‘Hacker tăng trưởng’ giúp start-up đột phá trong giai đoạn hậu Covid-19

Những bí kíp này không chỉ giúp các công ty start-up mà cả các doanh nghiệp nói chung thúc đẩy tăng trưởng với chi phí “0 đồng”.

Tính tới thời điểm hiện tại, do tác động của dịch covid, đã có hơn 35 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường – một con số kỷ lục. Với các doanh nghiệp còn lại, đặc biệt là các start-up – vốn “mỏng” về tiềm lực tài chính và nhân lực, dễ chịu tác động mạnh trước những thay đổi của thị trường.

Những năm gần đây, một phương thức mới xuất hiện, phù hợp với đội ngũ khởi nghiệp, giúp họ phát triển sản phẩm, tiếp thị thương hiệu và thúc đẩy tăng trưởng.

Nếu sử dụng một cách hợp lý, phương thức này có thể mang tới hiệu quả tăng trưởng đáng kinh ngạc với mức chi phí tối thiểu. Đó chính là “phép màu” “hacker tăng trưởng”.

Sau đây là những bí kíp hiệu quả nhất mà tác giả Phạm Băng đã chia sẻ trong cuốn Internet phù phép Start-up. Những bí kíp này không chỉ giúp các công ty start-up mà cả các doanh nghiệp nói chung thúc đẩy tăng trưởng với chi phí “0 đồng”.

internet phu phep star-up
Sách Internet phù phép start-up. Ảnh: Thái Uyên.

Lựa chọn chính xác sản phẩm phù hợp với thị trường

Trong trí tưởng tượng của nhiều nhà khởi nghiệp, sản phẩm của họ chắc chắn sẽ là sản phẩm mà “người người, nhà nhà đều muốn mua”. Tiếp đến, hàng triệu người dùng sẽ đổ xô tìm mua sản phẩm. Sự tăng trưởng vũ bão ở khía cạnh người dùng và sự bùng nổ doanh thu chỉ là vấn đề thời gian.

Tuy nhiên, họ đã bỏ qua điểm quan trọng nhất: Những mong muốn tốt đẹp này đầu tiên phải được xây dựng dựa trên tiền đề: Thị trường chấp nhận sản phẩm đó. Nói cách khác, nếu sau vài tháng khổ công gây dựng mà cuối cùng thành quả khởi nghiệp vẫn không tạo được ấn tượng đối với thị trường, mọi nỗ lực trong suốt vài tháng đó sẽ đổ xuống sông, xuống bể.

Câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra một cách lý trí là: Liệu một sản phẩm có nên được làm ra hay không? Triển khai thành công một kế hoạch hoàn toàn vô nghĩa là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến thất bại.

Vì vậy, bạn cần có những sản phẩm thử nghiệm để đo lường mức độ đón nhận của thị trường.

“Sản phẩm khả dụng tối thiểu”

Sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP – Minimum Viable Product): Là nguyên mẫu sản phẩm tinh gọn nhất, lọc bỏ các tính năng dư thừa, nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường để người dùng mục tiêu sử dụng. Cần liên tục lắng nghe phản hồi để chắt lọc những thông tin có giá trị.

Sau khi có được phản hồi, các start-up sẽ tiến hành tối ưu hóa nguyên mẫu nhằm đạt trạng thái phù hợp với nhu cầu thị trường càng sớm càng tốt. Trong thị trường kinh doanh đầy rủi ro như hiện nay, thật nguy hiểm khi dốc toàn bộ nguồn lực của công ty để đầu tư vào sản phẩm.

Mục đích của MVP là giải đáp hai câu hỏi quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm: Thứ nhất là giả thiết giá trị, liệu sản phẩm này có thể đáp ứng nhu cầu của người dùng hay không? Thứ hai là giả thiết tăng trưởng, người dùng có sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm hay không?

internet cho start-up
Start-up là một hành trình đầy thách thức. Ảnh:Báo Đầu Tư.

Quảng bá sản phẩm: Mạng xã hội – Kho báu “người dùng”

Khi thị trường đã đón nhận sản phẩm, vấn đề tiếp theo là làm thế nào để quảng bá, thu hút thêm thật nhiều người dùng mới.

Những mạng xã hội hàng đầu trên thế giới hiện nay như Facebook, YouTube và WhatsApp… đang sở hữu hàng tỷ người tham gia. Đây chính là những kho báu “người dùng” các công ty khởi nghiệp cần tận dụng để quảng bá thương hiệu và sản phẩm.

Bằng những cách thức đơn giản như thành lập trang chủ chính thức; sáng tạo liên tục các nội dung marketing hấp dẫn; đăng nhập bằng tài khoản mạng xã hội; mời bạn bè cùng tham gia đóng góp ý kiến, trò chơi trúng thưởng, nhận quà miễn phí… các công ty start-up có thể thu hút hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu người dùng thành công từ nền tảng mạng xã hội.

Các ông chủ start-up giờ đây sẽ có rất nhiều công cụ hữu ích giúp họ thu hút khách hàng tiềm năng, giữ chân, khai thác khách hàng trung thành. Để từ đó, họ có thể “phù phép” “đứa con tinh thần” của mình trở thành những gã khổng lồ trong tương lai.

Phạm Băng, biệt danh là XDash. Anh là đối tác của Công ty TNHH Công nghệ Bắc Kinh Leyou Xingkong (Lạc Du Tinh Không), Tổng Giám đốc sản phẩm của “Gaonengfan” – một dự án phát triển công cụ xem phim hoạt hình hai chiều. Anh là quản trị viên trang web và nhà phát triển phần mềm chia sẻ sớm nhất ở Trung Quốc.

Năm 2018, anh được trao giải “Nhân vật có tầm ảnh hưởng” của giải thưởng Kim Vận.

Thái Uyên

Theo Zing.vn

Link nguồn: https://zingnews.vn/hacker-tang-truong-giup-start-up-dot-pha-trong-giai-doan-hau-covid-post1095144.html

Cùng chuyên mục