Neo giữ mạch nguồn Tắc Pỏ

Ông bước xuống từ tầng hai của căn nhà bên góc đường Hùng Vương ở phố Tam Kỳ. Hai người miền núi xuống phố gặp nhau. Ông kéo tôi vào nhà, theo một thói quen của đồng bào, khi trên bàn thấy sẵn bình rượu. “Lai rai vài ly cho ấm” – ông thiệt bụng. Ngoài hiên mưa vẫn ầm ào trút xuống…

Ông Đinh Mươk. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Ông Đinh Mươk. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông – nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đinh Mươk. Câu chuyện giữa chúng tôi, cứ thế mải miết như mạch nguồn sông suối, với bao hoài niệm xưa cũ. Dù định cư ở phố, nhưng ông nói, vẫn thường xuyên về núi. Bởi nguồn cội, dù với ai, cũng không bao giờ xa cách, vẹn nguyên như một khúc nhạc rừng nơi huyền thoại Ngọc Linh. “Quên sao được. Tuổi thơ của mình trên đó. Người thân mình trên đó, bạn bè mình cũng ở trên đó. Mấy chục năm xa núi rừng, đâu phải dễ dàng quên được thế đâu, huống chi…”. Ông bỏ lửng câu, với tay rót ly rượu mời khách.

1. Thật lạ, lần nào tôi gặp ông cũng trời mưa tầm tã. Cái cảm giác mưa dầm từ nhiều ngày trước, kèm gió lạnh tê buốt càng khiến con người ta thèm bếp lửa ấm đến lạ. Ông nói, tuổi thơ của mình gắn với bếp lửa và nương rẫy. Hồi đó, cuộc sống đói khổ. Những người Ca Dong, Xê Đăng dưới chân núi thiêng Ngọc Linh chỉ quây quần với nắng mưa, sương gió. Người học ít hơn người theo chân cha lên núi, lên rừng. “Cây thuốc giấu” (sâm Ngọc Linh), với họ thời đó cũng chỉ như củ mài, củ sắn.

Chín tuổi, đang chiến tranh ác liệt, ông được tổ chức đưa ra Bắc theo diện học sinh miền Nam. Ở làng Đhác Moh (Tắc Pỏ) của ông ngày ấy, cùng đi có thêm 4 người khác nữa. Vài ngày trước lúc ông đi, người mẹ trẻ cứ ngồi cạnh con trai, khóc sướt mướt. Bà khóc, vì thương và lo cho con. Bởi bà biết, ngày mẹ con gặp lại xa xôi lắm. Mà thật. Chỉ vài năm sau, ông nhận tin bố mất sau một trận càn quét của địch. Lần đầu tiên trong đời ông khóc, không thể về chịu tang. Cố vượt qua nỗi đau mất cha, ông tiếp tục với nhiệm vụ học tập, dù phải chục lần di tản, chuyển địa điểm vì trường học “dính” bom. Thế mà, đến lúc trở về quê hương, nhìn lại, ông đã ngót nghét 30 mùa rẫy. Người mẹ năm xưa nay đã hai màu tóc. Rồi ông lại đi xa, nhận nhiệm vụ trong ngành giáo dục tại địa phương. Ngày ấy, từ thị trấn Trà My lên đến Tắc Pỏ phải mấy vài ngày đường. Công việc bận rộn, cũng phải non tháng ông mới về thăm mẹ một lần. “Nghĩ mà thấy mình thật có lỗi với mẹ, nhưng vì nhiệm vụ nên đành chấp nhận thế. Bà sống ở làng quen rồi, nên cũng không muốn đi đâu khác nữa. Dù sau này mình có nhà ở Trà My” – giọng ông chùng xuống. Dưới cặp kính lão nhòe đục, tôi cảm thấy như miền ký ức ùa về qua ánh mắt ông.

Rồi ông lập gia đình. Vợ ông là y sĩ, quê ở tận Quảng Bình. Cả hai quen nhau lúc công tác ở Trà My, thời sau giải phóng. Hồi đó, bà mới ra trường ngành y tại Thanh Hóa, vào Nam theo diện kết nghĩa giữa Quảng Nam – Thanh Hóa. Cuộc sống giản dị, gắn kết hai vợ chồng ông vui cùng con cháu. Căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười.

2. Dấu ấn của ông với vùng đất Trà My, chính là vực dậy thương hiệu “cao sơn ngọc quế” của đồng bào Ca Dong, sau thời gian dài trầm lắng. Khi ấy, ông đương chức Chủ tịch huyện. Nhiều người thường ví, đường sá thời đó còn khó hơn cả đường lên “cổng trời”. Mùa mưa, nếu không sạt lở đất cũng bị tắc do lũ. Sông liền sông, núi nối núi. Từ nóc này sang nóc khác, dù chỉ hơn vài cây số, cũng đã mất nửa ngày đường. Vậy mà, hầu như tháng nào ông cũng về cơ sở. Từ Trà Giác, Trà Giáp, cho đến tận Trà Leng, Trà Dơn… Hễ nơi nào có vườn quế, ông cũng đều đến khảo sát tận nơi, rồi lập đề án khoanh vùng bảo tồn, phát triển. Ngày đó, sâm Ngọc Linh chưa có giá như bây giờ, chỉ là “cây thuốc giấu” còn mọc hoang trong nương rẫy, dưới tán rừng già. Vì thế, ông nói, quế chính là nguồn kinh tế lớn nhất của đồng bào Ca Dong, Xê Đăng phải được phục hồi. Từ cây quế, nhiều hộ đã dần thoát nghèo, tiếp tục quay vòng làm ăn, phát triển kinh tế. Ông mừng, vì cuối cùng công sức bỏ ra đã không uổng phí, nên theo đuổi công việc tận đến bây giờ.

Ông Đinh Mươk (giữa) trong một lần đến khảo sát vườn sâm Ngọc Linh. Ảnh: NVCC
Ông Đinh Mươk (giữa) trong một lần đến khảo sát vườn sâm Ngọc Linh. Ảnh: NVCC

Năm 2014, từ chủ trương của tỉnh, lúc ấy dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia Hội Quế Trà My (bây giờ đổi tên thành Hội Sâm núi Ngọc Linh và quế Trà My). Với vai trò là chủ tịch hội, ông thường xuyên đến kiểm tra tại các vùng có cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh và quế Trà My. Mới đây nhất, sau khi biết thông tin tại địa bàn các xã Phước Lộc, Phước Kim và Phước Thành (huyện Phước Sơn) có vườn cây quế lâu năm, ông đã lặn lội vượt đường rừng tìm đến các thôn để khảo sát, đánh giá trữ lượng nhằm tìm hướng bảo tồn. Những cuộc đi như thế, ông nói như một dịp trở về với dân làng. Vì thế, càng có thêm động lực để tiếp tục với công việc “cầm cờ” hướng về phía núi.

Nhớ lại, năm 2003, Trà My chia tách thành Nam Trà My và Bắc Trà My theo chủ trương của tỉnh. Ông nói, khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ, chính là việc vận động cán bộ lên đường nhận nhiệm vụ mới. Ai đi, ai ở lại, tất cả đều phải lựa chọn thật kỹ. Thiệt tình mà nói, số người muốn ở lại nhiều hơn là muốn đi. Bởi phía trước luôn bộn bề khó khăn chào đón. Ông xung phong để làm gương, rồi động viên anh em khác theo ông lên đường. Hơn 3 năm trời ròng rã, ông cùng các cán bộ của mình ngủ nhờ nhà dân, ăn cơm tập thể và làm việc trong trụ sở tạm bên dòng Tắc Pỏ. Để giải tỏa nỗi cô đơn, ông tìm đến thơ như một lời tâm sự. “…Sáng nay ba đi như là ra trận/ Ba lô trên vai và chiếc gậy Trường Sơn/ Tình yêu nhà mình thêm cho ba sức mạnh/ Vững bước lên đường không ngần ngại băn khoăn…” (Lên đường). Nhưng rồi mọi thứ cũng qua, vùng đất Nam Trà My bây giờ đã đổi khác, từ điện – đường – trường – trạm, với một diện mạo khởi sắc.

3. Hồi ông đương chức Trưởng ban Dân tộc tỉnh, những cuộc trở về với đồng bào miền núi nhiều không thể kể hết. Ngoài đi kiểm tra các chương trình, dự án chính sách, ông lặn lội đến tận thôn, nóc để giải quyết những vụ tranh chấp đất đai hay có mặt chia vui trong sự kiện trọng đại của dân làng. Vì thế, ông nói đùa rằng, nếu tự bình xét, dấu ấn của ông chính là kết nối được những anh em đồng bào hai miền xuôi ngược chung sức, đồng lòng cho sự phát triển miền núi. Và tài sản lớn nhất của ông, chính là tình cảm của anh em, bạn bè dành trọn trong những cuộc vui, thỉnh thoảng ghé thăm nhà, cùng ôn bao chuyện xưa cũ. “Chỉ vậy thôi, mong ước chi cho xa vời. Mình làm, cốt cũng chỉ để cho dân được nhờ, như thế đã là hạnh phúc rồi!” – ông cười hiền.

Từng là Đại biểu Quốc hội khóa XII, hơn ai hết, ông biết rất rõ về cuộc sống của đồng bào mình. Nghèo khó, cứ thế làm ông trăn trở suốt một đời. Nhà nước đầu tư nhiều, nhưng cuộc sống của bà con vẫn chưa thay đổi một cách bứt phá. Là vì đâu? Nói toạc ra, là vì người miền núi thường có tâm lý bằng lòng với cuộc sống thực tại nên thiếu ý thức vươn lên. Chưa kể, một bộ phận đồng bào còn nặng tư tưởng vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tất cả như một bài toán khó chưa có lời giải thuyết phục. Hay, nhiều chủ trương đưa về, đâu có phù hợp với tập quán của đồng bào miền núi, điển hình như câu chuyện tái định cư thủy điện, dân không ở nên bỏ hoang phí nhiều năm. Nhưng, đó chưa phải là điều ông lo lắng nhất. Bởi “đói thóc, đói gạo, người khác có thể cho mình – còn đói văn hóa là mình tự giết chết mình”. Ông quan niệm vậy và nhiều lúc buồn lòng khi nghĩ về bản sắc của đồng bào mình đang ngày mai một; nhịp chiêng dần tắt, tiếng trống dần thưa và nhiều lễ hội cũng đang bị “sân khấu hóa”.

“Phải cố giữ cho bằng được, không ai làm thay mình đâu. Cái nào cần bảo tồn, cái nào nên loại bỏ phải cân nhắc, tránh làm hỏng di sản của ông cha để lại. Chú từng phản biện nhiều đề án bảo tồn văn hóa, vì thấy đó là trách nhiệm của mình với cộng đồng”. Ông nắm chặt tay tôi, căn dặn trước lúc tiễn tôi ra về. Ngoài kia, điện đường đã lên. Phóng tầm mắt, là xa quá, không nhìn thấy núi…

ALĂNG NGƯỚC

Theo Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục