Cùng chuyên mục