Hai ông “nghè” họ Phan

Vào những năm cuối cuối thập niên thứ hai, đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 20, bà con người Việt ở Pháp vui gọi hai nhà yêu nước họ Phan là hai ông nghè, Phan Châu Trinh là “nghè ta” còn Phan Văn Trường là “nghè Tây”!

Phan Châu Trinh (1872-1926).
Phan Châu Trinh (1872-1926).

14 năm trên đất Pháp

Ngay từ năm 1909, sau khi nhận được thư của Babut gửi ra Côn Đảo báo tin sẽ được thả, Phan Châu Trinh đã có ý định sang Pháp. Ý định này được ông thông báo cho các đồng chí ở Côn Đảo như Huỳnh Thúc Kháng, Lê Bá Trinh, Ngô Đức Kế… Quyết định này xuất phát từ các nguyên nhân chính:

  • Sau sự biến năm 1908, các đồng chí người thì chết, phần lớn bị bắt giam trong các nhà lao, nhiều nhất là Côn Đảo và Lao Bảo; không khí khủng bố bao trùm khắp nơi; cơ sở Duy tân bị phá tan hoang (hội buôn trường học bóng tan bọt chìm – HTK). Tình hình đó sẽ rất khó cho các hoạt động trong nước.
  • Có thể trực tiếp kêu oan để vận động giải cứu cho các đồng chí lãnh đạo phong trào yêu nước đang bị giam cầm. Đây vừa là tình cảm cá nhân, trách nhiệm của người lãnh đạo cũng vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng.
  • Qua một số người Pháp tiến bộ (bác sĩ Yersin, quan ba Jules Roux, Babut..) và Liên minh Nhân quyền, Phan Châu Trinh hy vọng có thể trực tiếp lên án chính sách chuyên chế của thực dân Pháp ở Việt Nam và sự tàn ác của quan lại Nam triều và nhất là vận động lực lượng tiến bộ ở Pháp can thiệp để gây sức ép lên Chính phủ Pháp đòi thực hiện những cải cách dân chủ ở Đông Dương.

Trước khi đi, ông đã làm bài thơ “Gửi quốc dân đồng bào” để “trần tình” cùng các đồng chí và đồng bào vì nhiều người không hiểu hết ý định của ông. Đầu tháng 4.1911 ông cùng con trai Phan Châu Dật lên tàu sang Pháp. Ngày 27.4 đến Paris. Hơn 14 năm trên đất Pháp, dù gặp rất nhiều khó khăn, Phan Châu Trinh vẫn kiên định lập trường và đấu tranh không mệt mỏi cho nền độc lập và sự tiến bộ của dân tộc. Xin nêu một số hoạt động tiêu biểu:

  • Gửi cho Hội Nhân quyền bản điều trần về vụ trấn áp những người dân cự sưu kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908 (thường gọi là Trung Kỳ dân biến tụng oan thủy mạt ký).
  • Lên tiếng tố cáo tình trạng đối xử tàn tệ các tù nhân ở Côn Lôn và nhờ Liên minh cầm quyền, đảng Xã hội Pháp can thiệp nhằm giảm án cho các tù nhân từ vụ kháng thuế.
  • Tiếp xúc với các nhân vật cấp cao của Pháp thuộc đủ mọi khuynh hướng để đưa ra những dự án cải tổ nền chính trị ở Việt Nam.
  • Tham gia thành lập Hội Đồng bào thân ái, một tổ chức người Việt yêu nước đầu tiên tại Pháp.
  • Năm 1919, cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi cho Hội nghị Versailles.
  • Năm 1922, viết Thư thất điều lên án Khải Định, cũng là lên án chế độ phong kiến lạc hậu của nước ta.
  • Viết Tỉnh quốc hồn ca mới trình bày thực trạng tăm tối của xã hội Việt Nam dưới chế độ thực dân phong kiến và đường lối cải cách dân chủ để cứu nước.

Thấy hoạt động ở Pháp không đạt được những kết quả như mong đợi, mặt khác tình hình thế giới và trong nước có một số thay đổi, Phan Châu Trinh đã xin về nước để đấu tranh trực diện với chính quyền thuộc địa. Sau nhiều lần từ chối, đến cuối năm 1925, nhận thấy sức khỏe của Phan Châu Trinh đã suy yếu, Pháp mới đồng ý cho ông về. Ông cùng Nguyễn An Ninh lên tàu ngày 27/4 và về đến Sài Gòn ngày 26/6/1925, sau đúng 14 năm 1 tháng 2 ngày lưu lạc xứ người!

