Lão nghệ sĩ Hữu Lập – Một đời dành cho hát bội

Ở tuổi 78, nghệ sĩ Hữu Lập nhiều năm nay vẫn được xem là một trong số ít những nghệ sĩ lão thành còn gắn bó với hát bội, khi những người cùng trang lứa hoặc trẻ hơn ông đã giã từ sân khấu. 

lao-nghe-si-huu-lap-

Một ngày Thu, Lăng Ông Bà Chiểu rộn ràng có gánh hát bội Ngọc Khanh về diễn tuồng. Người mê tuồng, dân yêu nhiếp ảnh lại hẹn nhau về coi hát bội, săn ảnh. Hẳn nhiên, giới cầm máy khó bỏ qua hình ảnh một ông già ngồi kiên nhẫn hàng giờ sau cánh gà chờ tới lượt diễn, nói chuyện từ tốn nhỏ nhẹ, có nụ cười hiền lành lấp ló những cái răng xô lệch vì thời gian và tuổi tác. Nhiều người đưa vào ống kính hình ảnh của ông nhưng không mấy ai biết đang chụp hình một người nghệ sĩ kỳ cựu của sân khấu hát bội. Ông là nghệ sĩ Lê Hữu Lập, một trong những nghệ sĩ hát bội lớn tuổi nhất hiện nay, được những nghệ sĩ lão luyện trong nghề kính trọng.

65 năm chìm nổi cùng nghề

Ông không phải là diễn viên của đoàn nghệ thuật hát bội Ngọc Khanh. Mà là chỗ thân tình thâm niên của bà bầu – NSƯT Ngọc Khanh. Ông lâu nay vẫn cộng tác với đoàn Ngọc Khanh và nhiều đoàn, nhóm hát tuồng khác nhau, chứ không cố định một nơi nào. 78 tuổi, ông vẫn miệt mài ngược xuôi khắp đền, miếu, lăng… từ Sài Gòn đến các tỉnh mỗi khi có lời mời.

lao-nghe-si-huu-lap-

Nghệ sĩ Hữu Lập vốn sinh ra ở Bình Dương, lớn lên trong gánh hát gia đình đã truyền đến đời thứ 3. Đó là gánh hát bầu Liêu, là tên gọi của ông nội ông, nghệ sĩ Lê Văn Liêu, một kép chính, bầu gánh có tiếng lúc bấy giờ của các đoàn hát tuồng ở miền Nam.

Từ những năm 50 của thế kỷ trước trong gánh hát gia đình, ông lớn lên cùng những tuồng tích và phông màn biểu diễn. “Năm 13 tuổi, tui bắt đầu học làm… quân lính, 18 tuổi thì được đóng vai kép phụ, tướng phụ, hề phụ. Ngoài yếu tố con nhà nòi, ông đi hát để… trốn quân dịch. Cứ vậy mà vừa học vừa hành, theo hơn chục đoàn khác nhau, sắm hầu hết các vai trong tuồng hát bội. Thấy tui có khiếu múa võ nên cha mẹ và thầy đào tạo chuyên diễn kép võ. Dù là vai chính hay làm dàn bao vai nào tôi cũng diễn được, không nề hà.” Ông bồi hồi nhớ lại.

lao-nghe-si-huu-lap-

Nghề tuồng tự nhiên ăn vào xương máu mình rồi. Có ông, cha, cô đều cùng theo nghề, nghề hát bội như một định mệnh dọn trước cho mình. Nếu tuồng có chương có hồi, thì cuộc đời tui cũng vậy. 

Nghề hát tuồng, đời nghệ sĩ hát bội không hưởng được nhiều niềm vui và sung túc được lâu dài. Cuộc đời ông, những số tiền kiếm được qua từng thời kỳ cũng phản ánh đời sống thăng trầm của nghệ thuật hát bội suốt hơn nửa thế kỷ qua. Từ lúc được công chúng ưa chuộng đến khi thoái trào, từ những năm mà một mình ông có thể thoải mái nuôi được vợ con, đến những ngày tháng thiếu thốn như ông nói diễn tuồng không đủ tiền mua cơm ănphải bươn chải phải xoay sở trăm bề.

lao-nghe-si-huu-lap-

Nhất là khi cha đau yếu sớm từ bỏ nghiệp hát, những tưởng ông phải bỏ nghề, lần hồi vậy mà vẫn bươn chải bao năm để theo nghiệp tuồng. Ông có một kỷ niệm không thể quên trong những ngày ấy: “Nghệ sĩ hát bội, người đi bán kẹo kéo, bán  bong bóng, xoay sở đủ nghề có con đường mở ra cho hát bội sống. Có lúc, khó khăn quá, anh em bạn bè, gia đình hùn tiền mua một chiếc xe xích lô cho ông tập chạy chở khách. Không quen bị lóng ngóng, xe cứ bị lật, đổ rớt đồ, khách đâu có chịu đi với mình chi nữa. Một bận, có người đi xích lô rồi nhờ bưng bao gạo lên chung cư, nói chú rinh lên tui cho tiền thêm, tui hì hục rinh bao gạo lên lầu mới biết người ta gạt mình đặng lấy chiếc xe xích lô! Ráng chạy đuổi theo, qua tới mấy cái ngã tư mong bắt kịp, lấy lại được chiếc xe. Đến khi đuối sức không theo nổi, đành chịu chấp nhận sự thật rằng cái phương tiện kiếm cơm duy nhứt của mình không còn. Vậy mà tui vẫn không thể bỏ tuồng được.” Ông kể, giọng nhẹ nhàng mà như nằng nặng vì một phần quá khứ vất vả xếp trong ngăn kéo ký ức được kéo ra.

lao-nghe-si-huu-lap-

Sự cố mất tài sản lớn nhất trong đời lúc ấy khiến ông càng có niềm tin nhiều hơn vào Tổ nghiệp, quyết tâm phải sống và theo nghề cho bằng được. Dù xung quanh mình, rất nhiều nghệ sĩ hát bội đã phải bỏ nghề để tìm việc mưu sinh.

