Kỳ vọng chặng đường mới

Đời sống văn học nghệ thuật xứ Quảng sôi động mỗi ngày và đang chờ đợi những cú hích cho chặng đường mới…

Sôi động

Những tác phẩm mới trình làng. Những trại sáng tác tại các địa phương được tổ chức ngày một nhiều hơn. Số lượng hội viên ngày càng tăng. Ông Nguyễn Hoàng Bích – Chủ tịch Hội Văn học – nghệ thuật (VHNT) tỉnh chia sẻ, từ năm 2014 – 2019, hơn 70% số hội viên VHNT thường xuyên sáng tác và có tác phẩm được giới thiệu trên các báo, tạp chí của trung ương và địa phương, tham gia các cuộc liên hoan, hội thi, triển lãm khu vực và toàn quốc.

Tác phẩm “Vì tương lai” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Trọng Khang đạt giải B giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ IV.
Tác phẩm “Vì tương lai” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Trọng Khang đạt giải B giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ IV.

Nhiều hội viên tích cực tham gia và đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của tỉnh. Nhiều hội viên giữ vai trò chủ chốt và hoạt động tích cực trong bộ máy ngành văn hóa ở tỉnh và các địa phương và các câu lạc bộ VHNT các huyện, thành phố trong tỉnh” – ông Nguyễn Hoàng Bích nói.

Ngoài ra, đã có hơn 30 chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh được tổ chức với sự tham gia của hơn 500 lượt hội viên. Cũng từ đây, những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tác động đến đời sống văn hóa – xã hội của địa phương ra đời, trong đó có nhiều tác phẩm nhận được sự đánh giá cao bằng các giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế của rất nhiều tác giả là hội viên Hội VHNT.

ThS.Phùng Tấn Đông – hội viên thuộc Chi hội Văn học chia sẻ, bức tranh toàn cảnh của văn học Quảng Nam là khá sáng – giàu khát vọng, nhất là mảng thơ. “Khoan nói về chất lượng – một điều đáng mừng là “thơ xứ Quảng” vẫn mãi là “thương hiệu” bởi cứ tính trong bối cảnh các tạp chí in ở trung ương và các tỉnh dành cho thơ thì các tác giả Quảng Nam luôn có mặt “trên từng cây số”. Những cái tên như Đỗ Thượng Thế, Huỳnh Minh Tâm, Nguyễn Giúp, Đỗ Tấn Đạt, Phạm Tấn Dũng… luôn xuất hiện trên các báo, tạp chí với nhiều tác phẩm hay, mới” – ThS. Phùng Tấn Đông cho biết.

Văn học là chi hội có số lượng hội viên đông nhất của Hội VHNT tỉnh và luôn tìm cách khuyến khích hội viên phát huy cá tính sáng tạo, tìm tòi, thể nghiệm các đề tài, khuynh hướng sáng tác mới. Các hoạt động tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, quảng bá tác phẩm trong chi hội cũng như với các văn nghệ sĩ trong cả nước… luôn được thực hiện thường xuyên.

Ở lĩnh vực mỹ thuật, họa sĩ Trương Bách Tường chia sẻ, mỹ thuật Quảng Nam hiện nay đã từng bước tiếp thu, thâm nhập, tiếp biến và hòa mình vào dòng chảy chung của mỹ thuật Việt Nam, mỹ thuật thế giới.

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, từng ngày từng giờ, các tác giả của mỹ thuật Quảng Nam đều có thể cập nhật và tiếp cận các trường phái nghệ thuật, các trào lưu đương đại khác nhau, qua đó xác định trường phái nghệ thuật, phong cách thể hiện cho riêng mình. Đồng thời họ cũng có thể tự giới thiệu tác phẩm của mình đến với công chúng bằng nhiều cách, như quảng bá qua mạng xã hội, tham gia triển lãm qua các gallery ở hai đầu đất nước, đăng tải tác phẩm trên các tạp chí chuyên ngành, triển lãm tại địa phương và các nơi khác” – họa sĩ Trương Bách Tường cho hay.

Các hội viên của từng chi hội đã nỗ lực để cuộc chơi của VHNT có được những thành tựu nhất định, phản ánh chân thực, sắc sảo và sinh động mọi mặt đời sống của quê hương…

Chờ đợi những cú hích

Dù “cuộc chơi” VHNT có rất nhiều mảng màu sáng nhưng vẫn còn đó những ưu tư từ chính những người trong cuộc. Từ năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ vẫn chưa theo kịp với yêu cầu và sự phát triển của đời sống, cho đến việc giới thiệu quảng bá tác phẩm VHNT còn khiêm tốn… khiến ít nhiều môi trường sáng tạo bị thu hẹp cũng như không thể cuốn hút sự dõi theo của công chúng.

Nhạc sĩ Phan Văn Minh – hội viên Chi hội Âm nhạc cho rằng, ở mảng âm nhạc thiếu nhi, nhiều năm trở lại đây luôn là một khoảng trống không chỉ với Quảng Nam. “Khoảng 5 năm về trước ở hầu hết tỉnh thành, mỗi mùa hè là khoảng thời gian rộn ràng nhất với các hội thi “Tiếng hát thiếu nhi Hoa phượng đỏ” được tổ chức khắp trường học, các địa phương. Không hiểu sao phong trào này đột nhiên bị xóa sổ” – nhạc sĩ Phan Văn Minh nói.

Theo ông, chính điều này khiến các nhạc sĩ không còn nhiều động cơ để sáng tác, nếu có thì cũng không đầu tư tâm hồn và trí tuệ để làm nên những tác phẩm đầy đặn cả truyền thống lẫn hiện đại, vừa đáp ứng được thị hiếu vừa mang tính giáo dục cho trẻ thơ.

Các tác phẩm có độ chững lại so với đời sống VHNT đang ngày một phát triển của cả nước. Những người trẻ tham gia hoạt động của hội ngày càng ít. Khá nhiều những tâm tư để có một sân chơi VHNT ngày một chuyên nghiệp hơn… Đây hẳn là những dấu lặng đầy suy tư để một chặng đường mới của Hội VHNT có những bước đi dày dặn hơn…

Ông Nguyễn Hoàng Bích – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết, ở chặng đường tiếp theo, Hội VHNT tỉnh sẽ phấn đấu để tạo môi trường cho văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm VHNT xứng tầm với tiềm năng, vị thế của quê hương Quảng Nam.

Chúng tôi đặt mục tiêu hằng năm, bình quân mỗi chi hội chuyên ngành có ít nhất 3 tác phẩm đoạt giải thưởng của các hội chuyên ngành trung ương hoặc giải khu vực, quốc gia, quốc tế. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các chương trình giới thiệu tác giả – tác phẩm. Mỗi hội viên có ít nhất 1 tác phẩm được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và của tỉnh, mỗi chi hội tổ chức giới thiệu tác giả – tác phẩm ít nhất một lần mỗi năm” – ông Nguyễn Hoàng Bích nói.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng:
Văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp vào sự phát triển của tỉnh
Nhiệm kỳ vừa qua, Hội VHNT tỉnh đã tập hợp được giới văn nghệ sĩ của tỉnh và người có tâm huyết về Quảng Nam để tham gia nhiều chương trình, sự kiện có ý nghĩa của tỉnh. Đặc biệt, sự góp mặt của họ chính là một trong những thành tố quan trọng góp phần đưa đến thành công khi triển khai những nghị quyết của Tỉnh ủy. Có thể nói rằng văn nghệ sĩ đã đóng góp một phần to lớn vào sự phát triển của Quảng Nam trong thời gian vừa qua. Tỉnh ủy đánh giá cao công lao và sự đóng góp của đội ngũ này trong sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Có thể nói trong thời kỳ công nghiệp 4.0, Quảng Nam có nhiều thuận lợi, tiềm năng có thể phát triển tốt; tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn. Thời gian tới, Hội VHNT tỉnh cần tiếp tục tập trung xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh và tập hợp được đông đảo văn nghệ sĩ, những người có tâm huyết với Quảng Nam để tham gia đóng góp cùng với tỉnh nhà, có nhiều sáng kiến, công trình khoa học và những sáng tác tốt trong môi trường và điều kiện ngày càng phát triển. Đặc biệt, hiện nay thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về xây dựng nền tảng tư tưởng của Đảng, tôi nghĩ rằng Hội VHNT là một trong những tổ chức sẽ tham gia tích cực cùng với tỉnh trong việc thực hiện nghị quyết này”.

Lê Quân

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoa/201911/dai-hoi-hoi-van-hoc-nghe-thuat-tinh-quang-nam-lan-thu-ix-nhiem-ky-2019-2024-ky-vong-chang-duong-moi-883292/

Cùng chuyên mục