Sự tương trợ

Ở Pháp, Phan Châu Trinh – một vị phó bảng nho học, không biết tiếng Pháp, hoạt động được là nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó nổi bật là Phan Châu Dật – con trai của ông, quan ba Jules Roux và đặc biệt là Luật sư Phan Văn Trường.

Phan Văn Trường (1876-1933).
Phan Văn Trường (1876-1933).

Phan Văn Trường sinh năm 1876 trong một gia đình yêu nước ở làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp và thành luật sư, ông làm phiên dịch ở Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Năm 1908, ông được đưa sang Pháp giảng dạy tiếng Việt tại trường Ngôn ngữ Phương Đông ở Paris. Sau thế chiến thứ nhất, ông tiếp tục học luật và trở thành Tiến sĩ Luật đầu tiên của Việt Nam. Phan Văn Trường cũng là một trong số rất ít người Việt có quốc tịch Pháp nhưng với mục đích dễ dàng đấu tranh hợp pháp, công khai cho độc lập của Việt Nam. Trong thời gian từ 1908 – 1923, ông đã tích cực hoạt động yêu nước và giao lưu nhiều với những người cùng chí hướng.

Năm 1923, Phan Văn Trường về nước để đấu tranh trực diện với Pháp, cùng Nguyễn An Ninh thành lập tờ Chuông Rè (La Cloche Fêlée) và Nước Nam (L’Annam) bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn. Ông đã 2 lần bị Pháp bắt giam tại Pháp năm 1914 – 1915 và tại Sài Gòn năm 1927. Ông mất ở Hà Nội năm 1933.

Khi Phan Châu Trinh sang Pháp, hai nhà yêu nước Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường đã sớm gặp nhau, cùng bàn kế hoạch tranh đấu lâu dài. Sự cộng tác của hai nhà yêu nước họ Phan được bắt đầu bằng việc Phan Văn Trường dịch bản “Trung kỳ dân biến tụng oan thủy mạt ký” của Phan Châu Trinh để trao cho Liên minh Nhân quyền nhằm giải cứu cho các đồng chí đang bị giam trong nước. Tiếp đó, Phan Văn Trường là người lo các thủ tục pháp lý và đứng tên làm Chủ tịch để thành lập tổ chức Hội Đồng bào thân ái, một tổ chức yêu nước người Việt đầu tiên ở nước ngoài theo đề xuất của Phan Châu Trinh.

Đánh giá về vai trò của Phan Văn Trường đối với Phan Châu Trinh trong thời gian ở Pháp, Tiến sĩ Thu Trang cho biết: “Ông Trường cũng chính là người bồi dưỡng cho Phan Châu Trinh các thông tin mới mẻ về tình hình thế giới và Đông Dương qua nguồn báo chí phương Tây. Ông cũng bày vẽ cho Phan Châu Trinh các hiểu biết cơ bản về luật pháp, thủ tục làm việc, cách ăn ở cư xử sao cho phù hợp với xã hội phương Tây. Ngoài ra, ông Trường là người nói lên và viết ra tiếng Pháp những suy nghĩ của Phan Châu Trinh. Tóm lại chính phần lớn nhờ ông Trường mà Phan Châu Trinh sớm thích nghi được với hoàn cảnh sống và hoạt động ở Pháp, sớm phát huy tác dụng và ảnh hưởng để tiếp tục đấu tranh ở môi trường mới mẻ này…” (Những hoạt động của Phan Châu Trinh trên đất Pháp, Nxb Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, năm 2000, trang 50).

Phan Văn Trường cũng là người giúp Phan Châu Dật học tiếng Pháp và hội nhập môi trường mới. Nhờ vậy chỉ sau một thời gian ngắn Phan Châu Dật trở thành “cây gậy chống” cho Phan Châu Trinh giữa một xứ sở xa lạ, là “thầy dạy” tiếng Pháp và “thông dịch viên” cho Phan Châu Trinh trong giao tiếp, nhất là với giới báo chí. Sau này, nhất là khi Phan Châu Trinh bị giam ở ngục Santé, Phan Châu Dật đã góp phần rất lớn để đưa cha ra khỏi nhà lao thông qua việc dịch các đơn kiện và liên hệ với các nhân vật có khả năng cứu Phan Châu Trinh.

Lê Thí
Theo Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục