Nằm yên dưới lá…

Vài sợi nắng xuyên qua tán lá, rớt xuống trại sâm không đủ để xua đi không khí buốt lạnh của núi rừng Ngọc Linh. Hơn nửa đời sống với “cây thuốc giấu”, già Hồ Văn Du hình như đã quá quen với cái buốt lạnh của sương. Ông lần tay vào túi, vốc một nắm thuốc lá cho vào miệng, rồi leo ngược lên triền núi, nơi gốc sâm đang cho hạt. “Mùa sâm ngủ Đông đến rồi” – ông già ngoảnh lại, hơi thở phả ra thành khói…

Dưới tán rừng già, sâm đang ngủ đông, nằm yên dưới lớp mùn cây. Ảnh: NGƯỚC CÔNG
Dưới tán rừng già, sâm đang ngủ Đông, nằm yên dưới lớp mùn cây. Ảnh: NGƯỚC CÔNG

1. Chúng tôi không mất quá nhiều thời gian để đến Trạm dược liệu Trà Linh (Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam). Con đường bê tông đã được mở, len vào tận chân núi, sát trạm. Hơi lạnh cứa buốt da thịt. Già Du cười lớn, rằng cả đời ông ở núi, mùa này vẫn phải dùng “kă crâu” – một loại bột thuốc lá của người Xê Đăng để chống chọi cái rét của Ngọc Linh, huống hồ là khách lạ.

Tháng 10, vẫn chưa phải thời điểm rét nhất ở Ngọc Linh mà chỉ mới bắt đầu vào mùa ngủ đông của cây sâm. Theo chân già Du, chúng tôi bước vào nhà ươm giống, nơi những cây sâm non 1 năm tuổi đang được chăm sóc. Nhiều cây con đã rũ lá, người không rành rẽ dễ nhầm tưởng là… cây chết. Già Du nhổ một gốc sâm nhỏ, chỉ vào phần rễ nhỏ xíu, giải thích, không chỉ cây trưởng thành, mà cả cây non cũng sẽ rụng lá vào mùa đông. Cuộc sinh tồn của cây sâm, lúc này diễn ra âm thầm mà bền bỉ dưới lòng đất.

Thông thường, cây sâm bắt đầu chín hạt vào cuối tháng 8. Ngoài hái hạt bà con cũng tranh thủ cắt lá để củ sâm không bị suy nhược vào mùa Đông, nếu không thu hoạch, lá cũng tự rụng. Đừng nhìn thấy cây héo úa mà tưởng rằng cây chết. Nó vẫn đang sống, mình không nhìn thấy được thôi” – già Du lý giải.

Tại các chốt sâm, mùa này đồng bào bắt đầu gieo ươm mầm sâm giống.
Tại các chốt sâm, mùa này đồng bào bắt đầu gieo ươm mầm sâm giống.

Chúng tôi băng qua những luống sâm. Nhìn bằng mắt thường, chỉ thấy xù xì đống cành lá khô. Hiếm hoi lắm mới sót lại vài cây sâm ra hạt muộn. Nhân viên ở trạm dược liệu tỉ mẩn dùng bọc lưới nhỏ để bảo vệ chùm hạt sâm màu đỏ bé xíu, hậu quả của những biến đổi thất thường do thời tiết.

Ông Trần Út – Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu nói, chưa có năm nào khí hậu biến đổi khó lường như năm nay. Có những ngày ẩm độ không khí đo được khá thấp, dưới 40% trong khi nhiệt độ có lúc lên đến 30 độ C. Nguồn nước tại các khe suối cạn kiệt. Thời tiết diễn biến cực đoan ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sinh trưởng, phát triển của cây sâm. Toàn bộ số sâm giống dưới 1 năm tuổi được đưa vào “nhà bạt”, thay vì trồng ngoài trời như trước đây. Quy trình chăm sóc cũng nghiêm ngặt hơn, song vẫn gặp nhiều khó khăn.

Chúng tôi theo dõi, nhận thấy cây sâm nảy mầm phát triển thân lá chậm hơn nhiều, tỷ lệ nảy mầm thấp, ảnh hưởng đến khả năng cho hạt giống để sản xuất cây con. Bên cạnh đó, tình hình dịch hại trên cây sâm con diễn biến khá phức tạp, áp lực sâu bệnh hại rất lớn, đặc biệt là bệnh đốm vòng, sương mai, lở cổ rễ, thối rễ. Tất cả anh em phải căng mình theo dõi, chăm sóc kỹ lưỡng cho từng gốc sâm. Trong tay chúng tôi, đang là một kho báu của cả vùng Ngọc Linh, nên không được phép lơ là” – ông Út nói, trong khi tay đang khẽ xới một gốc sâm già để kiểm tra. Nơi vườn sâm, có một “cuộc chiến” khác của những nhân viên trạm dược liệu, với nhiệm vụ canh gác cho cây sâm ngủ.

2. Thăm thẳm dưới những tán rừng, có hàng chục chốt trồng sâm của đồng bào Xê Đăng ẩn sâu trong lòng Ngọc Linh. Mùa này, bà con ăn ngủ, túc trực cùng sâm, giữa những khắc nghiệt vùng cao. Hành trang người giữ sâm, hầu như không thể thiếu hai thứ hết sức đặc biệt là lá thuốc và… rượu. Anh Hồ Văn Tấn (thôn 3, xã Trà Linh) nói, đó là cách truyền thống nhất để chống chọi với giá rét, khi nhiệt độ có lúc chỉ chừng 10oC. Nhưng, đó chưa phải là điều đáng sợ nhất. “Kẻ thù” lại đến từ ngay dưới lòng đất: chuột.

Tấn kể, loài chuột như một nỗi ám ảnh với người trồng sâm. Chúng thường xuất hiện vào ban đêm, cắn phá gốc sâm, đặc biệt là sâm non. Như một “sát thủ”, chuột ẩn mình trong bóng tối, rất khó để phát hiện, dù chỉ là một tiếng động. Có những đêm, cả chục người trong chốt dùng đèn pin, lùng khắp vườn sâm, bắt được hàng chục con.

Loài chuột này rất tinh ranh, phải có kỹ năng mới bắt được. Nhiều thời điểm, chuột xuất hiện liên tục, hôm nay bắt nhiều, tưởng hết, ngày mai lại thấy sâm bị cắn phá khắp nơi. Có mưa rét đến mấy, mùa này, cũng phải ăn ngủ cùng sâm. Không còn cách nào khác” – Tấn nói. Có vườn sâm, chỉ sau một đêm lơ là, bị chuột tấn công, thiệt hại tính bằng tiền tỷ.

Người dân sáng tạo đủ cách để bắt chuột, bẫy treo, bẫy sập, bẫy đá, soi đèn săn chuột, chỉ trừ một biện pháp duy nhất là dùng hóa chất – thứ đặc biệt mẫn cảm với cây sâm. Kíp trực nào để mất sâm, mặc nhiên phải đền bù cho cả nhóm hộ trồng. Vì thế, như một “mệnh lệnh”, ai cũng phải có trách nhiệm… canh chuột. Đủ loại chuột, đôi khi còn có cả chồn bay xuống ăn hạt sâm.

“Đắt xắt ra miếng”, hạt sâm cũng là tiền, chưa nói đến củ. Nhất là khi giá trị cây sâm bây giờ đã tăng gấp bội so với nhiều năm trước. Chốt của Tấn, mùa sâm ngủ đông lại gần như là mùa thức trắng của người. Mà không riêng gì Tấn, theo kiểm đếm, có đến 47 chốt giữ sâm như thế của đồng bào bản địa ở vùng cao Ngọc Linh này.

3. Phải yêu cây sâm, quý cây sâm lắm mới sống được cùng nó. Vì phải ăn ở cùng sâm, thức ngủ vì sâm. Không phải là người trồng sâm, sẽ không biết vị đắng của sâm. Đắng vì cực khổ, vì công sức bỏ ra để cây sâm lớn lên từng tháng, từng năm” – già Hồ Văn Du nói.

Bảng lảng trong lời tâm sự của ông già, hình như có sương rét Ngọc Linh, có hàng chục năm luồn dưới tán rừng chăm cho từng gốc sâm, có cả những nỗi niềm không nói hết thành lời. Cả đời ông ở với rừng này, với cây sâm, nên hơn ai hết, ông già hiểu rõ nhất về chúng. Như chăm những đứa trẻ, ông kể, vì bao lần mất ăn mất ngủ mỗi khi quan sát thấy biến động bất thường trong vườn. Ở với sâm, là ở với cơ cực và cô độc. Có khi đi canh chuột, cả nhóm người nói chuyện với nhau bằng ánh đèn pin, không dám thốt ra lời. Hết ca trực, rời khỏi chốt về, nghe vẳng tiếng còi cảnh báo từ thiết bị tự động, lại phải quay ngược lên trở lại để kiểm tra.

Chúng tôi quan sát cách ông lấy lá, phủ trên từng luống sâm. Một lớp lá khá dày, mà theo ông giải thích, là để giữ ẩm cho củ và chống xói mòn. Bên từng luống, là rãnh thoát nước mưa đều tắp, chạy dọc sườn đồi. Không phải bằng thói quen, bằng trách nhiệm, hình như mọi việc ông làm là cách ông sống với sâm, như chính lời của mình. Bên dưới lớp lá dày, cây sâm chỉ việc ngủ yên suốt một mùa đông dài. Đã có người lo lắng chuyện nước trời, nắng mưa, canh chừng cả lũ chuột.

Mấy năm gần đây, còn nổi lên chuyện trộm sâm. Hồi xưa ít lắm, chứ bây giờ, một ký sâm cả trăm triệu đồng, sơ hở là mất. Có chốt, bà con đi soi ếch núi, mải mê quá, hôm sau trời sáng, thấy mất cả vạt sâm. Trồng sâm thì phải đánh dấu bằng que tre cắm dựng đứng để biết mà tránh không đạp lên, vô tình thành chỉ chỗ cho trộm. Hết canh chuột, chuyển qua canh người. Những người không đổ mồ hôi, đổ máu xuống cánh rừng này, thì làm sao biết quý trọng công sức của người trồng. Họ chỉ quý tiền thôi” – ông già trầm ngâm. Sâu trong đáy mắt, ánh lên những nỗi niềm…

Bao nhiêu vườn sâm, là bấy nhiêu kho báu giấu kín trong rừng. Núi Ngọc Linh cất luôn cả nỗi niềm của người trồng sâm, cất lấy năm tháng vào trong màn sương phủ huyễn hoặc ở nơi bốn mùa mây trắng. Lặng im trong thăm thẳm, như mật ngôn của riêng mình, núi cất giữ phận số của bao người. Họ đã giàu, sẽ giàu, nhưng chắc chắn, đó là cái giá xứng đáng cho mồ hôi và cả máu mà họ đã đổ xuống, chăm bón cho từng gốc sâm.

Mùa này, sâm nằm ngủ yên, dưới lá!

Ghi chép của: Thành Công – ALăng Ngước

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục