Hai mảng màu bức tranh kinh tế địa phương

Hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh tháng 5 tăng trưởng đáng kể so với tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so cùng kỳ.

Những thống kê về sự tăng trưởng của các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho thấy nền kinh tế Quảng Nam đã bắt đầu vận hành bình thường trở lại. Ảnh: T.D

Tăng, nhưng chậm

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam công bố dư nợ tín dụng đến cuối tháng 5/2020 đạt gần 76,1 nghìn tỷ đồng (dư nợ bằng VNĐ chiếm gần 97,3%), tăng 1,8% so tháng trước và tăng 3,2% so đầu năm.

Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, xe có động cơ khác, công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, nông lâm thủy sản, hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất, dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình, dịch vụ lưu trú, ăn uống… được đánh giá là các ngành kinh tế có tỷ trọng cao trên tổng dư nợ cho vay trên địa bàn.

Song, nền kinh tế địa phương vẫn chưa thể thoát khỏi sự “phong tỏa” của đại dịch Covid-19 khi sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ… dù đã bắt đầu tăng trưởng trở lại, vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc khi còn thấp hơn nhiều so cùng kỳ.

Tác động tiêu cực của đại dịch vẫn “đóng đinh” trên các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp càng lớn, kinh doanh đa ngành nghề, theo chuỗi giá trị liên kết quốc tế chặt chẽ, phạm vi hoạt động rộng càng bị tác động cao. Ảnh hưởng nặng nề thuộc các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo số liệu của Cục Thống kê, ngay cả khi lệnh “giãn cách xã hội” được gỡ bỏ, nhiều doanh nghiệp vẫn đứng bên bờ vực phá sản bởi thiếu vốn kinh doanh, thiếu cả nguyên liệu đầu vào, nên lựa chọn duy nhất hiện thời là duy trì sản xuất cầm chừng, không thể nào đẩy mạnh sản xuất được hoặc sử dụng lao động luân phiên (một cách giữ chân lao động). Tệ hơn, nhiều doanh nghiệp thay vì tạm ngừng hoạt động, đã phải chuyển qua một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ (thiếu kinh nghiệm) với mong muốn “sống sót”.

Sở Công Thương cho hay, dấu hiệu phục hồi của số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường vẫn chưa có gì đáng kể. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tính tăng 30,6% so tháng trước, nhưng chỉ bằng 78,5% so cùng kỳ. Mức biến động tương ứng của từng nhóm ngành, cụ thể: khai khoáng (tăng 30,5% so với tháng trước nhưng giảm 9,8% so với cùng kỳ), chế biến chế tạo (tăng 30,9%, giảm 21,1%), sản xuất, phân phối điện (tăng 26,1%, giảm 28%), cung cấp nước sạch và xử lý rác thải (tăng 30,6%, giảm 25,1%).

Tính chung, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng qua đã giảm gần 26% so cùng kỳ năm trước. Chủ yếu ở các ngành lớn như: công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất, phân phối điện, cung cấp và xử lý rác thải, khai khoáng (giảm tương ứng 25,7%, 34,6%, 22,7% và 5,5%).

Chỉ số sử dụng lao động ước tính giảm 3,6% đến cuối tháng 5 (so cùng kỳ năm trước). Nhưng nếu khu vực nhà nước và FDI tăng nhẹ (1,8% và 1,3%) thì khu vực ngoài nhà nước lại giảm rất mạnh (11,6%). Suy giảm lao động nhiều nhất thuộc về các doanh nghiệp sản xuất đồ uống (10,4%), sản xuất trang phục (11,4%), sản xuất kim loại (22,6%), sản xuất ô tô (31,5%) và công nghiệp chế biến, chế tạo khác (24,4%)

Khởi sắc thương mại, dịch vụ

Dấu hiệu khởi sắc rõ nhất của nền kinh tế Quảng Nam dễ thấy thuộc về kinh doanh thương mại. Cho dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng qua đạt 13,85 nghìn tỷ đồng, giảm 2,8% so cùng kỳ và là mức tăng trưởng âm so các năm qua, nhưng thị trường ảm đạm bị dồn nén nhiều ngày đã bùng nổ vào tháng 5 với doanh thu 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 31,8% so tháng trước cho dù mức tăng này vẫn còn giảm 3,7% so cùng kỳ năm trước (một tỷ lệ quá nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế đang bị suy kiệt vì tác động của dịch bệnh).

Gần như tất cả nhóm ngành hàng đều tăng cao. Cụ thể, nhóm lương thực, thực phẩm (tăng 16,3%), may mặc (tăng 62%), đồ dùng, trang thiết bị gia đình (tăng 46,2%). Sau một thời gian dài tạm dừng, lĩnh vực giao thông, xây dựng đã tái hoạt động dẫn đến ngành gỗ, vật liệu xây dựng tăng 73,7%; xăng dầu tăng 31,7%; hàng kim loại tăng 33,9%…

Nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi… đã mở cửa nên kết quả kinh doanh bắt đầu tăng. Lượng khách lưu trú gần 12 nghìn lượt khách, tăng 68,8% so với tháng trước nhưng giảm đến 96% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 21,6%, nhưng giảm 96,2% so cùng kỳ, doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 57,5% nhưng cũng giảm 55,9%. Theo tính toán của Sở VH-TT&DL, kinh doanh du lịch có tăng nhưng nhưng cũng chỉ bằng khoảng 50% so cùng kỳ.

Số liệu của Cục Thống kê không bàn định hoặc phân tích gì về số lượng doanh nghiệp tăng, giảm hoặc số thuế thu vào cho ngân sách tháng 5 hay 5 tháng gia tăng hay sụt giảm. Nhưng, những thống kê về sự tăng trưởng của các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho thấy nền kinh tế đã bắt đầu vận hành trở lại một cách bình thường.

Kinh tế Quảng Nam không thể tự mình làm cuộc cách mạng chuyển đổi mà phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, sự phục hồi của các nền kinh tế, các chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu. Song, những thông tin tốt về kiểm soát dịch bệnh, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và các kế hoạch, kịch bản phục hồi kinh tế đang được chính quyền xây dựng, thực thi…, hy vọng bức tranh kinh tế địa phương sẽ có được một bản báo cáo, thống kê “đẹp đẽ” hơn trong tháng tới!

Trịnh Dũng

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/kinh-te/hai-mang-mau-buc-tranh-kinh-te-dia-phuong-88623.html

Cùng chuyên mục