Nếu có người từ Việt Nam sang, tôi chỉ ước họ ‘xách’ giùm vài quả thị

Giá lúc này có người quen từ Việt Nam bay sang và hỏi tôi cần gì để “xách”, tôi sẽ nhờ họ mang giùm vài quả thị, để thỏa nỗi nhớ nhung đến cạn kiệt của kẻ phương xa.

Tấm hình mấy quả thị trên trang Facebook của cô bạn cũ bán hàng online tại Việt Nam mấy hôm trước gợi lên trong tôi nỗi nhớ quay quắt đối với quê nhà, với mùa Thu Hà Nội. Cùng với đó là nỗi thèm được cầm trên tay quả thị vàng ươm, áp nó vào má, nhắm mắt hít hà hương thơm mê hoặc và mơ tưởng đến hình ảnh cô gái xinh đẹp yếm đào bước ra…, y như thời tôi còn là đứa trẻ con.

Gần chục năm rồi, kể từ khi sống ở nước ngoài, tôi không gặp lại quả thị, bởi những lần về nước đều không đúng mùa thị chín. Kế hoạch về nước năm nay bị hoãn vô thời hạn do dịch Covid-19. Đang sẵn nhớ bố mẹ, nhớ bạn bè, nhớ những buổi lân la phố cổ hay thơ thẩn bên Hồ Tây hít hơi thu, bức hình mấy quả thị mà cô bạn đăng lên để bán hàng khiến mùi hương ấy như thoảng trong không khí, đưa tôi trở lại những ngày chớm thu vài chục năm trước.

qua-thi-thuong-nho

Ngày ấy, cứ đến tầm này là con bé hàng xóm mặt lại vênh lên như bánh đa nướng, trở nên đành hanh khác thường. Chúng tôi cũng khác với ngày thường, chiều nó như chiều vong, chỉ vì nhà nó có cây thị. Nó vui thì sẽ hái cho chúng tôi mỗi đứa một quả, không vui thì dù có tiền cũng chẳng bán cho. Có thị, chúng tôi nâng niu đặt vào cái túi lưới bé xinh mà chị đan cho, đi đâu cũng xách theo, nâng niu như với em bé, vì đứa nào cũng nghĩ có cô Tấm tí hon ở trong đó. Ở nhà, quả thị được tôi đặt trang trọng trên cuốn sách ở bàn học, đêm ngủ để ngay đầu giường, dù bà nội cứ ngăn cản, bảo không tốt cho giấc ngủ trẻ con.

Tôi cố kiềm chế để không chạm nhiều vào quả thị, sợ nó bầm dập, sẽ xấu và bớt thơm, nhưng rồi vẫn cứ luôn tay đưa lên mũi hít hà. Và rồi qua ngày, mùi hương từ chỗ ngọt dịu dần trở nên nằng nặng, vỏ quả vàng tươi cũng sẫm dần. Tôi đành nắn và ăn quả thị một cách đầy luyến tiếc, sau đó lấy hạt, kiên nhẫn mài hết lớp vỏ nâu ở ngoài. Cái hạt thị trắng nõn đó, chỉ cần cắm cái tăm vào chỗ mầm phôi là thành que kem, chơi được thêm một ngày nữa…

Mấy đứa bạn thì không chỉ mút mát “cây kem” này mà còn cho vào miệng nhai trệu trạo. Cái đói kém của thời ấy khiến lũ trẻ cảm nhận được vị ngậy trong cái thứ vừa cứng vừa vô vị như hạt thị, đứa nào đứa nấy nhai đến nỗi sau này hỏng cả răng hàm.

Thành người lớn, chúng tôi không ăn thị nữa nhưng vẫn luôn thèm ước nó, mỗi khi có cơ hội vẫn phải “rước” về một vài quả, vẫn ấp iu trân quý, như để gọi về cả thời thơ ấu đã lùi lại phía sau…

Những đứa bé ngày đó giờ đều đã tứ tuần. Ở xứ người, quan sát cuộc sống của bạn bè cũ qua Facebook, nhiều lúc tôi bật cười thấy cả lũ vẫn chành chọe, xin xỏ, tranh cướp nhau từng quả thị, rồi dặn dò, nhờ vả, thậm chí đe dọa… để chuyến tới có phần.

Bạn tôi bảo bây giờ ở Việt Nam, thị cũng hiếm hơn trước, nhiều lúc còn khó kiếm như gan rồng, lùng khắp chợ nọ, hàng kia mới tìm được vài quả méo mó. Có lúc quả thị bé tẹo cũng được bán giá cả chục nghìn đồng, nhưng cái hương thơm thoang thoảng thanh khiết khiến tâm hồn thư thái ấy đối với nhiều người là vô giá, nên miễn sao có thị để mua là mừng như bắt được vàng rồi.

Nếu hỏi loại quả nào gây thương nhớ nhất, ám ảnh và gây nhiều cảm xúc, nhiều mơ mộng nhất, có lẽ đa số người Việt sẽ chọn thị, ít nhất là thế hệ 8X trở về trước. Thị chưa bao giờ thực sự là cây ăn quả, trái thị chưa bao giờ là thực phẩm đúng nghĩa, nhưng người ta vẫn luôn thèm nhớ nó theo nhu cầu của tình cảm, của tâm hồn. Ở xứ người, hình ảnh quả thị và sự hoài niệm về tuổi thơ gắn với nó nhắc nhở tôi nỗi thiếu vắng quê hương, thiếu vắng thứ gì đó vô hình nhưng mang hơi ấm của hồn cốt, tâm linh Việt…

Mỗi lần người quen hay bạn bè ở Việt Nam sắp qua xứ sở tôi đang sống, họ thường hỏi tôi cần gì không để “xách” sang. Giá lúc này có người sang, tôi chỉ ước họ xách giùm cho vài quả thị. Vậy thôi.

Nguyệt Ánh

Theo vtc.vn

 

Link nguồn: https://vtc.vn/neu-co-nguoi-tu-viet-nam-sang-toi-chi-uoc-ho-xach-gium-vai-qua-thi-ar565060.html

Cùng chuyên mục