Lớp học đặc biệt của những người thầy sinh viên

Hơn 7 năm qua, đều đặn 3 buổi tối/tuần, các thành viên của Đội công tác xã hội (CTXH) Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng lại có mặt tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Ở đấy, một lớp học ý nghĩa dành cho các em học sinh khiếm thị đã ra đời, giúp các em vượt qua khó khăn trong học tập.

/lop-hoc-dac-biet-cua-nhung-nguoi-thay-sinh-vien
Lớp học dành cho trẻ em khiếm thị tại Trung tâm Hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập được Đội CTXH Trường Đại học Bách khoa tổ chức từ tháng 9/2013. Ảnh: XUÂN SƠN

Tối 11/1, một góc hành lang và dãy phòng học tại Trung tâm Hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập (gọi tắt là Trung tâm) đã sáng đèn và rộn ràng hẳn lên bởi tiếng cười, tiếng nói của các thành viên Đội CTXH và các em học sinh khiếm thị. Buổi học đặc biệt diễn ra trong không khí ấm áp, vui vẻ…

Ở đó, chỉ có tiếng sột soạt của bàn tay học sinh khiếm thị sờ trên bảng chữ nổi và cử chỉ ân cần của người dạy với các em. Thỉnh thoảng có cái bắt tay khi các em hoàn thành một bài về nhà hay tiếp thu xong một bài học mới.

Đó là một trong số nhiều buổi học nhóm mà các thành viên Đội CTXH tổ chức trong hơn 7 năm qua, nhận được sư ủng hộ của lãnh đạo Trung tâm cũng như Đoàn trường Đại học Bách khoa.

Trương Thiết Lâm, đội trưởng Đội CTXH chia sẻ: “Đội CTXH của trường Đại học Bách khoa được thành lập đến nay đã 17 năm. Từ ngày đó đến nay, năm nào đội cũng tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội, giúp đỡ người khó khăn… Trong đó, hoạt động dạy học, hướng dẫn các em học sinh khiếm thị đang theo học ở Trung tâm Hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập là hoạt động thường xuyên, được duy trì từ năm 2013 đến nay”.

Hiện tại, dù các thành viên vẫn đang còn đi học và bận rộn với lịch thi cử, làm thêm… nhưng vẫn nỗ lực để duy trì “quân số” tại lớp học với 15-16 người mỗi buổi, thời gian từ 19 giờ – 21 giờ 30 các ngày thứ Hai, thứ Ba và thứ Năm trong tuần. Để thuận tiện cho việc chỉ dẫn học tập, lớp học được chia theo khối từ cấp Tiểu học đến THPT và chia thành từng phòng.

Tại đây, những thầy cô giáo không chuyên sẽ đọc bài trên sách giáo khoa để các em học sinh khiếm thị chuyển thành chữ nổi. Các thành viên cũng hướng dẫn các học sinh khiếm thị học bài, củng cố kiến thức đã học trên lớp, hỗ trợ các em giải bài tập về nhà theo hình thức “một kèm một”.

“Chúng mình cảm nhận được sự khó khăn của những em khiếm thị khi học hành, sinh hoạt. Qua đó chỉ muốn giúp các em vượt qua trở ngại để hoàn thành việc học một cách suôn sẻ. Sinh viên nào giỏi môn nào thì kèm cặp môn đó. Trong lúc dạy học thì chú ý tạo sự thân thiện, gần gũi để các em dễ tiếp thu bài học, dễ nói chuyện hơn”, Lâm kể.

Trần Vĩnh Trụ, sinh viên Đại học Bách khoa, thành viên Đội CTXH chia sẻ: “Khó khăn ban đầu của bản thân mình và các thành viên khi tham gia lớp học này chính là chưa nắm được tính cách, thói quen, ngôn ngữ của các em. Các em thì rất ngại tiếp xúc với người lạ nên cái khó nhất là phải làm sao tạo được không khí gần gũi, thân thiện để các em gần mình hơn”.

