Graffiti và bước chuyển mình nghiêm túc

Vài năm gần đây, sự giao lưu văn hóa và phá cách trong sáng tác của nghệ sĩ trẻ khiến graffiti (vẽ tranh lên tường) phổ biến ở Việt Nam, được đón nhận mạnh mẽ và dần có những bước chuyển mình nghiêm túc, bước vào những triển lãm nghệ thuật bài bản.

graffiti-va-buoc-chuyen-minh-nghiem-tuc
Một triển lãm graffiti tại TP.HCM (thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát)

Thay đổi không gian để tỏa sáng

Sau hàng loạt hình ảnh bức tường trên các tuyến phố bị bôi bẩn, “cột điện nở hoa”, “nắp cống nở hoa”… nhiều người không còn thiện cảm với graffiti và loại hình nghệ thuật này chịu điều tiếng là… vẽ bậy ngoài đường. Nhắc đến graffiti, nhiều người vẫn cho rằng đây chỉ là một loại hình đường phố đi cùng văn hóa hip hop. Thực tế, graffiti không chỉ có thế, đây là một trường phái hội họa có tầm ảnh hưởng khá lớn ở châu Âu bên cạnh nhiều trường phái khác.

Nghệ sĩ Lưu Đoàn Duy Linh (26 tuổi, giải nhất cuộc thi Tài năng graffiti, do Viện Pháp tại TP.HCM tổ chức vào tháng 4/2021) chia sẻ: “Khởi điểm graffiti đơn giản chỉ là vẽ chữ cái tên mình lên tường, sau này nghệ sĩ vẽ graffiti còn kết hợp với kiến thức hội họa ở trường lớp để đẩy mạnh giá trị của graffiti. Theo tôi, graffiti hiện nay có giá trị về mặt hội họa rất lớn, nó kết hợp với kiến thức hội họa nhưng không bị gò bó mà có thể tự do để phát triển bản thân”.

Không dừng lại ở đường phố, một triển lãm graffiti chủ đề “Hoa đào nở mùa hè” vào tháng 4.2021 tại TP.HCM đã thu hút nhiều khán giả. Anh Đặng Hoàng Trương (34 tuổi, ngụ quận 3) chia sẻ: “Trước giờ, tôi không thích nên cũng không quan tâm đến graffiti, lần này tới triển lãm theo lời mời của một người bạn thân, mọi thứ ở đây khiến tôi ngạc nhiên. Tác phẩm dễ xem, dễ hiểu, hoàn toàn khác hẳn với những kiểu vẽ nguệch ngoạc trên tường mà tôi hay thấy”.

Triển lãm graffiti ở Việt Nam tuy không quá lớn và cũng không quá nhiều so với hội họa truyền thống, nhưng sự chuyển mình của graffiti từ không gian đường phố vào không gian nghệ thuật cho thấy sự nghiêm túc theo đuổi loại hình nghệ thuật này của nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam và gu thẩm mỹ khán giả cũng bắt đầu thay đổi. “Đây là lần đầu tiên tôi xem triển lãm garffiti ở phòng trưng bày nghệ thuật, trước giờ chỉ nghĩ loại hình này là vẽ đường phố, ngoài trời thôi, tác phẩm ở đây rất hay và rất dễ cảm”, chị Hoàng Thị Minh Thư (28 tuổi, ngụ quận 1) bày tỏ.

Cái hay nằm ở việc mất đi

Vẽ tường ở những không gian ngoài trời chính là ưu điểm để graffiti gần hơn với cộng đồng yêu thích mình, nhưng đây cũng chính là điểm yếu của loại nghệ thuật này, bởi nó chịu ảnh hưởng bởi thời tiết và chưa kể những bức tường có thể biến mất. Khác với hội họa truyền thống, việc lưu giữ tác phẩm graffiti có thể chỉ là những hình ảnh chụp lại. “Việc lưu trữ graffiti hiện tại khá dễ dàng vì có máy chụp hình và digital nếu bạn vẽ trên máy tính. Tuy nhiên, việc quan sát một bức graffiti ở ngoài thực tế vẫn có trải nghiệm thú vị hơn nhiều. Dù các tác phẩm có thể bị thay đổi liên tục, nhưng đó cũng là cái hay của riêng nó”, nghệ sĩ graffiti Trang Nhơn Khoa chia sẻ.

Với nghệ sĩ theo đuổi lĩnh vực này, việc các tác phẩm graffiti mất đi và liên tục phải thay đổi chính là thế mạnh để thúc đẩy khả năng sáng tạo không ngừng của người vẽ. “Chính việc tác phẩm mất đi sẽ khiến nghệ sĩ tìm tòi cái mới, ấn tượng hơn, hoặc thay đổi tác phẩm để truyền tải thông điệp nào đó trong cuộc sống đang được mọi người quan tâm”, nghệ sĩ Lưu Đoàn Duy Linh bày tỏ.

Để nghệ sĩ có thể sáng tạo và thực hành nhiều hơn, graffiti không dừng lại ở việc vẽ trên tường, loại hình này đã được ứng dụng trên nhiều chất liệu khác nhau từ vải toan, tượng… đến digital. Và ứng dụng để in lên quần áo, quà lưu niệm thủ công… cũng là cách để nghệ sĩ theo đuổi graffiti có thể tạo ra kênh kiếm tiền. “Hiện tại người theo đuổi graffiti không nhiều, cơ bản do cộng đồng vẫn chưa chấp nhận nó là một loại hình nghệ thuật mà chỉ đơn giản là vẽ bậy ngoài đường. Sau này, tôi nghĩ các nghệ sĩ có thể áp dụng graffiti trong các mảng digital hoặc một phương thức nào đó tiện lợi hơn”, nghệ sĩ Duy Linh giải thích thêm.

Theo nhiều nghệ sĩ, với graffiti, cảm xúc là quan trọng nhất, kỹ năng hay chuyên môn là công cụ để tạo hình lại. Tuy nhiên, để theo đuổi và xem graffiti như một công việc để mưu sinh không phải là điều dễ dàng. Hiện tại ở Việt Nam chưa có trường lớp nào dạy bài bản bộ môn này, chủ yếu là những người đi trước chia sẻ và hỗ trợ người đi sau. Vì thế, người trẻ khi yêu thích và đặt mục tiêu theo đuổi graffiti cần có sự định hướng rõ. “Tôi nghĩ, với graffiti thì rất cần cả sự nghiêm túc và yêu thích”, nghệ sĩ Trang Nhơn Khoa bày tỏ.

Tháng 9/2020, nghệ sĩ graffiti gốc Việt Cyril Kongo (Cyril Phan) đã mở phòng trưng bày cá nhân về graffiti “Cyril Kongo Hanoi Gallery” (9 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Vào thời điểm cộng đồng graffiti bị coi là phá hoại diện mạo công cộng, ông đã tổ chức một liên hoan graffiti quốc tế mang tên Kosmopolite và cùng với những đồng nghiệp của mình đưa graffiti trở thành một hiện tượng văn hóa.

Thanh Dương

Theo sggp.org.vn

 

Link nguồn: https://www.sggp.org.vn/graffiti-va-buoc-chuyen-minh-nghiem-tuc-742276.html

Cùng chuyên mục