Khởi động sáng kiến tư vấn an ninh mạng miễn phí cho 40.000 doanh nghiệp ASEAN

Liên minh Phần mềm BSA vừa khởi động sáng kiến cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho 40.000 doanh nghiệp đang tìm cách phòng vệ trước các mối đe dọa về an ninh mạng trên toàn khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu của sáng kiến lan tỏa đến 40% doanh nghiệp tại Việt Nam, tương đương 16.000 doanh nghiệp.

 

Sáng kiến “ASEAN Safeguard” là một phần trong chiến dịch kéo dài hai năm qua mang tên Hợp pháp hóa và bảo vệ (Legalize and Protect) của BSA, nhằm hướng đến hợp pháp hóa toàn diện hệ thống phần mềm.

Tại buổi họp báo trực tuyến ra mắt sáng kiến mới này, ông Tarun Sawney, giám đốc cấp cao BSA khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết Việt Nam là một thị trường lớn trong chiến dịch này. “Chúng tôi ước tính mục tiêu hướng đến 16.000 doanh nghiệp ở Việt Nam, 10.000 doanh nghiệp ở Indonesia và 10.000 doanh nghiệp ở Philippines.”

Theo đó, khi đăng nhập vào trang thông tin chính thức của chiến dịch, doanh nghiệp được tiếp cận các thông tin về mối nguy hại của việc sử dụng phần mềm không được cấp phép. Sau đó được dẫn đến phiên tư vấn miễn phí từ các chuyên gia về cách sử dụng phần mềm, nên hay không nên sử dụng phần mềm nào, tình trạng phần mềm hiện tại và kế hoạch sử dụng phần mềm được cấp phép trong tương lai…

Các dịch vụ tư vấn này được thực hiện bằng ngôn ngữ bản địa của doanh nghiệp và theo BSA hoàn toàn được bảo mật.

tu-van-an-ninh-mang-mien-phi
Ảnh minh họa.

Không chỉ mang đến lợi ích an toàn về mặt pháp lý khi sử dụng phần mềm được cấp phép, dịch vụ còn giúp các lãnh đạo doanh nghiệp tìm ra các giải pháp vừa tiết kiệm chi phí vừa gia tăng năng suất. “Nhiều lãnh đạo đặt câu hỏi tại sao phải chi nhiều tiền đầu tư cho phần mềm được cấp phép? Câu trả lời là nếu không, họ sẽ không có được tuyến phòng thủ đầu tiên để chống chọi với các nguy cơ an ninh từ tội phạm mạng,” Tarun Sawney khuyến cáo.

IDC ước tính chi phí để giải quyết vấn đề mã độc trong một máy tính là 10.000 USD. Khi mã độc lan ra toàn bộ hệ thống máy tính của công ty, chi phí trung bình để giải quyết là 2,4 triệu USD, cao hơn nhiều so với chi phí mua phần mềm được cấp phép và là thiệt hại lớn đối với nền kinh tế.

Tại khu vực ASEAN, BSA đánh giá các nguy cơ an ninh mạng khá cao, trong đó có Việt Nam. Một nghiên cứu hồi hai năm trước của tổ chức này cho thấy có 74% công ty tại Việt Nam được cho là không sử dụng phần mềm được cấp phép.

Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, doanh nghiệp đang khuyến khích nhân viên làm việc từ xa, vấn đề rủi ro an ninh mạng có thể theo đó gia tăng, nhất là khi nhân viên sử dụng phần mềm không được cấp phép. Vì vậy các hệ thống IT cần được thiết lập chặt chẽ và hiệu quả hơn để vận hành trong trạng thái “bình thường mới” để phòng ngừa các nguy cơ.

Trâm Bi

Theo Forbes Vietnam

 

Link nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/khoi-dong-sang-kien-tu-van-an-ninh-mang-mien-phi-cho-40000-doanh-nghiep-asean-12646.html

Cùng chuyên mục