Làm du lịch từ giá trị văn hóa truyền thống

Dựa vào những giá trị văn hóa truyền thống và công cụ sản xuất cũ của người Việt cùng cảnh quan sinh thái làng quê, anh Trần Lưu Bình (ở thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) đã thành công với mô hình khởi nghiệp dịch vụ du lịch mang tên Bảy Mẫu eco cooking tour.

Du khách tự tay tráng bánh và thưởng thức món ăn do mình làm ra.
Du khách tự tay tráng bánh và thưởng thức món ăn do mình làm ra.

Khoảng 15 năm trước, sau khi tốt nghiệp trung cấp xây dựng, anh Trần Lưu Bình còn bỡ ngỡ, chưa biết nên làm gì để kiếm sống bằng vốn tri thức được học trong trường. Khi ấy, vùng đất Cẩm Thanh còn rặt nghề nông, chưa có mấy người nghĩ ra cách làm du lịch sinh thái như bây giờ. Trong khi trên phố cổ, rất đông khách phương Tây đến du lịch. Thấy vậy, anh Bình cũng muốn thử làm du lịch bằng cách chỉ mời những tốp khách số lượng ít về quê Cẩm Thanh như một cuộc dạo chơi.

Anh nhớ lại: “Ngày đó, Cẩm Thanh đâu đã nổi tiếng như bây giờ, khách chưa có về đây. Mình rất đam mê công cụ sản xuất của người Việt xưa, là các nông ngư cụ còn tồn sót lại. Mình sưu tập, đưa khách về nhà, dẫn đi cuốc đất, đi cày bằng cày gỗ chứ không phải cày sắt. Rồi mình đưa khách về ăn đám giỗ, chạp mã, làm những món ăn giản đơn, hái rau, cà tím loanh quanh trong vườn nhà mình và hàng xóm về nấu… Gần gũi, giản đơn, khách rất thích, thế là mình biết được khách muốn gì và dần dần làm du lịch”.

Từ làm thử đến làm thật, anh Bình biến niềm đam mê tìm hiểu các công cụ sản xuất của người Việt xưa thành việc tập hợp nhiều loại, từ chiếc cối xay lúa, bộ chày cối giã gạo đến chiếc cối xay bột bằng đá, rồi cày gỗ, cuốc, bừa, rựa, hái, liềm, áo tơi, gàu tát nước, lưới đánh cá… để giới thiệu đến du khách. Sau này, khi dẫn khách về quê, anh Bình còn tự đưa khách đi chợ mua hải sản tươi sống, rau sạch của nông dân, mang về nấu ăn tại nhà sau khi khách đã có cuộc dạo chơi.

Vừa làm vừa lắng nghe góp ý và mong muốn của du khách, dần dần anh Bình quyết định cải tạo diện tích ao đầm nuôi hải sản của gia đình, mở cơ sở nhà tre dừa trên ao, thông thoáng, tạo địa điểm tổ chức cơ sở Bảy Mẫu eco cooking tour. Từ ngày có cơ sở, anh dành riêng một không gian để sắp đặt công cụ sản xuất thô sơ, gắn liền với nông nghiệp, nông dân Việt Nam, tạo cơ hội cho du khách thực hành tại chỗ các hoạt động xay lúa, giã gạo, sàng sảy, xay bột, tráng bánh ướt, bánh xèo và nấu ăn.

Anh Bình xây dựng tour trọn gói với 20 món ăn của người Việt, trong đó du khách được tự chọn thực hiện 4 món ăn, được đưa đi chợ mua thực phẩm từ những người buôn gánh bán bưng. Cùng với đó, anh còn đưa khách đi thăm sông nước, ruộng vườn, giúp khách được tìm hiểu quy trình khai thác, sản xuất.

Vợ chồng ông Jeft, du khách đến từ Úc nói về trải nghiệm của mình: “Hôm nay cả gia đình tôi đã có một bữa ăn thật đặc biệt. Chúng tôi tự chế biến từ những nguyên liệu tươi sống, từ bột gạo mà cả gia đình tôi giã, xay ra. Dù hơi vụng về khi tráng bánh, chưa làm khéo, đẹp nhưng chúng tôi rất vui. Lần đầu tiên con tôi được biết về những công cụ làm ra lúa gạo của người Việt, khác với các loại hạt, các loại lương thực và thức ăn nhanh ở đất nước chúng tôi”.

Tích lũy kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến của du khách, từ đó anh Bình dành thời gian chăm chút cho sản phẩm du lịch của mình. Anh sẵn sàng hướng dẫn, trao đổi cho khách cách chế biến món ăn Việt để khi trở về quê hương, vào cuối tuần họ có thể làm món ăn cho gia đình. Sau khi phục vụ, anh vẫn giữ mối liên hệ với khách qua email, website để hướng dẫn cho khách làm thành thạo các món Việt khi khách cần. Việc duy trì mối quan hệ với du khách cũng là cách để anh phát triển dòng khách du lịch phương Tây và cũng chính nhờ vậy, cơ sở của anh luôn có khách, kể cả khi dòng khách này đang dần chuyển hướng du lịch.

Anh chia sẻ: “Mục đích của tour mình hướng đến là để du khách hiểu về văn hóa của người Việt. Những thứ mình làm là từ những công cụ của người Việt, hàng trăm năm trước kia. Những công cụ này bây giờ không có đâu, chỉ có chăng ở bảo tàng dân gian thôi. Giờ đây khách được xem lại, quay lại lịch sử thời còn sản xuất, lao động thô sơ của người Việt. Du khách thấy, được làm, biết được quy trình làm ra hạt gạo một nắng hai sương đến việc chế biến thành chiếc bánh, ăn bánh, ăn cơm như thế nào. Đó là đời sống của người Việt, mang màu sắc văn hóa lúa nước của người Việt mà mình muốn kể câu chuyện đó cho du khách nghe, thấy, biết”.

Dù thành công với mô hình dịch vụ du lịch của mình nhưng anh Bình không có ý định mở rộng quy mô. Ngày nào cơ sở của anh cũng chỉ “chốt” số lượng từ 35 – 50 khách nước ngoài, phần lớn là khách Âu, Mỹ. Gần đây, khi ngày càng nhiều cơ sở ở Hội An phát triển du lịch từ cảnh quan làng quê sinh thái, anh Bình vẫn tiếp tục duy trì cách phát triển du lịch từ các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, viết tiếp câu chuyện từ thu hoạch đến chế biến nông sản, mang lại cho du khách những tri thức văn hóa bản địa của điểm đến.

Lê Hiền

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục