Khỉ vàng trên bán đảo Sơn Trà

Khỉ vàng là loài linh trưởng phổ biến trên bán đảo Sơn Trà. Khác với Voọc chà vá chân nâu có phần nhút nhát, khỉ vàng khá dạn người. Những năm gần đây, loài khỉ này xuất hiện nhiều ở khu vực rừng sau lưng chùa Linh Ứng Sơn Trà, tôn thêm vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ của Sơn Trà, níu chân du khách khi tham quan nơi này.

Khỉ vàng có tên khoa học là Macaca mulatta, tên tiếng Anh là Rhesus Macaque. Khỉ vàng là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Khỉ vàng sống theo đàn, mỗi đàn có từ 10 – 15 cá thể, trong đó có 1 cá thể đực đầu đàn.
Trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), khỉ vàng được xếp ở cấp độ LR (lower risk) – bậc ít nguy cấp. Khỉ vàng hoạt động ban ngày, phạm vi hoạt động cả dưới đất lẫn trên cây. Thức ăn chủ yếu của chúng là quả, hạt, lá cây…Trong ảnh: Một cá thể khỉ con ăn hoa dại tại khu vực chùa Linh Ứng Sơn Trà.
Khỉ con được chăm sóc, che chở từ khỉ mẹ.
Những năm gần đây, hoạt động sống của loài khỉ vàng trên bán đảo Sơn Trà đang bị ảnh hưởng. Trong đó có tình trạng vô tư cho khỉ ăn uống và đặt bẫy khỉ. Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng khuyến cáo người dân và du khách không nên cho khỉ ăn, bởi một số loại thức ăn có thể mang theo mầm bệnh cho loài linh trưởng này. Việc được cho ăn thường xuyên cũng khiến loài khỉ mất dần khả năng chủ động tìm kiếm thức ăn, dẫn đến suy giảm số lượng đàn, số lượng cá thể.
Bảo vệ loài linh trưởng và môi trường sống của chúng là góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà.

An Bình

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://www.baodanang.vn/Da-Nang-qua-anh/202002/khi-vang-tren-ban-dao-son-tra-3271486/

Cùng chuyên mục