Hạn chế rác thải có dễ?

Sống bền vững, không rác thải đang là xu hướng của những người quan tâm đến môi trường. Tuy vậy, lời khuyên hữu ích cho việc này là bạn hãy làm điều đó một cách tự nhiên như một thói quen cần thiết, không gây áp lực cho mình về bất kỳ mục tiêu nào.

Sống bền vững trên lý thuyết là lối sống cố gắng giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của một cá nhân hoặc xã hội. Những người thực hành cuộc sống bền vững thường cố gắng giảm lượng khí thải carbon bằng cách thay đổi phương pháp vận chuyển, tiêu thụ năng lượng và chế độ ăn uống.

han-che-ra-thai-co-de

Câu chuyện của ba phụ nữ dưới đây rất đáng tham khảo, vì với họ, sống bền vững là khái niệm “tự nhiên như hơi thở” và không cần khoa trương thành tích giảm thiểu rác thải của mình.

Tái sử dụng các món đồ cũ

Nhà thiết kế nội thất Amanda Hilton Sawyer sống ở Mỹ 25 năm trước khi chuyển về quê hương Limerick, Ireland, hai năm trước. Bà chia sẻ về ý niệm sống bền vững của bản thân:

“Mọi thứ tôi làm đều nghĩ đến tính bền vững trước tiên. Nếu tôi định mua bất cứ thứ gì, tôi sẽ đặt câu hỏi là mình dùng món đó trong bao lâu, thậm chí có dùng cả đời được không. Tôi có ác cảm với bất cứ thứ gì dùng một lần. Nếu tôi cảm thấy mệt mỏi với một món đồ, tôi liền thay đổi cách sử dụng, tận dụng nó cho công năng mới hoặc tìm cách bán lại cho người khác. Hầu hết các lựa chọn của tôi đều dựa trên triết lý đó. Gần như tất cả đồ đạc mà tôi đang dùng trong nhà đều là đồ cũ hoặc tái sử dụng.

Tôi thích xu hướng bày hoa khô trong nhà thay vì hoa tươi. Các cửa hàng hoa tươi nhìn rất thu hút nhưng người bán hoa sẽ không bao giờ cho bạn biết rằng việc kinh doanh hoa có thể rất độc hại. Một số loại hoa đắt tiền như hoa hồng thường được trồng bằng nhiều thuốc trừ sâu. Trong khi đó, với việc cắm hoa khô, bạn có thể tùy thích sáng tạo các loại hoa khô theo sở thích cá nhân, và có thể bày biện từ bàn ăn đến phòng khách.

han-che-ra-thai-co-de
Nhà thiết kế nội thất Amanda Hilton Sawyer

Trong cuộc sống hàng ngày, tôi mua rau ở chợ nông sản để tránh dùng bọc ny lông. Tôi cố gắng đi bộ 90% thời gian – đó là lý do tại sao điều quan trọng đối với tôi là sống trong thị trấn, gần chợ hoặc cửa hàng thực phẩm. Không có chuyện tôi phải lái xe hơi để mua một bình sữa hay vài món đồ lặt vặt. Hầu hết các món đồ nội thất trong nhà tôi đều là đồ cũ được mua ở chợ trời.

Khi bắt đầu trang trí nhà, tôi để tâm việc tìm đến các vật liệu tự nhiên. Chẳng hạn như chọn sơn thân thiện với môi trường – với ít hóa chất hơn và thùng đựng sơn có thể tái chế để trồng cây hay đựng đồ lặt vặt trong nhà. Tôi cũng tránh việc vứt bỏ những món đồ cũ bằng cách tái sử dụng nó. Thay vì vứt bỏ một chiếc tủ đầu giường cũ kỹ, tôi sơn phết lại và biến nó thành món đồ trang trí trong phòng con gái.”

Đòi hỏi rất nhiều sự chuẩn bị

Aigul Safiullina, một cư dân sống ở Hồng Kông, chia sẻ trải nghiệm của cô khi tuân theo lối sống không rác thải, dùng một chiếc lọ thủy tinh nhỏ để có thể kiểm soát lượng chất thải của mình mỗi ngày. Cô chia sẻ:

“Hai năm trước, tôi đã đưa ra quyết định hơi khó khăn và có phần bất tiện là giữ tất cả rác thải của mình trong một chiếc lọ thủy tinh. Tôi muốn góp phần tạo ra tác động môi trường, ủng hộ hành tinh xanh. Trên thực tế, quyết định này dẫn đến nhiều hệ lụy không lường trước được.

Ý tưởng giữ tất cả rác thải, những thứ bạn không thể tái chế, tái sử dụng, làm phân trộn, giống như một cuộc cách mạng. Tôi cố gắng theo dõi tất cả lượng chất thải của mình và giảm thiểu chúng để vừa với một cái lọ nhỏ. Để làm được điều đó, tôi đã thay thế các sản phẩm sử dụng một lần bằng những thứ có thể tái sử dụng.

Quy luật này rất đơn giản: Tránh tạo ra càng ít rác thải càng tốt bằng cách loại bỏ những sản phẩm dùng một lần, tái chế và làm phân trộn, mua càng ít đồ càng tốt và cho bất kỳ rác thải còn lại vào bình. Xem lại lượng rác bên trong lọ hàng tháng và tìm cách giảm hơn nữa vào lần sau. Cố gắng hết sức để cải thiện mỗi tháng và cố gắng đảm bảo chiếc lọ không đầy quá nhanh.

han-che-ra-thai-co-de
Aigul Safiullina

Thực tế, cuộc sống không lãng phí đòi hỏi rất nhiều sự chuẩn bị. Cuối tuần là dịp bạn phải tranh thủ đi mua hàng tạp hóa, thực phẩm không bao bì tại chợ vì các siêu thị chỉ bán hàng đóng gói sẵn và sau đó chuẩn bị các bữa ăn trong tuần. Mỗi sáng, tôi đóng gói bữa trưa và bữa tối của mình vào một chiếc túi và chạy quanh thành phố để hội họp, tham gia các sự kiện. Và tất nhiên, tôi không mua thêm bất kỳ món nào khác, kẻo chiếc lọ quá đầy. Điều này đôi khi trở thành thực tế khó chịu trong vài tháng.

Đồng thời, tôi nhận thấy rằng mình đang trở thành một người cáu kỉnh, dễ nổi cáu. Chẳng hạn, khi vào quán, tôi cự nự người phục vụ vì dọn kèm ống hút bằng nhựa. Tôi cũng phản đối khi nhân viên cửa hàng tiện lợi đưa cho một chiếc túi ny lông.

Tôi phản ứng ra mặt khi bạn bè quên mang theo ly cá nhân. Tôi tin rằng mình vẫn còn nợ một vài người trong số họ một lời xin lỗi vì sự đáng ghét của mình. Có vẻ như tôi đang tự biến mình thành một “cảnh sát không rác thải” đối với những người xung quanh.

Đây là lúc tôi nhận ra điều gì đã giải thoát cho mình: Lối sống xanh cần hàng trăm người có ý thức về việc hạn chế rác thải khi có thể chứ không chỉ vài ba người cực đoan với một chiếc lọ rồi tự làm khổ mình.”

“Tất cả đều bắt đầu tại nhà”

Là người mẫu, diễn viên nổi tiếng ở Bollywood, Dia Mirza đồng thời cũng là chiến binh sinh thái được Liên Hiệp Quốc vinh danh là đại sứ thiện chí vì cô thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững và môi trường. Dia chia sẻ:

“Ý thức về môi trường là một phần trong tính cách của tôi. Nó bắt đầu từ căn nhà của chính mình trong những thói quen hàng ngày như tiết kiệm một xô nước, tắt đèn và quạt khi không có ai trong phòng hoặc phân loại rác thải để làm phân trộn.

Từ khi ý thức được điều này, tôi mất khoảng hai đến ba năm để mọi thứ đi đúng hướng và khiến mọi người xung quanh tôi nhận ra cách họ đang tạo ra sự khác biệt đáng kể thế nào. Một khi điều đó được quan tâm, hãy nghĩ về thế giới rộng lớn hơn bên ngoài như nước thải ngập ngụa rác thải nhựa kết thúc ở các bãi rác và đại dương. Thật sự thì tính bền vững nằm trong những điều nhỏ nhặt chứ không phải những điều cao siêu đâu.”

han-che-ra-thai-co-de
Người mẫu, diễn viên nổi tiếng ở Bollywood, Dia Mirza.

Bạn hãy suy ngẫm từ bền vững để hiểu ý nghĩa thực sự của nó và tìm cách sửa đổi các hoạt động hàng ngày của bạn. Thực hiện những thay đổi nhỏ và cân nhắc thử liệu mọi việc mua sắm của mình có gây hại cho môi trường hay không. Nếu không cần thiết phải mua đồ mới để dự tiệc tùng, bạn hãy cố gắng sử dụng lại quần áo và đồ đạc cũ. Đây là những gì tôi đã làm và mọi thứ rất ổn.

Hầu hết chai lọ đều có thể tái sử dụng và mọi thứ khác đều có thể tái chế, nếu bạn chịu khó tìm tòi và sáng tạo các dùng chúng. Cô tự hào nói rằng mình đã tuân theo các quy tắc thực hành bền vững trong 5 năm qua và đã tham gia trồng đến 8.000 cây xanh.

“Niềm tin của tôi là mỗi người góp phần một chút, thì sẽ làm cho thế giới trở thành một nơi trong lành hơn. Và chúng ta làm điều đó cũng vì lợi ích của các thế hệ mai sau.”

Một số lời khuyên hữu ích

  • Thực hành chủ nghĩa tối giản. Chủ nghĩa tối giản không có nghĩa là sống mà không có bất cứ thứ gì, nó có nghĩa là bạn đang đảm bảo rằng mọi thứ bạn sở hữu và sử dụng đều đạt mục đích tối đa. Với lối sống tối giản, bạn sẽ tái chế nhiều hơn.
  • Thay đổi hệ thống chiếu sáng trong nhà từ bóng đèn truyền thống sang bóng đèn CFL, mở rộng cửa sổ để đem lại nhiều ánh sáng tự nhiên hơn, bạn sẽ giảm đáng kể lượng chất thải đi vào các bãi chôn lấp.
  • Bắt đầu sử dụng chất tẩy rửa tự nhiên. Bạn có thể tự làm chất tẩy rửa tự nhiên để sử dụng trong nhà thay vì mua đồ trong siêu thị. Giấm và nước có thể làm sạch hầu hết các bề mặt, và saponin từ diêm mạch được coi là chất giặt tẩy tự nhiên. Với cách này, bạn đang giảm số lượng bao bì nhựa được tạo ra và số lượng hóa chất được thải vào nguồn nước.
  • Gia tăng các hoạt động giải trí không cần cắm điện như đọc sách. Bằng cách giảm sự phụ thuộc vào các hình thức giải trí đòi hỏi năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, bạn có thể giúp giảm nhu cầu và tiêu hao chúng.
  • Duy trì một giấc ngủ sớm mỗi ngày có nghĩa là bạn đang trở nên hòa hợp hơn với ánh sáng tự nhiên trong ngày. Điều này không chỉ tốt hơn cho sức khỏe mà còn giúp làm giảm lượng điện năng sử dụng khi bạn hoạt động.

Giảm nhu cầu mua sản phẩm mới của bạn nếu món đồ đó không quá cần thiết và món đồ cũ hãy còn xài được. Học cách tái sử dụng hoặc thay đổi công năng cho các món đồ cũ thay vì vứt chúng đi.

Thiệu Kiệt

Theo GreenQueen/ Swirlster.ndtv.com

Cùng chuyên mục