Hàng mù u quê nội

Nhánh mù u con bướm vàng không đậu, câu ca từ thuở thơ dại ru sang…” Đã bao lần nghe câu hát Sông quê, cũng từng vài lần ngước nhìn tán mù u cao tít tắp, nhưng chưa lần nào tôi thấy bướm vờn quanh hoa nhánh mù u.

Ngôi nhà cũ của nội có một hàng mù u dọc mé sông, không biết được trồng tự bao giờ nhưng khi tôi chín mười tuổi, mấy gốc mù u cũng đã to bằng bốn lần gang tay chú út Thia tôi hồi đó. Gần mười năm trước, nội bán miếng đất có ngôi nhà cũ để mua miếng đất mới, về sống gần con cháu hơn, tôi cũng không còn đi ngang hàng mù u mỗi lần về thăm nội nữa.

Bông và trái mù u là một trong những trò chơi thuở nhỏ của tôi và mấy cô, mấy chú mỗi lần tôi về quê nội chơi dăm ba ngày hay nửa tháng. Gọi là cô, chú nhưng thật ra các cô chú chỉ ngang ngửa tuổi tôi hoặc hơn tôi một, hai tuổi. Cô Chải, cô Gái và chú út Thia là ba người con sau cùng của ông Sáu, em ruột bà nội tôi, nhà cũng gần nhà nội và chơi thân với tôi thuở nhỏ. Những trưa trốn ngủ, bọn tôi thường tụ tập dưới bóng râm của hàng mù u, cạnh nhánh sông nhỏ trước ngõ nhà nội, chơi trò đồ hàng hoặc đập trái mù u khô.

Trái mù u tươi. Nguồn ảnh: tinhdauthom.vn

Cây mù u vốn dĩ rất cao, chúng tôi chỉ “ăn may” lượm mù u nhờ gió lớn chứ không đường nào hái tới. Những cơn gió rào rào thổi qua nhánh sông, xạc xào hàng dừa nước, làm đung đưa mấy chùm mù u cao tít, mát rượi gió Hè. Cái cảm giác ngửa cổ chờ mù u rụng, chẳng khác nào chờ sung rụng, đầu óc non nớt của tôi ngày ấy chỉ tưởng tượng đến thế là cùng. Có khi gió lớn quá làm rụng cả những trái mù u non và chùm bông mới nở, chúng tôi đều giành nhau lượm sạch.

Trái mù u khô chúng tôi đập vỏ lấy nhân rồi xỏ xâu, đem phơi nắng. Thường tranh nhau xem ai có xâu nhân mù u nhiều nhất, đó là thú vui của tụi con nít miệt vườn chúng tôi. Tranh thì tranh cho vui vậy thôi, chứ đến lúc đốt nhân mù u, bốn đứa túm tụm đốt cùng nhau, chẳng ai giành cũng chẳng ai xin thêm đứa khác. Nhân mù u rất nhiều dầu, càng phơi khô càng cháy bạo, tiếng xèo xèo khi cháy nghe rất “đã”. Có lần tôi bị cô Út, là em ruột của cha, la một trận tơi bời khói lửa vì lén lấy hộp quẹt trong bếp của nội ra nhóm lửa đốt mù u. Thiệt ra vì từ chỗ tụ tập về nhà nội gần hơn nên tôi được phân công về lấy hộp quẹt và bị cô Út phát hiện. Vì cô Út sợ tụi tôi chơi lửa bị phỏng, bởi mù u sẽ bắn dầu khi cháy. Thế là “tan chợ”, ai về nhà nấy, phải mấy trưa sau chúng tôi mới dám tụ tập chơi lại.

Bông mù u màu trắng, cánh dày hơn bông bưởi một chút nhưng không thơm như bông bưởi. Thuở đó, tụi tôi lượm bông mù u rụng để chơi đồ hàng, bày trò ăn uống sau khi chán chê trò đốt nhân mù u khô. Đổ miếng nước sông vào miểng gáo dừa, xắt vài lát trái mù u non, thêm dăm ba cánh bông mù u là đã có món ăn để đời của bộ bốn bọn tôi. Đứa bán, đứa mua rộn rạo góc quê đầu ngõ… Mẹ kể hồi cha cưới mẹ, bà nội cho đôi bông tai mù u cẩn hột xanh làm sính lễ. Đôi bông tai ấy đến giờ ngoại vẫn giữ giùm mẹ. Dù có lần nài nỉ ngoại cho tôi coi với nhưng ngoại vẫn chưa cho, ngoại bảo lấy ra khó lắm nên tôi cũng không xin coi nữa.

Có lần tôi hỏi nội, sao lại gọi là cây mù u hả nội? Nội không trả lời, chỉ đố ngược lại tôi, chứ cây gì vừa xấu vừa khổ? Sau một hồi suy nghĩ, tôi trả lời là cây mù u, vừa bị mù còn bị u. Nội cười, ừ là cây mù u, tại cây tên gọi mù u, thế thôi, nội không giải thích được.

Mấy năm sau đó, khi đang thịnh bài hát Sông quê do ca sĩ Phi Nhung và Thái Châu trình bày (sau này tôi mới biết tên ca sĩ), tôi nghe hoài riết thuộc. Cũng đôi lần ngẩng đầu nhìn tán mù u mỗi lần lên thăm nội để tìm bóng “con bướm vàng” như trong lời bài hát nhưng chẳng thấy đâu. Chắc tại bông mù u không thơm, nhánh mù u không có mùi thu hút giống như hoa bưởi thu hút bướm ong hay nhánh bần thu hút đom đóm vậy.

Bây giờ đã không còn ai chơi trò lượm trái mù u. Chúng tôi lớn lên mỗi đứa mỗi phương, các cô chú chơi cùng tôi cũng đã yên bề gia thất. Gần mười năm rồi tôi cũng không về lại nơi xưa, nơi có ngôi nhà cũ của nội và hàng mù u lao xao trong gió. Bây giờ nội cũng thôi đố chữ “chứ cây gì vừa xấu vừa khổ” rồi bùi ngùi nhìn ra ngõ xa xa…

Miên Viễn

 

Cùng chuyên mục