Góc núi, mây thôi giăng buồn

Cuộc hẹn vừa dứt, Hồ Thị Nỉ đã quày quả quay về nhà để đợi khách. Hơn 2 năm làm trưởng thôn, Nỉ cùng bà con đã từng bước bước ra khỏi cuộc sống nghèo nàn và hủ tục cay nghiệt. Ngôi làng nhỏ giữa rừng bây giờ đã thôi giăng mắc một màu mây buồn thuở trước.

Một góc bình yên thôn 2 (xã Phước Lộc).

Những “mảnh hồn cô đơn”

Bỏ lại căn chòi phía bìa rừng sau cuộc sinh nở đầu tiên đầy bão táp, cô gái Bh’noong – Hồ Thị Dẻo, ở thôn 2 (xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn) đã chuyển hẳn về nhà ở. Lần sinh đứa thứ hai, cách đây vài tháng, Dẻo không lên chòi nữa. Căn nhà bếp của đôi vợ chồng trẻ trở thành “giường sinh” dưới sự giúp sức của cán bộ y tế.

Nhớ đợt đó, sau lần đi khám trở về, Dẻo lên cơn đau, rồi chuyển dạ bất ngờ. Người nhà chỉ kịp gọi bác sĩ ở trạm y tế xã, rồi đỡ đẻ ngay tại nhà. Mẹ tròn con vuông. Dẻo ở cữ suốt 10 ngày trong nhà của mình.

Dẻo kể, đứa con đầu lòng, do sinh ở căn chòi trong cảnh mưa gió nên hay ốm vặt. Đã hơn 4 tuổi nhưng người tong teo như nhánh cây lau trên rừng. Trời thương, nên đứa con thứ hai này, sức đề kháng tốt hơn, khỏe mạnh và ít quấy.

Nhờ sinh ở nhà đấy. Có điều kiện chăm sóc nên nó khỏe mạnh hơn”. Dẻo cười với khách. Nụ cười bẽn lẽn của người mẹ trẻ vừa bước qua tuổi 25 như ẩn giấu niềm vui trong lòng.

Hồ Thị Dẻo bên căn nhà ở cữ, xóa bỏ hủ tục ở cữ trên rừng.

Là bởi, trong ký ức của Dẻo, ngày trước, người Bh’noong thường ở cữ nơi bìa rừng, cách xa trung tâm của làng. Luật tục lâu đời nên rất khó bỏ. Trước ngày sinh, người thân dựng riêng cho sản phụ một căn chòi nhỏ ngoài khu vực địa giới cộng đồng.

Một mình vượt cạn và ở cữ. Họ chỉ được phép ẵm đứa trẻ trở về nhà khi đã tròn đủ 10 ngày trong rừng, sau đó bước vào nhà bằng những lễ vật cúng bái cho làng.

Như một thứ quyền năng của luật tục, tiếp nối bao đời, người Bh’noong vẫn duy trì hủ tục mà ngay chính họ vẫn còn rất mơ hồ. Ngoài bà đỡ, chỉ duy nhất người chồng được phép tiếp cận sản phụ để tiếp tế thức ăn, giặt giũ quần áo.

Thậm chí, sau khi đã hạ sinh em bé, không một người nào dám đến thăm, ngay cả người thân của sản phụ. Họ sợ bị làng phát hiện rồi trách phạt, không đủ số tiền để sắm lễ cúng, lại sợ vướng phải “phong long” làm gián đoạn công việc nương rẫy của gia đình.

Vì thế, hủ tục cứ kéo dài và gây lắm gian nan mất mát cho những cuộc duy trì nòi giống. Đã có nhiều trường hợp vì mưa lạnh, vì mất máu mà sản phụ tử vong ngay chính căn chòi, giữa cánh rừng sâu.

Nhưng chừ thì hết rồi. Phụ nữ sinh con đều ở nhà hết. Dù cũng phải ở cữ đủ 10 ngày, nhưng không còn ở cữ nơi bìa rừng sâu nữa” – Dẻo bộc bạch. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, đưa mắt nhìn theo cánh võng đu đưa trong căn bếp, cùng nụ cười của người phụ nữ từng là nạn nhân của hủ tục ngày cũ.

Trưởng thôn Hồ Thị Nỉ chỉ tay về phía cánh rừng phía trước mặt, bảo nơi những căn chòi cũ được dựng, sau nhiều năm bỏ hoang nay đã trở thành khu đất sản xuất của cộng đồng. Nhưng hành trình để thay đổi một nếp nghĩ mới cho đồng bào thực sự khó khăn hơn những gì mà nữ trưởng thôn tưởng.

Nỗi ám ảnh về ma rừng, về những câu chuyện tâm linh, vì lo sợ bị thần trách phạt như đã ăn sâu vào trong tiềm thức của dân làng. Vậy là trưởng thôn Nỉ phải đi trước để đồng bào làm theo, rồi phối hợp với chính quyền địa phương làm công tác tuyên truyền, vận động.

Kết quả là bây giờ không còn ai phải ở cữ trên rừng, nơi những căn chòi cũ được ví như “mảnh hồn cô đơn”, cất giấu một phần ký ức buồn của dân làng.

Nói đâu cho xa, như Hồ Thị Nỉ và rất nhiều phụ nữ Bh’noong ở Phước Lộc này, chỉ vài năm trước, vẫn còn là nạn nhân của hủ tục ở cữ. Đó là lúc Nỉ sinh đứa con đầu lòng, phải ra ở riêng nơi bìa rừng, hơn 6 năm trước.

Bệnh tật và tủi hổ. Nỉ đã lập kế hoạch để thay đổi, xóa bỏ những hủ tục của dân làng. Kế hoạch được tiến hành từng bước một, vận động từ người thân, bà con gần, cho đến cả làng. Thành công nhất, Nỉ nói là cho đến giờ phút này, đồng bào đã thôi quan niệm ở cữ trong rừng và đến trạm y tế để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe hậu sản được tốt hơn.

Từ bước chuyển mới trong tư duy của đồng bào Phước Lộc, nhiều người nói, đó chính là kỳ tích sau hành trình dân vận không mệt mỏi của nữ trưởng thôn Hồ Thị Nỉ và các cấp chính quyền địa phương.

Không còn sợ kim tiêm!

Đừng cười vội. Tôi không kể chuyện tiếu lâm. Ở vùng thâm sơn cùng cốc này, đó là niềm tự hào của không ít cán bộ xã. Ông Bùi Dương Quốc Anh – cán bộ Văn phòng xã Phước Lộc kể, lúc cao điểm xảy ra dịch bạch hầu, để vận động bà con tiêm chủng, cán bộ xã phải đến tận thôn làm mẫu để nhân viên y tế tiêm, cho bà con tin rằng việc dùng kim tiêm để chích vào cơ thể là không gây chết người. Nhờ đó, mà bà con mới đồng ý để tiêm.

Cán bộ Trạm Y tế xã Phước Lộc đến từng hộ dân để tuyên truyền việc chăm sóc sức khỏe, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trước đây.

Hồi đó, cũng có nhiều người dân vì sợ nên bỏ trốn lên rừng. Chúng tôi huy động lực lượng đi tìm, rồi đưa về để chích ngừa. Lúc đó, anh em cán bộ xã chỉ nghĩ bằng mọi giá phải để người dân tiêm chủng. Có thế mới dập được dịch bạch hầu. Nhưng phải qua mấy năm vận động liên tục, dần dà bà con mới coi chuyện chích thuốc cho mình hay chích ngừa cho trẻ là… “chuyện thường ngày ở rừng” – ông Anh chia sẻ.

Hôm trước, ở lại trụ sở ủy ban xã, nghe chuyện về đời sống của bà con ở thôn 8A, 8B (nay là thôn 2) mà tò mò không thể ngồi im. Trong cơn mưa núi, Chủ tịch UBND xã – Lưu Huyền Thoại cười xòa, nói sau trận dịch bạch hầu bùng phát chừng hơn 5 năm trước khiến nhiều người chết, bà con đã quen dần với mũi tiêm. Bây giờ, hễ đau ốm gì cũng đều tìm đến trạm y tế xã.

Lúc ghé vào Trạm Y tế xã Phước Lộc, hỏi Trưởng trạm Alăng Đạt, anh bảo từ sau trận dịch bạch hầu, người dân đã “biết sợ” nên không ngại đến trạm y tế xã để khám bệnh mỗi khi đau ốm. Chuyện cúng bái, mổ trâu bò như trước đây cũng đã dần được xóa bỏ, người dân bây giờ đã tin vào bác sĩ mà yên tâm chữa trị.

Hằng tháng, khi trạm có thông báo lịch tiêm chủng, bà con cũng đều nhanh chóng đưa con đi tiêm, vì thế việc cán bộ y tế phải đến tận thôn để vận động như trước đây cũng đỡ dần” – bác sĩ Alăng Đạt nói.

Nhớ đợt trước, lúc đến Phước Lộc nhân sự kiện địa phương này xuất hiện “bệnh lạ” khiến 5 người chết và nhiều người khác có triệu chứng đau họng không rõ nguyên nhân. Ngành y tế vào cuộc, “bệnh lạ” được xác định là bạch hầu.

Phước Lộc trở thành tâm dịch bạch hầu, kéo dài hàng tháng trời để dập dịch. Hồi đó, vẻ mặt của Chủ tịch UBND xã Lưu Huyền Thoại lúc nào cũng căng thẳng. Vì dịch, vì hủ tục của đồng bào. Nhưng trong câu chuyện hôm nay, những ký ức cũ đã không còn nghe gợi nhắc. Mọi thứ dần đổi thay. Những lễ cúng ma rừng, cúng thần núi cũng dần ít hiện diện; niềm tin vào thầy mo, thầy cúng không còn nữa. “Ốm đau là xuống bệnh viện, nên rất mừng” – ông Thoại cười hiền.

Tháng 5, hoàng hôn hắt nắng qua những đám mây màu cánh vạc bàng bạc trên đồi. Khắp một vùng tái định cư, ánh điện bắt đầu bừng sáng. Con đường bê tông nối dài dưới chân núi, đón những bước chân rong ruổi về làng. Không còn chìm đắm trong cơn say men rượu, những cư dân của thôn 2 đã bắt đầu nghĩ về câu chuyện làm kinh tế. Phía trước cổng làng, những tấm bảng panô tuyên truyền về dịch Covid-19 được dựng ngay ngắn. Đám trẻ nít nô đùa, hồn nhiên cưỡi trên lưng trâu, vang nụ cười trong trẻo.

ALăng Ngước

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/phong-su-ky-su/goc-nui-may-thoi-giang-buon-88013.html

Cùng chuyên mục