‘Hà Nội 7 món’ qua góc nhìn một người phố cổ

“A đây rồi Hà Nội 7 món” thoạt nghe tếu táo, bông lơn, nhưng sẽ vương lại nơi người đọc biết bao nhiêu ngẫm ngợi.

A đây rồi Hà Nội 7 món là một trong hai tác phẩm (cùng Cậu ấm) mang lại Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2015 cho nhà văn, nhà báo Trần Chiến. Sách mới được tái bản trong diện mạo mới.

Cuốn sách là hợp tuyển những tản văn, một số trong đó có thể coi là những “đoản luận”, về Hà Nội, dưới góc nhìn của một nhà báo kỳ cựu và hơn thế, một người đã sống già dặn nửa thế kỷ dưới những nếp nhà Hà Nội qua mưa nắng của thời cuộc.

ha-noi-7-mon-qua-goc-nhin-mot-nguoi-pho-co
Bìa sách A đây rồi Hà Nội 7 món. Ảnh: NXB Trẻ

Như độc giả đã quen với giọng văn “tỉnh” và “gọn” qua những tập truyện ngắn hay tiểu thuyết làm nên tên tuổi Trần Chiến, ở khuôn khổ những bài tản văn, ta như thấy được rõ hơn “căn cước” của tác giả – là “cậu ấm”, “con giai phố cổ” một thuở, tác giả luôn giấu một nụ cười rất kín, nhẩn nha đi xa về gần kể lể, bình xét, đâu đó thấy cả những cái nhăn trán, cau mày hóm hỉnh… về cái “Hà Nội này” của mình.

Những làn “sương phố mặt người” hiện lên trong các trang viết: Chuyện nết ăn nết ở của bà cô sống cả đời trong phố cổ, cho đến hoài niệm về bậc trưởng lão làng văn Tô Hoài, về một nụ cười mang tên Hoàng Công Khanh, về khoảng đời lặng lẽ của nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán.

Thấp thoáng thấy bóng dáng người mẹ “con gái Hàng Đường” một thuở của ông, truân chuyên đã khéo lo toan vun vén; và đâu đó cả người cha – nhà làm sử, nhà cách mạng kỳ cựu Trần Huy Liệu…

Chuyện những “người muôn năm cũ” như những trầm tích phi vật thể của Hà Nội, tạo một lớp sương khói bàng bạc thời gian cho quá khứ Hà Nội, để người đọc không khỏi tự có những cảm nghiệm so sánh riêng khi lần hồi về Hà Nội của hôm nay.

ha-noi-7-mon-qua-goc-nhin-mot-nguoi-pho-co
Nhà văn Trần Chiến. Ảnh: Danviet.

Trên cái nền ấy, những phố và chợ, những ngõ và hàng… cảnh trí Hà Nội cứ tự nhiên tạo khoảng không gian cho người viết bộc lộ cái tinh tường trong quan sát, đối sánh các thời đoạn để “nhìn” ra chiều kích xã hội học của thành phố này.

Ở đây, tác giả lại bộc lộ những phẩm chất nhà báo khi đi vào những chủ đề cụ thể: Số phận những ngôi biệt thự cũ, chuyện hun hút nhà ống “nửa vời”, sự biến thiên trong tính cách Hà Nội, nhịp sống thị dân xưa và nay…

Những bài viết có biên độ thời gian trải dài từ những năm đầu thập kỷ 90 cho đến cột mốc Thăng Long – Hà Nội bước qua ngưỡng cửa nghìn năm (2010) và cả những chuyển động đương thời của thành phố.

Mới và cũ, hiện tại và quá khứ, tân tiến và truyền thống, tất cả đan xen, đồng hiện và đôi khi chồng lấn lên nhau, tạo nên một diện mạo “7 món” cho Hà Nội – như cách gọi mang nhiều nét nghĩa tự trào.

Không ham khái quát, chỉ ghi lại những chuyển động của Hà Nội mấy mươi năm qua để mà suy tư, ngẫm ngợi, A đây rồi Hà Nội 7 món thoạt nghe tếu táo, bông lơn, đậm chất “tạp văn” nhưng hẳn sẽ vương lại nơi người đọc biết bao nhiêu ngẫm ngợi.

Tất nhiên có những chi tiết mang tính thời điểm viết, “ngày ấy, chuyện ấy”, giờ đã không còn là vấn đề thời sự. Nhưng đọc để thấy lòng yêu cái Hà Nội này vẫn có một cái gì xuyên suốt, được bảo lưu nguyên vẹn qua ngòi bút thâm trầm của Trần Chiến.

Xin mượn lời của chính tác giả: “Ai cũng có thể yêu Hà Nội và tình yêu thì không ai giống ai…Tình yêu này, không cần từng trải mới có được. Nhưng sống ở Hà Nội thì nên yêu Hà Nội. Có tình yêu thì vẫn tốt hơn, đừng nên chỉ coi nơi đây như một chốn dừng chân”.

Hải Sa

Theo Zing

 

Link nguồn: https://zingnews.vn/ha-noi-7-mon-qua-goc-nhin-mot-nguoi-pho-co-post1221416.html

Cùng chuyên mục