Khởi sắc Tứ Nhũ

Mấy chục năm sau giải phóng, Tứ Nhũ vẫn là ngôi làng biệt lập của xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn do bị bao vây bởi núi, sông Thu Bồn. Nhưng nay, cơ hội khởi sắc của vùng quê Tứ Nhũ đã đến khi tuyến đường bê tông được đầu tư xây dựng khang trang.

Xa rồi  “đò đầy sông sâu”

Lòng sông thượng nguồn Thu Bồn chảy qua Tứ Nhũ sâu thăm thẳm, xiết bao nỗi lo cảnh “đò đầy sông sâu”. Trước đây đến Tứ Nhũ rất khó khăn, từ trung tâm xã Quế Lâm, phải di chuyển đoạn đường dài, rồi băng bộ qua bãi cát để lên ghe (phà) sang làng và ngược lại. Bao đời, người dân Tứ Nhũ vẫn bám trụ với đất, với làng.

Chị Lê Thị Liên (45 tuổi, một người dân xóm Đạo, tức tổ 1, Tứ Nhũ) tâm sự: “Tôi sinh ra ở đây, sống riết quen rồi, không đi đâu được, dù đã qua những năm tháng cơ cực. Ở đây chỉ có cây keo là có thể giúp dân đổi đời nhưng diện tích rất ít, nhiều nhất vài héc ta  mỗi hộ, nhưng nhà có nhà không. Hơn nữa do cách trở nên cây keo bán ra giá trị thấp do công vận chuyển mấy bận, rồi chở bằng phà. Mỗi lần con cái đi học hay trong nhà ai có việc phải đi xuống xã, huyện thì khổ trăm bề”.

Tuyến đường huyện dẫn từ trung tâm xã Quế Lâm đi Tứ Nhũ.

Còn với bà Trương Thị Dễ (50 tuổi, trú xóm Đạo) ra Đà Nẵng phụ việc với mức lương 6 triệu đồng/tháng để cải thiện kinh tế gia đình.

Mong ước có một con đường để đi lại thuận tiện, mở cơ hội phát triển cho làng Tứ Nhũ thành hiện thực, khi tuyến đường huyện (ĐH) do huyện Nông Sơn làm chủ đầu tư nối trung tâm xã Quế Lâm đi Tứ Nhũ được triển khai. Tuyến đường trải qua 3 khu dân cư: Xóm Đạo, Gò Chè, Nhuận Sơn (tức tổ 1, 2, 3) đã tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng, cày ủi, san lấp, đổ đất đá cấp phối và bê tông hóa.

Tôi từng chứng kiến một số người ở làng đêm hôm đau ốm phải đi năn nỉ chủ đò. Rồi phải đi đò dọc suốt tiếng rưỡi đồng hồ mới tới được bến đò Đại Bình đến Trung tâm Y tế huyện. Sông nước đêm hôm cũng đầy may rủi. Nay có đường mới ai cũng vui mừng” – bà Nguyễn Thị Cơ nói.

Cũng vì mong có con đường, hàng trăm người dân Tứ Nhũ vui vẻ hiến đất làm đường. Như bà Trương Thị Dễ hiến tới mấy sào đất keo, vườn tược. Hay như bà Nguyễn Thị Cơ có diện tích đất bị ảnh hưởng giải tỏa lên tới vài héc ta đất trồng keo, đất lúa, đất vườn nhưng bà vui vẻ hiến và được Nhà nước hỗ trợ bồi thường 80 triệu đồng.

Có được con đường dù mất chút quyền lợi riêng cũng được. Vì bà con xóm giềng và cả tương lai con cháu mà nhiều người ở đây sẵn sàng hiến đất để sớm được đi lại thuận tiện” – bà Cơ chia sẻ thêm.

Cơ hội đổi sắc

Theo ông Lưu Ngọc Chín – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tứ Nhũ, mấy chục năm bị cô lập, nay được đổ bê tông, chắc chắn đời sống, kinh tế ở đây sẽ khởi sắc, du lịch có điều kiện phát triển, kết nối. Cả thôn hiện có 180 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo hơn 18%, còn lại cận nghèo.

Sinh kế ở vùng trước nay còn khó khăn, ngoài 70ha trồng keo toàn thôn, người dân còn có sinh kế dựa vào rừng như bứt mây, chăn nuôi, trồng hoa màu, chạy phà đưa khách du lịch, tham gia khai thác keo với ngày công dao động 150 – 250.000 đồng/người. Nhiều lao động nữ lớn tuổi đã xin làm công, làm dịch vụ tại trung tâm huyện Nông Sơn, TP.Đà Nẵng… Dù khó khăn, vất vả nhưng người dân Tứ Nhũ luôn chung sức chung lòng xây dựng đời sống mới, phát triển sinh kế, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Ông Trần Công Luyến – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quế Lâm cho biết, bà con ở đây luôn sống đoàn kết, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Phong trào hiến đất làm đường được người dân hưởng ứng mạnh mẽ.

Còn ông Trần Văn Sang – Chủ tịch UBND xã Quế Lâm cho biết, tuyến ĐH5 của huyện từ cầu treo đi xóm Đạo, thôn Tứ Nhũ có chiều dài 2,2km, tổng giá trị đầu tư 7,2 tỷ đồng. Cùng với đó, một đoạn ĐH từ đuôi làng xóm Đạo kết nối với nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn Tứ Nhũ dài 700m có tổng đầu tư 4,3 tỷ đồng. Đoạn còn lại cuối thôn Tứ Nhũ đang lên dự toán đầu tư. Nếu được đầu tư đồng bộ, cơ hội Tứ Nhũ nói riêng, Quế Lâm nói chung sẽ có cơ hội khởi sắc.

Hoàng Liên

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/xa-hoi/khoi-sac-tu-nhu-85138.html

Cùng chuyên mục