Ngoài đi hát, ông còn viết kịch bản, dựng tuồng. Từ lâu, ông vốn đã là một soạn giả rất chăm chỉ viết. Lớp tự viết, lớp viết theo đơn đặt hàng của các nhóm, gánh hát tuồng. Rất nhiều tuồng tích của các đoàn hát, nhóm hát tuồng mấy chục năm qua đã biểu diễn, dàn dựng từ các tác phẩm của nghệ sĩ Hữu Lập. Có khi ông còn tham gia đạo diễn nữa. Sau này thì, ông kể “tui viết tặng vậy chớ không hưởng huê lợi gì cả”.

lao-nghe-si-huu-lap-

Rồi ông theo học ở họa sĩ, đi vẽ màn trướng, áo bà, tranh tường cho đình chùa, miếu mạo. Khá nhiều đình, miếu ở Sài Gòn, Vũng Tàu.. đều có lưu lại những nét vẽ của ông. Ông làm công quả, lấy tiền rất tượng trưng, như một cách báo đáp Tổ nghiệp đã nuôi dưỡng mình. Nếu người ta vẽ cho một ngôi đình lấy tiền từ 20 – 30 triệu thì ông chỉ lấy bằng 1/10. Giá thù lao đã rẻ, nhiều khi ông còn bớt thêm. Vẽ phác thảo chiếc áo bà cho người ta kết cườm, công vẽ chỉ 60.000 đồng mà ông bớt xuống còn 40.000 đồng.

Hãy gọi tôi là nghệ sĩ Hữu Lập

Lão nghệ sĩ nói ông giờ chẳng mong gì hơn, vì một trong những mong ước lớn nhất của mình là được thăm và biểu diễn trong Thanh Bình từ đường – nhà thờ Tổ của nghệ thuật hát bội đã được thực hiện 3 năm trước. (Thanh Bình từ đường là nơi thờ cúng các thánh thần được suy tôn là Thánh sư, Tiên sư, Tổ sư và những người có công trạng đối với nghệ thuật hát bội Huế và khu vực miền Trung. Với những người nghệ sĩ hát bội thì nơi đây được xem là nhà thờ Tổ nghiệp).

lao-nghe-si-huu-lap-

Đời đi hát, điều khiến ông xúc động nhất là tiếng vỗ tay, là được khán giả chủ động thưởng cho tràng pháo tay sau những tiết mục hay mà không phải “xin khán giả cho một tràng pháo tay”.

Tuổi cao, các con muốn cha ở nhà để phụng dưỡng, vậy mà có lời mời, ông lại xách ba lô lên, bắt xe đò, xe buýt, xe ôm mà đi. Với ông, ở tuổi này, còn làm được bất cứ gì liên quan đến nghề là niềm vui lớn nhất.

lao-nghe-si-huu-lap-

Gia tài lớn nhất ông có là hơn 500 kịch bản tuồng khác nhau tích lũy từ kho sách và rất nhiều tài liệu về tuồng tích xưa. Ngoài ra, còn rất nhiều kịch bản cho các đoàn hát mà ông không nhớ nổi. Ông có cuốn sách tự chép tay 100 mặt nạ trong nghệ thuật hát bội, bảo lưu chi tiết cách vẽ mặt trong nghệ thuật hát bội – tuồng cổ.

Ông cười ung dung: “Còn sức thì còn viết, đến khi ra đi, hết sức thì để lại cho thế hệ sau. Khi nào tui mất, tui sẽ gửi tất cả tài liệu về tuồng mình gom góp được cho đình Thắng Tam ở Vũng Tàu lưu giữ.”

Hòa đồng, nhân hậu với nhân gian, với các đàn em cháu trong nghề, ở tuổi thất thập cổ lai hy, mà ông vẫn giữ được điều “xưa nay hiếm” khác là dáng người thẳng, lưng thẳng, điệu bộ dứt khoát của một kép võ. Ít ra thì, hát bội đã cho ông những đam mê không dứt qua hai thế kỷ, trong suốt một đời, cái dáng thong dong đó không dễ mấy ai có được.

lao-nghe-si-huu-lap-

Đã 65 năm tuổi nghề rồi, nhưng ông tâm sự, “tui không màng các thể loại danh hiệu phong tặng”. Không cố định theo đoàn, huy chương không thiếu qua các kỳ hội diễn, nhưng ông không làm thủ tục xét phong tặng, ông nói gọn ơ: “gọi tui là nghệ sĩ Hữu Lập là được rồi”. Còn người trong nghề thì hễ gặp ông là thưa chào thân mật bằng hai tiếng “sư huynh” với tất cả sự trân quý.

Bài & ảnh: Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/lao-nghe-si-huu-lap-mot-doi-danh-cho-hat-boi/

Cùng chuyên mục