Một cách bảo tồn tuồng cổ độc đáo

Nếu sống ở TP.HCM mà muốn xem một vở hát bội kinh điển, hoặc một vở cải lương tuồng cổ, xem ở đâu? Câu hỏi này không dễ trả lời, vì đất diễn đã thu hẹp chóng vánh, mỗi năm chỉ còn vài nơi vài suất. Thế nhưng vẫn còn một dịp hiếm hoi để xem thoải mái: lễ kỳ yên đầu năm, kéo dài từ rằm tháng Giêng đến hết tháng Hai âm lịch.

Kỳ yên năm nay, hôm 27/2 tại Chùa Ông (quận 5) diễn vở Tiết Giao đoạt ngọc, ngày 17/3 tại đình Thái Hưng (quận 1) diễn vở Long lân quy phụng… Ngày 20/3 hát chầu tại đình Nhơn Hòa (quận 1), ngày 22/3 tại đình Ưu Long (quận 8), ngày 23/3 tại miếu Bà Ngũ Hành (quận 6)… Danh sách còn rất nhiều, kéo dài hết đến tháng Hai âm lịch, nên các gánh hát bội và cải lương tuồng cổ (cải lương Hồ Quảng) phải “chạy sô hết công suất”.

Dù hát cúng đình – hát chầu – nhưng vở được đầu tư bài bản, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Ảnh toàn bài: Phó Bá Cường

Hình trong bài này là hát chầu và diễn vở Long lân quy phụng (tác giả: Bạch Long) tại đình Thái Hưng (quận 1) hôm 17/3/2019. Ảnh do nhiếp ảnh gia Phó Bá Cường thực hiện.

Kỳ yên (cầu an, cầu mưa thuộc gió hòa, tế thành hoàng) là lễ lớn nhất trong năm của đình thần ở Nam bộ. Từ rằm tháng Giêng đến hết tháng Hai âm lịch nhiều đình ở Nam bộ nói chung và ở TP.HCM nói riêng.

Hát chầu có chức năng chính là nghi thức cúng thành hoàng, sau mới giúp vui cho dân làng

Kỳ yên thường diễn ra trong 3 ngày, gồm rất nhiều lễ, ngày thứ nhất thường có lễ rước tổ hát bội. Về sau lễ rước này cũng bao gồm tổ cải lương tuồng cổ (một cách gọi khác của cải lương Hồ Quảng), với bàn thờ tổ đặt trang trọng tại hậu trường võ ca. Việc diễn hát bội (và cải lương tuồng cổ) gọi chung là hát chầu, một nghi lễ không thể thiếu tại mỗi kỳ đáo lệ lễ kỳ yên.

Hát chầu có chức năng chính là nghi thức cúng thành hoàng, sau mới giúp vui cho dân làng. Tùy khả năng tài chính của mỗi đình, việc hát chầu sẽ diễn ra hàng năm, hoặc chậm nhất là 3 năm một lần.

Những lớp diễn đôi rất thú vị trong vở cải lương tuồng cổ “Long lân quy phụng”

Đây là dịp dân mộ điệu hát bội (bộ, tuồng) – sau này thêm cải lương tuồng cổ – có dịp thưởng thức lại những tác phẩm mẫu mực. Khoảng 10 năm gần đây đất diễn cho cải lương tuồng cổ bị thu hẹp liên tục tại các sân khấu giải trí, vì vậy mà sân khấu đình làng trở thành “đất thánh” của loại hình này.

Đây cũng là dịp để các hậu duệ gánh hát Minh Tơ huyền thoại tụ về phụng hiến tổ nghề

Theo kết quả điều tra năm 1992 của Bảo tàng Cách mạng TP.HCM, TP.HCM còn 260 đình, quận huyện có đình nhiều nhất là Bình Chánh: 57 đình, ít nhất là Phú Nhuận: 1 đình.

Dù bị mai một khá nhiều, nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì hiện nay lễ kỳ yên vẫn còn duy trì ở hơn 230 đình tại TP.HCM. Những đình còn duy trì được hát chầu thì trên 100 đình, hoặc gần 150 đình, vì chưa có thống kê chính thức. Nghĩa là “đất sống” cho hát bội và cải lương tuồng cổ vẫn còn hiện diện nhiều nơi.

Thiết kế, bài trí, hóa trang và diễn xuất đều rất tươm tất, vị nghệ thuật

Kỳ yên là một tín ngưỡng thanh tao, một mỹ tục đặc trưng của đất Nam bộ. Rất may, trong quá trình định hình tín ngưỡng này đã tích hợp được lễ hát chầu, nên hát bội, cải lương tuồng cổ có thêm một kênh để bảo tồn. Sống tại TP.HCM và Nam bộ, nếu muốn xem hát bội và cải lương tuồng cổ, hãy ghi nhớ thêm lễ kỳ yên ở các đình thần.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục