Hội Sơn cổ tự – Những tượng cháy trầm tư…

Trong số những ngôi cổ tự nổi tiếng nhất của Sài Gòn, Hội Sơn là ngôi chùa cổ hiếm hoi có phong cảnh hữu tình, trên bến dưới thuyền, trên triền đồi cao cạnh dòng Đồng Nai trong xanh. 

hoi-son-co-tu
Chánh điện mới chùa Hội Sơn.

Ở Sài Gòn, có hai ngôi chùa cổ mà khi khách thập phương đến viếng, sẽ ngỡ ngàng trông khá quen dù mới đến lần đầu, đó là chùa Giác Lâm và chùa Hội Sơn. Cả hai đều là những ngôi cổ tự nổi tiếng của đất Sài Gòn – Gia Định xưa, không chỉ độc đáo, có giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử mà còn vì không gian xung quanh chùa rất rộng và đẹp nên trước đây thường được nhiều đoàn làm phim, ca nhạc, cải lương… mượn bối cảnh để quay. nhất là những phim có đề tài cổ xưa.

hoi-son-co-tu
Chánh điện mới chùa Hội Sơn nhìn từ chính diện, trước mặt chánh điện là sông Đồng Nai. Chánh điện được xây rộng hơn chánh điện cũ trước đó với diện tích nền chánh điện cũ, chiều ngang nền mới được nới rộng thêm 4 mét.
hoi-son-co-tu
Chánh điện chùa Hội Sơn trước khi bị cháy. Ảnh: internet.

Thở phào khi đi ngắm chùa cổ xây lại

Tôi cũng là một người mang tâm trạng ngạc nhiên thú vị như thế khi lần đầu đến chùa Hội Sơn cách đây gần 25 năm. Cảnh chùa sau đó dĩ nhiên khác xưa, nhiều khi mỗi lần đến lại thấy thêm nhiều công trình kiến trúc, tượng to nhỏ khác nhau, chùa cũng trải qua mấy đợt trùng tu. Nhưng khung cảnh và vị trí ngôi cổ tự nằm giữa những hàng cây râm mát như khu rừng nhỏ, trên triền đồi rất đẹp ven bờ sông Đồng Nai, mà chân đồi lộ ra toàn đá ong vẫn là nơi xứng đáng là thắng cảnh nổi tiếng của Gia Định xưa. Chùa có mặt trên đất Biên Hòa – Gia Định đến nay đã trên 255 năm, được giới thiệu trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. Chùa Hội Sơn được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993.

hoi-son-co-tu
Nội thất bên trong chánh điện với cách bố trí bàn thờ, đồ thờ phượng thì theo công trình trùng tu năm 2000, lần trùng tu sau cùng của chùa Hội Sơn trước khi bị cháy.

Cho đến khi lần trở lại đầu năm 2013, vài tháng sau khi chùa Hội Sơn bị hỏa hoạn thiêu rụi chánh điện, tiền điện, giảng đường cùng hàng loạt hiện vật cổ gây tiếc nuối bàng hoàng công chúng. Thiệt hại quá lớn, vậy mà đệ nhất thắng cảnh Gia Định xưa cứ loang lổ cảnh hoang tàn và tạm bợ vì chùa cháy, chánh điện dựng mái lá tạm để có chỗ chư tăng phật tử hành lễ, mãi hơn ba năm sau, chùa mới được khởi công xây dựng lại, mất hai năm thì hoàn thành.

hoi-son-co-tu
Bảng đề tên chùa, thay cho bảng gỗ cổ đã hư hại sau vụ hỏa hoạn. Nhìn chung các cột, đường nét kiến trúc mặt tiền chánh điện được phục dựng lại giống trước đó.

Từ đó đến nay, những ai đến tham quan chùa Hội Sơn đều thở phào nhẹ nhõm, vì chùa không đi bị sa vào vết xe đổ trùng tu mới của nhiều công trình kiến trúc cổ.

Công trình chùa Hội Sơn phục dựng theo kết cấu không gian và phong cách kiến trúc cũ, với kết cấu móng đơn, bê-tông cốt thép trên nền đất thiên nhiên. Theo các số liệu, so với diện tích nền chánh điện cũ, chiều ngang nền mới được nới rộng thêm 4 mét. Chiều cao và chiều dài cũng được nới rộng theo tỷ lệ tương ứng với thiết kế tổng thể. Hệ khung cột, kèo và hệ mái gỗ dựa theo kiến trúc cũ, lợp mái ngói âm dương nhưng không tráng men. Hệ thống cột, lan can, mặt đứng thiết kế, các thước cột, gờ chỉ, lan can theo phong cách kiến trúc cổ điển Pháp. Tuy tường bao, lan can xung quanh, trụ hành lang bằng bê-tông (xưa là làm bằng gỗ), nhưng nội thất với cách bố trí bàn thờ, đồ thờ phượng thì theo công trình trùng tu năm 2000 (là lần trùng tu sau cùng của chùa Hội Sơn trước khi bị cháy).

hoi-son-co-tu
Tường bao, lan can xung quanh, trụ hành lang bằng bê-tông (xưa là làm bằng gỗ).

Nhìn tổng thể, chánh điện mới của chùa vẫn hài hòa với không gian chung quanh và không bị sa vào xu thế hễ xây mới phải hoành tráng và lắm màu sắc hơn của nhiều chùa Việt.

Một chuyện khác, là ngạc nhiên của nhiều người nhưng là một sự thầm hài lòng trong tôi. Cảnh quan một ngôi cổ tự vừa có đồi, vừa là vườn cây, vừa là bến bên sông rộng như thế bây giờ rất hiếm. Lại nằm trên nền di chỉ khảo cổ quan trọng nữa thì quả là cả Sài Gòn và miền Đông Nam bộ này chỉ có chùa Hội Sơn. Thế nhưng, chùa Hội Sơn lại không phải là điểm đến tham quan đông khách như nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nổi tiếng khác.

hoi-son-co-tu
Chùa lợp mái ngói âm dương nhưng không tráng men.
hoi-son-co-tu
Tượng Phật mới bằng đồng trong bàn thờ giữa chánh điện.

Ngoại trừ những ngày Rằm, mùng Một, các dịp lễ lớn trong năm, còn thì chùa khá vắng vẻ khách thập phương. Đã đành chùa ở quận 9, khá xa trung tâm thành phố (khoảng 19km), nhưng chùa Bà Châu Đốc 3 (hay còn gọi là chùa Phước Long) còn xa hơn vì đò giang cách trở do nằm tách biệt trên cù lao giữa sông, vẫn đông người đến đấy thôi. Dù là ngôi cổ tự nằm cạnh đường xuống bến đò để đi chùa Bà Châu Đốc 3 nhưng lạ là khách đi chùa Hội Sơn thường hay được rủ rê đi chùa Bà Châu Đốc 3, còn nếu khách đi chùa Bà Châu Đốc 3 là đi một hơi không ghé qua chùa Hội Sơn. Có lẽ cũng tùy tâm lý tín ngưỡng của mỗi người hành hương?! Nhưng vậy cũng hóa hay, chùa vẫn có thể giữ được không gian yên tĩnh vắng vẻ nhất định, điều đang là xa xỉ với những điểm đến tâm linh có tiếng và hay được nhắc nhở trên truyền thông hiện nay.

hoi-son-co-tu
Tủ thờ có bánh xe đẩy, một trong những hiện vật cũ còn sót lại của chùa trước khi cháy, hiện đang được để bên hông chùa.
hoi-son-co-tu
Chánh điện mới vài năm, nhưng mạng nhện đã kịp giăng trên các cây đèn khiến không gian bên trong chùa cảm giác như cũ hẳn đi so với thực tế.
hoi-son-co-tu
Dãy nhà ngang phía sau chánh điện được xây mới, khá hài hòa với không gian kiến trúc chung của chùa.
hoi-son-co-tu
Toàn cảnh mặt sau của chánh điện.
hoi-son-co-tu
Một công trình kiến trúc khác hiện hữu khá lâu trong khuôn viên chùa, trông hoang phế và không ăn nhập lắm với tổng thể kiến trúc của chùa, phía xa xa chóp nhọn là tháp của chùa Bửu Long.
hoi-son-co-tu
Những thiệt hại, hư hại sau vụ cháy 8 năm trước vẫn còn nhìn thấy rất rõ phía bên hông chùa.
hoi-son-co-tu
Những cột vì kèo gỗ của chùa cũ bây giờ nằm phơi nắng mưa như đống gỗ vụn.
hoi-son-co-tu
Chùa Hội Sơn nằm trên triền đồi cao cạnh sông Đồng Nai, với chân đồi lộ ra nền chùa có nhiều lớp đá tổ ong xưa.
hoi-son-co-tu
Khu đất thuộc chùa là một trong 26 di tích khảo cổ học ở TP.HCM. Di chỉ chùa Hội Sơn thuộc nền văn hóa Đồng Nai, có niên đại khoảng 3.500 – 4.000 năm, vào thời đại kim khí.
hoi-son-co-tu
Bến đò trước chùa Hội Sơn, chuyên đưa rước khách từ trung tâm TP.HCM đến đây để đi chùa Bà Châu Đốc 3.

Những pho tượng cháy đen và…

Ấn tượng nhất với tôi, không chỉ là ngôi chánh điện, mà là những pho tượng còn sót lại sau trận hỏa hoạn năm nào.

hoi-son-co-tu
Tượng vị Bồ Tát được thờ bên hông trong gian hậu điện.

Lần đó, khi tôi ghé, tượng một vị Bồ Tát để tạm nghiêng nghiêng trong một cái thau nhựa cũ bên hông chùa, trong một khung cảnh đìu hiu ngổn ngang của một ngôi chùa cháy chánh điện đã nửa năm. Pho tượng cổ còn khá nguyên vẹn. Nay ghé lại, sau một hồi tìm kiếm thì thấy ngài đã có vị trí khác hơn, phía hàng hiên, bên hông gian hậu điện. Có lẽ, pho tượng quá cũ kỹ, mới mấy năm gió sương đã bị mối mọt ăn chân tượng nên không tiện trưng thờ trên các gian chánh thức chăng? Nhất là khi, hầu hết các pho tượng ở chánh điện là tượng mới, đẹp về mặt thẩm mỹ và cũng phù hợp với không gian chung của ngôi chùa. Nhưng dù sao, pho tượng Bồ tát cũ này vẫn có chỗ che nắng mưa, có khói hương.

hoi-son-co-tu
Phật cháy, tòa sen cũng cháy thành than!

Trong khuôn viên chùa, khuất sau lưng các tháp tổ, gần xưởng gỗ thi công cho chùa, là một loạt tượng được đặt để khá lộn xộn trong một góc. Bên cạnh các đồ gỗ cũ xưa còn sót lại sau trận cháy năm nào vẫn còn nằm phơi nắng mưa ngoài sân chùa, là các pho tượng Phật cổ bị cháy bị bỏ nằm một góc ngổn ngang phía hông chùa. Tôi đếm được 16 tượng đã cháy đen ngòm. Lúc chùa cháy, người ta thống kê có hơn 70 pho tượng bị cháy, nay, cháy mà còn giữ được hình hài, thì còn những bức này!

hoi-son-co-tu
Xưa được trọng kính thờ trên từng bệ riêng biệt khói nhang, nay thì cũng cùng chung một chốn!

Bề ngoài những pho tượng này đã thành than đến mức không am hiểu sẽ không nhìn ra đó là tượng gì. Những pho tượng lớn nhỏ đặt la liệt sát gần nhau, có cái đứng lẻ loi một mình, có cái đối diện nhau. Loạt tượng này đã ngồi đứng như thế suốt mấy năm qua, mặc mưa nắng bao mùa. Trông như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt rất dễ động lòng giữa khung cảnh khu tháp mộ cũ kỹ đối lập với chánh điện và dãy nhà sau mới xây lại rực nắng màu sơn mới. Trong đó, lớn nhất có pho tượng phật Thích Ca cùng tòa sen đã cháy và vạt mất phần phía sau đầu, để lộ bên trong lõi gỗ quý trăm năm còn rất tốt như không liên quan gì bề ngoài đã thành những khối than bao phủ. Nếu đến chùa vào buổi chạng vạng, người ta dễ có một cảm giác khang khác khi đi ngang những pho tượng này. Nắng chiều yếu ớt qua đám lá cây, tháp cổ yên bóng, không gian tĩnh mịch khiến những bức tượng đen ấy như sống động và huyền bí hơn.

hoi-son-co-tu
Bức tượng thành than được cho là tượng Tiêu diện đại sĩ đứng ngậm ngùi bên hông chùa mới.

Nghe nhiều người đi chùa kể lại, tượng bị cháy nhưng rất thiêng. Không ít người đã khấn vái lễ bái nghiêm cẩn thành tâm như họ từng làm khi các pho tượng còn ngự trong chánh điện năm xưa. Và những nguyện cầu của họ đều hiệu nghiệm. Nên không lạ khi giữa trưa đứng bóng nắng chang chang, vẫn có người chắp tay thành kính khấn vái rất lâu trước những pho tượng cháy ấy.

Dường như, quyện hương khói trăm năm và hấp thụ những năng lượng tâm linh tích cực nhất định, linh ứng? Mà thực tế, nhiều pho tượng, cháy đen hết bề ngoài nhưng lõi bên trong vẫn còn là gỗ. Được hiểu là hồn cốt vẫn còn (?). Thế nên, dù để như thể bỏ quên một góc, những pho tượng cháy đen ấy vẫn để lại những bí ẩn cho khách đến chùa khi đi ngang qua khu vực này.

hoi-son-co-tu
Sau trận hỏa hoạn, tượng gỗ nứt toác cho thấy lõi bên trong còn rất tốt của loài gỗ quý dù bên ngoài đã thành than.

Lẽ ra, những pho tượng này cần có một vị trí khác phù hợp hơn, như chứng tích một thời cho ngôi chùa vậy! Tôi tìm gặp vị trụ trì để thưa chuyện nhưng hôm ấy ông đi vắng. Nhiều người tặc lưỡi, có lẽ, nhà chùa cũng lúng túng không biết xử lý thế nào cho phải với những pho tượng cháy đen kia?!

Tôi thì nghĩ, thôi đừng đem đi đâu cả, cứ để đấy. Biết đâu, như thế, còn giúp cho khách viếng chùa chiêm nghiệm thêm một vài điều gì đó cần thiết. Trước đây, còn sơn son thiếp vàng, uy nghi ngự trên bàn thờ chúng sanh hướng lên thành kính dâng kinh kệ chuông mõ hương khói trăm năm, một đêm sau cơn hỏa biến, thoắt cái, phải ra lề! Đời vô thường, vạn vật biến đổi khôn lường, ngẫm đâu cho xa.

Đôi khi tượng, thánh thần cũng như người, hay cũng do người cả mà thôi?

Bài & ảnh: L.M.Hạ

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/hoi-son-co-tu-nhung-tuong-chay-tram-tu/

Cùng chuyên mục