Hiến kế để kinh tế Việt Nam bật dậy trong dịch virus corona

Nhiều doanh nhân đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn để kinh tế Việt Nam bật dậy, vượt qua những ảnh hưởng của dịch virus corona.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều ngành kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi dịch bệnh virus corona. Do đó, GDP có thể giảm so với mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đánh giá vẫn có rất nhiều cơ hội và đề xuất những cách làm hay để phục hồi kinh tế.

Chiến lược dài hơi để phát triển công nghiệp phụ trợ

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, cho rằng cần có một chiến lược ở cả tầm doanh nghiệp và tầm quốc gia để ứng phó với những rủi ro như dịch virus corona vừa qua.

Ông Phú phân tích trong tiến trình toàn cầu hóa, Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh lớn ở nhiều ngành hàng nên nổi tiếng là “công xưởng của thế giới”. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới phụ thuộc vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc cũng có nhiều nước muốn xuất khẩu nông sản sang thị trường 1,3 tỷ dân.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse. Ảnh: Quỳnh Trang

Ông cho biết nhiều doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu và thị trường Trung Quốc. Điều dễ nhận thấy là dịch bệnh ảnh hưởng nhiều ngành sản xuất. Có những doanh nghiệp đã nội địa hóa được 90-95%, nhưng vẫn phụ thuộc vào một số nguyên phụ liệu nhỏ từ Trung Quốc.

Do đó, ông đề xuất ở tầm doanh nghiệp, cần có chiến lược dự trữ nguyên, phụ liệu thông minh. Cần phân chia các loại nguyên phụ liệu để có cách dự trữ khác nhau. Những nguyên phụ liệu quan trọng, khó mua, giá trị cao… có thể phải dự trữ kéo dài để đảm bảo sản xuất 2-3 tháng. Những nguyên phụ liệu dễ mua hơn, kém quan trọng hơn, có thể dự trữ ngắn hơn.

Tuy nhiên, ông cho rằng ở tầm quốc gia, về lâu dài Chính phủ cần có chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ dài hơi hơn. Chính phủ cần xác định rõ những nguồn nguyên phụ liệu quan trọng, ảnh hưởng nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành, để có cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nhà máy ngay trong nước.

Xa hơn, cần xây dựng một chuỗi cung ứng, kết nối các doanh nghiệp phụ trợ để hỗ trợ sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, tứ đó xây dựng kinh tế tự chủ, ít phụ thuộc vào bên ngoài.

Với các doanh nghiệp sản xuất, đây là cơ hội để tìm kiếm cơ hội và mở rộng chuỗi cung ứng ngay tại Việt Nam.

“Doanh nghiệp FDI sẽ hiểu rằng không thể mãi phụ thuộc vào doanh nghiệp phụ trợ Trung Quốc. Đây là cơ hội cực tốt để họ xây dựng chuỗi cung ứng ngay tại Việt Nam. Cũng là cơ hội để kết nối doanh nghiệp Việt và khối FDI”, một quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Đa dạng hóa thị trường

Trao đổi với Zing.vn, ông Brino Joussenlin, Giám đốc điều hành hệ thống Mega Market Việt Nam, cho rằng cần có sự đầu tư chuyển hướng áp dụng công nghệ hiện đại. Ông cũng cho rằng Chính phủ cần cùng người nông dân dự báo về hàng hóa tầm nhìn 3-6 tháng.

Khi hàng hóa có chất lượng, áp dụng công nghệ hiện đại, lại có thể dự báo, có thể xuất đi nhiều nước khó tính, chứ không mãi phụ thuộc vào một thị trường.

Đồng tình, ông Đặng Ngọc Cẩn, Tổng giám đốc Lavifood, cho rằng doanh nghiệp chế biến sâu có những lợi thế nhất định trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Áp dụng công nghệ kết hợp trồng, chế biến và bảo quản nông sản sẽ nâng cao giá trị và giúp hàng hòa Việt Nam đến được nhiều thị trường hơn.

Đa dạng hóa thị trường, đối tác cũng là một trong các giải pháp mà chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng BIDV, TS. Cấn Văn Lực đề xuất. Việc này nằm trong nhóm giải pháp trung và dài hạn.

Nhiều loại nông sản đang chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường Trung Quốc. Ảnh: Phạm Ngôn

Ông Lực nhấn mạnh đã đến lúc Việt Nam cần quan tâm xác định và giải quyết những vấn đề then chốt, căn cơ và tầm nhìn chiến lược hơn.

Điển hình như việc thực thi chiến lược đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác là cấp bách, nhằm hạn chế việc phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc một vài thị trường.

Ngoài ra cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung nhiều hơn vào các yếu tố chất lượng, sáng tạo, bao trùm và bền vững.

“Cần làm chủ một số yếu tố đầu vào để hạn chế nhập khẩu, vừa tăng tính chủ động trong nhiều tình huống khác nhau, vừa tạo việc làm và tăng khả năng kết nối giữa các khối doanh nghiệp”, ông đề xuất.

Vị này cũng nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp một cách hiệu quả, lâu dài gắn kết chặt chẽ với phát triển nông thôn mới, hợp tác xã kiểu mới và quá trình đô thị hóa là rất quan trọng.

Ông này cũng đề xuất cần nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài nhờ nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ trong nước.

Theo ông Lực, về ngắn hạn, cần quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt đầu tư công, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường kinh doanh.

Chính phủ cũng cần có phương án hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

Ông Lực đề xuất Chính phủ có tính đến phương án nới lỏng nhẹ tiền tệ và tài khóa, chưa tính đến gói kích thích kinh tế.

“Cục tiền từ trên trời rơi xuống”

Trong cuộc họp ngày 11/2 với đại diện nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được nhiều hiến kế của doanh nghiệp, chỉ ra các cơ hội cho nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh.

Có lĩnh vực được hưởng lợi, nông sản tươi, hoa quả tươi, thủy sản tươi ảnh hưởng nghiêm trọng, liên quan đến con đường giao thương, thị trường. Vấn đề không phải là Trung Quốc không nhập, mà không có công nhân bốc vác, vận chuyển.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng vẫn có nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch. Ảnh: Hoàng Hà

Theo nhận định của các doanh nghiệp nông nghiệp, khi các mặt hàng nông sản, hoa quả tươi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thì hoa quả chế biến vẫn tăng trưởng tốt. Đây là cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp chế biến sâu mua nguyên liệu với giá rẻ hơn thị trường. Điển hình như thanh long chỉ còn khoảng 4.000-5.000 đồng/kg trong khi giá bình thường là khoảng 15.000-20.000 đồng/kg.

Trong khi đó, người nông dân cũng cần bán sản phẩm của mình. Việc người trồng vừa bán được sản phẩm, doanh nghiệp vừa thu mua được nguyên liệu khiến cả 2 bên cùng có lợi.

“Đây là thời điểm cực tốt cho các doanh nghiệp chế biến, khi họ đã đầu tư kho lạnh, dây chuyền hiện tại từ trước. Giống như một cục tiền từ trên trời rơi xuống vậy”, lãnh đạo một doanh nghiệp nông nghiệp ở Bắc Giang nhận định.

Với những kho lạnh dự trữ được hàng hóa, hứa hẹn sẽ “bung” được hàng đón đầu xu hướng mua sắm ngay sau dịch.

Trong khi đó, Tổng cục Thống kê thì nhận định thương mại điện tử và dịch vụ giao nhận là những điểm sáng cho tăng trưởng ngay trong bối cảnh dịch bệnh. Khi chợ truyền thống, trung tâm thương mại ảm đạm, người tiêu dùng có xu hướng chọn kênh thương mại điện tử. Khi đó, dịch giao nhận hàng hóa, đồ ăn cũng tăng mạnh.

Theo thống kê của hiệp hội các nhà bán lẻ Hàn Quốc tại Việt Nam, lượng người mua sắm tại các trung tâm thương mại đã sụt giảm 60%. Tuy nhiên, người tiêu dùng có xu hướng dịch chuyển sang thương mại điện tử để bù đắp nhu cầu.

Hiếu Công

Theo Zing.vn

 

Link nguồn: https://news.zing.vn/hien-ke-de-kinh-te-viet-nam-bat-day-trong-dich-virus-corona-post1046143.html

Cùng chuyên mục