Mở cửa thị trường châu Âu

Nghị viện châu Âu vừa phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVPIA), chính thức mở cửa thị trường cho Việt Nam.

Dệt may, nông thủy sản được xem là thế mạnh của Quảng Nam để xuất khẩu sang thị trường EU có nhiều ưu đãi sau EVFTA được phê chuẩn.

Cú hích từ EVFTA

Nghị viện châu Âu chính thức thông qua EVFTA sau 10 năm đàm phán được cho là một hiệp định toàn diện, chất lượng, sẽ mang lại lợi ích lớn, rõ và cụ thể cho cả Việt Nam và EU. Theo tính toán của Bộ Công Thương, EVFTA mở cửa cho gần 100% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình khoảng 10 năm, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ…Thậm chí, ngay khi hiệp định này có hiệu lực, EU sẽ lập tức xóa bỏ 85,6% số dòng thuế nhập khẩu, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Con số này được cho là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA đã được ký. Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 (so với khi không có hiệp định).

Không chỉ thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh…, EVFTA tác động lớn đến tăng trưởng xuất khẩu, dòng đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Hiệp định này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với hơn 500 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD của EU. Theo nghiên cứu của Bộ KH&ĐT, EVFTA dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035. Còn xuất khẩu của Việt Nam dự kiến có thể tăng thêm 20% trong 2 năm tới.

Lợi ích thiết thực nhất của hiệp định là tính lâu dài. Các nhà nhập khẩu châu Âu cũng đề cao yếu tố này. Điều còn lại là gia tăng được số lượng doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, mọi con số trên cũng chỉ lý thuyết. Còn tác động thực tế bao nhiêu phụ thuộc vào Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không. Nhưng việc EVFTA được phê chuẩn thực sự là một sự kiện tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Thực tế, xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế hay thu hút đầu tư Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch cúm Covid-19, chưa biết bao giờ kết thúc đã bộc lộ khoảng trống là dựa quá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc (xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu) thì EVFTA ra đời có thể sẽ trở thành động lực mới, tức thời. Sản phẩm xuất khẩu có thể trông chờ vào ưu đãi của thị trường châu Âu và kỳ vọng nhiều hơn ở thị trường này về thu hút FDI.

Cơ hội cho doanh nghiệp

Theo nhận định của các nhà hoạch định chính sách, EVFTA được kỳ vọng là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cơ hội có thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân; và cũng là cơ hội để đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế.

Ông Phạm Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam cho biết, EVFTA mở ra nhiều cơ hội, nhưng để tận dụng được cơ hội thì cần nhìn nhận thực tế thế mạnh của các sản phẩm địa phương ở đâu, xem xét lại các ngành xuất khẩu mũi nhọn đã phù hợp với thị trường này hay chưa, hay phải cần điều chỉnh.

Châu Âu đã chính thức mở cửa thị trường cho Việt Nam. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp đón nhận được bao nhiêu cơ hội từ thị trường rộng mở này. Ông Văn Công Mẫn – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Việt Quang cho hay, những mặt hàng thực phẩm, thủy sản, nông sản… xuất khẩu sang thị trường đều phải đáp ứng quy định về kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Muốn tồn tại, sống được thời hội nhập, doanh nghiệp chỉ còn cách tuân thủ các quy chuẩn xuất khẩu để thích ứng với thị trường.

Theo tính toán của UBND tỉnh, địa phương có đủ khả năng quy hoạch các vùng nguyên liệu nông – lâm sản và cây công nghiệp lớn phục vụ xuất khẩu. Sản lượng khai thác thủy hải sản đạt hơn 40.000 tấn/năm hay yến sào đủ để phục vụ xuất khẩu và dệt may được xác nhận là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Quảng Nam trong vài năm tới.

Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng nói doanh nghiệp phải chấp nhận cạnh tranh và quy luật đào thải của thị trường. Doanh nghiệp cần tự mình tìm kiếm thông tin thị trường, đánh giá lại tiềm năng, nội lực, thế mạnh và cả điểm yếu của mình… Tái cấu trúc hoạt động doanh nghiệp trên cơ sở tận dụng lợi thế địa phương, lợi thế doanh nghiệp và vận dụng tốt những cơ hội, giảm rủi ro của sự bất ổn thị trường, nâng cao công nghệ, thiết bị, nhân lực, tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực. Tận dụng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài và bắt tay với các nhà phân phối nội địa có năng lực, uy tín.

Doanh nghiệp cần liên kết và quản trị hiệu quả

Ông Nguyễn Quang Thử – Giám đốc Sở Công Thương nói việc xác định rõ thị trường, sản phẩm ưu tiên sẽ tác động mạnh lên chiến lược của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trả lời những câu hỏi mà không ai ngoài chính họ phải tự mình tìm cách trả lời cho sự thành bại của doanh nghiệp. EVFTA mở ra cơ hội cho doanh nghiệp với một thị trường rộng mở. Dệt may, da giày, hàng nông sản… là những lợi thế của địa phương. Nhưng nếu để tận dụng được cơ hội, doanh nghiệp Quảng Nam (vốn nhỏ bé và yếu ớt) phải tính toán lại kỹ năng quản trị và phải liên kết lại mới đủ khả năng bước vào thị trường lớn này. Sắp tới Bộ Công Thương sẽ tổ chức tuyên truyền hiệp định này để doanh nghiệp nắm bắt, chuẩn bị tài lực, tư thế phù hợp để tăng khả năng cạnh tranh.

Trịnh Dũng

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/kinh-te/mo-cua-thi-truong-chau-au-84450.html

Cùng chuyên mục