James Reelick: Lối sống bền vững là một quá trình kéo dài cả đời

Điều gì đã thúc đẩy một người đàn ông Mỹ đến Việt Nam rồi chọn an cư ở Langbiang, thị trấn Lạc Dương, Lâm Đồng, với triết lý “sống bền vững” quanh một tiệm pizza bếp củi? James Reelick chia sẻ với 24h Sống Xanh những trải nghiệm của ông về hành trình từ nước Mỹ đến Việt Nam và lối sống bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Từ 5 năm qua, tiệm pizza nướng củi K’Be Wood Fired, nằm cách trung tâm Đà Lạt khoảng 12 km, được nhiều người sành ăn biết đến với chiếc lò nướng pizza cao khoảng 3 mét, hình trụ và được xây bằng loại gạch chịu nhiệt cực tốt. Lò sử dụng củi là cây cà phê.

Tùy loại thực phẩm sẽ được nấu chín khi lửa vẫn còn cháy hoặc chỉ còn than hồng. Cái lò hoạt động như một “pin nhiệt”, giải phóng nhiệt theo thời gian, nhiệt giữ lại trong lò được dùng để nướng nhiều loại thực phẩm khác nhau.

Điểm tạo nên sự khác biệt của tiệm pizza này là tất cả các nguyên liệu đều là sản phẩm nông nghiệp của dân địa phương và lối sống bền vững được đề cao. James Reelick, người đàn ông đến từ bang Connecticut, Mỹ, nói nửa đùa nửa thật: “Một số báo địa phương tìm đến tôi, có thể bản thân tôi cũng là câu chuyện thú vị phải không? Dù rằng tôi rất khiêm tốn”.

loi-song-ben-vung
Gia đình hạnh phúc của ông James Reelick

Tại sao ông chọn ở lại Langbiang mà không phải Sài Gòn, Hà Nội hay trung tâm Đà Lạt để cho nhiều khách hàng biết đến nhà hàng của ông?

Tôi không thực sự chọn Langbiang, nơi này đã chọn tôi. Tôi vẫn tự hỏi: Làm thế nào người ta có thể tìm thấy một khu vực xa xôi như vậy, thật thoải mái để sống? Thời tiết ở đây hoàn hảo đối với tôi, nhiệt độ trung bình 22°C quanh năm. Núi Langbiang ở ngoài cửa sau và tôi có thể đi bộ khoảng hai ngày rưỡi, băng qua một khu rừng để đến suối nước nóng tự nhiên, thấy rất ít người trên đường.

Tôi đã chọn vị trí để mở nhà hàng và muốn kinh doanh tại nhà. Điều này giúp vợ chồng tôi luôn có thể ở nhà khi bọn trẻ đi học về. Tôi sinh trưởng trong một doanh nghiệp gia đình làm trang trại, vườn ươm. Tôi được dạy làm việc từ khi còn nhỏ và điều này đã mang lại lợi ích cho tôi cả đời. Tôi muốn chia sẻ lối sống tương tự với các con của mình.

Mở quán ở xa trung tâm một thành phố cũng không hẳn bất lợi lắm đâu. Tôi hiểu rằng mạng xã hội có thể giúp đưa mọi người đến bất cứ nơi nào họ muốn. Dường như người Việt yêu thích mạng xã hội. Khách hàng của chúng tôi trong hơn 6 năm qua, đã dùng mạng xã hội như một công cụ truyền miệng, để nói với bạn bè của họ về nhà hàng của chúng tôi như là một nơi mát mẻ, có thức ăn tuyệt vời và mục tiêu bền vững.

Ông có thể cho biết thêm chi tiết về phương thức kinh doanh “từ trang trại đến bàn ăn”?

Đây là một khái niệm khá đơn giản: Biết thực phẩm của bạn đến từ đâu. Điều này không dễ với hầu hết mọi người, vì họ chọn sống ở thành phố và không có kiến ​​thức về chuỗi thức ăn của họ. Để sống một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc, tôi cảm thấy điều cần thiết là chúng ta biết thực phẩm của mình dùng mỗi ngày đến từ đâu. Ở đây, tại Đà Lạt và Lạc Dương, rau củ mọc quanh năm, chúng tôi quen biết những người nông dân. Vợ tôi, cô Liên, đã sống ở làng này hơn 30 năm, cô ấy biết những người nông dân có vườn nhỏ và không sử dụng nhiều thuốc trừ sâu.

loi-song-ben-vung
Món pizza nướng củi ở tiệm K’Be Wood Fired

Sản phẩm của họ có thể không giành được bất kỳ giải thưởng nào về vẻ đẹp, đồng đều về kích cỡ, và thậm chí chúng tôi còn tìm thấy giun trong bắp cải, nhưng điều đó là tốt. Nếu con sâu vẫn còn sống, người nông dân không phun thuốc trừ sâu trong vòng một hoặc hai tuần trước. Thuốc trừ sâu rất cần thiết trong việc trồng rau. Vì vậy, chúng tôi chọn mua của những người nông dân biết cách sử dụng thuốc trừ sâu một cách khôn ngoan. Người làm vườn thường giao rau ngay trước cửa nhà chúng tôi.

Khi sử dụng nguyên liệu nấu ăn, chúng tôi gần như không vứt đi thứ gì và chúng tôi cố gắng không để trữ nguyên liệu trong tủ lạnh.

Tôi làm mọi việc ở đây với quan niệm: Nếu thứ gì đó không bền vững, nó không trụ lại được lâu.

Làm thế nào để nuôi một gia đình và điều hành một doanh nghiệp dưới chân núi Langbiang? Ông có nhớ cuộc sống ở Mỹ và có kế hoạch đưa gia đình trở lại đó vào một ngày nào đó không?

Làm trụ cột một gia đình và điều hành một doanh nghiệp dưới chân núi Langbiang là một niềm vui. Chúng tôi có không khí trong lành, bầu trời xanh. Chúng tôi cùng nhau tham gia làm vườn và thưởng thức cà phê Arabica được cho là tốt nhất trên thế giới. Vì tôi có hai con đang ở tuổi đi học nên tôi rất ấn tượng với hệ thống trường học Việt Nam. Ở Lạc Dương, họ đang thay thế những ngôi trường cũ bằng những ngôi trường mới và khi tôi nhìn vào lượng công việc ở trường, và cách đứa con gái 7 tuổi của tôi được dạy nói tiếng Việt và đọc, tôi rất ấn tượng với hệ thống trường học Việt Nam và các giáo viên.

Đối với việc điều hành một doanh nghiệp, mọi thứ cũng suôn sẻ. Giới chức địa phương giải quyết vấn đề chuyên nghiệp và thường đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu của chúng tôi.

Không, tôi không nhớ cuộc sống của mình ở Mỹ ngày trước. Tôi đã sống ở đó trong 50 năm. Tôi yêu nước Mỹ nhưng tôi cũng cần một sự thay đổi. Việt Nam đã cho tôi sự thay đổi đó nhiều hơn tôi mong đợi. Ở đây, mỗi ngày, tôi đều giữ cho tâm trí của tôi hoạt động và cơ thể khỏe mạnh. Hãy sống tích cực, đó là tâm niệm của tôi.

Tôi không có kế hoạch đưa gia đình trở về Mỹ. Nước Mỹ, ngày nay là một vùng đất của chủ nghĩa tiêu dùng và gây chiến. Tôi không muốn phơi bày cho gia đình tôi suy nghĩ này. Chúng tôi có thể không ở lại Việt Nam mãi mãi, nhưng có rất nhiều quốc gia xinh đẹp trên thế giới này, nhiều nơi, chúng tôi thậm chí chưa từng nghe nói đến. Chúng tôi nhất định sẽ lên đường khám phá.

loi-song-ben-vung
Vườn rau nhà ông James Reelick

Ông nghĩ gì về lối sống xanh và các bước cho một cuộc sống mang tính bền vững hơn?

Tôi không thực sự chắc chắn những gì gọi là sống xanh. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng các bước thích hợp giúp bạn có một cuộc sống bền vững là: Không tiêu thụ quá mức, giảm chất thải bao bì, giữ gìn nguồn nước sạch vì đấy là một trong những tài nguyên quan trọng nhất của chúng ta. Đừng để nước còn sót lại trong chai nhựa và vứt đi. Nước là quý giá, đối với chúng ta và thực vật. Hãy tận dụng nước còn dư trong chai để tưới cây. Ngoài ra, hãy tìm hiểu thực phẩm của mình đến từ đâu, thoát khỏi một công việc văn phòng, vận động ngoài trời nhiều hơn, thường xuyên đi bộ, đi chân trần trong nhà và ngoài sân.

Lối sống bền vững không phải là xu thế thời trang, mà là một quá trình kéo dài cả đời, nếu bạn thật sự nhận ra những lợi ích mà nó đem lại cho chính mình và cho môi trường.

Ông có bất kỳ mối quan hệ nào với người dân tộc thiểu số K’Ho địa phương và học được điều gì từ họ không?

Ồ chúng tôi sống ở một làng K’Ho. Trưởng làng còn trìu mến đặt tên cho tôi là K’Be – nghĩa là trâu rừng. Tôi dùng tên này đặt cho tên nhà hàng như một cách gợi nhớ sự gắn bó với người địa phương K’Ho.

Con gái 7 tuổi của tôi nói được ba thứ tiếng: tiếng Việt, K’Ho và tiếng Anh. Bé Trưng nói một ngôn ngữ mà cả bố mẹ nó đều không nói được, đây là cách chúng tôi gần gũi với người K’Ho.

Tôi cũng học được từ họ quan niệm sống rằng chúng ta đang ăn những sản phẩm của rừng. Có nghĩa là chúng ta phải giữ lối sống bền vững để rừng sẽ nuôi sống chúng ta.

Thú thật là bây giờ, tôi không thực sự cảm thấy như mình đang là một người nước ngoài. Tôi cảm thấy như một phần của cộng đồng. Tôi có kế hoạch tiếp tục làm việc và tạo ra cuộc sống bền vững tốt nhất cho vợ con và tiếp tục đem lại sự khích lệ cho mọi người về lối sống bền vững.

loi-song-ben-vung

Thời gian qua, bệnh dịch Covid-19 có ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của ông? Và ông có lời khuyên nào về việc ứng phó với đại dịch?

Bệnh dịch không ảnh hưởng lắm, ngoại trừ phải đóng cửa trong hai tuần. Việc kinh doanh của chúng tôi vẫn phát triển. Có thể là do mọi người cảm thấy an toàn ở đây. Sau khi phải tạm đóng cửa, nhà hàng của chúng tôi đã hoạt động hết công suất. Những người có xe hơi đã có thể rời khỏi thành phố. Chúng tôi phục vụ cho tầng lớp trung lưu Việt Nam, những người muốn rời khỏi thành phố và đi du lịch. Tôi có cảm giác tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang tăng nhanh và Covid-19 không kéo giảm được số lượng này.

Làm thế nào chúng ta ứng phó hiệu quả với đại dịch? Theo tôi, vẫn là những cách cơ bản: Rửa tay và đeo khẩu trang thường xuyên.

Vợ chồng ông James Reelick trồng rau, bao gồm bắp cải và bông cải xanh, trong nhà, trong khi các nguyên liệu khác để làm pizza như cà chua được mua ở Lạc Dương. Thứ duy nhất phải được nhập khẩu là phô mai cho đến khi họ tự làm được Queso Blanco, một loại phô mai trắng có thể được làm trong vòng vài giờ.

Ben Ngô (thực hiện)

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục