Góc chia sẻ: Chuyện tình xưa

Ông bà ngoại tôi có mười lăm người con, bảy gái và tám trai. Hiện còn mười hai người. Ngày ngày ông tú tài đọc sách ngâm thơ, đi đâu ông cũng đi bằng ngựa. Còn bà trồng dâu, chăn tằm, kéo sợi. Cuộc sống thật là êm ấm, thật là sung túc.

Mặc dù trong nhà đông đúc, cả con cháu, người làm, vú nuôi, người trông ngựa, tổng cộng hơn ba mươi người, nhưng nhờ tài quán xuyến khéo léo của bà ngoại, nên gia đình trong ấm ngoài êm.

Bỗng một hôm, lính mật thám về bắt ông ngoại tôi đi. Bà ngoại tôi đau đớn, hoảng loạn và dò tìm khắp nơi. Sau mới biết ông bị bắt vì đi theo phong trào Cần Vương, cuối cùng bà phải bán đi gần nửa số tài sản gồm ruộng lúa nương dâu để lo lót cho ông về. Từ đó cuộc sống gia đình sa sút. Mẹ tôi đã thi đậu bằng Tiểu học (pri-me) năm 1935 nhưng phải nghỉ học ở nhà hái dâu. Mẹ tôi người tròn trịa, xinh xắn và học rất giỏi. Ông ngoại thường kiêu hãnh về sự thông minh hiếm có của mẹ. Ông ngoại tôi cũng tiếc mẹ là con gái, nếu là con trai ông sẽ cho đi học trường Bưởi ở ngoài Hà Nội như cậu Ba của tôi.

Kế mẹ là cậu Chín, to xác nhưng rụt rè, biếng học, mẹ thường gọi là “Cọp Giấy”. Trên mẹ là dì Bảy, dáng người thon thả, dịu dàng, kín đáo, da trắng mịn, dì rất đẹp. Ba tôi, một chàng trai từ xứ kinh thành Huế, đến ở trọ gần nhà và chơi thân với cậu Chín, cùng làm nhà máy dệt Đờ-li-nhông. Lần đầu tiên, ba gặp dì Bảy, ba cảm thấy lòng mình ngẩn ngơ, xao động, bâng khuâng. Rồi hai người nhìn nhau qua ánh mắt ngọt ngào, nồng ấm, cảm thông… Ba nhờ người mai mối và được ông ngoại đồng ý. Ông ngoại hỏi ba đến ba lần và ba tôi đều trả lời: “xin cưới cô em”. Sự vội vã của ba, sự lầm lẫn oái ăm của tạo hóa đã để lại một dấu ấn tiếc nuối in đậm trong tâm tư của hai người, chỉ qua ngày sau thôi là mọi việc rõ ràng: cô em là mẹ tôi. Ba buồn lắm, ba chỉ biết an ủi mình là số phận sắp đặt và an bài. Ba tiến hành hôn lễ mà lòng buồn bã, ngậm ngùi. Nhưng rồi với sự thông minh, tế nhị của mẹ, ba và mẹ đều có hạnh phúc bên nhau.

goc-chia-se
Một góc Biển Hồ Chè – Pleiku, Gia Lai. Nguồn ảnh: gialaitourist

Cưới xong, ba mẹ và cậu Chín lên sở Chè Biển Hồ – Pleiku làm. Từ đó, dì Bảy bị mọi người bảo là đau bệnh tà, cứ vào buồng nằm. Dì ngày càng héo hon và bảy năm sau, dì đi hái dâu về, bị một cơn mưa lớn, ướt đẫm rồi trở đau nặng, rồi yểu mệnh.

 Được tin dì Bảy ra đi, ba buồn lắm, ba cứ nhìn về phương trời xa xăm, như nhớ lại những hồi ức về mối tình đầu tiên trong đời. Sau này, tôi lớn lên, ba và mẹ đã có nhiều con, mẹ thường trêu ba về cái tội hấp tấp để xảy ra mối tình chị duyên em lạ lùng. Riêng tôi, hình dáng dịu dàng, thanh mảnh và cuộc đời ngắn ngủi của dì Bảy cứ vấn vương trong tâm trí. Có lần về nhà ngoại, nay là Nguyễn Tộc Tự Đường, tôi nhìn lên các khuôn hình trên bàn thờ mong tìm bóng dáng người dì thuở ấy nhưng không, không có, dì là nữ nhân ngoại tộc, dì không được lồng hình thờ trong dòng họ Nguyễn trang nghiêm.

Trên bàn thờ ông ngoại, cuốn gia phả dày cộm, chi chít những tên người vừa tiếng Việt, vừa tiếng Nôm của quá khứ, lật qua những tờ giấy cũ kỹ, tôi tìm thấy tên dì với chữ “tử” đã vàng úa, mỏng manh như cuộc đời của dì, hắt hiu như một bản nhạc xa xăm…

Cẩm Tú Cầu

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/goc-chia-se-chuyen-tinh-xua/

Cùng chuyên mục