Mai sau, giữ một chút này…

Người ta có thể phá và xây rất nhiều thứ trong cùng một không gian sống, nhưng thiên nhiên cùng vốn liếng văn hóa bản địa thì không như vậy. Tinh hoa đó do chính con người – chủ thể của vùng đất tạo dựng nên.

Quảng Nam lựa chọn mục tiêu phát triển du lịch trong sự hài hòa giữa cảnh quan và văn hóa, đặc biệt, trong giai đoạn tiếp theo điều này càng phải được xem như yếu tố sống còn. Trải qua một đoạn thăng trầm từ đại dịch Covid-19, nên chăng cần có sự chuẩn bị dài hơi và bài bản trước mọi tình huống, đặc biệt từ chính nhận thức và tự hào về con người Quảng Nam.

mai-sau-giu-mot-chut-nay
Bản sắc truyền thống là điều cần thiết phải lựa chọn để giữ gìn trong hành trình phát triển. Ảnh: L.T.K

Tạo bản sắc từ chính con người

Một dòng sông tơ lụa sẽ được hình thành với những dự án dành cho các địa phương dọc theo triền sông Thu. Ngoài việc khơi lại vàng son tơ lụa thuở nào, người dân dọc sông mẹ Thu Bồn mơ về ngày có nhiều người ở khắp chốn tìm đến làng mình. Câu chuyện phát triển du lịch cho vùng đất tựa hồ những giấc mơ mà người dân hai bên vùng này đã mong ước từ lâu. Và đã có những vùng đất đủ lực hút để người trẻ trở về. Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú (Điện Phong), cánh đồng hoa hướng dương Bến Đường Farm (Điện Quang), làng Đại Bình (Nông Sơn)… là những sản phẩm du lịch mới, ít nhiều mang đến hy vọng cho cư dân từ bao đời nay chỉ quen với đồng làng.

Ông Nguyễn Phi Dư, người làng Phú Bông (Điện Phong, Điện Bàn) cho rằng, làm nông vẫn là chủ yếu, nhưng đất làng này, nếu được làm thêm một cái gì đó, để ít ra trong số các con cũng có đứa chịu quay về và sống được ở quê. Tâm ý này, ít nhiều gặp những “tư duy lạ lùng” – ở thời điểm cách đây vài năm trước, của những người trẻ. Ngày càng có nhiều hơn người trẻ về quê, không phải vì thiếu sức kháng cự trước áp lực của những đô thị lớn. Họ về vì nhìn thấy những triển vọng phát triển từ chính cảnh sắc, tài nguyên lẫn văn hóa làng mình. Có rất nhiều những cái tên xuất hiện nhiều lần trên mặt báo, như Nguyễn Đăng Nhật, Huỳnh Đức Tường, Nguyễn Hồng Hà….

Điều gì đọng lại trong ký ức lữ khách từ những nơi đã đi qua? “Rất nhiều thứ: khí hậu, ngõ phố, cây xanh, kiến trúc, giao thông, trật tự vận hành… Nhưng trên hết, có lẽ là những gương mặt con người”. Gương mặt con người – hay rộng hơn, là bản sắc văn hóa do chính con người nơi đó làm nên. Quảng Nam đã có một Hội An tự định vị cho mình bằng chính những giá trị văn hóa bao đời do nhiều lớp người gầy dựng. Như lời một nhà nghiên cứu “Hội An là một phức hợp di sản lịch sử, văn hóa, nhân văn, kiến trúc đô thị. Phức hợp có một không hai này là sự hiện hữu của cấu trúc cộng cư dạng phố thị thời Trung đại, là thị – cảng cận biển duy nhất của ta thời ấy. Hội An hàm chứa những dấu ấn của sự tiến hóa đô thị và thương cảng qua các thời kỳ, với những di chỉ khảo cổ học và những vết tích còn nhận biết được trên mặt đất; có sự hiện thân của di sản phố thị hiếm hoi là khu phố cổ, lưu giữ đồng bộ các thiết chế kiến trúc đặc trưng, ra đời vào các thế kỷ 17 – 19 và sau này. Hội An là sự cộng sinh văn hóa nhiều dân tộc và nhiều thời; nó là tàn dư của lối sống thị dân tại chốn thị – cảng xưa kia và chốn tỉnh lỵ thời cận đại, đậm sắc thái văn hóa xứ Quảng, chưa phai nhạt đến tận nay”.

Quá nhiều vấn đề đặt ra trong câu chuyện phát triển nóng, thêm lần nữa, cần phải nhận diện nhiều vấn đề từ chính đô thị này. “Nguy cơ Hội An đánh mất mình từ trong ra” đã được nhiều lần cảnh báo với  những biến động sâu lắng nội tại.

Lựa chọn sống còn

Bà Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển, trong câu chuyện làm gì để định vị du lịch của mỗi vùng đất trong guồng quay phát triển, chia sẻ, đối với Hội An, hay rộng hơn, du lịch xứ Quảng phải có sự khác biệt. Phát triển du lịch theo hướng bền vững không thể tách rời khỏi di sản và bản sắc, đó là lựa chọn sống còn. Giá trị của trung tâm định vị là bản sắc, là di sản và là văn hóa. Dĩ nhiên phát triển phải trả giá nhưng làm thế nào phải hạn chế tối đa sự tác động làm mất bản sắc. Việc này đòi hỏi ý thức đến từ mỗi người trong xã hội.

Muốn phát triển du lịch bền vững cần phải nhận rõ được lợi thế của địa phương mình. “Việt Nam khác biệt chỗ nào với những nơi khác? Chưa chắc gì bãi biển của mình đẹp hơn nơi khác, mà phải tính tới lợi thế là con người. Tôi có kinh nghiệm nhiều năm làm đối ngoại và từ đó biết được, du khách nước ngoài thích Việt Nam từ chính con người chứ không phải là di tích hay phong cảnh” – bà Ninh nói.

Ít có vùng đất nào vừa có ưu thế về biển, vừa có nét đẹp của những dòng sông và sự uy nghi của những vùng núi cao. Lẽ đương nhiên, lịch sử hình thành và phát triển của đất Quảng không thể tách rời với chính những điều kiện tự nhiên này. Cả văn hóa cũng từ đây khởi nguồn, với những cá tính độc đáo của mỗi con người, mỗi vùng đất. Dù có nguồn “gen” bền và mạnh, có sức đề kháng lớn trước mỗi cuộc biến đổi, nhưng việc giữ lại mạch nguồn văn hóa không dễ trước những xoay chuyển khôn lường của đời sống. Vì vậy, xây dựng con người Quảng Nam phát triển toàn diện góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là một trong những định hướng được Quảng Nam đưa ra trong giai đoạn tiếp theo.

Phát triển những sản phẩm văn hóa du lịch có giá trị gắn với vùng đất con người Quảng Nam là một câu chuyện cần sự nhìn nhận thấu đáo. Ở đó, không thể có một làng du lịch cộng đồng vùng biển khuyết đi những tín ngưỡng lâu đời của ngư dân, thiếu đi sinh kế của người dân và không gian rộng lớn của biển cả. Hay một làng văn hóa miền núi không thể tước đi “không gian rừng” hiển hiện từ mái gươl, từ ngôn ngữ, từ nếp ăn nếp mặc của cư dân bản địa…

Muốn hình thành cái riêng đó chỉ có thể sử dụng chất liệu là “văn hóa truyền thống”, “bản sắc văn hóa” đã được kết tinh hàng trăm năm của vùng. Và chủ thể làm nên những điều này, chỉ có người bản địa.

Xuân Hiền

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa/mai-sau-giu-mot-chut-nay-93948.html

Cùng chuyên mục