/lop-hoc-dac-biet-cua-nhung-nguoi-thay-sinh-vien
Mỗi tuần, sẽ có khoảng 16 thành viên là sinh viên Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm… (Đại học Đà Nẵng) tham gia hỗ trợ các em học sinh khiếm thị ôn tập bài vở, củng cố kiến thức đã học. Ảnh: XUÂN SƠN
/lop-hoc-dac-biet-cua-nhung-nguoi-thay-sinh-vien
Các buổi học diễn ra vào thứ 2, 3 và 5 hằng tuần. Mỗi buổi kéo dài gần 2 giờ đồng hồ từ 19 giờ – 21 giờ. Ảnh: NGUYỄN LỄ
/lop-hoc-dac-biet-cua-nhung-nguoi-thay-sinh-vien
Các bạn sinh viên tham gia hỗ trợ học sinh khiếm thị theo hình thức một kèm một. Tùy theo năng lực, sở trường và ngành học của bản thân mà mỗi sinh viên kèm những môn khác nhau. Trong ảnh: Sinh viên Lê Thanh Trường (phải, Đại học Bách khoa) đang hỗ trợ em Nguyễn Thanh Kha, học sinh lớp 7 ôn bài. Ảnh: XUÂN SƠN
/lop-hoc-dac-biet-cua-nhung-nguoi-thay-sinh-vien
Các bạn sinh viên sẽ đọc chữ, giảng giải nội dung từ sách giáo khoa để các em học sinh khiếm thị chuyển tải nội dung bài học thành chữ nổi Braille. Ảnh: NGUYỄN LỄ
/lop-hoc-dac-biet-cua-nhung-nguoi-thay-sinh-vien
Đôi tay của học sinh khiếm thị mò mẫm trên bảng chữ nổi dưới sự hướng dẫn của các thành viên đội CTXH. Ảnh: NGUYỄN LỄ
/lop-hoc-dac-biet-cua-nhung-nguoi-thay-sinh-vien
Lê Thị Linh (trái) sinh viên ngành Sư phạm Toán học, Trường Đại học Sư phạm đang hướng dẫn một em học sinh khiếm thị làm bài tập. Linh chia sẻ: “Ban đầu tham gia lớp học, mình cũng có chút bỡ ngỡ vì sự khác biệt trong giao tiếp và cũng vì các em còn e ngại người lạ. Tuy nhiên, đến bây giờđiều mình cảm nhận được chính là niềm vui khi được giúp đỡ các em vượt qua khó khăn trong học tập và chứng kiến các em tiến bộ”. Ảnh: XUÂN SƠN
/lop-hoc-dac-biet-cua-nhung-nguoi-thay-sinh-vien
Bên cạnh việc hướng dẫn, giảng giải kiến thức học tập, buổi học còn là nơi tâm sự, sẻ chia, kết nối tình cảm thân thiết giữa các bạn sinh viên và các em học sinh khiếm thị. Ảnh: XUÂN SƠN
/lop-hoc-dac-biet-cua-nhung-nguoi-thay-sinh-vien
Niềm vui của một học sinh khiếm thị trong buổi học. Ảnh: NGUYỄN LỄ

Dần dần, những bỡ ngỡ ban đầu cũng qua. Khoảng cách xa lạ ban đầu đã được xóa nhòa. Trần Vĩnh Trụ nói, việc dạy học ở đây như dạy cho các em nhỏ ở nhà học vậy, không căng thẳng, không nặng nề, chỉ có sự sẻ chia.

“Niềm vui của Đội CTXH là được thấy các em học sinh tiến bộ, có danh hiệu nhất định trong học tập. Đó cũng là động lực để duy trì lớp học này”, Trụ chia sẻ.

Động lực ấy đã được lan tỏa qua nhiều thế hệ thành viên Đội CTXH. Tại lớp học, có thành viên nhắc đến những trường hợp học sinh khiếm thính từng tham gia lớp học nay đã có thành tích đáng mừng. Như trường hợp của Trần Văn Hoàng được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (năm học 2016-2017) hay Mai Văn Hiền trúng tuyển Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (năm học 2015-2016)…

Trong đêm mùa đông lành lạnh, tại một góc lớp học của Trung tâm trên đường Lý Chính Thắng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) vẫn ấm áp bởi sự sẻ chia và nhiệt huyết của những người trẻ.

Xuân Sơn – Nguyễn Lê

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://www.baodanang.vn/nguoi-da-nang/202101/lop-hoc-dac-biet-cua-nhung-nguoi-thay-sinh-vien-3875555/

Cùng chuyên mục