Kim Huyền – Tôi đã chọn lối này

Khán giả yêu kịch nói không xa lạ gì những vai diễn từng gây ấn tượng của Kim Huyền. Nhưng những gì cô chia sẻ trong bài viết này, không phải ai cũng biết, bởi đây là lần đầu tiên Kim Huyền chịu trải lòng, cùng người viết.

Khi khăn gói lên Sài Gòn sinh sống, Huyền không nghĩ có ngày mình lại tiếp tục chọn một tương lai khác xa xôi hơn. Lúc Kim Huyền làm hồ sơ đi du học ở Nhật, cô là trường hợp khá đặc biệt, nếu không muốn nói là lý do của cô đưa ra không hề giống tất cả những người trước đó. Huyền nói rằng: “Cách đây mấy năm tôi có đi chơi Nhật, tôi bị ấn tượng quá nhiều về đất nước này, tôi muốn quay lại, tiếp cận sâu hơn với văn hóa Nhật, muốn có trải nghiệm đầy đủ, hiểu hơn xứ sở mình yêu mến. Hẳn nhiên, để làm được điều này, tôi cũng phải có sự chuẩn bị nhất định. Tôi quay về đi làm kiếm tiền để chuẩn bị đi học.”

Gần 4 năm qua, cô vẫn là nghệ sĩ Việt hiếm hoi chọn con đường đi học và làm việc ở Nhật Bản.

Ngã ba đường số phận

Huyền quay trở lại với sân khấu sau ba năm không đóng kịch, chỉ miệt mài đi đóng phim vì cô thấy chán nản với sân khấu, khi ấy đang thoái trào và loay hoay chạy theo thị hiếu nhất thời của khán giả. Cho đến một ngày NSND Hồng Vân gọi cho Huyền, thuyết phục bằng được cô vào vai Duyên trong vở Người đàn bà uống rượu. Sở dĩ phải nói về một thành công cũ của Kim Huyền vì đây là lúc cô đứng trước ngã ba đường dù đã định sẵn sự lựa chọn từ trước.

Số phận đặt cô trước những thời điểm mà sự quyết định không chỉ đơn giản là một sự thay đổi, nó còn đổi luôn tương lai. Tuổi 40, cất huy chương thứ 2 và là huy chương vàng đầu tiên của sự nghiệp, Huyền kiên quyết ra đi. Một sự ra đi mà nếu không có một mốc đáng nhớ trong nghiệp diễn HCV của Liên hoan Hình tượng chiến sĩ Công an nhân dân lần III – 2015 trong vai Duyên của Người đàn bà uống rượu, có lẽ Huyền đã nhẹ nhàng hơn nhiều.

Ai cũng khuyên đang có sức đà, cái mốc, dễ bật lên tuổi lên thêm, đây là cơ hội, thậm chí khá nhiều cơ hội được mở ra hứa hẹn tương lai sáng sủa, bỏ đi sao được. Những khuyên nhủ đến với Huyền đều thống nhất muốn cô ở lại Việt Nam, làm nghề. Cuộc sống của Kim Huyền lúc ấy cũng khá ổn. Không dư dả nhưng cũng tạm đủ để cô lo cho mẹ và dành thời gian rảnh đi du lịch. Nên khi Huyền đi sau khi lãnh huy chương vàng cho nghề diễn, gây bất ngờ và choáng váng cho hết thảy đồng nghiệp.

Tuổi 40 nơi đất khách

Vừa đi học, vừa đi làm, Huyền tranh thủ thời gian và hiểu biết của mình để có thể tự lập, tự sống được ở Tokyo, một trong những thủ đô đắt đỏ nhất thế giới. Bán hàng online, làm hướng dẫn viên du lịch cho bạn bè người Việt sang Nhật chơi, đi làm thêm ở các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Huyền làm tất cả để sống, để tích lũy trả học phí.

Cũng như nhiều lao động nhập cư khác, Kim Huyền cũng trải qua những lúng túng căng thẳng khi đi học. Tiếng Nhật chưa rành nên phải vận dụng tất cả kỹ năng quan sát của mình để đứng quầy thu ngân ở siêu thị tiện lợi, hay chạy việc vặt trong bếp của các nhà hàng. Kim Huyền cũng trải qua những lần đi làm bị ức hiếp, phân biệt đối xử, chèn ép… Huyền kể tôi nghe những lần đi làm thêm, đứng suốt buổi cho đủ ca làm mà ngay cả việc dành thời gian đi vệ sinh cũng bị ngăn cản, ức hiếp từ những người làm chung. Trong đó có những lần Huyền tức nước vỡ bờ, không nhịn mà còn làm căng ngược lại khi cô thấy mình không sai và nơi sử dụng lao động phải thừa nhận, sửa sai.

Trước khi đi Nhật, dù nhiều người nói là có những giai đoạn sẽ không chịu nổi, mình vẫn tự tin lắm. Lâu nay sống xa nhà mấy chục năm đâu có sao, bây giờ thì cũng là một cuộc đi xa nữa thôi mà.” Huyền kể. Nhưng, khi ở Nhật, Huyền mới thấu hiểu, “xa nhà nó khác với xa quê hương lắm”. Nói tới đây thì Huyền nghẹn, mắt rưng rưng. “Hai khái niệm xa nhà, nhưng cái xa sau nó khác với cái xa trước nhiều lắm. Sinh sống Sài Gòn nhiều năm, từ Sài Gòn với Phan Thiết, dẫu có xa nhưng muốn vẫn có thể về. Còn ở Nhật, mỗi lần muốn về không hề đơn giản. Những đêm nằm nhớ nhà, mong tin mẹ già lâm bệnh ở quê quắt quay càng khiến cô hiểu mình đang phải chịu nhiều thử thách hơn đã hình dung. Mình quá tự tin với sức chịu đựng của mình.

 “Nhiều lúc đứng một mình ở sân ga đợi tàu, Huyền cứ đứng trước các câu hỏi mình đã làm gì, tại sao, bây giờ thế nào… về cuộc sống của mình”. Huyền kể tiếp: “Chuẩn bị hết, xác định rõ mình muốn đi tìm chân trời mới dù tương lai không hẳn huy hoàng, nhưng vẫn không lường hết được những khó khăn và chao động trong tâm trí mình trong những tháng ngày ở Nhật”. Huyền kể với tôi mà như nói với chính mình. Cũng có lúc cô mệt mỏi, muốn buông xuôi. “Huyền không xem ti vi, hạn chế đọc tin tức văn nghệ quê nhà. Bạn bè yêu thương nhưng không biết là đang tra tấn mình, khi thỉnh thoảng thấy Kim Huyền trên tivi, trên báo vẫn hay gửi cho mình xem. Mình nhớ Sài Gòn, nhớ sân khấu, phim trường quắt quay. Có thời gian Huyền dẹp hẳn không dùng Facebook vì không chịu nổi khi nhìn thấy những hình ảnh quen thuộc của bạn bè, đồng nghiệp”.

Với Huyền, mấy năm qua không chỉ là những khó khăn vất vả phải vượt qua ở xứ người mà còn là sự trải nghiệm đủ mọi cung bậc cảm xúc trong đời sống Nhật. Kể cả cung bậc kinh khủng nhất của người Nhật – cũng là vấn nạn của nước này, đó là nạn tự tử! Nhưng Huyền vượt qua được. Cô nói nhờ vậy cô mới hiểu được sự cô đơn và những bế tắc trong đời sống Nhật. Nhưng rồi, Huyền vẫn kiên quyết với sự lựa chọn của mình. Cô nói mình phải kiên trì với tương lai đã định dù vất vả thế nào.

Mỗi giai đoạn, một mục đích sống

Huyền nói cuộc đời cô thường hay có nhiều việc mà mình bắt buộc phải chọn lựa một thứ mà thôi. Mà mình hay chọn sai lắm, nên cứ phải sửa sai, Huyền đùa. Tôi là một người liều và bướng, chọn là chọn một lối, và có niềm tin mãnh liệt với sự chọn lựa của mình.

Kim Huyền làm thêm tại Tokyo Nhật Bản.

Hơn 20 năm trước, Kim Huyền đã chọn con đường thi vào trường sân khấu để làm diễn viên khi mình không hề có ngoại hình tiêu chuẩn như nhiều người khác. Cô gái nhỏ nhắn chỉ cao 1m50 ấy đã kiên định với sự lựa chọn của mình, tự mình đi trả lời câu hỏi: sân khấu cần những cô đào đẹp thì cũng phải cần những cô đào không đủ chuẩn như mình để thủ nhiều loại vai khác nhau chứ! Bây giờ, mục đích sống của cô cũng là phải biết thu xếp nghịch cảnh để bước tiếp.

Cô tranh thủ những thời gian rảnh để làm hướng dẫn viên du lịch cho bạn bè người quen khi sang Nhật, cũng là một cách kiếm thêm thu nhập. Tranh thủ những thời gian nghỉ học của trường, là về Sài Gòn ngay. Hành trang về Sài Gòn lúc nào cũng nặng trĩu hàng xách tay. Tôi nói đùa cô là một du học sinh bán hàng Nhật một cách chăm chỉ. Về Sài Gòn tham gia phim, game show… xong công việc là về quê ngay, bỏ qua tất cả chỉ để tranh thủ được gần mẹ và lo cho mẹ cô đang bị bệnh.

Mỗi giai đoạn, mình sống cho một mục đích khác nhau. Thí dụ như bây giờ, khi việc học và sống tạm ổn ở Nhật, là lúc mình sống cho gia đình, sống cho mẹ. Huyền tâm sự. Mắt cô đã thôi ướt, mà sáng lên sự tự tin kiên định. Cô tranh thủ chào tôi trước khi tiếp tục bù đầu vào những đơn hàng cô xách tay từ Nhật trở về, mà cô cười: “Tiền lời đắp vô tiền vé máy bay đó”!

L.M.Hạ

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục