Hòn đảo nhỏ gây kinh ngạc về chiến lược bảo vệ đại dương

Lãnh thổ hải ngoại của Anh quốc khiến người ta trầm trồ vì vẫn giữ được không gian sinh sống của hàng chục triệu con chim biển, chim cánh cụt và hải cẩu, cá mập… như chưa hề có sự hiện diện và tác động của con người.

Tại hòn đảo Tristan da Cunha, tọa lạc ở nam Đại Tây Dương, một khu bảo tồn biển mới được công nhận với quy mô lớn thứ tư trên thế giới dù cộng đồng sinh sống ở đây chỉ vỏn vẹn 250 người.

hon-dao-nho-bao-ve-dai-duong
Việc cấm đánh cá ở tầng đáy diễn ra nghiêm ngặt trên đảo Tristan da Cunha

Bảo vệ sự đa dạng của động vật hoang dã

Hòn đảo được ghi nhận dẫn đầu trong chiến lược bảo tồn động vật biển hoang dã bằng cách cấm đánh bắt cá ở tầng đáy, khai thác dưới đáy biển sâu và các hoạt động có hại khác.

Chính quyền Tristan da Cunha thông báo rằng khu bảo tồn biển được giữ gìn là để bảo vệ sự đa dạng của các động vật hoang dã trong khu vực, bao gồm cá mập, chim hải âu mỏ vàng vốn đang có nguy cơ tuyệt chủng, chim cánh cụt rockhopper cùng các loài chim khác. Đây cũng là cách để cộng đồng người dân trên đảo giúp chính phủ Anh đạt được mục tiêu bảo vệ 30% đại dương trên thế giới vào năm 2030.

Anh quốc có nhiệm vụ bảo vệ động vật hoang dã được tìm thấy trên tất cả các vùng lãnh thổ của mình, sẽ chịu trách nhiệm giám sát khu vực có diện tích gấp ba lần nước Anh.

hon-dao-nho-bao-ve-dai-duong
Chim cánh cụt Rockhopper trên Tristan da Cunha không bị tác động bởi con người

Sống nhờ biển

Ông James Glass, người đứng đầu đảo Tristan da Cunha, cho biết: “Cuộc sống mưu sinh của chúng tôi luôn dựa trên mối quan hệ hài hòa với biển và điều đó vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Cộng đồng Tristan cam kết sâu sắc trong việc bảo tồn trên đất liền và trên biển.”

“Biển là tài nguyên quan trọng cho nền kinh tế và cho sự tồn tại lâu dài của con người. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang chung tay bảo vệ hoàn toàn 90% vùng biển. Chúng tôi tự hào rằng mình đang góp phần đáng kể trong việc giữ gìn sức khỏe của các đại dương.”

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Anh quốc hiện đang bảo vệ 4,3 triệu km2, hay 1% đại dương trên thế giới.

Trong một tuyên bố, thủ tướng kêu gọi các quốc gia khác tham gia cùng nước Anh trong tham vọng bảo vệ 30% đại dương của thế giới vào năm 2020. Ông nói: “Chúng ta đang có nguy cơ tiếp tay trong việc hủy hoại các vùng biển bằng cách tác động khiến nước biển ấm hơn và môi trường đại dương trở nên có tính axit hơn. Đó là chưa kể hàng ngày chúng ta lấp đầy chúng bằng đủ loại rác nhựa khiến các sinh vật biển bị ngạt thở hoặc nhiễm độc.”

hon-dao-nho-bao-ve-dai-duong
Các loài chim biển nhởn nhơ bay lượn quanh hòn đảo

Theo quan sát của giới vận động bảo vệ môi trường biển, Tristan da Cunha là một nơi không giống ai vì có sự đa dạng động vật hoang dã đáng kể. Khi có dịp đặt chân đến hòn đảo, người ta có thể dễ dàng thấy hàng chục triệu con chim biển bay lượn trên sóng, chim cánh cụt và hải cẩu chen chúc trên các bãi biển, cá mập bơi lội ngoài khơi và cá voi bí ẩn kiếm ăn trong các hẻm núi nước sâu.

Ông Lord Goldsmith, Bộ trưởng Môi trường Vương quốc Anh, mô tả việc hình thành khu bảo tồn biển là “chiến thắng to lớn về môi trường” và là “bước cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái của thế giới”.

Tuy nhiên, một số tổ chức phi chính phủ đã đối chiếu sự trợ giúp của chính phủ Anh đối với việc bảo vệ biển ở vùng lãnh thổ hải ngoại so với tại quê nhà. Một số khu bảo tồn biển ở nước Anh đang có tình trạng đánh bắt thủy sản tầng đáy.

Điều này khiến giới vận động môi trường kêu gọi nhà chức trách Anh quốc không chỉ cần cộng đồng nhỏ trên đảo Tristan da Cunha làm gương trong việc bảo vệ vùng biển mà còn quản lý hiệu quả hơn các khu bảo tồn hiện có.

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ The Guardian

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/hon-dao-nho-gay-kinh-ngac-ve-chien-luoc-bao-ve-dai-duong/

Cùng chuyên mục