Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm

Khi thành phố “sáng đèn” vào ban đêm sẽ không chỉ níu chân du khách ở lại lâu hơn mà còn góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. 

Chưa khai thác hết tiềm năng

Trong khi các điểm đến lớn trên thế giới thu về nhiều tỉ USD từ việc phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch, ở Việt Nam, kinh tế ban đêm còn manh mún, nhỏ lẻ…

Việt Nam là một quốc gia sở hữu lợi thế lớn về điều kiện tự nhiên, các thành phố du lịch rải rác từ Bắc đến Nam. Khai thác kinh tế đêm chính là điều bức thiết cần thực hiện để tránh lãng phí nguồn lực dồi dào.

Tạ Hiện (phố cổ Hà Nội) về đêm.

Khi nghiên cứu về hoạt động phát triển kinh tế ban đêm của các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, TS Lưu Thanh Tâm (Trường Đại học Công nghệ TPHCM) nhận thấy, Việt Nam đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7h đến 17h, nhưng những sản phẩm này chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ.

Trong khi đó, các sản phẩm dịch vụ thu được nhiều tiền nhất là từ 18h tối đến 3h sáng có thể mang lại doanh thu khoảng 70% lại chưa được phát triển. Rõ ràng khi không có sản phẩm ban đêm sẽ không có cách gì giữ chân được khách du lịch khi họ đến Việt Nam, không tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương, cũng như đóng góp ngân sách cho Nhà nước.

Nhiều địa phương trong thời gian qua đã quan tâm đến xây dựng, phát triển các phố đi bộ ban đêm nhưng theo TS Lưu Thanh Tâm, do chưa có quy hoạch hợp lý nên hoạt động của các mô hình này chưa hiệu quả. Tại nhiều địa phương, những chương trình giải trí, văn hóa vào ban đêm cũng rất ít, nên không hấp dẫn du khách. Chưa kể tại một số thành phố lớn của Việt Nam, các đơn vị hành chính đều áp dụng quy định sau 24h đêm, các hoạt động vui chơi giải trí phải dừng lại.

Hoạt động về đêm còn hạn chế

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tất cả hoạt động mang tính kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cho nền kinh tế đều có thể coi là kinh tế ban đêm, từ chợ đêm, nhà hàng, quán ăn, khách sạn, các hoạt động văn hóa, giải trí, lễ hội… TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng là những điểm du lịch nổi tiếng nhưng nhiều du khách quốc tế đến thường than ban đêm “không biết đi đâu, chơi gì”.

Các điểm vui chơi về đêm ở phố cổ Hà Nội, nằm trên địa bàn quận trung tâm Hoàn Kiếm rất náo nhiệt từ khoảng 18 giờ mỗi ngày nhưng không khí này chỉ kéo dài đến khoảng 23 – 24 giờ, sau đó phải nhường chỗ cho sự im lặng của màn đêm. Đó là phần nổi bật nhất của kinh tế ban đêm ở thủ đô.

Phố đi bộ Bùi Viện tại TP.HCM luôn đông người vào ban đêm.

Du khách đến với Hà Nội thường nhắc đến phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) trầm mặc, bình yên hay rêu phong, cổ kính vào ban ngày và đông đúc, nhộn nhịp khi màn đêm buông xuống. Đây là một phần rất ít sôi động về đêm ở Hà Nội nhưng chỉ hoạt động đến gần 12 giờ đêm. Trong khi đối với nhiều du khách phương Tây, đây mới là thời điểm bắt đầu vui chơi, giải trí.

Nhiều người trẻ Việt cũng khá hụt hẫng khi mới 23 giờ mà nhiều điểm vui chơi đã phải lặng lẽ dọn dẹp, ngưng phục vụ. Điển hình là phố lẩu Phùng Hưng (Hà Nội) đậm chất Hà thành nhưng do nhiều vấn đề về an ninh, trật tự, các hàng quán đều phải dọn dẹp bàn ghế, đóng kín cửa theo quy định và chỉ phục vụ khách ở tầng 2, 3, 4… thay vì ngồi ở vỉa hè hay tầng 1 như thời điểm 20-21 giờ. Các quán bán đồ ăn đêm ở Hà Nội nếu muốn hoạt động sau 12 giờ đêm, phải là những địa điểm nằm sâu trong ngõ, bày biện vài chiếc bàn nhỏ và sẵn sàng bị lực lượng chức năng yêu cầu dọn hàng, đóng cửa bất cứ lúc nào.

Các hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội để phục vụ người dân, du khách ở Hà Nội cũng khá khiêm tốn. Ngoài các nhà hát truyền thống như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long… các hoạt động khác gần như chỉ mang tính chất thời vụ hoặc vào các dịp lễ.

Là đầu tàu kinh tế với nhiều hoạt động thương mại, nhưng thực tế thời gian qua cho thấy kinh tế về đêm tại TP.HCM vẫn trầm lắng. Du khách nước ngoài và cả du khách trong nước cũng đều nói rằng khi tới TP.HCM thì buổi tối chỉ biết ngồi quán cà phê ở khu vực trung tâm thành phố hoặc các quận lân cận, rồi giải tán vào khoảng 22h. Muốn ngồi lâu hơn thì chỉ có ra phố đi bộ Bùi Viện (quận 1). Một số địa điểm ăn uống có thể xây dựng thành phố ẩm thực về đêm như khu Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), phố người Hoa (quận 5), khu Phú Mỹ Hưng (quận 7)… nhưng không được sắp xếp, quy hoạch bài bản để trở thành khu ẩm thực cho du khách như các nước.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) chỉ dành cho người đi dạo, dịch vụ ẩm thực hay kinh doanh mờ nhạt. Chợ đêm Bến Thành thì nổi tiếng bán hàng giả, hàng nhái, nói thách “chặt chém” du khách. Ở quận 4, nơi cũng có khá đông khách du lịch, mới đây chính quyền quận cũng đã thí điểm hoạt động Phố ẩm thực Vĩnh Khánh (đường Vĩnh Khánh, quận 4). Tuy nhiên, càng về khuya, khu phố này trở nên trầm lắng do có ít hoạt động vui chơi, giải trí xung quanh để níu chân du khách. Thế nên, thời gian du khách quốc tế lưu lại TP.HCM trung bình chỉ 1 – 2 đêm.

TP.HCM là một trong những địa phương có lượng khách du lịch đông nhất cả nước. Chính vì vậy, kinh tế ban đêm tại thành phố rất tiềm năng, nhưng chưa được đánh thức. PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, để đánh thức tiềm năng này trước tiên thành phố phải có cơ chế cho phép nới lỏng khung thời gian cho hoạt động thương mại, kinh doanh, giải trí… Khi đã nới lỏng khung thời gian, thì các hoạt động về đêm tự động diễn ra theo quy luật “cung – cầu”. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, vai trò của kinh tế ban đêm rất quan trọng, ngoài tăng nguồn thu trực tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua thuế, kinh tế ban đêm còn cho thấy thành phố đó có tiềm năng để đầu tư hay không. “Một thành phố có kinh tế ban đêm sôi động cũng là lợi thế để thu hút các nhà đầu tư”, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo khẳng định.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Vietravel cho rằng: Hiện chúng ta đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khung giờ từ 7h đến 17h hằng ngày, nhưng những sản phẩm du lịch này chỉ mang lại 30% doanh thu. “Không có sản phẩm ban đêm thì khó có thể giữ chân được du khách, không tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương cũng như đóng góp ngân sách cho Nhà nước”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố cần bắt nhịp với xu hướng đẩy mạnh các hoạt động kinh tế về đêm. Tuy nhiên, xây dựng kinh tế ban đêm phải có lộ trình, nhất là phải bảo đảm an ninh trật tự. Trước mắt, UBND thành phố yêu cầu Sở Giao thông – Vận tải nghiên cứu, đề xuất xây dựng đề án kinh tế đêm, hạn chế vận tải hàng hóa vào ban ngày và chuyển dần việc giao nhận sang ban đêm. Việc này giúp giảm ùn tắc, ô nhiễm, đồng thời tạo cuộc sống tốt hơn cho người dân. Các khung giờ trong ngày cũng bắt đầu được tận dụng hợp lý cho các hoạt động kinh tế, xã hội.

Mai An

Theo moitruong.net.vn

 

Link nguồn: https://moitruong.net.vn/khai-thac-tiem-nang-phat-trien-kinh-te-ban-dem/

Cùng chuyên mục